1

Các công dụng của dầu dừa trong thời kỳ mang thai

Dầu dừa là một nguyên liệu nấu ăn phổ biến và còn được dùng để dưỡng ẩm cho da và tóc. Ngoài ra, dầu dừa còn mang lại nhiều lợi ích khác cho phụ nữ mang thai. Cụ thể những lợi ích đó là gì và dùng dầu dừa trong thai kỳ có an toàn hay không?
Các công dụng của dầu dừa trong thời kỳ mang thai Các công dụng của dầu dừa trong thời kỳ mang thai

Ăn dầu dừa

Dầu dừa được coi là một loại “siêu thực phẩm”. Về thành phần dinh dưỡng, dầu dừa chứa 100% chất béo, trong đó chất béo bão hòa chiếm đến 80 - 90%. Mỗi muỗng canh dầu dừa chứa khoảng 100 calo và 11,5 gram chất béo.

Gần một nửa lượng chất béo trong dầu dừa là một loại axit béo chuỗi trung bình (MCFA) có tên là axit lauric. Axit béo này có đặc tính kháng khuẩn. Một đánh giá nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy rằng sau khi ăn, axit lauric sẽ đi thẳng đến gan và được chuyển hóa thành năng lượng thay vì được tích trữ dưới dạng mỡ trong cơ thể như các loại chất béo khác.

Trong thời kỳ mang thai, chất béo trong chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nhau thai và các cơ quan của thai nhi. Bạn có thể dùng dầu dừa thay cho các loại dầu khác khi nấu ăn. Dầu dừa có điểm bốc khói khá cao nên phù hợp với nhiều phương pháp nấu nướng. Còn nếu như không muốn dùng dầu dừa để nấu ăn thì có thể thêm một muỗng canh dầu vào các loại đồ uống như sinh tố.

Vậy ăn dầu dừa có an toàn khi mang thai không? Dầu dừa là một loại thực phẩm an toàn, miễn là không bị dị ứng và không ăn quá nhiều. Hãy chọn loại dầu nguyên chất (virgin oil). Dầu dừa nguyên chất ít qua xử lý sau khi ép hơn so với dầu dừa tinh luyện. Ngoài ra, dầu dừa có lượng calo cao nên tốt nhất không ăn quá 2 muỗng canh mỗi ngày để tránh tăng cân.

Súc miệng bằng dầu dừa

Súc miệng bằng dầu là một phương pháp vệ sinh răng miệng có nguồn gốc cổ xưa và hiện nay được khá nhiều người áp dụng. Theo một đánh giá nghiên cứu vào năm 2016, súc miệng bằng dầu có những lợi ích như: (1)

  • Giảm hôi miệng
  • Giảm mảng bám trên răng
  • Ngăn ngừa sâu răng
  • Giúp cơ hàm khỏe hơn

Ngoài ra, phương pháp súc miệng bằng dầu còn được cho là giúp cải thiện các vấn đề khác, từ chứng đau nửa đầu, dị ứng cho đến bệnh thận nhưng chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học nào chứng minh những tác dụng này.

Mang thai sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về răng miệng như viêm lợi, chảy máu chân răng và mòn men răng. Mặc dù súc miệng bằng dầu an toàn đối với phụ nữ mang thai nhưng chưa có nhiều nghiên cứu về việc thực hiện phương pháp này trong thai kỳ. Ngoài ra, súc miệng bằng dầu không thể thay thế cho các biện pháp chăm sóc răng miệng thông thường như đánh răng, dùng chỉ nha khoa và đi khám răng định kỳ.

Cách súc miệng bằng dầu cũng giống như súc miệng bằng nước súc miệng. Lấy một thìa dầu dừa nguyên chất, cho vào miệng và súc đều khắp khoang miệng trong khoảng 20 phút.

Tốt nhất nên súc miệng bằng dầu ngay khi vừa thức dậy vào buổi sáng và chưa ăn sáng. Tuy nhiên, điều này sẽ hơi khó đối với những phụ nữ bị ốm nghén. Khi súc miệng xong, hãy nhổ dầu vào thùng rác (khong nên nhổ vào bồn rửa để tránh làm tắc ống dẫn nước) và sau đó đánh răng như bình thường hoặc súc miệng lại bằng nước muối.

Điều trị viêm da cơ địa

Các axit béo trong dầu dừa có tác dụng dưỡng ẩm đặc biệt tốt cho làn da. Viêm da cơ địa (bệnh chàm) là một trong những bệnh về da phổ biến nhất mà phụ nữ gặp phải khi mang thai.

Viêm da cơ địa là bệnh lý mạn tính thường bùng phát theo đợt và ở những phụ nữ đã mắc viêm da cơ địa, mang thai thường là thời điểm xuất hiện các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, một đánh giá nghiên cứu vào năm 2007 đã chỉ ra rằng 60 đến 80% phụ nữ bị viêm da cơ địa khi mang thai đều chưa từng có tiền sử bệnh về da này trước đó.

Có thể thoa dầu dừa nguyên chất trực tiếp lên những vùng da bị viêm da cơ địa để làm giảm các triệu chứng. Theo một đánh giá nghiên cứu vào năm 2019, dầu dừa có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn. Những đặc tính này giúp chữa lành tổn thương da, đồng thời dưỡng ẩm cho da khô và kích ứng. (2)

Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể về việc sử dụng dầu dừa để điều trị viêm da cơ địa khi mang thai nhưng các nghiên cứu được thực hiện trên người không mang thai đã chỉ ra rằng dầu dừa nguyên chất an toàn cho da và không gây ra bất kỳ vấn đề nào khi thoa trực tiếp trên da. Nếu mắc bệnh viêm da cơ địa thì tốt nhất nên đi khám bác sĩ da liễu để được hướng dẫn cách điều trị hiệu quả nhất.

Trị rạn da

Cơ thể người mẹ sẽ có nhiều thay đổi theo sự phát triển từng ngày của thai nhi trong bụng. Việc tăng cân quá nhanh trong thai kỳ có thể khiến cho các sợi collagen và elastin trong da bị đứt gãy và gây ra các vết rạn da trên bụng, đùi, mông, cánh tay và những vị trí khác. Giữ ẩm cho da có thể giúp ngăn ngừa rạn da.

Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu về việc sử dụng dầu dừa để trị rạn da nhưng nhờ có tác dụng dưỡng ẩm nên loại dầu này có thể giúp cải thiện nhiều vấn đề khác nhau trên da.

Một đánh giá nghiên cứu vào năm 2017 về các loại dầu thực vật đã cho thấy rằng dầu dừa nguyên chất có thể giúp chữa lành vết thương bằng cách thúc đẩy sự sản sinh collagen ở trong và xung quanh vết thương. Dầu dừa còn có thể làm giảm viêm trong da và điều này có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm mờ các vết rạn da nhưng cần phải nghiên cứu thêm.

Rạn da là hoàn toàn bình thường, gần như ai cũng có vài vết rạn trên cơ thể do tăng cân, mang thai, dậy thì, tập luyện tăng cơ hay các nguyên nhân khác nhưng nếu cảm thấy các vết rạn khiến bản thân mất tự tin và muốn trị rạn da bằng các biện pháp tự nhiên thì có thể thử dùng dầu dừa xem sao. Dầu dừa nguyên chất an toàn cho da, kể cả trong thai kỳ.

Mát-xa tầng sinh môn

Khi gần đến ngày dự sinh, mẹ bầu có thể cân nhắc mát-xa tầng sinh môn hàng ngày để quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi hơn. Tầng sinh môn là vùng ở giữa âm hộ và hậu môn. Khi sinh thường, khu vực này sẽ giãn nở để em bé có thể ra ngoài một cách dễ dàng. Mát-xa tầng sinh môn thường xuyên với các loại dầu dưỡng ẩm, chẳng hạn như dầu dừa, có thể giúp ngăn ngừa rách âm đạo trong khi sinh nở.

Cách thực hiện như sau:

  1. Chọn tư thế thoải mái, ví dụ như ngồi dựa lưng vào thành ghế, bồn tắm hoặc ngồi trên bồn cầu và nâng hai chân lên
  2. Đưa hai ngón tay cái vào bên trong âm đạo khoảng 3cm, các ngón còn lại ôm lấy mông
  3. Ấn ngón tay xuống và nhẹ nhàng di chuyển sang hai bên để mát-xa phần dưới của âm đạo
  4. Giữ khoảng 2 phút. Lúc này, bạn có thể sẽ cảm thấy hơi châm chích hoặc nóng nhưng cảm giác này sẽ nhanh chóng qua đi
  5. Thoa dầu dừa (hoặc dầu hạnh nhân hoặc dầu ô liu) vào ngón tay cái và mát-xa khu vực này trong khoảng 4 phút
  6. Lặp lại từ 2 - 3 ba lần. Sau mỗi lần nên nghỉ vài phút

Mát-xa tầng sinh môn không những an toàn mà còn là điều được khuyến khích khi mang thai. Mặc dù có thể bắt đầu mát-xa bất cứ lúc nào nhưng theo một đánh giá nghiên cứu vào năm 2012 thì nên mát-xa trong vòng 6 tuần trước ngày dự sinh để có hiệu quả tốt nhất. (3)

Dùng làm chất bôi trơn

Dầu dừa có thể được sử dụng làm chất bôi trơn âm đạo khi quan hệ tình dục. Mặc dù bình thường, việc dùng chất bôi trơn có thể không cần thiết vì âm đạo có các tuyến tiết dịch tự nhiên nhưng mang thai có thể làm giảm sự tiết dịch và khiến cho âm đạo trở nên khô hơn bình thường. Lúc này, sử dụng chất bôi trơn sẽ giúp làm giảm ma sát và hạn chế đau rát.

Chưa có nghiên cứu nào về việc sử dụng dầu dừa để bôi trơn khi mang thai. Tuy nhiên, dầu dừa có đặc tính dưỡng ẩm và được sử dụng để mát-xa tầng sinh môn nên loại dầu cũng an toàn khi dùng làm chất bôi trơn. Và một số nghiên cứu cho thấy rằng dầu dừa còn có tác dụng chống nhiễm trùng nấm men.

Lưu ý, không nên dùng dầu dừa để bôi trơn khi sử dụng bao cao su vì các chất bôi trơn gốc dầu sẽ làm hỏng bao cao su latex. Và nếu bạn thường xuyên bị nhiễm trùng âm đạo thì tốt nhất nên lựa chọn các loại chất bôi trơn khác.

Dưỡng tóc

Ở nhiều phụ nữ, mái tóc trở nên dày mượt và chắc khỏe hơn khi mang thai nhờ sự thay đổi nội tiết tố mà cụ thể là progesterone. Tuy nhiên, không phải khi nào mái tóc cũng đẹp lên trong thời gian mang thai. Ở một số mẹ bầu, chính sự thay đổi nội tiết tố lại khiến cho tóc lại trở nên khô xơ và dễ gãy rụng. Có nhiều cách tự nhiên để khắc phục tình trạng này và một trong những cách đó là sử dụng dầu dừa. Một đánh giá nghiên cứu vào năm 2003 cho thấy rằng axit béo chuỗi trung bình (MCFA) trong dầu dừa có thể đi sâu vào sợi tóc và làm giảm sự mất protein ở cả tóc hư tổn lẫn tóc không bị hư tổn. (4) Bạn có thể thoa một ít dầu dừa lên tóc trước khi gội để tạo lớp phủ bảo vệ sợi tóc và làm giảm lượng protein bị mất đi hoặc dùng dầu dừa để ủ tóc.

Dù chọn cách nào thì cũng chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ dầu dừa nguyên chất để tránh gây bết dính. Làm ấm dầu và thoa lên ngọn tóc, tránh phần chân tóc và da đầu.

Giảm triệu chứng bệnh trĩ

Bệnh trĩ là một vấn đề mà rất nhiều phụ nữ gặp phải trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh. Bệnh trĩ xảy ra do các tĩnh mạch ở bên trong hoặc bên ngoài hậu môn và trực tràng bị phình giãn. Một nghiên cứu nhỏ vào năm 2019 được thực hiện trên phụ nữ mang thai đã cho thấy rằng dầu dừa giúp làm dịu các triệu chứng khó chịu do bệnh trĩ như đau rát và ngứa ngáy hiệu quả hơn so với phương pháp điều chỉnh chế độ ăn và thay đổi thói quen sống.

Những người tham gia nghiên cứu được cho bôi thuốc mỡ có chứa dầu dừa hai lần mỗi ngày trong vòng 2 tuần và đồng thời cũng thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn và thói quen sinh hoạt hàng ngày, gồm có ăn ít chất xơ hơn, uống nhiều nước và tăng cường vận động.

Về tính an toàn, chưa có bất kỳ tác dụng phụ nào được ghi nhận khi sử dụng dầu dừa để điều trị bệnh trĩ. Tuy nhiên, các nghiên cứu đều được thực hiện trên những người bị bệnh trĩ nội độ 1 và độ 2. Nếu búi trĩ đã sa ra bên ngoài hậu môn (trĩ độ 3 và độ 4) thì nên đi khám để được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị.

Lưu ý khi sử dụng dầu dừa

Không sử dụng dầu dừa nếu bị dị ứng với dừa hoặc có bất kỳ phản ứng bất thường nào khi tiếp xúc với thành phần này. Các triệu chứng dị ứng dừa hay dầu dừa thường chỉ ở mức độ nhẹ, gồm có:

  • Ngứa ở mắt, mũi hoặc da
  • Mẩn đỏ
  • Đau đầu
  • Các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy
  • Thở khò khè, tức ngực

Cần đến bệnh viện ngay nếu có các triệu chứng sốc phản vệ (một dạng phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng):

  • Sưng phù
  • Phát ban ngứa, đỏ hoặc da tím tái
  • Chóng mặt
  • Tụt huyết áp
  • Khó thở
  • Hắt hơi liên tục
  • Đau quặn bụng

Không nên ăn quá nhiều dầu dừa vì loại dầu này chứa hàm lượng lớn chất béo bão hòa và calo. Mặc dù dầu dừa được coi là một loại siêu thực phẩm nhưng cũng chỉ nên ăn một cách vừa phải và sử dụng xen kẽ với các loại dầu chứa chất béo không bão hòa như dầu ô liu hoặc dầu hạt cải.

Tóm tắt bài viết

Dù sử dụng làm thực phẩm hay thoa lên da và tóc thì dầu dừa cũng đều an toàn cho phụ nữ mang thai. Mặc dù cần nghiên cứu thêm nhưng dầu dừa có thể mang lại nhiều lợi ích như làm sạch răng miệng, dưỡng ẩm cho da, trị rạn da, viêm da cơ địa, giảm triệu chứng bệnh trĩ và ngăn tóc gãy rụng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nhiễm bệnh Herpes trong thời kỳ mang thai
Nhiễm bệnh Herpes trong thời kỳ mang thai

Hầu hết những người bị herpes sinh dục hoặc không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng rất nhẹ mà thường không được chú ý. Theo CDC, gần 90% những người bị chứng mụn rộp không nhận ra.

Thuốc điều trị thiếu máu do thiếu sắt trong thời kỳ mang thai
Thuốc điều trị thiếu máu do thiếu sắt trong thời kỳ mang thai

Điều trị sớm tình trạng thiếu máu do thiếu sắt trong khi mang thai sẽ bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé tốt hơn, giảm thiểu một số nguy cơ trong thai kỳ.

Kiểm soát cao huyết áp mạn tính trong thời kỳ mang thai
Kiểm soát cao huyết áp mạn tính trong thời kỳ mang thai

Huyết áp mạn tính có thể dao động từ mức nhẹ đến nặng. Nó cũng phụ thuộc vào việc bạn có bất kỳ vấn đề sức khoẻ nào khác hay không...

Cách kiểm soát HIV trong thời kỳ mang thai
Cách kiểm soát HIV trong thời kỳ mang thai

Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu để xác định lượng virus (lượng virus trong máu) và số lượng tế bào CD4 (số lượng tế bào miễn dịch CD4 bạn có).

Chứng lo âu trong thời kỳ mang thai
Chứng lo âu trong thời kỳ mang thai

Sự lo lắng trở thành vấn đề khi cảm xúc mạnh mẽ đến nỗi không biến mất hoặc bắt đầu can thiệp vào cuộc sống hàng ngày của bạn. Nếu những suy nghĩ của bạn ngăn cản bạn làm những việc mà bạn thường làm, thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn mắc chứng rối loạn lo âu.

Hỏi đáp có thể bạn quan tâm
Vú bị rỉ sữa trong thời kỳ mang thai có sao không?
  •  4 năm trước
  •  1 trả lời
  •  886 lượt xem

- Bác sĩ ơi, vú bị rỉ sữa trong thời kỳ mang thai có phải là hiện tượng bình thường không ạ? Bác sĩ giải đáp giúp tôi với nhé! Cảm ơn bác sĩ!

Phải làm sao khi bị cám dỗ bởi các loại thuốc ngủ trong thời kỳ mang thai?
  •  4 năm trước
  •  1 trả lời
  •  832 lượt xem

- Thưa bác sĩ, từ khi mang thai, mỗi khi đi ngủ tôi lại có cảm giác vô cùng khó chịu. Lúc ấy, tôi chỉ muốn uống thuốc ngủ có được một giấc ngủ thật ngon. Bác sĩ bảo tôi phải làm thế nào bây giờ?

Có nên uống thuốc giảm cân trong thời kỳ mang thai?
  •  4 năm trước
  •  1 trả lời
  •  3979 lượt xem

- Bác sĩ ơi, uống thuốc giảm cân trong thời kỳ mang thai có an toàn không ạ? Theo bác sĩ tôi có nên uống thuốc giảm cân trong thời kỳ mang thai không?

Chương trình luyện tập có thể tiếp tục trong thời kỳ mang thai là gì?
  •  4 năm trước
  •  1 trả lời
  •  697 lượt xem

- Bác sĩ ơi, tôi có thể tiếp tục chương trình luyện tập của mình với những môn thể thao nào trong thời kỳ mang thai? Bác sĩ hãy cho tôi một số gợi ý nhé, cảm ơn bác sĩ!

Trước thời kì mang thai nên dùng thuốc thế nào?
  •  3 năm trước
  •  1 trả lời
  •  550 lượt xem

Acid folic và thuốc sắt Obimin là 2 loại thuốc nên dùng trước thời kì mang thai - Bác sĩ cho hỏi em nên dùng theo liều lượng thế nào ạ?

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây