Nhịn tiểu có gây hại không?
Bàng quang có thể chứa bao nhiêu nước tiểu?
Bàng quang của người trưởng thành khỏe mạnh có thể chứa tới 500ml (16 ounce) nước tiểu.
Dung tích bàng quang của trẻ em dưới 2 tuổi là khoảng 120ml (4 ounce). Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên, có thể tính dung tích bàng quang bằng cách lấy tuổi của trẻ chia cho 2, sau đó cộng với 6 (đơn vị ounce). Ví dụ, bàng quang của trẻ 8 tuổi có thể chứa được 10 ounce (khoảng 300ml) nước tiểu.
Khi chứa một lượng nước tiểu nhất định, các dây thần kinh ở bàng quang sẽ phát tín hiệu báo cho não bộ biết rằng bàng quang đã đầy và não bộ sẽ tạo ra cảm giác buồn tiểu. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể vào nhà vệ sinh ngay khi cảm thấy buồn tiểu.
Hầu hết mọi người đều đã từng nhịn tiểu ít nhất một lần mặc dù biết rằng nhịn tiểu không tốt. Vậy có đúng là nhịn tiểu có gây hại hay không và gây hại như thế nào?
Nhịn tiểu có gây hại không?
Nói chung, việc nhịn tiểu không gây nguy hiểm nếu như hệ tiết niệu khỏe mạnh. Nhưng ở người lớn, cảm giác buồn tiểu dữ dội sẽ xuất hiện khi bàng quang chứa trên 500ml nước tiểu.
Đối với những người bị hội chứng bàng quang tăng hoạt, việc nhịn tiểu là một phần quan trọng trong quá trình rèn luyện bàng quang. Rèn luyện bàng quang sẽ giúp giảm tần suất đi tiểu trong ngày.
Không có hướng dẫn cụ thể về thời gian nhịn tiểu an toàn bởi cơ thể mỗi người là khác nhau.
Trong một số trường hợp, việc nhịn tiểu, bất kể là trong bao lâu đều gây nguy hiểm,. Nếu bạn có các vấn đề dưới đây, việc nhịn tiểu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc bệnh thận:
- Phì đại tuyến tiền liệt
- Bàng quang thần kinh
- Bệnh thận
- Bí tiểu
Phụ nữ đang mang thai vốn đã có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường tiết niệu và nếu như nhịn tiểu thì nguy cơ sẽ càng tăng cao.
Điều gì xảy ra trong cơ thể khi nhịn tiểu?
Cảm giác buồn tiểu khi bàng quang đầy là kết quả của một quá trình khá phức tạp có sự tham gia của nhiều nhóm cơ, cơ quan và dây thần kinh. Tất cả phối hợp với nhau để báo cho chúng ta biết rằng đã đến lúc phải đi tiểu.
Khi bàng quang đầy khoảng một nửa, các dây thần kinh trong bàng quang sẽ được kích hoạt. Những dây thần kinh này truyền tín hiệu đến não để não tạo ra cảm giác buồn tiểu. Sau đó, não chỉ đạo bàng quang tiếp tục giữ nước tiểu cho đến khi chúng ta sẵn sàng xả nước tiểu. Nhịn tiểu có nghĩa là chúng ta đang chống lại tín hiệu của cơ thể một cách có ý thức.
Những tín hiệu này ở mỗi người là khác nhau và cũng thay đổi theo độ tuổi, lượng nước trong bàng quang và khoảng thời gian trong ngày. Ví dụ, tín hiệu buồn tiểu giảm vào ban đêm và nhờ đó nên chúng ta có thể ngủ 6 – 8 tiếng liên tục mà không cần phải thức giấc vài tiếng một lần để đi tiểu.
Nếu những tín hiệu này xuất hiện liên tục thì đó có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như bàng quang tăng hoạt – tình trạng mà bàng quang bị kích hoạt mỗi khi có áp lực.
Đi tiểu nhiều lần là một vấn đề phổ biến ở phụ nữ sau khi sinh con. Điều này có thể là do những thay đổi xảy ra trong quá trình mang thai và sinh nở, gồm có cơ sàn chậu suy yếu và tổn thương dây thần kinh.
Nhịn tiểu có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu không?
Bản thân việc nhịn tiểu sẽ không gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu.
Tuy nhiên, khi nước tiểu ứ lại trong bàng quang trong thời gian dài, vi khuẩn sẽ có thể trú ngụ và nhân lên trong bàng quang. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu. Một số nghiên cứu đã được thực hiện về chủ đề này nhưng vẫn chưa chứng minh được mối liên hệ giữa việc nhịn tiểu và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cũng sẽ tăng lên nếu như bạn không uống đủ nước. Lý do là bởi khi không uống đủ nước, bàng quang sẽ không đủ đầy để gửi tín hiệu cho não bộ tạo cảm giác buồn tiểu. Vi khuẩn vốn đã tồn tại trong đường tiết niệu lúc này sẽ có thể sinh sôi phát triển và dẫn đến nhiễm trùng.
Nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường nghi là nhiễm trùng đường tiết niệu thì hãy đi khám
Các triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:
- Buồn tiểu liên tục
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Nước tiểu có mùi nồng
- Nước tiểu đục
- Có máu trong nước tiểu
- Đau vùng chậu
>>> Các nguyên nhân khiến nước tiểu có màu cam
Các tác hại khác của nhịn tiểu
Bàng quang là một phần của đường tiết niệu. Nước tiểu sau khi được tạo ra ở thận sẽ chảy qua niệu quản đến bàng quang. Nhưng đôi khi, nước tiểu có thể chảy ngược vào thận và dẫn đến nhiễm trùng hoặc tổn thương thận.
Các bệnh lý, chẳng hạn như phì đại tuyến tiền liệt hoặc bàng quang thần kinh do tổn thương dây thần kinh, có thể dẫn đến bí tiểu - tình trạng không đi tiểu được hoặc tiểu không hết. Tắc nghẽn trong đường tiết niệu hoặc cơ bàng quang suy yếu cũng có thể khiến bàng quang không thể làm rỗng hoàn toàn.
Các cách giúp nhịn tiểu lâu hơn
Tốt nhất nên đi tiểu khi cảm thấy buồn tiểu.
Nhưng nếu cần nhịn tiểu để rèn luyện bàng quang hoặc chưa thể vào nhà vệ sinh ngay thì bạn có thể thử các cách dưới đây để nhịn tiểu được lâu hơn:
- Làm một việc khác để đánh lạc hướng bản thân, chẳng hạn như chơi game, dọn dẹp hay trò chuyện
- Nghe nhạc.
- Tiếp tục ngồi nếu đang ngồi.
- Đọc sách.
- Giữ ấm cơ thể vì nhiệt độ thấp có thể làm tăng cảm giác buồn tiểu.
Tóm tắt bài viết
Thi thoảng nhịn tiểu sẽ không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, thường xuyên nhịn tiểu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc các vấn đề khác. Nếu buồn tiểu liên tục thì nên đi khám vì đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn.
Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt. Đôi khi, màu nước tiểu thay đổi do đồ ăn, thuốc men hoặc lượng nước uống nhưng nếu nước tiểu có màu cam, đỏ hay xanh lục thì rất có thể đó là dấu hiệu cho thấy sức khỏe đang có vấn đề.
Đi tiểu nhiều lần sẽ gây phiền toái và ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Có nhiều cách để tăng khả năng kiểm soát bàng quang và nhịn tiểu được lâu hơn.
Nhiều người vẫn cho rằng nước tiểu vô trùng, có nghĩa là không chứa bất cứ loại vi khuẩn hay vi sinh vật nào nhưng trên thực tế, điều này là không đúng. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng ngay cả ở những người khỏe mạnh, nước tiểu vẫn có chứa vi khuẩn. Vì vậy, nước tiểu không hoàn toàn “sạch”. Bài viết dưới đây sẽ giải thích lý do tại sao nước tiểu không hoàn toàn vô trùng và làm rõ một số lầm tưởng khác về nước tiểu.
Có một mối liên hệ giữa Covid-19 và chứng tiểu không tự chủ nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu lý do và cách điều trị chứng tiểu không tự chủ liên quan đến Covid-19.
Có nhiều nguyên nhân khiến nước tiểu trở nên trong suốt, không màu, từ uống quá nhiều nước cho đến tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.