1

Ung thư niệu đạo: Triệu chứng và cách điều trị

Ung thư niệu đạo là một loại ung thư hiếm gặp và thường được phát hiện khi bệnh đã ở các giai đoạn sau. Lúc này, việc điều trị sẽ khó khăn hơn và tiên lượng cũng kém hơn so với giai đoạn đầu.
Ung thư niệu đạo: Triệu chứng và cách điều trị Ung thư niệu đạo: Triệu chứng và cách điều trị

Ung thư niệu đạo là gì?

Ung thư niệu đạo là bệnh ung thư phát sinh từ các tế bào niệu đạo. Niệu đạo là ống rỗng dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể.

Ở nam giới, niệu đạo dài khoảng 18 - 20cm và chạy từ bàng quang qua tuyến tiền liệt đến đầu dương vật.

Ở nữ giới, niệu đạo ngắn hơn nhiều, chỉ từ 3 – 5cm, lỗ niệu đạo nằm ở ngay bên trên cửa âm đạo.

Ung thư niệu đạo là loại ung thư tiết niệu hiếm gặp nhất, chỉ chiếm chưa đến 1% tổng số ca ung thư tiết niệu.

Triệu chứng ung thư niệu đạo

Ung thư niệu đạo giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Đó là lý do tại sao bệnh ung thư này thường được phát hiện khi đã tiến triển sang các giai đoạn nặng.

Các triệu chứng chính của ung thư niệu đạo ở cả nam và nữ gồm có:

  • Nổi cục bất thường ở gần hoặc trên niệu đạo
  • Đau và chảy máu khi đi tiểu
  • Tiểu khó

Ngoài ra, bệnh còn có một số triệu chứng khác như:

  • Đi tiểu nhiều lần
  • Buồn tiểu nhưng không tiểu được
  • Dòng nước tiểu yếu, tiểu nhỏ giọt
  • Dịch tiết bất thường hoặc chảy máu từ niệu đạo
  • Tiểu không hết bãi
  • Tiểu không tự chủ
  • Sưng hạch bạch huyết ở bẹn, khu vực gần khối u

Nguyên nhân gây ung thư niệu đạo

Giống như hầu hết các loại ung thư khác, nguyên nhân gây ung thư niệu đạo vẫn chưa được xác định rõ. Ung thư xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh bắt đầu phát triển mất kiểm soát. Những tế bào này kết tụ lại với nhau và tạo thành khối u. Nhưng khoa học vẫn chưa lý giải được điều gì khiến cho các tế bào khỏe mạnh trở nên bất thường và phát triển mất kiểm soát.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tìm ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư niệu đạo:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính: Tình trạng sưng viêm niệu đạo kéo dài do nhiễm trùng đường tiết niệu có thể làm tăng nguy cơ ung thư niệu đạo.
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD): Những người mắc bệnh STD có nguy cơ bị ung thư niệu đạo cao hơn.
  • Nhiễm HPV (virus gây u nhú ở người): Một số chủng HPV nhất định có thể làm tăng nguy cơ ung thư niệu đạo.
  • Hẹp niệu đạo: chủ yếu xảy ra ở nam giới, tình trạng này có thể gây sưng và viêm mạn tính ở niệu đạo.
  • Bướu núm niệu đạo và túi thừa niệu đạo: bướu núm niệu đạo là bướu lành tính hình thành ở mặt sau của đầu niệu đạo, chủ yếu xảy ra ở phụ nữ, nhất là phụ nữ sau mãn kinh. Túi thừa niệu đạo là khối phình thông với lòng niệu đạo và nhô ra bên ngoài. Cả hai đều có thể làm tăng nguy cơ ung thư niệu đạo.
  • Chủng tộc: Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc ung thư niệu đạo ở người da đen cao gấp đôi người da trắng.
  • Tuổi tác: Người lớn tuổi có nguy cơ mắc ung thư niệu đạo cao hơn người trẻ tuổi.
  • Ung thư bàng quang: Những người đã từng bị ung thư bàng quang có nguy cơ bị ung thư niệu đạo cao hơn, ngay cả khi đã phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang.

Chẩn đoán ung thư niệu đạo

Khám lâm sàng và khai thác bệnh sử

Bác sĩ trước tiên sẽ tiến hành khám lâm sàng, sau đó người bệnh cần làm xét nghiệm nước tiểu và máu để loại trừ các bệnh lý khác.

Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử cá nhân của người bệnh, gồm các yếu tố nguy cơ như bệnh lây truyền qua đường tình dục, ung thư bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính và các vấn đề khác.

Khám cận lâm sàng

Bó công cụ chính được sử dụng để chẩn đoán ung thư niệu đạo là:

  • Nội soi: đưa ống nội soi vào niệu đạo để kiểm tra xem có dấu hiệu bất thường hay không. Thông thường, người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ trước khi tiến hành nội soi.
  • Sinh thiết: Đây là cách duy nhất để xác nhận chẩn đoán ung thư. Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô ở khu vực đáng ngờ trong niệu đạo. Mẫu mô này sau đó được phân tích để xem có tế bào ung thư hay không.
  • Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh: Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp CT hoặc chụp MRI giúp bác sĩ xác định vị trí của khối u và liệu ung thư đã lan rộng (di căn) hay chưa.

Xác định cấp độ và giai đoạn ung thư niệu đạo

Sau khi xác nhận chẩn đoán ung thư niệu đạo, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn (stage) và mức độ (grade) của bệnh.

Mức độ ung thư: thể hiện tốc độ phát triển và lan rộng của ung thư.

  • Ung thư mức độ thấp: ung thư phát triển chậm và ít có khả năng lan rộng.
  • Ung thư mức độ cao: ung thư phát triển nhanh chóng và có thể tái phát, lan ra ngoài niệu đạo.

Giai đoạn ung thư: được xác định dựa trên các yếu tố như kích thước khối u và mức độ lan rộng của ung thư. Càng về các giai đoạn sau thì ung thư càng lan rộng. Ví dụ, giai đoạn 1 có nghĩa là ung thư vẫn còn khu trú trong niệu đạo hoặc mới lan đến vùng mô lân cận còn giai đoạn 4 có nghĩa là ung thư đã di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Điều trị ung thư niệu đạo

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh ung thư niệu đạo. Phác đồ điều trị của mỗi ca bệnh là khác nhau, tùy thuộc vào loại ung thư, vị trí của khối u và giai đoạn bệnh.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho bệnh ung thư niệu đạo. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ cắt bỏ khối u từ bên trong hoặc từ bên ngoài niệu đạo. Nếu như ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó thì các hạch bạch huyết cũng bị cắt bỏ.

Xạ trị

Phương pháp điều trị này sử dụng các hạt hoặc sóng năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Ung thư niệu đạo đa phần được điều trị bằng xạ trị chùm tia bên ngoài, trong đó sử dụng thiết bị chiếu chùm tia phóng xạ đến khu vực có khối u trong cơ thể người bệnh. Xạ trị thường được kết hợp với phẫu thuật hoặc hóa trị.

Hóa trị

Phương pháp điều trị này sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt những tế bào đang phân chia nhanh chóng trong cơ thể, bao gồm cả tế bào ung thư. Hóa trị có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u, giúp cho việc cắt bỏ được dễ dàng hơn hoặc cũng có thể được thực hiện sau phẫu thuật để ngăn ngừa ung thư tái phát hoặc nếu ung thư đã lan ra ngoài niệu đạo.

Giám sát tích cực

Giám sát tích cực cũng là một lựa chọn cho những người bị ung thư niệu đạo. Trên thực tế, đây không phải một phương pháp điều trị. Nếu bệnh ung thư không gây triệu chứng và không có dấu hiệu phát triển hay lan rộng thì bác sĩ có thể đề nghị giám sát tích cực. Điều này có nghĩa là người bệnh chưa cần điều trị mà chỉ cần tái khám thường xuyên để theo dõi sự tiến triển của bệnh.

Đây là một lựa chọn phổ biến cho những người lớn tuổi mắc các bệnh lý không thể phẫu thuật hoặc điều trị bằng các phương pháp khác. Nếu phát hiện khối u bắt đầu phát triển hoặc lan rộng thì sẽ phải điều trị.

Tiên lượng

Các phương pháp điều trị có thể loại bỏ khối u ở niệu đạo nhưng ung thư có thể tái phát. Đó là lý do tại sao người bệnh phải duy trì tái khám định kỳ sau điều trị để phát hiện sớm ung thư tái phát.

Thông thường, người bệnh sẽ phải chụp CT hoặc MRI thường xuyên, đặc biệt là trong vài năm đầu sau chẩn đoán ung thư. Những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này giúp phát hiện dấu hiệu ung thư ở những nơi khác trong cơ thể.

Tiên lượng phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe của người bệnh, giai đoạn ung thư tại thời điểm chẩn đoán, mức độ đáp ứng điều trị. Ung thư càng được phát hiện sớm thì tiên lượng càng tốt.

Tiên lượng của mỗi một ca bệnh là khác nhau. Bác sĩ sẽ cho biết về tiên lượng cụ thể.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Cystin niệu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Cystin niệu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Mặc dù cystin niệu là một bệnh lý mạn tính, có nghĩa là kéo dài suốt đời nhưng các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 18 – 25,. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp triệu chứng xuất hiện ngay ở giai đoạn sơ sinh hoặc thanh thiếu niên.

Viêm niệu đạo: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm niệu đạo: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm niệu đạo thường gây đau khi đi tiểu và buồn tiểu liên tục. Viêm niệu đạo đa phần là do nhiễm vi khuẩn gây ra.

Sỏi niệu quản: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Sỏi niệu quản: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Sỏi niệu quản thực chất là sỏi thận. Viên sỏi có thể di chuyển từ thận đến các khu vực khác trong đường tiết niệu.

Cách giảm triệu chứng đau thắt do nhiễm trùng đường tiết niệu
Cách giảm triệu chứng đau thắt do nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn, thường là từ cơ quan sinh dục hoặc hậu môn, xâm nhập vào đường tiết niệu. Mặc dù phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhưng nam giới cũng có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Cách làm giảm triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu vào ban đêm
Cách làm giảm triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu vào ban đêm

Bạn có thể giảm đau do nhiễm trùng đường tiết niệu bằng cách uống thuốc kê đơn và sử dụng các biện pháp khắc phục tại nhà, chẳng hạn như chườm ấm.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây