Có thể đảo ngược mãn kinh không?
Nghiên cứu về các phương pháp điều trị này hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu. Dưới đây là những kêt quả đạt được cho đến nay và những điều cần tìm hiểu thêm trước khi những phương pháp này được đưa vào sử dụng chính thức.
Trẻ hóa buồng trứng là gì?
Trẻ hóa buồng trứng (ovarian rejuvenation) là một thủ thuật được phát triển bởi một nhóm bác sĩ sản phụ khoa ở Hy Lạp. Trong thủ thuật này, các bác sĩ sẽ tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) vào buồng trứng của bệnh nhân. Huyết tương giàu tiểu cầu là thành phẩm có nguồn gốc từ máu của chính bệnh nhân, có chứa nồng độ tiểu cầu cao hơn nhiều so với máu thông thường. Huyết tương giàu tiểu cầu đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực y học khác nhau.
Yếu tố tăng trưởng tự nhiên trong huyết tương giàu tiểu cầu có tác dụng tái tạo mô, tăng lưu lượng máu và giảm viêm.
Huyết tương giàu tiểu cầu được cho là có thể đảo ngược sự lão hóa ở buồng trứng và kích hoạt những quả trứng đang ở trạng thái không hoạt động.
Để kiểm chứng điều này, các bác sĩ tại Bệnh viện Genesis ở Athens (Hy Lạp) đã tiến hành một nghiên cứu nhỏ trên 8 phụ nữ ở độ tuổi 40. Những phụ nữ này đều đã bị mất kinh nguyệt trong 5 tháng liên tiếp. Các nhà nghiên cứu đã đo nồng độ hormone của 8 phụ nữ khi bắt đầu nghiên cứu và sau đó đo lại hàng tháng để đánh giá hoạt động của buồng trứng.
Sau 1 đến 3 tháng, tất cả những người tham gia đều có kinh nguyệt trở lại. Sau đó, các bác sĩ đã có thể lấy trứng trưởng thành của những người tham gia để tiến hành thụ tinh. (1)
Liệu pháp melatonin
Trong suốt nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về mối liên hệ giữa thời kỳ mãn kinh và melatonin. Melatonin là một loại hormone được sản xuất trong tuyến tùng, có chức năng điều hòa nhịp sinh học và giấc ngủ, vì thế nên còn được gọi là “hormone ngủ”. Nghiên cứu trước đây cho thấy tuyến tùng teo nhỏ lại khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh.
Các nhà nghiên cứu tin rằng melatonin đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất hormone sinh dục và khi không có melatonin, nồng độ hormone sinh dục sẽ bắt đầu giảm mạnh.
Một nghiên cứu cho thấy dùng melatonin liều 3 mg mỗi tối giúp khôi phục kinh nguyệt ở những phụ nữ trong độ tuổi từ 43 đến 49. Những phụ nữ này đều đang trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh. Tuy nhiên, bổ sung melatonin không có tác dụng đối với những phụ nữ từ 50 đến 62 tuổi.
Mặc dù vẫn cần nghiên cứu thêm nhưng bổ sung melatonin có thể là một cách tự nhiên và an toàn để trì hoãn hoặc thậm chí đảo ngược mãn kinh.
Khả năng sinh sản trong giai đoạn tiền mãn kinh
Ở giai đoạn tiền mãn kinh, việc thụ thai tự nhiên sẽ trở nên khó khăn hơn nhưng không phải là không thể. Các thủ thuật như trẻ hóa buồng trứng có thể giúp kích hoạt buồng trứng bắt đầu rụng trứng trở lại.
Trong quá trình rụng trứng, các nang trưởng thành trong buồng trứng sẽ vỡ ra và phóng đi một hoặc nhiều trứng vào ống dẫn trứng. Khi giai đoạn tiền mãn kinh đã bắt đầu, quá trình rụng trứng trở nên kém ổn định hơn và không còn diễn ra đều đặn hàng tháng nữa. Tuy nhiên, lúc này buồng trứng vẫn chứa những quả trứng có chất lượng tốt.
Phương pháp trẻ hóa buồng trứng có thể giúp khôi phục hoặc cân bằng lại các hormone sinh dục có vai trò điều hòa sự trưởng thành và vỡ nang trứng. Điều này sẽ giúp phụ nữ tiền mãn kinh thụ thai một cách tự nhiên hoặc cho phép lấy trứng để thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Đến nay mới chỉ có duy nhất một nghiên cứu được bình duyệt về chủ đề này. Trong nghiên cứu, cả 4 phụ nữ được điều trị bằng phương pháp trẻ hóa buồng trứng đều tạo ra trứng đủ điều kiện để thụ tinh. (2)
Khả năng sinh sản sau mãn kinh
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, gồm có các bác sĩ Hy Lạp phát triển ra phương pháp trẻ hóa buồng trứng và một nhóm bác sĩ đến từ California (Mỹ) đã tiến hành các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu kể từ năm 2015.
Theo dữ liệu chưa được công bố của nghiên cứu, trong số hơn 60 phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh (từ 45 đến 64 tuổi) được điều trị bằng phương pháp trẻ hóa buồng trứng:
- hơn 75% đã khôi phục khả năng mang thai, đa phần là bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm
- hơn 75% có nồng độ hormone trở lại mức như hồi trẻ
- 9 người đã mang thai
- 2 người đã sinh con
Các lợi ích khác của liệu pháp melatonin
Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy bổ sung melatonin mỗi tối có thể làm giảm cảm giác buồn bã, chán nản và cải thiện tâm trạng nói chung cho phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh. Liệu pháp melatonin có thể được sử dụng cho cả những người muốn làm giảm các triệu chứng mãn kinh và không có nhu cầu khôi phục khả năng sinh sản.
Melatonin còn có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, gồm có ung thư vú và một số rối loạn chuyển hóa. Liệu pháp melatonin còn được chứng minh là có tác dụng cải thiện chức năng miễn dịch.
Nhược điểm của phương pháp trẻ hóa buồng trứng và liệu pháp melatonin
Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu nhưng rõ ràng là tác dụng của phương pháp trẻ hóa buồng trứng và liệu pháp melatonin không mang tính lâu dài. Theo Inovium, nhóm nghiên cứu quốc tế về phương pháp trẻ hóa buồng trứng, tác dụng của phương pháp điều trị này duy trì trong suốt thời gian mang thai nhưng chưa dám chắc về hiệu quả về lâu dài.
Liệu pháp melatonin đã được chứng minh là có hiệu quả chống lại một số vấn đề sức khỏe liên quan đến mãn kinh ở phụ nữ. Mặc dù liệu pháp này không thể duy trì khả năng sinh sản vĩnh viễn nhưng có thể giúp phòng ngừa nhiều vấn đề sức khỏe do sự lão hóa.
Tác dụng kéo dài bao lâu?
Do hiện chưa có đủ dữ liệu nên chưa rõ tác dụng của phương pháp trẻ hóa buồng trứng sẽ kéo dài bao lâu.
Các bác sĩ của nhóm Inovium cho biết một số phụ nữ lớn tuổi đã phải quay lại điều trị lần thứ hai. Điều này chứng tỏ rằng thủ thuật trẻ hóa buồng trứng chỉ có thể tạm thời ngăn ngừa các triệu chứng mãn kinh. Khi ngừng điều trị hoặc khi việc điều trị không còn hiệu quả, các triệu chứng có thể sẽ quay trở lại.
Melatonin có thể giúp làm giảm các triệu chứng mãn kinh. Chưa có dữ liệu nào cho thấy các triệu chứng quay trở lại sau khi ngừng bổ sung melatonin.
Tính an toàn của phương pháp trẻ hóa buồng trứng và liệu pháp melatotin
Thủ thuật trẻ hóa buồng trứng cần phải tiêm huyết tương giàu tiểu cầu vào buồng trứng. Mặc dù huyết tương giàu tiểu cầu được tạo ra từ máu của chính bệnh nhân nhưng phương pháp này vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Hầu hết các dữ liệu đều cho thấy rằng liệu pháp PRP an toàn nhưng số lượng nghiên cứu vẫn còn quá ít. Các nghiên cứu cũng chưa đánh giá được tác động của PRP đến cơ thể về lâu dài.
Một số nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi liệu tiêm PRP vào một khu vực trên cơ thể có gây ung thư hay không.
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (the National Institutes of Health), melatonin an toàn khi sử dụng trong thời gian ngắn nhưng chưa có đủ dữ liệu để khẳng định tính an toàn khi sử dụng lâu dài. Vì đây là loại hormone có tự nhiên trong cơ thể nên hầu hết mọi người đều dung nạp tốt melatonin. (3)
Tuy nhiên, uống bổ sung melatonin vẫn có thể gây ra các tác dụng phụ như:
- Chóng mặt
- Buồn ngủ
- Đau đầu
- Buồn nôn
Rủi ro khi mang thai khi lớn tuổi
Dữ liệu chưa được công bố từ nhóm Inovium đã ghi lại quá trình điều trị cho 27 phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh bằng phương pháp trẻ hóa buồng trứng. Kết quả trong dữ liệu này không khả quan bằng dữ liệu được công bố trước đó trên trang web của nhóm.
Mặc dù 11 trên tổng số 27 người tham gia (40%) bắt đầu có kinh nguyệt trở lại nhưng chỉ có 2 người tạo ra trứng đủ điều kiện để chọc hút. Và chỉ có duy nhất một người mang thai.
Càng có tuổi thì việc mang thai và sinh nở sẽ càng khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phụ nữ lớn tuổi sẽ dễ bị sảy thai hơn do bất thường về nhiễm sắc thể ở thai nhi.
Phụ nữ trên 40 tuổi còn có nguy cơ cao gặp các vấn đề khi mang thai như tiền sản giật và tiểu đường thai kỳ. Nguy cơ phải sinh mổ, sinh non và trẻ sinh ra bị thiếu cân cũng cao hơn.
Những trường hợp không nên điều trị
Hầu hết mọi người đều có thể sử dụng melatonin. Bạn có thể mua viên uống melatonin tại các hiệu quả mà không cần đơn của bác sĩ nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng, nhất là khi đang dùng thuốc điều trị bệnh.
Phương pháp trẻ hóa buồng trứng hiện chưa được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, hầu hết những phụ nữ có sức khỏe tốt và buồng trứng còn hoạt động đều đủ điều kiện thực hiện thủ thuật này. Do là một phương pháp điều trị mới nên chi phí có thể sẽ khá cao.
Mặc dù một số nghiên cứu cho kết quả rất hứa hẹn nhưng đậu nành và chất isoflavone vẫn chưa được chính thức chứng minh là có thể điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh.
Khi một phụ nữ trải qua 12 tháng không có kinh nguyệt thì sẽ được coi là đang trong giai đoạn mãn kinh. Lúc này, nếu xảy ra hiện tượng ra máu âm đạo thì là điều không bình thường và cần đi khám để tìm ra nguyên nhân. Đó có thể là triệu chứng của những vấn đề sức khỏe, bệnh lý nghiêm trọng.
Sự thay đổi nội tiết tố cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của cơ ở vùng chậu. Vì thế mà tiểu không tự chủ thường xảy ra phổ biến hơn ở những phụ nữ mang thai, sinh con hoặc đang trải qua thời kỳ mãn kinh.
Mãn kinh là một phần tự nhiên trong cuộc đời của người phụ nữ. Không có cách nào có thể ngăn mãn kinh nhưng bạn có thể kiểm soát nhiều triệu chứng mãn kinh và ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan đến mãn kinh.
Xét nghiệm Pap, hay còn được gọi là phết tế bào cổ tử cung, vẫn là một phần cần thiết trong việc chăm sóc sức khỏe sau mãn kinh.