Có thể nhận biết bệnh tim qua lưỡi như thế nào?
Lưỡi có thể chỉ ra nguy cơ mắc bệnh tim như thế nào?
Đã có nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và tim mạch, trong đó bệnh nướu răng nặng được biết là có thể gây hại cho tim. Một nghiên cứu gần đây tập trung vào mối liên quan giữa lưỡi và sức khỏe tim mạch.
Nghiên cứu sử dụng nguyên lý chẩn đoán lưỡi trong y học cổ truyền Trung Quốc, so sánh lưỡi của những người mắc suy tim sung huyết (CHF) với những người không mắc bệnh.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng người mắc CHF có hệ vi sinh vật trên bề mặt lưỡi khác với người không mắc bệnh.
Lưỡi của họ thường đỏ hơn thay vì màu hồng bình thường và lớp phủ trên lưỡi ngả vàng hơn là trắng.
Phát hiện này tương đồng với một nghiên cứu trước đó cho thấy người mắc ung thư tuyến tụy cũng có hệ vi sinh vật trên lưỡi khác biệt.
Dù những kết quả hiện tại chỉ mang tính thử nghiệm nhưng nếu các nghiên cứu tiếp theo cũng xác nhận kết quả tương tự thì việc phân tích tế bào từ bề mặt lưỡi sẽ có thể trở thành phương pháp theo dõi sức khỏe tim mạch nhanh chóng và không xâm lấn.
Các xét nghiệm truyền thống để chẩn đoán bệnh tim
Để chẩn đoán các vấn đề về tim, bác sĩ có thể chỉ định nhiều loại xét nghiệm khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như triệu chứng hoặc tình trạng có khả năng là nguyên nhân.
Các xét nghiệm phổ biến gồm:
- Đo huyết áp
Đo huyết áp ghi lại áp lực trong mạch máu khi cơ tim co bóp đẩy máu ra ngoài và khi tim đầy máu trở lại. Bệnh nhân có thể được theo dõi huyết áp tại nhà trong vài ngày.
- Xét nghiệm máu
Bác sĩ có thể tiến hành lấy mẫu máu để kiểm tra các chỉ số quan trọng như cholesterol, triglyceride, số lượng hồng cầu, và đường huyết.
- Siêu âm tim (echocardiogram)
Siêu âm tim sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh tim, đánh giá khả năng co bóp, thư giãn và chức năng van tim.
- Điện tâm đồ (ECG)
Điện tâm đồ là xét nghiệm có thể đo và ghi lại hoạt động điện của tim, phát hiện bất thường về nhịp hoặc tốc độ tim. Xét nghiệm này có thể được thực hiện trong phòng thí nghiệm hoặc thông qua một thiết bị nhỏ mà bạn có thể đeo để ghi lại nhịp tim của mình trong suốt cả ngày.
- Kiểm tra gắng sức (stress test)
Kiểm tra gắng sức để theo dõi phản ứng của tim khi hoạt động thể lực, thường bằng cách đi bộ trên máy chạy hoặc hoạt động tương tự trong khi gắn thiết bị đo điện tâm đồ để ghi lại phản ứng của tim.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng từ là xét nghiệm để tạo hình ảnh chi tiết về tim và kiểm tra các mạch máu.
- Chụp X-quang ngực
Chụp hình tim để hỗ trợ chẩn đoán.
- Thông tim (cardiac catheterization)
Thông tim là một xét nghiệm hình ảnh có thể cung cấp thông tin chi tiết về mức độ hoạt động của động mạch vành. Trong đó, bác sĩ sử dụng ống thông đưa vào động mạch vành, bơm chất cản quang và chụp X-quang để đánh giá tình trạng tắc nghẽn.
- Chụp thallium (thallium scan)
Khi thực hiện chụp thallium, chất phóng xạ thallium được tiêm vào tĩnh mạch, sau đó sử dụng máy quét đo lường lưu lượng máu qua tim. Các vùng tắc nghẽn hoặc thiếu máu sẽ xuất hiện dưới dạng vùng tối trên hình ảnh.
Bốn triệu chứng báo hiệu cơn đau tim sắp xảy ra là gì?
Cơn đau tim luôn là một trường hợp y tế khẩn cấp. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy gọi ngay 115 hoặc tìm đến dịch vụ y tế khẩn cấp tại địa phương. Không nên tự lái xe đến phòng cấp cứu.
Bốn triệu chứng phổ biến nhất của cơn đau tim bao gồm:
- Đau ngực và cảm giác khó chịu: Cơn đau có thể cảm giác như ngực bị áp lực, đầy hoặc siết chặt.
- Khó thở: Cảm giác khó thở có thể xuất hiện trước khi đau ngực hoặc cùng lúc với cơn đau ngực.
- Đau ở phần trên cơ thể: Cơn đau tim thường gây ra tình trạng đau ở hàm, lưng, cổ và một hoặc cả hai cánh tay, vai.
- Chóng mặt: Bạn có thể cảm thấy yếu người, chóng mặt hoặc ngất xỉu.
Ngoài các triệu chứng trên, bạn cũng có thể sẽ gặp các triệu chứng khác như đổ mồ hôi lạnh, mệt mỏi, nhịp tim bất thường, buồn nôn và nôn mửa khi bị đau tim.
Kết luận
Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng những người mắc suy tim sung huyết có hệ vi sinh vật trên bề mặt lưỡi khác với những người không mắc bệnh. Dù vẫn cần thêm nghiên cứu nhưng ghi nhận về mối liên hệ giữa vi khuẩn trên lưỡi và sức khỏe tim mạch có thể mở ra các phương pháp mới để xét nghiệm bệnh lý tim mạch trong tương lai.
Hiện tại, các bác sĩ chẩn đoán bệnh tim bằng các xét nghiệm như siêu âm tim, điện tâm đồ (ECG), kiểm tra gắng sức, MRI, chụp X-quang ngực và chụp động mạch vành.
Các triệu chứng báo hiệu một cơn đau tim sắp xảy ra bao gồm:
- Đau ngực
- Khó thở
- Chóng mặt
- Đau lan từ phần trên cơ thể đến hàm, cổ, lưng, vai và tay.
Cơn đau tim là trường hợp y tế khẩn cấp. Nếu thấy mình hay người khác đang gặp phải những triệu chứng này, hãy gọi ngay 115.
Khi bạn có quá nhiều cholesterol, nó sẽ tích tụ trong các động mạch của bạn. Sự tích tụ này làm cho động mạch xơ cứng lại - một quá trình được gọi là xơ vữa động mạch.
Cholesterol là một loại chất béo có trong máu của bạn. Các tế bào cơ thể cần cholesterol, nó giúp cho màng ngoài của các tế bào ổn định.
Bạn biết gì về hệ thống động mạch trong cơ thể?
Các loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày có hàng chục loại chất béo khác nhau, và mỗi loại lại có một vai trò và tác động không giống nhau bên trong cơ thể.