1

Có thể trì hoãn mãn kinh không?

Khi bạn không có kinh nguyệt trong ít nhất 12 tháng liên tiếp thì có nghĩa là bạn đã chính thức mãn kinh. Trước đó, bạn sẽ trải qua một quá trình chuyển tiếp gọi là tiền mãn kinh. Ở giai đoạn này, bạn vẫn còn kinh nguyệt nhưng chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở nên thất thường. Giai đoạn tiền mãn kinh thường bắt đầu ở độ tuổi 40 – 45 và có thể kéo dài vài tháng, một năm, vài năm hoặc thậm chí lên đến 10 năm. Vậy yếu tố nào ảnh hưởng đến thời điểm bắt đầu tiền mãn kinh? Và có cách nào để thời kỳ mãn kinh đến muộn hơn không?
Có thể trì hoãn mãn kinh không? Có thể trì hoãn mãn kinh không?

Mặc dù di truyền là yếu tố chính quyết định độ tuổi bắt đầu thời kỳ mãn kinh nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn uống, thói quen tập thể dục, tình trạng kinh tế xã hội và các yếu tố lối sống khác cũng có thể ảnh hưởng đến độ tuổi mãn kinh.

Độ tuổi mãn kinh trung bình

Độ tuổi bắt đầu tiền mãn kinh và mãn kinh ở mỗi phụ nữ là khác nhau. Tuy nhiên, độ tuổi mãn kinh trung bình là 51 tuổi và giai đoạn tiền mãn kinh thường diễn ra trước đó 2 – 5 năm.

Tiền sử gia đình và chủng tộc là những yếu tố ảnh hưởng đến độ tuổi mãn kinh. Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy phụ nữ da đen và gốc Latinh thường mãn kinh sớm hơn khoảng hai năm so với phụ nữ da trắng và phụ nữ châu Á.

Có cách nào để trì hoãn mãn kinh không?

Nếu bạn đã gần đến độ tuổi mãn kinh thì không có cách nào có thể trì hoãn được. Tuy nhiên, trong suốt cuộc đời, có nhiều yếu tố có thể góp phần làm cho thời kỳ mãn kinh tự nhiên đến muộn hơn.

Mang thai và cho con bú

Cho con bú từ 7 đến 12 tháng sau khi sinh sẽ làm giảm nguy cơ mãn kinh sớm (mãn kinh trước 45 tuổi). Một nghiên cứu gần đây đã thu thập thông tin mang thai và cho con bú của hơn 100.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 42.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mỗi một lần mang thai đủ tháng sẽ làm giảm 8% nguy cơ mãn kinh sớm, hai lần mang thai đủ tháng làm giảm 16% nguy cơ và ba lần mang thai đủ tháng sẽ làm giảm 22% nguy cơ. Nuôi con bằng sữa mẹ trong 25 tháng sẽ làm giảm 27% nguy cơ mãn kinh sớm (khi so sánh với những phụ nữ cho con bú dưới một tháng).

Thuốc tránh thai đường uống

Các nghiên cứu cho thấy những phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai đường uống ở độ tuổi sinh sản thường mãn kinh muộn hơn, đặc biệt là ở phụ nữ da đen. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để lý giải tại sao thuốc tránh thai lại có thể trì hoãn thời kỳ mãn kinh.

Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng thuốc tránh thai ngăn cản sự rụng trứng và nhờ đó kéo dài độ tuổi sinh sản vì mãn kinh xảy ra khi số lượng trứng trong buồng trứng giảm. Tuy nhiên, theo các ý kiến khác, thời kỳ mãn kinh bắt đầu khi hoạt động của buồng trứng suy giảm chứ không phải do sự giảm về số lượng trứng.

Tiếp cận giáo dục

Theo một nghiên cứu khảo sát gần 2.200 phụ nữ, những người được đi học mãn kinh muộn hơn so với những người không được đi học. Trong một tổng quan phân tích 46 nghiên cứu thực hiện tại 24 quốc gia, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa trình độ học vấn và độ tuổi mãn kinh tự nhiên. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa giải thích được lý do đằng sau mối liên hệ này.

Ít uống rượu

Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu về tác động của việc tiêu thụ rượu bia đến độ tuổi mãn kinh. Các nghiên cứu cho ra nhiều kết quả khác nhau. Một số nghiên cứu cho thấy uống rượu bia không ảnh hưởng đến độ tuổi mãn kinh trong khi một số nghiên cứu lại chỉ ra rằng uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ mãn kinh sớm. Mặt khác lại có những nghiên cứu cho thấy rằng uống rượu có thể trì hoãn thời kỳ mãn kinh.

Một phân tích tổng hợp vào năm 2016 gồm 20 nghiên cứu với tổng cộng hơn 100.000 phụ nữ tham gia cho thấy những phụ nữ uống rượu ở mức độ ít đến trung bình (1 – 3 đơn vị cồn mỗi tuần) bắt đầu mãn kinh muộn hơn so với những phụ nữ hoàn toàn không uống rượu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết vẫn cần phải nghiên cứu thêm để làm rõ điều này.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) định nghĩa “uống vừa phải” là một đơn vị cồn mỗi ngày đối với phụ nữ và hai đơn vị cồn mỗi ngày đối với nam giới (một đơn vị cồn tương đương 10g cồn nguyên chất). Tuy nhiên, nếu bạn vốn không uống rượu thì không nên bắt đầu uống để trì hoãn mãn kinh.

Chế độ ăn nhiều calo, trái cây và protein

Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ ăn nhiều trái cây và protein bắt đầu thời kỳ mãn kinh tự nhiên muộn hơn. Điều tương tự cũng được quan sát thấy ở những người có chế độ ăn nhiều calo. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng người có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn sẽ mãn kinh muộn hơn. Một nghiên cứu lớn tại Anh cho thấy ăn các loại cá béo như cá hồi và các loại đậu tươi giúp trì hoãn thời kỳ mãn kinh vài năm.

Một nghiên cứu khác cho thấy rằng bổ sung vitamin D từ các sản phẩm từ sữa giúp giảm tới 17% nguy cơ mãn kinh sớm. Nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể ở mỗi người là khác nhau. Do đó, bạn nên trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào trong chế độ ăn uống.

Mãn kinh muộn có lợi ích gì?

Mãn kinh muộn có thể làm giảm nguy cơ loãng xương và gãy xương. Những phụ nữ mãn kinh muộn hơn còn có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, ví dụ như xơ vữa động mạch thấp hơn.

Tuy nhiên, mãn kinh muộn lại làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung và ung thư buồng trứng.

Các yếu tố khiến thời kỳ mãn kinh đến sớm hơn

Ngoài tiền sử gia đình và chủng tộc, một số yếu tố khác có thể khiến thời kỳ mãn kinh đến sớm hơn gồm có:

  • Hút thuốc
  • Chế độ ăn chay
  • Chế độ ăn nhiều chất béo không bão hòa đa, ngũ cốc tinh chế và gạo
  • Ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
  • Thu nhập thấp
  • Không được tiếp cận giáo dục

Các dấu hiệu tiền mãn kinh

Mỗi phụ nữ sẽ gặp những dấu hiệu khác nhau khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh nhưng một số dấu hiệu phổ biến gồm có:

  • Kinh nguyệt thưa và diễn ra thất thường
  • Các triệu chứng vận mạch (ví dụ như bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm)
  • Khô âm đạo
  • Mất ngủ
  • Giảm tập trung
  • Lo âu, trầm cảm
  • Tăng cân
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Giảm khối lượng cơ và xương
  • Rụng tóc

Có nhiều cách để làm giảm các triệu chứng mãn kinh như:

  • Thay đổi thói quen sống, gồm có chế độ ăn và tập thể dục
  • Liệu pháp hormone thay thế
  • Thuốc điều trị trầm cảm, lo âu, mất ngủ và các triệu chứng vận mạch
  • Thảo dược và thực phẩm chức năng
  • Châm cứu

Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc, thảo dược hay thực phẩm chức năng nào.

Tóm tắt bài viết

Độ tuổi bắt đầu mãn kinh tự nhiên phần lớn phụ thuộc vào gen di truyền. Tuy nhiên, có những yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến độ tuổi mãn kinh, gồm có chế độ ăn uống, mang thai và cho con bú, sử dụng thuốc tránh thai và thói quen hút thuốc, uống rượu.

Khi đã gần đến độ tuổi mãn kinh thì sẽ không có cách nào trì hoãn được. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn còn trẻ thì có nhiều cách để giảm nguy cơ mãn kinh sớm, ví dụ như duy trì lối sống lành mạnh, điều độ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đậu nành có thực sự cải thiện được triệu chứng tiền mãn kinh không?
Đậu nành có thực sự cải thiện được triệu chứng tiền mãn kinh không?

Mặc dù một số nghiên cứu cho kết quả rất hứa hẹn nhưng đậu nành và chất isoflavone vẫn chưa được chính thức chứng minh là có thể điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh.

Chảy máu âm đạo sau mãn kinh có bình thường không?
Chảy máu âm đạo sau mãn kinh có bình thường không?

Khi một phụ nữ trải qua 12 tháng không có kinh nguyệt thì sẽ được coi là đang trong giai đoạn mãn kinh. Lúc này, nếu xảy ra hiện tượng ra máu âm đạo thì là điều không bình thường và cần đi khám để tìm ra nguyên nhân. Đó có thể là triệu chứng của những vấn đề sức khỏe, bệnh lý nghiêm trọng.

Mãn kinh và chứng tiểu không tự chủ
Mãn kinh và chứng tiểu không tự chủ

Sự thay đổi nội tiết tố cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của cơ ở vùng chậu. Vì thế mà tiểu không tự chủ thường xảy ra phổ biến hơn ở những phụ nữ mang thai, sinh con hoặc đang trải qua thời kỳ mãn kinh.

Có cách nào để ngăn mãn kinh không?
Có cách nào để ngăn mãn kinh không?

Mãn kinh là một phần tự nhiên trong cuộc đời của người phụ nữ. Không có cách nào có thể ngăn mãn kinh nhưng bạn có thể kiểm soát nhiều triệu chứng mãn kinh và ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan đến mãn kinh.

Có cần xét nghiệm Pap định kỳ sau mãn kinh không?
Có cần xét nghiệm Pap định kỳ sau mãn kinh không?

Xét nghiệm Pap, hay còn được gọi là phết tế bào cổ tử cung, vẫn là một phần cần thiết trong việc chăm sóc sức khỏe sau mãn kinh.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây