1

Mãn kinh và chứng tiểu không tự chủ

Sự thay đổi nội tiết tố cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của cơ ở vùng chậu. Vì thế mà tiểu không tự chủ thường xảy ra phổ biến hơn ở những phụ nữ mang thai, sinh con hoặc đang trải qua thời kỳ mãn kinh.
tieu son Mãn kinh và chứng tiểu không tự chủ

Nội dung chính của bài viết:

  • Tiểu không tự chủ là một vấn đề mà rất nhiều phụ nữ gặp phải và càng có tuổi thì nguy cơ sẽ càng cao. Đây tình trạng bàng quang bị mất kiểm soát
  • Khi gần mãn kinh, sự suy giảm estrogen khiến cho cơ sàn chậu yếu đi và không còn khả năng kiểm soát bàng quang tốt như trước đây nữa. Khi mãn kinh, tình trạng tiểu không tự chủ sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Có nhiều loại tiểu không tự chủ khác nhau có thể xảy ra trong thời kỳ mãn kinh, đó là: tiểu không tự chủ do áp lực, són tiểu cấp kỳ và tiểu són do tiểu không hết bãi.
  • Thói quen uống rượu, caffeine, bị nhiễm trùng, tổn thương thần kinh, thừa cân, tác dụng phụ của thuốc, táo bón cũng là những yếu tố nguy cơ dẫn đến việc tiểu không tự chủ.
  • Có thể khắc phục tình trạng này bằng cách thay đổi thói quen sống, dùng thuốc, kích thích thần kinh, dùng thiết bị hỗ trợ hay phẫu thuật.
  • Đừng để tiểu không tự chủ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sự tự tin hàng ngày. Nên đi khám bác sĩ để được tư vấn cụ thể về các biện pháp điều trị.

Mãn kinh và tiểu không tự chủ

Tiểu không tự chủ hay tiểu són là một trong những vấn đề thường gặp trong thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, phụ nữ không cần phải chịu đựng vấn đề này vĩnh viễn. Có nhiều biện pháp để ngăn ngừa và khắc phục chứng tiểu không tự chủ.

Tiểu không tự chủ là tình trạng mà bàng quang bị mất kiểm soát, dẫn đến những vấn đề với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Tiểu không tự chủ là một vấn đề mà rất nhiều phụ nữ gặp phải và càng có tuổi thì nguy cơ sẽ càng cao. Mức độ tiểu không tự chủ có thể chỉ rất nhẹ, ví dụ như thi thoảng bị rò rỉ nước tiểu khi cười, ho, hắt hơi hoặc bê đồ nặng hoặc cũng có thể nặng đến mức thường xuyên bị buồn tiểu gấp đột ngột và không thể nhịn được cho đến khi vào nhà vệ sinh.

Tiểu không tự chủ có thể xảy ra vào nhiều thời điểm khác nhau trong suốt cuộc đời nhưng hầu hết là kết quả do áp lực tác động lên các cơ có vai trò giữ hoặc giải phóng nước tiểu ra khỏi bàng quang. Sự thay đổi nội tiết tố cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của cơ ở vùng chậu. Vì thế mà tiểu không tự chủ thường xảy ra phổ biến hơn ở những phụ nữ mang thai, sinh con hoặc đang trải qua thời kỳ mãn kinh.

Estrogen là hormone điều hòa kinh nguyệt. Ngoài ra, hormone này còn có một số vai trò khác như bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tim mạch, loãng xương, giữ cho bàng quang, niệu đạo khỏe mạnh và thực hiện chức năng một cách bình thường. Khi gần mãn kinh, nồng độ estrogen bắt đầu giảm. Sự thiếu hụt estrogen này khiến cho cơ sàn chậu yếu đi và không còn khả năng kiểm soát bàng quang tốt như trước đây nữa. Khi nồng độ estrogen tiếp tục giảm trong và sau khi mãn kinh, tình trạng tiểu không tự chủ sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân gây tiểu không tự chủ

Có nhiều loại tiểu không tự chủ khác nhau có thể xảy ra trong thời kỳ mãn kinh, gồm có:

Tiểu không tự chủ do áp lực

Loại tiểu không tự chủ phổ biến nhất ở phụ nữ lớn tuổi là tiểu không tự chủ do áp lực (stress incontinence). Trong những trường hợp này, cơ bị suy yếu và không thể giữ được nước tiểu trong bàng quang khi ho, vận động mạnh, hắt hơi, cười hoặc nâng vật nặng. Kết quả là nước tiểu bị rò rỉ hoặc giải phóng hoàn toàn. Nguyên nhân gây ra loại tiểu không tự chủ này thường là do những thay đổi về thể chất do mang thai, sinh con hoặc mãn kinh.

Són tiểu cấp kỳ

Khi cơ bàng quang co bóp không bình thường hoặc mất khả năng thả lỏng thì sẽ gây buồn tiểu liên tục, ngay cả khi bàng quang trống và không thể nhịn được. Những lúc này, bạn sẽ bị rò rỉ nước tiểu hoặc tiểu không kiểm soát. Tình trạng này còn được gọi là bàng quang tăng hoạt (bàng quang hoạt động quá mức).

Tiểu són do tiểu không hết bãi

Đây là tình trạng xảy ra khi bàng quang không xả được hết nước tiểu bên trong và có những biểu hiện như đột ngột giải phóng nước tiểu, buồn tiểu dù vừa mới đi tiểu xong, rò rỉ nước tiểu khi ngủ vào ban đêm và dòng nước tiểu gián đoạn khi đi tiểu. Nguyên nhân gây nên vấn đề này là do cơ bàng quang hoạt động kém hiệu quả.

Yếu tố nguy cơ

Mãn kinh không phải là nguyên nhân duy nhất gây nên các vấn đề về khả năng kiểm soát bàng quang. Dưới đây là một số yếu tố cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng tiểu không tự chủ.

Uống rượu hoặc caffeine

Đồ uống có cồn hoặc caffeine sẽ làm cho bàng quang đầy lên một cách nhanh chóng và gây buồn tiểu thường xuyên hơn.

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc bàng quang có thể gây ra chứng tiểu không tự chủ tạm thời. Khi tình trạng nhiễm trùng được điều trị thì khả năng kiểm soát bàng quang cũng sẽ được cải thiện.

Tổn thương thần kinh

Tổn thương thần kinh có thể làm gián đoạn tín hiệu từ bàng quang đến não bộ, khiến bạn không cảm thấy buồn tiểu khi bàng quang đầy và điều này sẽ dẫn đến tiểu không tự chủ.

Tác dụng phụ của thuốc

Tiểu không tự chủ có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc, ví dụ như thuốc lợi tiểu hoặc steroid.

Táo bón

Tình trạng táo bón mãn tính có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát bàng quang. Việc thường xuyên phải rặn mạnh khi đi ngoài sẽ làm suy yếu cơ sàn chậu và dẫn đến khó giữ nước tiểu trong bàng quang hơn.

Thừa cân

Thừa cân, béo phì sẽ làm tăng nguy cơ tiểu không tự chủ. Trọng lượng lớn sẽ gây áp lực lên bàng quang. Điều này sẽ gây ra chứng tiểu không tự chủ hoặc làm cho tình trạng hiện tại càng trở nên trầm trọng hơn.

Phương pháp điều trị

Việc điều trị chứng tiểu không tự chủ phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm có loại tiểu không tự chủ và nguyên nhân gây ra vấn đề. Ban đầu, có thể thử khắc phục vấn đề bằng cách thay đổi một số thói quen, lối sống, ví dụ như:

  • Hạn chế tiêu thụ caffeine và đồ uống có cồn
  • Rèn bàng quang giữ nước tiểu lâu hơn bằng cách chỉ đi tiểu vào những thời điểm nhất định trong ngày. Ban đầu có thể sẽ chưa làm được nhưng cứ cố nhịn càng lâu càng tốt, dần dần thời gian giữa các lần đi tiểu sẽ dài hơn.
  • Giảm cân nếu thừa cân để giảm áp lực lên bàng quang và cơ sàn chậu
  • Tập các bài tập Kegel hay các bài tập cơ sàn chậu để củng cố các cơ trong khoang chậu

Kegel là các bài tập siết chặt và thả lỏng các cơ ở khoang chậu để dần dần làm cho các cơ này chắc khỏe hơn. Điều này sẽ giúp tăng khả năng kiểm soát bàng quang.

Khi đã thử những thay đổi trong lối sống này mà tình trạng không có cải thiện thì cần đi khám để bác sĩ chỉ định những phương pháp khác. Một số phương pháp phổ biến để điều trị chứng tiểu không tự chủ gồm có:

Dùng thuốc

Có nhiều loại thuốc để làm giảm các triệu chứng và điều trị một số loại tiểu không tự chủ. Ví dụ, các loại thuốc kháng cholinergic có thể làm dịu bàng quang trong những trường hợp mà bàng quang hoạt động quá mức. Hoặc bác sĩ cũng có thể kê Mirabegron (Myrbetriq) - một loại thuốc chủ vận thụ thể adrenergic beta-3, có tác dụng tăng khả năng giữ nước tiểu của bàng quang. Các sản phẩm estrogen dạng bôi cũng có thể giúp làm thư giãn niệu đạo và khu vực âm đạo.

Kích thích thần kinh

Đây là phương pháp sử dụng điện để kích thích cơ sàn chậu, giúp khôi phục lại khả năng kiểm soát bàng quang trong những trường hợp mà nguyên nhân gây tiểu không tự chủ là do vấn đề về thần kinh.

Dùng thiết bị hỗ trợ

Có một số thiết bị giúp cải thiện tình trạng són tiểu ở phụ nữ. Vòng pessary là thiết bị phổ biến nhất, được dùng để điều trị són tiểu do áp lực. Đó là một vòng tròn cứng được đưa vào âm đạo để điều chỉnh lại vị trí niệu đạo và từ đó giảm rò rỉ nước tiểu. Ngoài ra còn có một thiết bị nữa là ống chèn niệu đạo, một thiết bị nhỏ dùng một lần được đưa vào trong niệu đạo để ngăn cản nước tiểu chảy ra ngoài. Ống chèn này sẽ được lấy ra khi cần đi tiểu.

Liệu pháp phản hồi sinh học

Đây là liệu pháp giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động của nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể. Trong liệu pháp phản hồi sinh học để điều trị tiểu không tự chủ, một miếng điện cực được đặt lên trên bàng quang và cơ niệu đạo, nối với thiết bị bằng một dây điện. Tín hiệu điện sẽ được truyền đến thiết bị theo dõi, hiển thị trên màn hình và báo cho bạn biết khi các cơ đang co thắt. Bằng cách xác định được thời điểm mà các cơ co thắt, bạn sẽ có thể kiểm soát bàng quang một cách tốt hơn.

Phẫu thuật

Phẫu thuật để sửa và nâng bàng quang lên cao hơn là giải pháp cuối cùng để điều trị chứng tiểu không tự chủ. Phương pháp này được thực hiện khi đã thử tất cả những biện pháp điều trị khác nhưng đều không hiệu quả.

Triển vọng lâu dài

Nhiều loại tiểu không tự chủ chỉ xảy ra tạm thời hoặc có thể điều trị được một cách dễ dàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng tiểu không tự chủ có thể là vĩnh viễn hoặc rất khó điều trị.

Ngay cả khi bị tiểu không tự chủ mãn tính thì vẫn có những biện pháp để cải thiện, kiểm soát các triệu chứng, ví dụ như dùng băng vệ sinh hoặc bỉm dành cho người lớn. Các sản phẩm bỉm cho người lớn hiện nay đều rất mỏng và không hề bị lộ ra bên ngoài. Đừng để tiểu không tự chủ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sự tự tin hàng ngày. Nên đi khám bác sĩ để được tư vấn cụ thể về các biện pháp điều trị.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
8 lời khuyên kiểm soát triệu chứng mãn kinh khi mắc tiểu đường tuýp 2
8 lời khuyên kiểm soát triệu chứng mãn kinh khi mắc tiểu đường tuýp 2

Nếu bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thì thường sẽ gặp phải nhiều vấn đề hơn khi bắt đầu bước vào tuổi mãn kinh nhưng có nhiều biện pháp để kiểm soát các triệu chứng.

Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Teo âm đạo sau mãn kinh có những triệu chứng như thế nào ở chị em. Cách điều trị vấn đề này ra sao. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé

Mãn kinh có những triệu chứng nào?
Mãn kinh có những triệu chứng nào?

Một số ít phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh mà không có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, nhưng đa số đều phải trải qua những vấn đề gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống.

Các triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?
Các triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?

Ở mỗi phụ nữ, các triệu chứng tiền mãn kinh sẽ diễn ra trong khoảng thời gian khác nhau nhưng thường tồn tại trong suốt giai đoạn tiền mãn kinh và có thể kéo dài lên đến 7 năm sau mãn kinh.

Chế độ ăn ảnh hưởng thế nào đến các triệu chứng tiền mãn kinh?
Chế độ ăn ảnh hưởng thế nào đến các triệu chứng tiền mãn kinh?

Chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng lớn đến các triệu chứng tiền mãn kinh.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây