Cách điều trị chứng tiểu đêm
Tiểu đêm là một vấn đề phổ biến, đặc biệt là khi có tuổi. Ước tính cứ ba người trên 30 tuổi thì có một người phải đi vệ sinh ít nhất hai lần vào ban đêm.
Tiểu đêm khác với đái dầm. Hầu hết mọi người đều có thể ngủ từ 6 đến 8 tiếng liên tục mà không cần phải thức giấc giữa chừng. Tiểu đêm có nghĩa là thức giấc nhiều hơn một lần vào ban đêm để đi tiểu. Điều này làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ bình thường, dẫn đến thiếu ngủ, mệt mỏi và nhiều vấn đề khác. Đọc tiếp bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về các nguyên nhân gây chứng tiểu đêm và cách điều trị.
Các loại tiểu đêm
Tiểu đêm được chia thành 4 loại:
- Đa niệu về đêm: lượng nước tiểu tăng lên vào ban đêm trong khi lượng nước tiểu vào ban ngày vẫn bình thường
- Đa niệu toàn thể: cơ thể tạo ra quá nhiều nước tiểu vào cả ban ngày và ban đêm.
- Dung tích bàng quang thấp về đêm: Bàng quang không thể chứa nhiều nước tiểu vào ban đêm.
- Tiểu đêm hỗn hợp: Kết hợp car ba loại tiểu đêm bên trên.
Nguyên nhân gây tiểu đêm
Tiểu đêm có thể do bàng quang tăng hoạt gây ra nhưng cũng có thể là do các nguyên nhân khác. Mỗi loại tiểu đêm có nguyên nhân khác nhau.
Các nguyên nhân gây đa niệu về đêm và đa niệu toàn thể:
- Uống quá nhiều nước, đặc biệt là đồ uống chứa caffeine hoặc cồn gần giờ đi ngủ
- Bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2 không được kiểm soát tốt
- Suy tim sung huyết
- Sưng phù chân do tích nước
- Các rối loạn giấc ngủ, ví dụ như chứng ngưng thở khi ngủ
- Đái tháo nhạt
- Tiểu đường thai kỳ
- Một số loại thuốc
Các nguyên nhân gây dung tích bàng quang kém về đêm:
- Tắc nghẽn bàng quang
- Bàng quang tăng hoạt
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Viêm bàng quang
- Khối u bàng quang
- Viêm bàng quang kẽ
- Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt)
- Mang thai
Một số loại thuốc có thể gây tiểu đêm gồm có:
- cardiac glycosides
- demeclocyclin (Declomycin)
- thuốc lithium
- methoxyflurane
- phenytoin (Dilantin)
- propoxyphen
- thuốc lợi tiểu như furosemide (Lasix) và torsemide (Demadex)
Một số loại thực phẩm chức năng cũng có gây tiểu đêm, ví dụ như thực phẩm chức năng bổ sung vitamin D.
Chẩn đoán tiểu đêm
Khi nhận thấy những thay đổi về thói quen tiểu tiện, bạn nên ghi nhật ký theo dõi lượng nước uống và việc tiểu tiện hàng ngày. Những thông tin nên ghi lại gồm có:
- Lượng nước uống, bao gồm cả nước lọc và tất cả các loại đồ uống khác
- tần suất đi tiểu
- Lượng nước tiểu
- Loại thuốc đang dùng
- Có gặp các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu như đau rát khi đi tiểu hoặc tiểu khó hay không
- Các triệu chứng bất thường khác như mệt mỏi kéo dài
Những thông tin này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chứng tiểu đêm.
Ngoài khám lâm sàng, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng cũng như thói quen hàng ngày của bạn như:
- Tình trạng đi tiểu nhiều về đêm bắt đầu từ khi nào?
- Đi tiểu bao nhiêu lần một đêm?
- Lượng nước tiểu nhiều hay ít?
- Lượng nước tiểu có thay đổi không?
- Có uống caffeine không? Uống nhiều hay ít?
- Có uống rượu bia không? Uống nhiều hay ít?
- Tình trạng tiểu đêm có ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ không?
Tùy thuộc vào các triệu chứng, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm một số bước kiểm tra khác như:
- Tổng phân tích nước tiểu để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng
- Đo áp lực bàng quang (đo áp lực và dung tích bên trong bàng quang)
- Nội soi bàng quang (đưa ống nội soi qua niệu đạo vào bàng quang để quan sát bên trong)
- Siêu âm để đánh giá tình trạng của bàng quang
- Chụp CT để có hình ảnh chi tiết hơn về bàng quang
- Đo đa ký giấc ngủ hay nghiên cứu giấc ngủ để đánh giá các đặc điểm của giấc ngủ
Thay đổi thói quen sống để giảm tiểu đêm
Một trong những phương pháp điều trị bước đầu cho chứng tiểu đêm là thay đổi thói quen sống. Bạn nên tránh hoặc hạn chế uống nước trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, cần uống đủ nước trong suốt cả ngày.
Những thay đổi thói quen sống khác có thể giúp giảm và phòng ngừa tình trạng tiểu đêm:
- Tránh đồ uống chứa caffeine và rượu bia
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh vì khối lượng cơ thể quá lớn sẽ gây áp lực lên bàng quang
- Điều chỉnhh thời gian uống thuốc lợi tiểu để thuốc không ảnh hưởng đến quá trình tạo nước tiểu vào ban đêm
- Ngủ một giấc ngắn vào buổi chiều
Tiểu đêm có thể là do sưng phù (tích nước), đặc biệt là sưng phù ở chân. Khi nằm xuống, lượng nước tích tụ ở chân sẽ lưu thông khắp cơ thể, làm tăng lượng nước tiểu và dẫn đến đi tiểu nhiều. Nếu đây là nguyên nhân gây tiểu nhiều vào ban đêm thì nên nâng cao chân trong ngày để giảm tích nước ở chân. Một cách nữa để ngăn tích nước ở chân là mang vớ y khoa. Giấc ngủ ngắn vào buổi chiều cũng có thể giúp khắc phục tình trạng tiểu đêm. Nhớ kê cao chân khi ngủ.
Các phương pháp điều trị y tế
Thuốc
Nếu đã thực hiện các thay đổi thói quen sống nêu trên mà tình trạng đi tiểu nhiều vào ban đêm vẫn không cải thiện thì sẽ phải điều trị bằng thuốc. Nếu nguyên nhân gây tiểu đêm là do bàng quang tăng hoạt thì bác sĩ sẽ kê thuốc kháng cholinergic. Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm co thắt cơ bàng quang, từ đó giảm tần suất buồn tiểu.
Bác sĩ cũng có thể sẽ kê thuốc lợi tiểu để thúc đẩy thận tạo nước tiểu. Dùng thuốc lợi tiểu có thể gây tiểu đêm nhưng nếu uống sớm trong ngày, thuốc lợi tiểu sẽ giúp loại bỏ lượng nước dư thừa trong cơ thể và nhờ đó giảm lượng nước tiểu được tạo ra vào ban đêm.
Các loại thuốc khác cũng được sử dụng để điều trị chứng tiểu đêm:
- desmopression cho những trường hợp mắc bệnh đái tháo nhạt để làm giảm lượng nước tiểu do thận tạo ra
- tamsulosin, finasteride hoặc dutasteride để điều trị phì đại tuyến tiền liệt
- thuốc kháng sinh cho những trường hợp bị nhiễm trùng đường tiết niệu
Người mắc bệnh tiểu đường cần dùng thuốc làm giảm lượng đường trong máu.
Kích thích điện thần kinh
Đôi khi nguyên nhân gây ra chứng tiểu đêm là do rối loạn thần kinh. Bất thường trong quá trình trao đổi tín hiệu thần kinh giữa não bộ và bàng quang có thể khiến cơ bàng quang co thắt nhiều hơn bình thường và dẫn đến buồn tiểu liên tục dù bàng quang chưa đầy. Một giải pháp điều trị tình trạng này là kích thích điện thần kinh. Có hai loại kích thích điện thần kinh để điều trị các vấn đề về tiết niệu do rối loạn thần kinh là kích thích điện thần kinh cùng và kích thích điện thần kinh chày.
Kích thích điện thần kinh cùng là một phương pháp điều trị xâm lấn, trong đó cấy một thiết bị nhỏ vào dưới da ở vùng hông, bụng hoặc mông. Thiết bị sẽ truyền đi xung điện có kiểm soát đến dây thần kinh kiểm soát hoạt động của bàng quang (nằm gần xương cụt). Một nghiên cứu cho thấy kích thích điện thần kinh cùng là một phương pháp hiệu quả để điều trị các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt, bao gồm cả tiểu đêm. Đây là một phương pháp điều trị an toàn. Thiết bị cấy dưới da có thể được lấy ra bất cứ lúc nào.
Kích thích điện thần kinh chày là hình thức kích thích điện thần kinh không xâm lấn, trong đó sử dụng điện cực đặt ở chân của người bệnh. Điện cực sẽ truyền xung điện đến dây thần kinh. Mặc dù vẫn cần nghiên cứu thêm nhưng các nghiên cứu hiện tại cho thấy kích thích điện thần kinh chày có hiệu quả đối với chứng bàng quang tăng hoạt và tiểu đêm.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là một giải pháp khi các biện pháp điều trị khác như thay đổi thói quen, dùng thuốc và kích thích điện thần kinh không hiệu quả. Loại phẫu thuật cần thực hiện phụ thuộc vào nguyên nhân gây tiểu đêm. Ví dụ, nếu nguyên nhân gây tiểu đêm là do phì đại tuyến tiền liệt thì có thể đièu trị bằng cách phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt.
Phương pháp điều trị thay thế
Nhiều người lựa chọn các phương pháp điều trị bổ sung và thay thế trước khi sử dụng thuốc hoặc các phương pháp điều trị y tế khác. Có nhiều phương pháp điều trị thay thế cho chứng tiểu đêm nhưng mới chỉ có rất ít nghiên cứu chứng minh hiệu quả của các phương pháp điều trị này. Hơn nữa, hầu hết các phương pháp điều trị bổ sung và thay thế chỉ có hiệu quả đối với chứng tiểu đêm do bàng quang tăng hoạt.
Một số phương pháp điều trị bổ sung và thay thế đã được nghiên cứu gồm có:
- Thảo dược: một số loại thảo dược có thể giúp làm giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt, ví dụ như cỏ đuôi ngựa, tảo nâu Fucus, gosha-jinki-gan (một bài thuốc gồm 10 loại thảo dược), cây cọ lùn.
- Châm cứu: sử dụng kim mảnh đâm vào các huyệt đạo trên cơ thể. Phương pháp này có thể giúp giảm tạm thời các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.
- Vi lượng đồng căn: sử dụng những chế phẩm từ thực vật, khoáng chất và các động vật được pha loãng. Liệu pháp này có thể giúp cải thiện tình trạng bàng quang tăng hoạt nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh
- Thực phẩm chức năng như magie hydroxit (magnesium hydroxide), L-arginine
Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để kiểm chứng hiệu quả của các phương pháp điều trị bổ sung và thay thế đối với chứng bàng quang tăng hoạt.
Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thử bất kỳ phương pháp điều trị bổ sung hoặc thay thế nào. Các phương pháp điều trị này có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn hoặc tương tác với thuốc đang dùng.
Các phương pháp điều trị thay thế cho hội chứng bàng quang tăng hoạt
Tóm tắt bài viết
Tiểu đêm làm gián đoạn giấc ngủ, dẫn đến thiếu ngủ, mệt mỏi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe. Nên đi khám nếu tình trạng đi tiểu nhiều vào ban đêm kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên. Có nhiều nguyên nhân gây tiểu đêm, gồm có uống quá nhiều nước, tích nước, bệnh tật, thuốc, mang thai, rối loạn giấc ngủ. Có thể khắc phục chứng tiểu đêm bằng cách thay đổi lối sống và các phương pháp điều trị y tế như dùng thuốc, kích thích điện thần kinh và phẫu thuật.
Rò rỉ nước tiểu khi ho là một triệu chứng của chứng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực. Tình trạng này xảy ra do đâu và điều trị bằng cách nào?
Tiểu rắt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng đường tiết niệu, mang thai, phì đại tuyến tiền liệt, căng thẳng, hồi hộp hoặc bệnh tiểu đường.
Bàng quang nằm ngay phía trên xương chậu và được hỗ trợ bởi cơ sàn chậu. Bàng quang giãn ra để chứa nước tiểu. Cổ bàng quang có cơ vòng giúp giữ cho cơ quan này đóng chặt và ngăn nước tiểu chảy ra ngoài khi không đi tiểu. Cơ sàn chậu có thể bị suy yếu trong thời gian mang thai và sinh nở. Điều này sẽ làm giảm khả năng giữ nước tiểu của bàng quang.
Có nhiều nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi tanh. Một số nguyên nhân chỉ là tạm thời và dễ dàng khắc phục. Nhưng đôi khi đó là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe cần phải điều trị phức tạp hơn.
Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu là tình trạng đường tiết niệu bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm từ ống thông tiểu và bị viêm. Điều này chủ yếu xảy ra do ống thông tiểu bên trong.