1

Có thể nhịn tiểu tối đa bao lâu?

Các bác sĩ khuyên nên đi tiểu thường xuyên, khoảng ba giờ một lần nhưng điều này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được. Có những lúc chúng ta bắt buộc phải nhịn tiểu, chẳng hạn như khi ở nơi không có nhà vệ sinh hay khi đang lái xe. Mặc dù nhịn tiểu khoảng 1 – 2 giờ sẽ không vấn đề gì nhưng việc nhịn tiểu quá lâu hoặc thói quen không đi tiểu thường xuyên sẽ có hại cho cơ thể.
Có thể nhịn tiểu tối đa bao lâu? Có thể nhịn tiểu tối đa bao lâu?

Bàng quang khỏe mạnh có thể chứa khoảng 500ml nước tiểu và cơ thể phải mất từ 9 – 10 giờ để tạo ra lượng nước tiểu này. Như vậy, chúng ta có thể không đi tiểu trong 9 – 10 tiếng mà không gây tổn hại đến các cơ quan.

Bàng quang có thể giãn thêm ra và chứa nhiều hơn 500ml nước tiểu. Tuy nhiên, nếu như bạn không thể đi tiểu được thì đây là điều bất thường và tốt hơn hết hãy đi khám.

Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc chúng ta có thể nhịn tiểu trong bao lâu và điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta nhịn tiểu.

Kích thước bàng quang

Kích thước bàng quang và thời gian để bàng quang đầy thay đổi theo độ tuổi.

Độ tuổi Kích thước bàng quang trung bình Thời gian để bàng quang đầy
Trẻ sơ sinh (0 – 12 tháng) 30 – 60 ml 1 giờ
Trẻ 1 – 3 tuổi 90 – 150 ml 2 giờ
Trẻ 4 – 12 tuổi 210 – 420 ml 2 – 4 giờ
Người lớn 480 – 720 ml 8 – 9 giờ (60 ml mỗi giờ)

Quá trình làm đầy và làm trống bàng quang

Bàng quang là một cơ quan có khả năng co giãn. Nước tiểu sau khi được lọc ở thận sẽ chảy vào bàng quang qua niệu quản. Khi bàng quang chứa 500 – 700ml nước tiểu thì được coi là đầy. Khi đi tiểu, các cơ co bóp để đẩy nước tiểu từ bàng quang ra ngoài.

Nghiên cứu cho thấy rằng bàng quang có thể liên lạc trực tiếp với não bộ. Bàng quang chứa các thụ cảm báo cho não bộ biết mức độ đầy của cơ quan này.

Bàng quang có một “vạch giới hạn” vô hình. Khi nước tiểu đầy đến vạch này, não bộ sẽ nhận được tín hiệu cho biết bạn cần đi tiểu. Điều này xảy ra khi bàng quang mới chỉ đầy một phần tư.

Khi bạn bắt đầu cảm thấy buồn tiểu, bàng quang vẫn chưa đầy hoàn toàn mà vẫn còn có thể chứa thêm được khá nhiều nước tiểu nữa. Và khi bàng quang đầy, các cơ xung quanh sẽ co lại để giữ nước tiểu không bị rò rỉ ra ngoài cho đến khi bạn đi tiểu.

Cáọ bệnh lý ảnh hưởng đến bàng quang có thể dẫn đến các vấn đề về tiểu tiện như tiểu không tự chủ, bàng quang tăng hoạt và bí tiểu. Nguy cơ gặp phải những vấn đề này sẽ tăng cao sau tuổi 50.

Tác hại của nhịn tiểu

Việc nhịn tiểu 1, 2 lần sẽ không dẫn đến hậu quả về lâu dài nào. Nhưng nếu liên tục nhịn tiểu thì sẽ gây ra nhiều vấn đề. Nói chung, hãy đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn.

Dưới đây là một số tác hại của việc nhịn tiểu:

  • Không đi tiểu thường xuyên hay liên tục nhịn tiểu sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Nếu thường xuyên nhịn tiểu, bàng quang có thể dần bị teo đi. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến chứng tiểu không tự chủ.
  • Nếu không đi tiểu từ 10 giờ trở lên thì có thể bạn đã bị bí tiểu, có nghĩa là các cơ trong bàng quang không thể giãn ra để giải phóng nước tiểu ra ngoài, ngay cả muốn đi tiểu.

Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng việc nhịn tiểu có thể khiến bàng quang bị vỡ.

Nhịn tiểu có gây tử vong không?

Khả năng tử vong do nhịn tiểu là rất, rất thấp. Một số chuyên gia còn khẳng định điều này không thể xảy ra. Nói chung, khi quá đầy, bàng quang sẽ tự giải phóng nước tiểu, hay nói cách khác, bạn sẽ không thể nhịn tiểu lâu đến mức đe dọa đến tính mạng.

Nhưng đôi khi, việc nhịn tiểu quá lâu có dẫn đến bí tiểu, có nghĩa là không thể đi tiểu được. Điều này có thể dẫn đến vỡ bàng quang. Vỡ bàng quang có thể đe dọa đến tính mạng và cần được can thiệp khẩn cấp.

Đi tiểu thường xuyên giúp loại bỏ vi khuẩn ra khỏi bàng quang và khi nhịn tiểu trong thời gian dài, vi khuẩn sẽ tồn tại và sinh sôi trong bàng quang. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây ra nhiều biến chứng, bao gồm cả nhiễm trùng máu. Nhiễm trùng máu là tình trạng rất nguy hiểm, có thể gây suy đa tạng và thậm chí dẫn tới tử vong.

Tuy nhiên, thi thoảng nhịn tiểu khoảng vài giờ sẽ không vấn đề gì.

Nên đi tiểu bao nhiêu lần một ngày?

Tần suất đi tiểu ở mỗi người là khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ vận động hay lượng nước uống.

Vì bàng quang của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có kích thước nhỏ hơn, chứa được ít nước tiểu hơn nên trẻ cần đi tiểu thường xuyên hơn. Trẻ sơ sinh thường phải thay bỉm ít nhất 6 – 8 lần/ngày.

Trẻ 1 – 3 tuổi có thể còn đi tiểu nhiều hơn thế, đặc biệt là trong thời gian trẻ đang cai bỉm. Vào khoảng thời gian này, trẻ có thể đi vệ sinh 10 lần một ngày hoặc thậm chí nhiều hơn.

Người lớn thường đi tiểu 6 – 7 lần mỗi ngày nhưng đi ít hơn (4 lần) hay nhiều hơn (lên đến 10 lần) vẫn được coi là trong phạm vi bình thường.

Có một số nguyên nhân khiến chúng ta đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn so với bình thường.

Thuốc và một số bệnh lý

Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu được sử dụng để điều trị cao huyết áp, sẽ làm tăng tần suất đi tiểu. Các bệnh lý và tình trạng, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, mang thai và bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm, cũng có thể khiến chúng ta đi tiểu nhiều lần hơn.

Mất nước

Nếu ít đi tiểu thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị mất nước. Mất nước xảy ra khi cơ thể mất nhiều nước hơn lượng nước hấp thụ. Khi không có đủ nước, các chức năng của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ít đi tiểu, các dấu hiệu khác của mất nước còn có:

  • Chóng mặt
  • Nước tiểu sậm màu
  • Khô miệng, khô da

Các vấn đề ảnh hưởng đến khả năng đi tiểu

Có nhiều bệnh lý gây tiểu khó, không thể đi tiểu hoặc không thể làm trống bàng quang hoàn toàn, chẳng hạn như:

  • Suy thận
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Rối loạn kiểm soát bàng quang, chẳng hạn như tiểu không tự chủ, bàng quang tăng hoạt và viêm bàng quang kẽ
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu gây cản trở nước tiểu chảy ra ngoài từ bàng quang

Khi nào cần đi khám?

Bạn nên đi khám nếu bị tiểu khó (phải rặn mạnh khi đi tiểu). Không nên bỏ qua vì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và cũng không nên chờ cho triệu chứng tự khỏi. Nếu sau 36 đến 48 giờ mà tình trạng tiểu khó vẫn không cải thiện thì hãy đi khám ngay.

Đối với trẻ nhỏ

Vấn đề tiểu khó ở trẻ nhỏ thường khó phát hiện hơn, đặc biệt là ở giai đoạn sơ sinh đến 3 tuổi, khi trẻ chưa biết nói hoặc chưa nói được nhiều.

Bố mẹ hoặc người chăm sóc nên theo dõi số tã phải thay mỗi ngày. Nếu thay tã dưới 4 lần mỗi ngày thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa.

Ngoài ra, hãy chú ý đến màu nước tiểu của trẻ. Nước tiểu bình thường không có màu hoặc màu vàng nhạt. Nếu nước tiểu có màu vàng sậm hay màu hổ phách thì có thể trẻ đang bị mất nước. Bố mẹ và người chăm sóc phải đặc biệt chú ý đến tình trạng mất nước của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong những tháng mùa hè.

Tóm tắt bài viết

Thi thoảng nhịn tiểu một vài tiếng sẽ không có vấn đề gì. Rất hiếm khi nhịn tiểu gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, thường xuyên nhịn tiểu sẽ gây hại. Tốt nhất nên đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn và không nên vội vàng khi đi tiểu, điều này có thể khiến bàng quang làm trống không hoàn toàn.

Một số bệnh lý có thể gây tiểu khó, đau buốt khi đi tiểu hoặc thậm chí là không thể đi tiểu, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận, sỏi bàng quang, suy thận, phì đại tuyến tiền liệt. Nên đi khám càng sớm càng tốt khi gặp những triệu chứng này. Nếu không được điều trị, một số nguyên nhân gây rối loạn tiểu tiện có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: có thể, tối đa
Tin liên quan
Nguyên nhân nào gây tiểu buốt, tiểu rát?
Nguyên nhân nào gây tiểu buốt, tiểu rát?

Tiểu buốt hay tiểu rát là từ dùng chung cho hiện tượng đau đớn, nóng rát hoặc buốt mỗi khi đi tiểu.

Són tiểu do tăng áp lực là gì?
Són tiểu do tăng áp lực là gì?

Tiểu không tự chủ do áp lực xảy ra khi các cơ hỗ trợ bàng quang (cơ sàn chậu) và các cơ điều tiết giải phóng nước tiểu (cơ vòng niệu đạo) bị suy yếu

Tiểu són do tiểu không hết bãi là gì và điều trị như thế nào?
Tiểu són do tiểu không hết bãi là gì và điều trị như thế nào?

Tiểu són do tiểu không hết bãi là xảy ra phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Gần một nửa số người bị vấn đề này là người trên 65 tuổi.

Són tiểu cấp kỳ là gì?
Són tiểu cấp kỳ là gì?

Mặc dù són tiểu cấp kỳ là một vấn đề phổ biến và có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng phụ nữ và người lớn tuổi là những đối tượng có nguy cơ mắc phải cao nhất.

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu là gì?
Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu là gì?

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu là một phương pháp xét nghiệm giúp phát hiện các vấn đề được biểu hiện qua dấu hiệu bất thường trong nước tiểu.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây