Các cách giảm đau do ung thư bàng quang di căn
Ung thư bàng quang di căn là loại ung thư phổ biến thứ 6 ở nam giới và thứ 17 ở phụ nữ. Theo ước tính, có khoảng trên 570.000 người mắc mới ung thư bàng quang vào năm 2020.
Ung thư bàng quang thường bắt đầu từ lớp tế bào ở bề mặt trong cùng của bàng quang. Ung thư có thể phát triển vào các lớp cơ bên trong thành bàng quang và cuối cùng lan đến các hạch bạch huyết gần đó, các mô xung quanh hoặc thậm chí lan đến các vị trí ở xa trong cơ thể.
Khi ung thư lan ra ngoài bàng quang đến các cấu trúc, cơ quan khác thì được gọi là di căn. Ung thư bàng quang di căn được phân loại là ung thư giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối.
Ung thư bàng quang di căn gây ra nhiều triệu chứng khác nhau và đau đớn là một trong những triệu chứng phổ biến nhất.
Đau do các phương pháp ung thư bàng quang
Ở giai đoạn đầu, ung thư bàng quang thường không gây đau nhiều. Một số người còn hoàn toàn không cảm thấy đau nhưng ở nhiều người, ung thư bàng quang gây đau hoặc nóng rát khi đi tiểu. Máu trong nước tiểu thường là dấu hiệu đầu tiên của ung thư bàng quang. Máu khiến nước tiểu chuyển màu hồng, đỏ hoặc nâu nhưng đôi khi, lượng máu chỉ rất nhỏ và không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Đôi khi, bản thân bệnh ung thư bàng quang không phải là nguyên nhân gây đau duy nhất ở người mắc bệnh này. Đau đớn cũng có thể là do các phương pháp điều trị. Hóa trị, một phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh ung thư bàng quang, có thể gây ra tác dụng phụ khó chịu, chẳng hạn như lở miệng.
Hóa trị còn có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại biên, có triệu chứng là đau, tê, châm chích hoặc các cảm giác bất thường khác ở bàn tay, cánh tay, bàn chân hoặc cẳng chân.
Phẫu thuật cũng là một phương pháp điều trị ung thư bàng quang. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau đớn sau phẫu thuật.
Đau do ung thư có biểu hiện như thế nào?
Khi ung thư phát triển và lan sang các khu vực khác của cơ thể hoặc trong quá trình điều trị ung thư bàng quang, người bệnh sẽ ngày càng bị đau nhiều hơn.
Khu vực đau tùy thuộc vào vị trí ung thư di căn.
Đau lưng
Ung thư bàng quang có thể gây đau lưng dưới khi bệnh tiến triển nặng hơn. Cơn đau thường chỉ xảy ra ở một bên lưng nhưng cũng có thể xảy ra ở chính giữa.
Người bệnh có thể bị đau ở lưng dưới khi khối u tăng kích thước hoặc tế bào ung thư bắt đầu lan sang các bộ phận khác trên cơ thể.
Đau khi đi tiểu
Ung thư bàng quang gây ra những triệu chứng về tiểu tiện. Người bệnh có thể cảm thấy đau hoặc nóng rát khi đi tiểu và còn có máu trong nước tiểu.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp phải các triệu chứng khác như:
- Đi tiểu nhiều hơn bình thường
- Buồn tiểu đột ngột, dữ dội ngay cả khi bàng quang không đầy
- Phải thức giấc nhiều lần vào ban đêm để đi tiểu
Không thể đi tiểu cũng là một triệu chứng của ung thư bàng quang giai đoạn muộn.
Đau xương và cơ
Ung thư bàng quang di căn đến xương sẽ gây đau xương, cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau nhói.
Ngoài ra, đôi khi ung thư bàng quang còn gây đau ở hông và vùng chậu. Điều này có thể xảy ra nếu ung thư lan đến cơ thắt lưng chậu (một cơ nằm bên trong hông) và gây ra một tình trạng gọi là hội chứng cơ psoas ác tính.
Mặc dù người bị hội chứng cơ psoas ác tính có tiên lượng kém nhưng hội chứng này rất hiếm gặp.
Đau khi quan hệ tình dục
Việc điều trị ung thư bàng quang cũng có thể gây đau đớn cho người bệnh, bao gồm cả cảm giác đau khi quan hệ tình dục.
Xạ trị có thể gây kích thích niệu đạo của nam giới và điều này gây cảm giác đau nhói khi xuất tinh. Tình trạng đau thường hết khi quá trình điều trị kết thúc.
Phẫu thuật điều trị ung thư bàng quang có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh dịch của nam giới và điều này dẫn đến cực khoái khô hay cực khoái không xuất tinh, có nghĩa là chỉ có rất ít hoặc không có tinh dịch khi đạt cực khoái.
Ở phụ nữ, ca phẫu thuật cắt bàng quang để điều trị ung thư bàng quang thường gồm có cắt bỏ cả phần trước của âm đạo. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc quan hệ tình dục của người bệnh.
Xạ trị vùng chậu có thể gây hình thành sẹo, sẹo sẽ làm thu hẹp âm đạo và dẫn đến đau đớn khi quan hệ tình dục.
Người bệnh còn có thể bị khô âm đạo và điều này gây đau rát khi quan hệ tình dục.
Các biện pháp giảm đau
Đau đớn là điều không thể tránh khỏi khi mắc ung thư, đặc biệt là ung thư di căn. Tuy nhiên, có nhiều biện pháp giúp người bệnh giảm bớt đau đớn và cảm thấy dễ chịu hơn.
Dưới đây là một số cách giúp giảm đau do ung thư bàng quang di căn.
Thuốc không kê đơn
Người bệnh có thể kiểm soát các cơn đau nhẹ đến vừa bằng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen và aspirin.
Mặc dù đây là những loại thuốc không kê đơn nhưng người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào. Thuốc có thể gây ra tác dụng phụ hoặc làm giảm đi các triệu chứng nhiễm trùng, khiến cho tình trạng nhiễm trùng không được phát hiện hoặc thậm chí một số loại thuốc còn có thể ảnh hưởng đến việc điều trị ung thư.
Ví dụ, ibuprofen liều cao có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Điều này sẽ gây ra vấn đề nếu thận vốn đã bị ảnh hưởng bởi bệnh ung thư hoặc nếu người bệnh đang điều trị bằng hóa trị. Thuốc hóa trị cũng có thể làm suy giảm chức năng thận.
Ngoài ra, hãy kiểm tra thành phần của các loại thuốc đang dùng xem có chứa thuốc giảm đau hay không. Nếu có, việc dùng thêm thuốc giảm đau không kê đơn sẽ khiến người bệnh dùng quá nhiều thuốc giảm đau
Aspirin và ibuprofen còn có thể gây chảy máu dạ dày và nguy cơ xảy ra điều này sẽ cao hơn nếu dùng cả hai loại thuốc cùng một lúc.
Thuốc giảm đau kê đơn
Nếu người bệnh đã dùng thuốc giảm đau không kê đơn mà không có tác dụng, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc giảm đau mạnh hơn, ví dụ như thuốc giảm đau opioid cho cơn đau từ vừa đến nặng do ung thư. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:
- codein
- hydrocodone
- oxycodone
Thuốc giảm đau nhóm opioid có thể gây táo bón và làm chậm tốc độ hồi phục sau phẫu thuật, vì vậy nhóm thuốc này không phải lúc nào cũng phù hợp với người bị ung thư bàng quang.
Thuốc giảm đau nhóm opioid còn có thể gây phụ thuộc và nghiện. Bác sĩ sẽ kê liều dùng thích hợp và nói rõ về những tác dụng phụ của thuốc.
Thuốc chống co giật
Nếu người bệnh bị tổn thương dây thần kinh do điều trị ung thư, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc chống co giật động kinh để làm giảm cảm giác châm chích và nóng rát.
Nhóm thuốc gabapentinoid, cụ thể là gabapentin (Neurontin) và pregabalin (Lyrica, Lyrica CR), là những loại thuốc điều trị co giật động kinh nhưng cũng có thể được sử dụng để điều trị chứng đau dây thần kinh.
Nhóm thuốc này ngày càng được sử dụng phổ biến thay cho thuốc giảm đau opioid và có thể giúp điều trị bệnh thần kinh do hóa trị hoặc ung thư di căn.
Thuốc giãn cơ bàng quang
Cơ bàng quang co thắt không tự chủ là nguyên nhân gây ra cảm giác buồn tiểu đột ngột. Thuốc giãn cơ bàng quang sẽ giúp làm giảm hoặc ngăn chặn các cơn co thắt cơ bàng quang.
Loại thuốc này cũng thường được kê cho những người bị ung thư bàng quang. Một số ví dụ gồm có:
- oxybutynin
- mirabegron
- tropsium
Các loại thuốc giãn cơ bàng quang có thể giúp làm giảm triệu chứng buồn tiểu liên tục và giảm khó chịu ở vùng chậu.
Thuốc chống trầm cảm
Mặc dù thuốc chống trầm cảm chủ yếu được sử dụng để điều trị bệnh trầm cảm nhưng một số thuốc chống trầm cảm còn được dùng để giảm triệu chứng đau và nóng rát do tổn thương thần kinh do một số phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Các biện pháp thư giãn
Hít thở chậm rãi, nhịp nhàng và tập trung thị giác vào một vật thể nhất định là những biện pháp thư giãn phổ biến mà người bệnh ung thư có thể thử để kiểm soát cơn đau. Các biện pháp này giúp làm giảm tình trạng căng cơ và làm dịu tâm trí.
Chuyển hướng tập trung
Chuyển hướng tập trung sang một việc khác, ví dụ như xem TV, đọc sách, làm đồ thủ công hay nghe nhạc có thể giúp người bệnh tạm quên đi cảm giác đau.
Thiền
Tương tự như các biện pháp thư giãn và chuyển hướng tập trung, thiền có thể giúp người bệnh giảm đau và làm dịu tâm trạng.
Một số nghiên cứu cho thấy thiền có thể làm giảm cơn đau, giảm lo âu và những suy nghĩ tiêu cực ở người mắc bệnh ung thư.
Các cách giảm đau khác
Ngoài ra còn có nhiều phương pháp điều trị bổ sung và thay thế khác có thể giúp giảm đau cho người mắc bệnh ung thư. Một số ví dụ gồm có:
- Châm cứu
- Tập yoga
- Mát xa
- Thôi miên
- Liệu pháp phản hồi sinh học
Phản hồi sinh học (biofeedback) là một phương pháp sử dụng máy móc để giúp người bệnh hiểu và kiểm soát một số chức năng vô thức của cơ thể. Liệu pháp này được thực hiện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia trị liệu có chuyên môn và sẽ giúp người bệnh thư giãn, đối phó với triệu chứnh đau đớn.
Người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Khi nào cần đi khám?
Mặc dù ung thư bàng quang và các phương pháp điều trị bệnh có thể gây đau nhưng có nhiều cách để giảm đau.
Người bệnh nên báo cho bác sĩ khi nhận thấy có triệu chứng mới hoặc tình trạng đau ngày càng nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ đưa ra các cách giúp làm giảm đau đớn.
Câu hỏi thường gặp
Đau do ung thư bàng quang có tự hết không?
Người bệnh có cảm thấy đau hay không, đau ở đâu, tần suất bị đau và mức độ đau đớn phụ thuộc vào giai đoạn ung thư và ung thư đã di căn hay chưa. Cơn đau do ung thư bàng quang có thể xảy ra theo đợt, có nghĩa là có thể tự hết và sau đó lại xuất hiện lại.
Dấu hiệu nào cho thấy ung thư bàng quang đang tiến triển nặng?
Các dấu hiệu cho thấy bệnh ung thư bàng quang đang tiến triển nặng thêm hoặc đã di căn gồm có đau xương, đau bụng, đau lưng, mệt mỏi hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân.
Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư bàng quang là gì?
Một triệu chứng phổ biến và thường là triệu chứng đầu tiên của bệnh ung thư bàng quang là có máu trong nước tiểu (đái máu). Ngoài ra người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như tiểu nhiều lần, tiểu gấp, đau hoặc nóng rát khi đi tiểu.
Tóm tắt bài viết
Ung thư bàng quang bắt đầu ở lớp bề mặt bên trong của bàng quang. Theo thời gian, ung thư có thể lan ra ngoài bàng quang đến các cơ, xương và các cơ quan khác trong cơ thể.
Điều này gọi là ung thư bàng quang di căn. Lúc này bệnh đã tiến triển sang giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối.
Ung thư bàng quang di căn gây đau đớn. Đây là điều không thể tránh khỏi nhưng có nhiều cách để kiểm soát cơn đau và giúp người bệnh dễ chịu hơn, ví dụ như dùng thuốc giảm đau, thuốc chống co giật, thuốc chống trầm cảm, các biện pháp thư giãn và trị liệu.
Bàng quang tăng hoạt (OAB) là một vấn đề rất phổ biến. Các triệu chứng điển hình gồm có đi tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp và tiểu không tự chủ (són tiểu). Mặc dù phổ biến hơn ở phụ nữ nhưng nam giới cũng có thể bị bàng quang tăng hoạt.
Nhiều tác nhân có thể kích hoạt các triệu chứng bàng quang tăng hoạt, gồm có chế độ ăn uống, táo bón, hút thuốc lá, rượu bia và một số loại thuốc.
Viêm bàng quang cấp là tình trạng bàng quang bị viêm đột ngột. Viêm bàng quang cấp đa phần xảy ra do nhiễm trùng đường tiết niệu. Nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng là do vi khuẩn.
Sỏi bàng quang là các khối rắn hình thành do khoáng chất trong nước tiểu kết tinh và tích tụ lại trong bàng quang. Điều này thường xảy ra khi nước tiểu cô đặc.
Nhiễm trùng đường tiết niệu là một vấn đề rất phổ biến. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong đường tiết niệu nhưng đa phần là ở bàng quang. Nhiễm trùng bàng quang thường nhẹ và chỉ cần điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống trong vòng vài ngày. Thậm chí đôi khi, nhiễm trùng có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, viêm bàng quang khí thũng là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu hiếm gặp và nghiêm trọng hơn nhiều.