1

Có thể chữa khỏi được bệnh động mạch vành không?

Bệnh động mạch vành (CAD) là loại bệnh tim xảy ra khá phổ biến. Tuy nhiên, có thể làm bệnh tiến triển chậm lại bằng cách sử dụng thuốc cũng như thực hiện một số thay đổi trong lối sống.
Hình ảnh 84 Có thể chữa khỏi được bệnh động mạch vành không?

Ở Hoa Kỳ, bệnh động mạch vành là loại bệnh tim thường gặp nhất, xảy ra do tích tụ mảng bám trong các động mạch của tim.

Mặc dù bệnh này làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, nhưng bạn vẫn có thể thực hiện các biện pháp giúp cải thiện phần nào các triệu chứng của bệnh động mạch vành. Phương pháp sẽ kết hợp giữa các can thiệp y tế được khuyến nghị và thay đổi chế độ ăn uống cũng như lối sống sao cho lành mạnh.

Khi bị bệnh động mạch vành, cần thực hiện các biện pháp này để hạn chế gây thêm tổn thương cho tim. Hãy theo dõi các thông tin dưới đây để tìm hiểu hiệu quả của những phương pháp đó và những gì bạn có thể làm để ngăn ngừa loại bệnh tim nguy hiểm nhưng phổ biến này.

Có thể điều trị được bệnh tim không?

Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh động mạch vành (CAD), bạn nên tập trung vào việc thực hiện những thay đổi giúp ngăn ngừa bệnh tim tiển triển nặng hơn và các biến chứng liên quan có thể xảy ra, như nhồi máu cơ tim và suy tim.

Mặc dù không có bằng chứng cho thấy CAD có thể được chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có một số biện pháp có thể làm bệnh chậm tiến triển.

Thuốc, đặc biệt là statin và các chất ức chế PCSK9, thường là phương pháp được ưu tiên trong điều trị CAD. Cả hai đều có thể giúp làm chậm sự tiến triển của CAD và giảm nguy cơ biến chứng.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường hoạt động thể chất cũng rất hữu ích.

Một nghiên cứu năm 2019 đã xem xét các lợi ích của việc thay đổi lối sống tích cực, bao gồm áp dụng chế độ ăn DASH và tăng cường hoạt động thể chất. Kết quả cho thấy rằng nếu kết hợp với điều trị bằng thuốc thì những thay đổi này có thể giúp làm chậm sự tiến triển của CAD và giảm mảng bám trong các động mạch hơn so với việc chỉ điều trị thông thường.

Riêng việc tập thể dục cũng đã mang lại hiệu quả đáng kể trong việc ngăn ngừa CAD, cũng như ngăn ngừa các biến cố tim mạch khác ở những người đã được chẩn đoán mắc CAD. Mặc dù các nghiên cứu cho ra các kết quả mâu thuẫn về việc tập thể dục có trực tiếp giúp giảm tích tụ mảng bám hay không, nhưng vận động thể chất nói chung vẫn có lợi cho hoạt động của các động mạch vành.

Di truyền và CAD

Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim, đặc biệt nếu thành viên trong gia đình được chẩn đoán mắc trước hoặc khi dưới 50 tuổi, cũng có thể làm tăng nguy cơ bị CAD.

Bạn nên cung cấp thông tin đầy đủ về tiền sử bệnh lý gia đình cho bác sĩ để được hỗ trợ kiểm tra phát hiện các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim, như cholesterol cao.

Nếu bạn đã mắc CAD và tiền sử gia đình có người bị bệnh tim, hãy trao đổi với bác sĩ về các phương pháp có thể thực hiện để quản lý bệnh và giảm nguy cơ biến chứng.

Chế độ ăn uống để ngăn ngừa bệnh tim

Chế độ ăn uống rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tim, cũng như giúp quản lý CAD. Một số nhà nghiên cứu ủng hộ chế độ ăn dựa trên thực vật, cho rằng chế độ ăn phương Tây đặc trưng bởi thịt, sữa và dầu mỡ là nguyên nhân chính gây phát triển CAD.

Việc thay thế các sản phẩm từ động vật bằng các thực phẩm từ thực vật sẽ rất hữu ích, nhưng đây không phải là biện pháp duy nhất để ngăn ngừa bệnh tim. Các thay đổi trong chế độ ăn uống khác được Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị bao gồm:

  • Bổ sung các nguồn protein lành mạnh hơn, chẳng hạn như thay thế thịt đỏ và thịt chế biến sẵn bằng gia cầm nạc, cá và các loại đậu.
  • Ăn đa dạng trái cây và rau quả.
  • Chọn ngũ cốc nguyên hạt thay vì bánh mì trắng và mì ống.
  • Cắt giảm hoặc tránh uống rượu.
  • Nấu món ăn ít hoặc không có muối.
  • Sử dụng dầu thực vật không phải dầu từ các loại cây nhiệt đới.
  • Ưu tiên thực phẩm ít chế biến.

Thay đổi lối sống có thể giúp cải thiện sức khoẻ tim mạch

Bên cạnh các thay đổi về chế độ ăn uống, bác sĩ có thể khuyến nghị một số thay đổi trong lối sống mà bạn có thể thực hiện trong thói quen hàng ngày để giúp giảm sự tiến triển của CAD. Những thay đổi này có thể bao gồm:

  • Bỏ thuốc lá.
  • Quản lý căng thẳng.
  • Hoạt động thể chất thường xuyên — ít nhất 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải mỗi tuần như được khuyến nghị bởi Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA).
  • Duy trì cân nặng hợp lý.

Sử dụng thuốc và phẫu thuật có thể điều trị được bệnh tim không?

Chế độ ăn uống và thay đổi lối sống là những yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa tổn thương thêm cho tim do bệnh động mạch vành (CAD). Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là cần trao đổi với bác sĩ về các can thiệp y tế có thể thực hiện, chẳng hạn như dùng thuốc, phẫu thuật hoặc cả hai.

Thuốc điều trị CAD

Thuốc điều trị CAD giúp làm bệnh chậm tiến triển, đồng thời giảm nguy cơ xảy ra biến chứng.

Tùy thuộc vào tiền sử bệnh lý và sức khỏe tổng quát của bạn, bác sĩ có thể kê đơn:

  • Thuốc hạ cholesterol, chẳng hạn như statin, chất ức chế PCSK9, hoặc ezetimibe (Zetia)
  • Aspirin giúp hạn chế hình thành cục máu đông
  • Thuốc chẹn beta giúp làm chậm nhịp tim và giảm đau thắt ngực
  • Thuốc chẹn kênh canxi giúp giảm huyết áp và đau thắt ngực
  • Nitrat giúp giãn mạch máu và giảm đau thắt ngực

Khi trao đổi với bác sĩ về thuốc, hãy chắc chắn thông báo về tất cả các loại thuốc không kê đơn hoặc thuốc kê đơn mà bạn đang sử dụng, bao gồm cả các loại thực phẩm chức năng và vitamin. Điều này giúp ngăn ngừa các tương tác thuốc có thể xảy ra.

Phẫu thuật điều trị CAD

Trong trường hợp mảng bám tích tụ nhiều trong các động mạch vành, bác sĩ có thể khuyến nghị phẫu thuật tái thông mạch máu. Đây là một thủ tục giúp phục hồi lưu lượng máu tới các động mạch bị tắc. Phẫu thuật này thường được thực hiện thông qua thủ thuật nong mạch vành (angioplasty) hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Trong những trường hợp nặng có khả năng là do suy tim, bác sĩ có thể khuyến nghị ghép tim.

Sống chung với bệnh mạch vành

Hàng nghìn người trên khắp thế giới đang phải sống chung với bệnh mạch vành. Tham gia vào cộng đồng những người cùng mắc phải tình trạng giống mình không chỉ giúp tạo động lực theo đuổi các mục tiêu trong chế độ ăn uống và tập luyện mà còn giúp cải thiện sức khỏe tinh thần.

Hãy trao đổi với bác sĩ để hỏi về những cộng đồng ở địa phương, hoặc tham khảo các trang web sau:

  • Mended Hearts
  • WomenHeart
  • American Heart Association | Events
  • American Heart Association | Caregiver Support
  • British Heart Foundation

Kết luận

Bệnh động mạch vành (CAD) là một loại bệnh tim phổ biến xảy ra do sự tích tụ mảng bám trong động mạch, khiến cho tim hoạt động kém hiệu quả hơn, từ đó cũng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Mặc dù chưa có cách nào để chữa khỏi hoàn toàn tình trạng này, nhưng việc sử dụng thuốc và thay đổi lối sống có thể giúp làm chậm đáng kể sự tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ biến chứng.

Nếu cảm thấy lo lắng về kế hoạch điều trị và cách quản lý sức khỏe tim mạch hiện tại của bản thân, hãy trao đổi với bác sĩ về các phương pháp giúp giảm nguy cơ bệnh tim tiến triển nặng thêm. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu gặp phải cơn đau ngực hoặc các dấu hiệu nhồi máu cơ tim.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Sự khác biệt giữa đau thắt ngực và bệnh động mạch vành
Sự khác biệt giữa đau thắt ngực và bệnh động mạch vành

Đau thắt ngực là một triệu chứng, không phải là một bệnh lý, nhưng có thể xuất hiện khi bệnh nhân bị bệnh mạch vành, hay còn gọi là bệnh động mạch vành (CAD). Bài viết này sẽ phân tích sự khác biệt giữa hai vấn đề tim mạch này, cách xác định nguyên nhân của các triệu chứng và khi nào cần tìm đến sự chăm sóc y tế.

Triệu chứng của bệnh động mạch vành (CAD)
Triệu chứng của bệnh động mạch vành (CAD)

Bệnh động mạch vành (CAD) là tình trạng lưu lượng máu đến tim bị giảm. Triệu chứng của bệnh động mạch vành có thể bao gồm đau ngực, khó thở hoặc yếu người.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây