Các rối loạn giấc ngủ thường gặp ở người cao tuổi
Ngủ kém có thể là dấu hiệu chỉ ra nhiều vấn đề sức khỏe và thiếu ngủ trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh như béo phì, bệnh tim mạch và đái tháo đường.
Mặc dù giấc ngủ sẽ có sự thay đổi khi có tuổi nhưng các vấn đề về giấc ngủ không phải một phần tất yếu của quá trình lão hóa tự nhiên.
Người lớn tuổi có thể gặp phải các vấn đề về giấc ngủ như:
- Khó đi vào giấc ngủ
- Ngủ chập chờn, không sâu
- Thức giấc giữa đêm hoặc dậy quá sớm vào buổi sáng và khó ngủ lại
Những vấn đề này sẽ dẫn đến mệt mỏi, thiếu tỉnh táo, giảm khả năng suy nghĩ và làm tăng nguy cơ té ngã vào ban ngày.
Nghiên cứu cho thấy khoảng 50% người trên 55 tuổi gặp tình trạng khó đi vào giấc ngủ và khó duy trì giấc ngủ sâu. (1)
Các giải pháp để khắc phục vấn đề về giấc ngủ gồm có dùng thuốc, trị liệu và thay đổi thói quen sống.
Hầu hết các nghiên cứu đều kết luận rằng liệu pháp nhận thức - hành vi giúp điều trị chứng mất ngủ cấp tính và mạn tính hiệu quả và an toàn hơn so với dùng thuốc. Các loại thuốc điều trị mất ngủ đi kèm nhiều tác dụng phụ như buồn nôn và còn có thể gây lệ thuộc khi dùng trong thời gian dài.
Tốt nhất nên đi khám nếu vấn đề về giấc ngủ kéo dài dai dẳng để tìm ra nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp.
Các nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở người lớn tuổi
Bệnh tật
Rối loạn giấc ngủ nguyên phát có nghĩa là rối loạn giấc ngủ không phải do bệnh tật, thuốc men hay bất kỳ nguyên nhân nào khác gây ra. Bất cứ ai, dù ở độ tuổi nào cũng đều có thể bị rối loạn giấc ngủ nhưng người lớn tuổi có nguy cơ cao hơn.
Mất ngủ là loại rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Mất ngủ có thể là do vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần gây ra và cũng có thể do các loại rối loạn giấc ngủ khác.
Theo nghiên cứu, các nguyên nhân gây mất ngủ gồm có căng thẳng, bệnh tật, tác dụng phụ của thuốc, thói quen ngủ không lành mạnh hoặc những thay đổi trong cuộc sống.
Một nghiên cứu trên người lớn tuổi cho thấy những người có vấn đề về giấc ngủ thường mắc một bệnh lý nào đó và ít hoạt động thể chất hơn.
Nếu rối loạn giấc ngủ là do một bệnh lý nào đó gây ra thì được gọi là rối loạn giấc ngủ thứ phát. Các bệnh lý có thể gây rối loạn giấc ngủ gồm có:
- Bệnh Parkinson: Đây là một chứng bệnh xảy ra do thoái hóa thần kinh. Nguy cơ và tỷ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi tác. Theo Tổ chức Bệnh Parkinson (the Parkinson’s Foundation), có tới 40% người mắc bệnh Parkinson bị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (obstructive sleep apnea).
- Bệnh Alzheimer: chứng bệnh này có thể gây buồn ngủ vào ban ngày và khó ngủ vào ban đêm.
- Các bệnh lý gây đau mạn tính như viêm khớp.
- Bệnh tim mạch: Một nghiên cứu cho thấy 39% người mắc bệnh tim mạch thường xuyên ngủ dưới 6,5 giờ mỗi ngày và điều này làm tăng nguy cơ tử vong. (2)
- Bệnh lý thần kinh, ví dụ như bệnh đa xơ cứng và chấn thương sọ não.
- Bệnh về đường tiêu hóa, ví dụ như trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và hội chứng ruột kích thích (IBS).
- Bệnh phổi hoặc hô hấp, ví dụ như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen suyễn. Những bệnh lý này có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
- Tiểu không tự chủ.
Thuốc men
Nhiều loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, ví dụ như:
- Thuốc lợi tiểu để điều trị cao huyết áp cao hoặc tăng nhãn áp
- Thuốc kháng cholinergic dạng hít để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Thuốc hạ huyết áp để điều trị cao huyết áp
- Corticoid đường uống (prednisone) để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus
- Thuốc chống trầm cảm và thuốc chống lo âu
- Thuốc kháng histamin để điều trị dị ứng
- Levodopa để điều trị bệnh Parkinson
- Donepezil để điều trị bệnh Alzheimer
Thói quen sống
Tiêu thụ caffeine, rượu bia và hút thuốc cũng có thể góp phần gây ra vấn đề về giấc ngủ.
- Theo nghiên cứu, caffeine có thể làm xáo trộn nhịp sinh học của cơ thể và dẫn đến giảm thời lượng giấc ngủ.
- Uống rượu bia có thể làm tăng 25% nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ.
- Nicotin làm gián đoạn nhịp sinh học, gây buồn ngủ nhiều hơn vào ban ngày và giảm thời lượng giấc ngủ vào ban đêm, bao gồm cả giấc ngủ REM.
Các rối loạn giấc ngủ thường gặp ở người cao tuổi
Các vấn đề về giấc ngủ thường gặp ở người cao tuổi gồm có:
- Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: tình trạng đường hô hấp trên bị tắc nghẽn, dẫn đến ngừng thở liên tục trong lúc ngủ. Loại rối loạn giấc ngủ này xảy ra ở khoảng 20 đến 60% người trên 65 tuổi.
- Hội chứng chân không yên: chân có cảm giác lạ và luôn muốn cử động, nhất là khi nằm. Điều này gây khó ngủ và ngủ không ngon giấc. Hội chứng chân không yên có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nghiêm trọng hơn ở độ tuổi trung niên và người lớn tuổi.
- Rối loạn hành vi giấc ngủ REM: xảy ra do sự thay đổi hoạt động của chất hóa học trong não có chức năng làm tê liệt cơ trong giấc ngủ REM. Một nghiên cứu được thực hiện trên 456 người trên 60 tuổi cho thấy có tới 7,7% người mắc bệnh Parkinson có nguy cơ bị rối loạn hành vi giấc ngủ REM.
- Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học: xảy ra do sự xáo trộn trong chu kỳ ngủ - thức hàng ngày. Khi có tuổi, nhịp sinh học sẽ trở nên kém ổn định, dẫn đến buồn ngủ sớm vào buổi tối và thức dậy sớm vào buổi sáng.
Các loại rối loạn giấc ngủ kháọ còn có:
- Mất ngủ: là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc ngủ không ngon giấc. Theo một số nghiên cứu, 50 đến 70% người trên 65 tuổi có triệu chứng mất ngủ. (3) Nhưng tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
- Rối loạn vận động chân tay theo chu kỳ: tình trạng cử động chân tay không tự chủ trong khi ngủ. Khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra chứng rối loạn này nhưng có thể bắt nguồn từ hệ thần kinh trung ương.
Chẩn đoán rối loạn giấc ngủ
Để chẩn đoán rối loạn giấc ngủ, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tiến hành khám lâm sàng để xem nguyên nhân có phải do bệnh lý tiềm ẩn hay không. Có thể bác sĩ sẽ đề nghị ghi nhật ký giấc ngủ trong 1 đến 2 tuần để đánh giá giấc ngủ của bạn.
Các tiêu chí chẩn đoán chứng mất ngủ gồm có:
- Thường xuyên khó đi vào giấc ngủ và/hoặc khó duy trì giấc ngủ
- Thiếu ngủ gây ảnh hưởng đến chức năng vào ban ngày
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị rối loạn giấc ngủ nguyên phát, đặc biệt là chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn thì có thể sẽ đề nghị đo đa ký giấc ngủ.
Đo đa ký giấc ngủ
Để đo đa ký giấc ngủ (polysomnogram), bạn sẽ cần ngủ lại tại bệnh viện. Quá trình đo đa ký giấc ngủ thường được thực hiện vào ban đêm.
Bạn sẽ được đặt các cảm biến lên người để theo dõi:
- chuyển động cơ thể
- hơi thở
- tiếng ngáy hoặc các tiếng động khác
- nhịp tim
- hoạt động của não
Kỹ thuật viên còn tiến hành đo lượng oxy trong máu và theo dõi bạn qua camera đặt trong phòng. Bạn có thể nói chuyện với kỹ thuật viên nếu cần sự giúp đỡ. Trong khi bạn ngủ, các thiết bị sẽ liên tục ghi lại thông tin trên biểu đồ. Bác sĩ sẽ dựa trên thông tin thu được để xác định xem bạn có bị rối loạn giấc ngủ hay không.
Điều trị rối loạn giấc ngủ
Đối với người lớn tuổi, trước tiên nên sử dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc như liệu pháp nhận thức - hành vi để khắc phục tình trạng mất ngủ. Lý do là vì người lớn tuổi vốn đã phải dùng nhiều loại thuốc và có nhiều cách để điều trị rối loạn giấc ngủ mà không cần dùng đến thuốc.
Liệu pháp nhận thức - hành vi
Liệu pháp nhận thức - hành vi (cognitive behavioral therapy - CBT) có thể diễn ra trong khoảng thời gian 6 tuần hoặc lâu hơn. Liệu pháp nhận thức - hành vi để điều trị mất ngủ thường gồm có các phần chính là loại bỏ các yếu tố đang gây cản trở giấc ngủ và giảm thời gian nằm trên giường.
Các nghiên cứu cho thấy CBT có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ một cách đáng kể cho những người bị mất ngủ. Đặc biệt, CBT có hiệu quả tốt hơn so với thuốc vì có thể làm tăng cả chất lượng và thời lượng giấc ngủ.
Điều chỉnh thói quen
Điều chỉnh thói quen sống hàng ngày cũng có thể giúp cải thiện giấc ngủ:
- Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày
- Chỉ sử dụng giường để ngủ, không sử dụng cho các hoạt động khác như làm việc
- Thực hiện các hoạt động thư giãn như đọc sách hay tắm nước ấm trước khi đi ngủ
- Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng trước khi đi ngủ
- Tạo môi trường ngủ thoải mái với nhiệt độ mát mẻ, yên tĩnh và không có ánh sáng chiếu
- Hạn chế uống nước trước khi đi ngủ
- Không ăn trong vòng 3 đến 4 giờ trước khi đi ngủ
- Tập thể dục thường xuyên nhưng không tập gần giờ đi ngủ
- Hạn chế ngủ vào ban ngày
Nếu đã qua 20 phút mà vẫn không ngủ được, hãy rời khỏi giường và làm một việc gì đó cho đến khi buồn ngủ mới quay trở lại giường. Nằm trằn trọc mãi trên giường sẽ khiến bạn càng khó ngủ hơn.
Nếu đã thử liệu pháp nhận thức – hành vi và thay đổi thói quen mà tình trạng mất ngủ vẫn không cải thiện thì có thể bạn cần phải dùng thuốc.
Thuốc và thực phẩm chức năng
Thay đổi thói quen là cách tốt nhất để cải thiện giấc ngủ về lâu dài nhưng thường phải mất một thời gian mới thấy kết quả rõ rệt. Trong thời gian đầu, bạn có thể kết hợp dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng để đi vào giấc ngủ nhanh hơn và ngủ sâu hơn.
Melatonin, một loại hormone do não tạo ra khi trời tối, có thể giúp điều hòa chu kỳ ngủ - thức và cải thiện thời lượng cũng như chất lượng giấc ngủ. Tiếp xúc với ánh sáng vào buổi tối, nhất là ánh sáng xanh, sẽ cản trở sự sản xuất melatonin. Đó là lý do tại sao vào buổi tối bạn nên hạn chế tiếp xúc với ánh sáng.
Bạn có thể uống melatonin tổng hợp để cải thiện giấc ngủ. Thực phẩm chức năng melatonin chủ yếu được sử dụng để khắc phục chứng mất ngủ và lệch múi giờ. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều bằng chứng khoa học ủng hộ việc sử dụng melatonin lâu dài.
Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài, tốt nhất bạn nên đi khám để tìm ra nguyên nhân và bác sĩ kê thuốc điều trị. Không nên tự ý dùng thuốc ngủ.
Các loại thuốc trị mất ngủ được sử dụng phổ biến nhất gồm có:
- Nhóm thuốc benzodiazepine như temazepam và triazolam: có tác dụng làm giảm lo lắng và giúp dễ đi vào giấc ngủ hơn bằng cách liên kết với với các thụ thể axit gamma-aminobutyric (GABA) trong não. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể gây lệ thuốc và không được khuyến khích cho người lớn tuổi do nguy cơ gây suy giảm nhận thức, té ngã và gãy xương.
- Nhóm nonbenzodiazepin (thuốc ngủ Z-drug), gồm có zolpidem, zaleplon và eszopiclone: có tác dụng làm giảm hoạt động của não để giúp bạn chìm vào giấc ngủ bằng cách tác động lên các thụ thể GABA-A của não. Các loại thuốc này có thể gây buồn ngủ vào buổi sáng nếu bạn dùng dạng tác dụng kéo dài. Các loại thuốc trong nhóm này còn có thể gây lệ thuộc và cũng không được khuyến khích cho người lớn tuổi.
- Thuốc chống trầm cảm: một số loại thuốc chống trầm cảm đã phê duyệt sử dụng với liều thấp để điều trị chứng mất ngủ mạn tính, chẳng hạn như doxepi. Các loại thuốc này có thể giúp bạn ngủ sâu giấc hơn và giảm tình trạng thức giấc giữa đêm. Cơ chế tác dụng chính của những loại thuốc này là ngăn cản histamin, một chất dẫn truyền thần kinh cảnh báo gây tỉnh táo.
Chỉ nên dùng thuốc ngủ trong thời gian ngắn.
Sử dụng thuốc ngủ trong thời gian dài có thể gây lệ thuộc và nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Các tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc benzodiazepine và thuốc Z gồm có:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Buồn nôn
- Mệt mỏi
- Buồn ngủ
Các tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm:
- Buồn nôn
- Chóng mặt
- Tăng thèm ăn
- Tăng cân
- Mệt mỏi, buồn ngủ
- Khô miệng
- Táo bón
Dùng thuốc ngủ lâu dài còn có thể làm giảm chức năng não và thay đổi chu kỳ giấc ngủ.
Không uống rượu bia trong thời gian dùng thuốc ngủ.
Ưu và nhược điểm của thuốc ngủ
Ưu điểm:
- Giúp đi vào giấc ngủ dễ hơn và thiết lập lại chu chu ngủ - thức
- Giúp ngủ ngon giấc hơn
Nhược điểm:
- Có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, loạng choạng vào ban ngày và làm tăng nguy cơ té ngã
- Có thể gây ra các hành vi bất thường trong khi ngủ
- Có thể gây lệ thuộc và nhiều tác dụng phụ nếu sử dụng trong thời gian dài
Các phương pháp điều trị khác
Các phương pháp khác để điều trị rối loạn giấc ngủ ở người lớn tuổi gồm có:
- Thở áp lực dương liên tục (CPAP) để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
- Thuốc dopamine để điều trị hội chứng chân không yên và rối loạn vận động chân tay theo chu kỳ
- Bổ sung sắt để giảm các triệu chứng của hội chứng chân không yên
- Thuốc kháng histamin, chẳng hạn như diphenhydramine để điều trị mất ngủ. Đây là nhóm thuốc được dùng để trị dị ứng nhưng vì có thể gây buồn ngủ nên còn được dùng để trị mất ngủ. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng histamin trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.
Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào để điều trị rối loạn giấc ngủ. Các loại thuốc này có thể tương tác với các loại thuốc khác mà bạn đang dùng.
Tóm tắt bài viết
Rối loạn giấc ngủ là một vấn đề phổ biến ở người lớn tuổi. Rối loạn giấc ngủ kéo dài có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như trầm cảm và té ngã.
Các giải pháp để khắc phục rối loạn giấc ngủ gồm có thay đổi thói quen sống, liệu pháp nhận thức hành vi, dùng thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị hỗ trợ. Đối với người cao tuổi thì liệu pháp nhận thức hành vi là giải pháp an toàn hơn so với thuốc ngủ để điều trị chứng mất ngủ vì ít tác dụng phụ hơn. Quá trình trị liệu có thể mất 6 tuần hoặc lâu hơn.
Mặc dù thuốc ngủ có tác dụng nhanh chóng nhưng không phải là giải pháp lâu dài. Điều chỉnh thói quen sống vẫn là cách hiệu quả nhất để cải thiện giấc ngủ.
Hầu hết mọi người đều bị khó ngủ ít nhất một vài lần trong đời. Nhưng các vấn đề về giấc ngủ xảy ra thường xuyên trong thời gian dài và ảnh hưởng đến hoạt động vào ban ngày có thể là dấu hiệu của một chứng rối loạn nghiêm trọng hơn.
Bạn thường xuyên phải trằn trọc nhiều giờ trên giường mà không thể đi vào giấc ngủ? Nếu vậy, hãy thử áp dụng các cách dưới đây. Một số trong cách có thể giúp bạn chìm vào giấc ngủ chỉ trong vòng vài phút.
Nghiên cứu cho thấy thường xuyên uống rượu bia có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ theo thời gian và dẫn đến các rối loạn giấc ngủ như mất ngủ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy tiếp xúc với ánh sáng xanh vào buổi tối làm gián đoạn chu kỳ ngủ - thức tự nhiên của não. Chu kỳ ngủ - thức bình thường là điều rất quan trọng để có sức khỏe tốt.
Tập thể dục thường xuyên mang lại rất nhiều lợi ích, ví dụ như cải thiện giấc ngủ, thư giãn tinh thần, giảm lo âu, căng thẳng và điều hòa đồng hồ sinh học. Tập thể dục sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể và khi thân nhiệt giảm, bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ.