1

Các Cách Giảm Nguy Cơ Ung Thư Thận

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư thận, trong đó có những yếu tố không thể thay đổi như chủng tộc hay tiền sử gia đình nhưng cũng có những yếu tố có thể thay đổi được. Điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp giải quyết các yếu tố này và giảm nguy cơ mắc bệnh. Những điều này đặc biệt quan trọng khi bạn có các yếu tố nguy cơ khác không thể kiểm soát.
Các Cách Giảm Nguy Cơ Ung Thư Thận Các Cách Giảm Nguy Cơ Ung Thư Thận

Ung thư thận là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Đây là bệnh ung thư có số ca mắc cao thứ 14 ở phụ nữ và cao thứ 9 ở nam giới. (1)

Ung thư thận xảy ra khi các tế bào trong thận biến đổi và phát triển bất thường. Mặc dù khoa học vẫn chưa lý giải được chính xác nguyên nhân nào khiến các tế bào biến đổi nhưng đã xác định được một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư thận.

Trong đó có một số yếu tố có thể thay đổi. Một số điều chỉnh về lối sống có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư thận. Và khi đã bị ung thư thận, những điều chỉnh lối sống này có thể giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát.

Ai có nguy cơ mắc ung thư thận?

hai dau hieu nguy co ung thu than
Ai có nguy cơ mắc ung thư thận

Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư thận, một số yếu tố có thể thay đổi được trong khi một số khác thì không.

Các yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát gồm có:

  • Tuổi tác: Hầu hết các ca ung thư thận được chẩn đoán trong độ tuổi từ 65 đến 74.
  • Chủng tộc: Một số chủng tộc có tỷ lệ mắc ung thư thận cao hơn, ví dụ như người da đen.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc ung thư thận cao gấp đôi so với nữ giới.
  • Tiền sử gia đình: Những người có người thân trong gia đình bị ung thư thận (nhất là anh chị em ruột) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Bệnh di truyền hiếm gặp: Các bệnh di truyền sau đây có thể làm tăng nguy cơ ung thư thận:
    • Bệnh von Hippel-Lindau
    • Hội chứng Cowden
    • Bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm
    • Xơ cứng củ

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi gồm có:

  • Hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư thận và nhiều loại ung thư khác. Càng hút nhiều thì nguy cơ càng cao.
  • Béo phì: Béo phì làm thay đổi một số hormone trong cơ thể và điều này có thể dẫn đến ung thư thận.
  • Cao huyết áp: Nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa cao huyết áp (tăng huyết áp) và sự gia tăng nguy cơ ung thư thận. Huyết áp càng cao thì nguy cơ ung thư càng tăng.
  • Suy thận mạn: Suy thận mạn ở các giai đoạn sau sẽ làm tăng nguy cơ ung thư thận, đặc biệt là khi phải lọc máu.
  • Tiếp xúc với hóa chất: Thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất như trichloroethylene, cadmium hoặc amiăng làm tăng nguy cơ ung thư thận.

Các cách giảm nguy cơ ung thư thận

giam nguy co
Bỏ hút thuốc lá giúp giảm nguy cơ ung thư thận

 

1. Bỏ hút thuốc

Nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư thận cao hơn 39% so với những người chưa từng hút thuốc. Ngay cả những người đã bỏ thuốc cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 20% so với những người chưa từng hút. (2)

Nguy cơ mắc bệnh gia tăng theo số lượng thuốc lá hút mỗi ngày. Càng hút nhiều thì nguy cơ càng cao.

Bỏ thuốc lá sẽ giúp giảm nguy cơ mắc ung thư thận. Ở những người đang bị ung thư thận, bỏ thuốc lá sẽ giúp cải thiện tiên lượng.

2. Ăn nhiều trái cây và rau củ

Các nghiên cứu chỉ ra rằng ăn nhiều trái cây và rau củ có thể giúp giảm nguy cơ ung thư thận. (3) Theo các chuyên gia, caroten trong trái cây và rau củ là thành phần mang lại lợi ích này. Nên ăn trái cây nguyên trái thay vì chỉ uống nước ép và ăn nhiều loại trái cây khác nhau để có được lợi ích tối đa.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng chế độ ăn uống nhiều chất xơ, đặc biệt là chất xơ từ rau củ và các loại đậu, có thể làm giảm nguy cơ ung thư thận.

Cà phê có thể giúp giảm nguy cơ ung thư thận không?

Các nghiên cứu về tác dụng của cà phê trong việc làm giảm nguy cơ ung thư thận vẫn chưa cho kết quả thống nhất. Một tổng quan nghiên cứu gần đây cho thấy uống cà phê không làm giảm nguy cơ ung thư thận. Trong khi đó, một nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng những người uống 2 cốc cà phê trở lên mỗi ngày có nguy cơ nguy cơ ung thư thận thấp hơn 20% so với người uống ít và không uống cà phê.

3. Kiểm soát huyết áp

Cao huyết áp thường không có triệu chứng. Do đó, rất nhiều người bị cao huyết áp mà không biết. Theo thời gian, cao huyết áp sẽ dần làm hỏng các động mạch, đặc biệt là động mạch ở thận và mắt.

Người bị cao huyết áp thường sẽ phải dùng thuốc để kiểm soát huyết áp. Ngoài ra, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống cũng có thể giúp giữ huyết áp ổn định ở mức khỏe mạnh.

Những người bị cao huyết áp được khuyến nghị thực hiện chế độ ăn DASH, trong đó ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc, đồng thời hạn chế natri và kali.

4. Duy trì cân nặng vừa phải

Béo phì ở người lớn được định nghĩa là chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 13% dân số toàn cầu bị béo phì.

Theo nghiên cứu vào năm 2018, chỉ số BMI cao làm tăng nguy cơ mắc ung thư thận. Duy trì cân nặng vừa phải sẽ giúp giảm nguy cơ ung thư thận và nhiều bệnh tật khác.

Đối với những người bị béo phì, việc giảm cân không phải điều đơn giản. Người béo phì có thể cần sự trợ giúp của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để giảm cân.

Giảm cân đòi hỏi phải điều chỉnh chế độ ăn uống, ví dụ như ăn nhiều trái cây và rau củ tươi, đồng thời hạn chế thực phẩm chế biến sẵn. Bên cạnh điều chỉnh chế độ ăn, người bệnh còn phải kết hợp với tập thể dục. Nên giảm cân từ từ để tránh gây hại cho sức khỏe.

Nếu các phương pháp này không hiệu quả, người bệnh có thể phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật giảm cân.

5. Hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại

Những người thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất trong môi trường làm việc cần sử dụng các thiết bị bảo hộ cá nhân như găng tay, khẩu trang và mặt nạ phòng độc.

Giặt riêng quần áo lao động để hóa chất không dính vào những quần áo khác.

6. Khám sàng lọc

Hiện không có khuyến nghị về việc sàng lọc ung thư thận đối với những người không thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh. Nhưng những người có nguy cơ cao nên cân nhắc khám sàng lọc cao huyết áp và chức năng thận.

Những người mắc các bệnh di truyền làm tăng nguy cơ ung thư thận nên sàng lọc thường xuyên bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, gồm có:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Siêu âm

Ung thư thận thường không có triệu chứng ở các giai đoạn đầu. Việc khám sàng lọc sẽ giúp phát hiện ung thư từ sớm. Càng được phát hiện sớm thì khả năng điều trị thành công sẽ càng cao.

Tóm tắt bài viết

Mặc dù một số yếu tố nguy cơ của ung thư thận nằm ngoài tầm kiểm soát nhưng cũng có những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi, ví dụ như béo phì, hút thuốc lá và cao huyết áp. Điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp giải quyết những yếu tố nguy cơ này.

Những người bị suy thận mạn, mắc một số bệnh lý di truyền hoặc có tiền sử gia đình bị ung thư thận nên cân nhắc khám sàng lọc định kỳ.

>>> Xem thêm: Ung Thư Thận: Triệu Chứng, Nguyên Nhân, Điều Trị Và Tiên Lượng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: ung thư thận
Tin liên quan
Giãn đài bể thận có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?
Giãn đài bể thận có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?

Giãn đài bể thận là một tình trạng xảy ra với đài thận. Đài thận là các cấu trúc có hình dạng như chiếc phễu và là nơi mà nước tiểu bắt đầu được gom lại. Mỗi quả thận có từ 6 đến 10 đài thận. Chúng nằm ở rìa ngoài của thận.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây