Byetta (exenatide): Liều dùng, tác dụng phụ và lưu ý khi sử dụng
Byetta là gì?
Byetta là một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường type 2 ở người lớn. Byetta hiện không được phép sử dụng cho trẻ em.
Byetta chứa hoạt chất exenatide, là một loại thuốc đồng vận thụ thể glucagon-like peptide-1 (GLP-1). Byetta có dạng lỏng được tiêm dưới da bằng bút tiêm chứa sẵn thuốc. Người bệnh tự tiêm trước hai bữa ăn chính trong ngày (chẳng hạn như bữa sáng và bữa tối).
Byetta có thể được kết hợp cùng các loại thuốc khác như metformin, sulfonylurea hoặc cả hai để giảm lượng đường trong máu cho bệnh nhân tiểu đường.
Hiệu quả
Byetta có hiệu quả khi được sử dụng một mình và khi được sử dụng kết hợp với các loại thuốc trị tiểu đường khác. Byetta giúp làm giảm đáng kể mức A1c (HbA1c) - chỉ số đo lượng đường trong máu trung bình trong 3 tháng trở lại.
Trong một nghiên cứu lâm sàng, những người chỉ dùng Byetta đã giảm mức HbA1c trung bình từ 0,7% đến 0,9% sau 24 tuần. Mức giảm ở những người dùng giả dược (thuốc không chứa hoạt chất) chỉ là 0,2%. Ở những người dùng Byetta, mức đường huyết lúc đói trung bình cũng giảm từ 17 mg/dL xuống còn 19 mg/dL trong khi mức giảm ở những người dùng giả dược là 5 mg/dL.
Kết quả tương tự đã được quan sát thấy trong các nghiên cứu lâm sàng khác, trong đó những người tham gia sử dụng Byetta cùng với các loại thuốc trị tiểu đường khác. Những loại thuốc này gồm có metformin, các loại thuốc nhóm sulfonylurea (ví dụ như glipizide), nhóm thiazolidinedione (ví dụ như pioglitazone) và insulin glargine.
Thuốc gốc và biệt dược
Byetta hiện chỉ có phiên bản biệt dược, không có thuốc gốc.*
Khi một loại thuốc mới được phát minh ra, nó sẽ được đăng ký tên thuốc gốc theo danh pháp quốc tế hoặc danh pháp của từng nước cùng với tên biệt dược (tên thương mại) của nơi tiến hành nghiên cứu. Sau khi được cấp phép lưu hành trên thị trường, biệt dược sẽ được giữ bằng sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của mỗi nước. Sau khi hết hạn độc quyền, các nhà sản xuất khác có thể sản xuất thuốc này với tên thuốc gốc hoặc một tên biệt dược khác.
Byetta chứa hoạt chất exenatide. Exenatide còn có dạng phóng thích kéo dài được bán dưới tên thương mại là Bydureon.
Liều dùng Byetta
Dưới đây là liều dùng Byetta thường được khuyến nghị. Tuy nhiên, hãy sử dụng đúng liều mà bác sĩ kê. Bác sĩ sẽ xác định liều dùng phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân.
Dạng thuốc và hàm lượng
Byetta là một loại thuốc tiêm. Byetta được tiêm bằng bút tiêm có chứa sẵn thuốc. Thuốc có hai mức hàm lượng là 5mcg mỗi liều và 10mcg mỗi liều. Mỗi bút tiêm chứa 60 liều.
Liều dùng để điều trị bệnh tiểu đường type 2
Liều khởi đầu của Byetta có thể là 5mcg, tiêm hai lần một ngày, trước bữa ăn chính khoảng 1 giờ. Thuốc thường được tiêm vào trước bữa sáng và trước bữa tối.
Tuy nhiên, nếu bạn không ăn sáng nhiều thì có thể tiêm mũi đầu tiên trong ngày trước bữa trưa và mũi thứ hai vào trước bữa tối, miễn là hai bữa ăn cách nhau ít nhất 6 giờ. Khi kê thuốc, bác sĩ sẽ hướng dẫn thời điểm tiêm.
Sau 4 tuần, bác sĩ có thể sẽ tăng liều lên 10mcg tiêm hai lần một ngày. Việc điều chỉnh liều dùng Byetta sẽ phụ thuộc vào đáp ứng của cơ thể với thuốc. Bác sĩ sẽ kê liều dùng phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân.
Cần làm gì khi quên tiêm thuốc?
Nếu lỡ quên tiêm Byetta và khi nhớ ra đã ăn xong thì hãy bỏ qua liều đã quên và tiêm liều tiếp theo như bình thường (không tiêm sớm lên và cũng không được tiêm gộp liều để bù lại liều đã quên).
Để tránh quên tiêm thuốc thì hãy đặt lời nhắc hay chuông báo trên điện thoại.
Có cần sử dụng Byetta lâu dài không?
Vì tiểu đường type 2 là một bệnh mãn tính, không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn nên các loại thuốc như Byetta cần được sử dụng về lâu dài. Nếu như Byetta an toàn và hiệu quả thì người bệnh có thể dùng thuốc lâu dài.
Tác dụng phụ của Byetta
Byetta có thể gây ra tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Dưới đây là một số tác dụng phụ chính có thể xảy ra khi dùng Byetta. (Lưu ý, ngoài các tác dụng phụ được nêu, thuốc còn có thể gây các tác dụng phụ khác.)
Để biết thêm thông tin chi tiết về tác dụng phụ, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ hoặc đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Bác sĩ và dược sĩ cũng sẽ cho biết cách khắc phục các tác dụng phụ.
Tác dụng phụ phổ biến
Một số tác dụng phụ phổ biến của Byetta gồm có:
- Buồn nôn
- Nôn
- Tiêu chảy
- Khó tiêu
- Táo bón
- Chóng mặt
- Bồn chồn, hồi hộp
- Nhức đầu
- Chán ăn
- Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp; xem “chi tiết tác dụng phụ” bên dưới để biết rõ hơn về tác dụng phụ này)
Hầu hết các tác dụng phụ này thường tự hết trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài thì hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Mặc dù không phổ biến nhưng Byetta cũng có một số tác dụng phụ nghiêm trọng. Cần báo ngay cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng thuốc. Nếu cảm thấy vấn đề có vẻ nguy hiểm thì phải gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế.
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của Byetta:
- Viêm tụy cấp. Các triệu chứng gồm có:
- Đau dữ dội và kéo dài ở bụng
- Đau lưng
- Buồn nôn
- Nôn
- Các vấn đề về chức năng thận, gồm có suy thận. Các triệu chứng gồm có:
- Đi tiểu ít hơn bình thường
- Sưng phù mắt cá chân hoặc cả bàn chân
- Đầu óc mơ hồ, không được tỉnh táo
- Mệt mỏi (thiếu năng lượng)
- Số lượng tiểu cầu thấp. Các triệu chứng gồm có:
- Chảy máu nhiều hoặc kéo dài khi bị thương
- Dễ bị bầm tím
- Mệt mỏi
- Có máu trong nước tiểu
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Xem phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.
Chi tiết tác dụng phụ
Dưới đây là thông tin chi tiết về một số tác dụng phụ mà Byetta có thể gây ra.
Dị ứng
Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Byetta có thể gây dị ứng ở một số người. Thuốc có thể gây phản ứng dị ứng nhẹ hoặc nghiêm trọng. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ gồm có:
- Mẩn đỏ
- Ngứa ngáy
- Da nóng đỏ
Mặc dù hiếm nhưng Byetta cũng có thể gây dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng gồm có:
- Sưng dưới da, thường là ở mí mắt, môi, tay hoặc chân
- Sưng lưỡi, miệng hoặc cổ họng
- Khó thở, khó nuốt
- Tức ngực
Báo ngay cho bác sĩ nếu có triệu chứng dị ứng khi dùng Byetta. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế nếu cảm thấy tình trạng đang gặp phải có thể đe dọa đến tính mạng.
Phản ứng dị ứng với Byetta không được báo cáo trong các nghiên cứu lâm sàng. Tuy nhiên, kể từ khi Byetta có mặt trên thị trường vào năm 2005 đã ghi nhận các trường hợp người dùng bị dị ứng nhẹ và nặng. Chưa rõ xác suất xảy ra phản ứng dị ứng khi sử dụng Byetta.
Hạ đường huyết
Đôi khi, Byetta khiến cho lượng đường trong máu giảm xuống mức quá thấp. Tình trạng này được gọi là hạ đường huyết. Nguy cơ hạ đường huyết sẽ cao hơn nếu sử dụng Byetta cùng với các loại thuốc giảm lượng đường trong máu khác, đặc biệt là insulin và các loại thuốc trong nhóm sulfonylurea như gliclazide.
Trong một nghiên cứu lâm sàng kéo dài 24 tuần chỉ sử dụng minh Byetta, hạ đường huyết xảy ra ở 5,2% số người sử dụng 5mcg Byetta hai lần một ngày. Tỷ lệ hạ đường huyết ở những người dùng giả dược là 1,3%.
Trong một nghiên cứu lâm sàng kéo dài 30 tuần sử dụng kết hợp cả Byetta và metformin, hạ đường huyết xảy ra ở 4,5% số người sử dụng 5mcg Byetta hai lần một ngày. Tỷ lệ hạ đường huyết ở những người dùng giả dược là 5,3%.
Trong một nghiên cứu lâm sàng kéo dài 30 tuần sử dụng Byetta kết hợp với sulfonylurea, hạ đường huyết xảy ra ở 14,4% số người sử dụng 5mcg Byetta hai lần một ngày. Trong khi đó, tỷ lệ hạ đường huyết ở những người dùng giả dược là 3,3%.
Các dấu hiệu và triệu chứng của hạ đường huyết gồm có:
- Tim đập nhanh
- Đổ mồ hôi
- Da tái
- Mệt mỏi, không có sức lực
- Cảm giác bồn chồn, hồi hộp, hồi hộp
- Run tay
- Chóng mặt
- Đói cồn cào
- Đau đầu
- Mờ mắt
- Đầu óc không tỉnh táo
- Giảm tập trung
- Thay đổi tâm trạng thất thường, dễ cáu gắt
Viêm tụy
Viêm tụy không được báo cáo trong các nghiên cứu lâm sàng về Byetta. Tuy nhiên, kể từ khi Byetta có mặt trên thị trường vào năm 2005, một số người dùng thuốc đã bị viêm tụy cấp. Một số trường hợp còn bị viêm tụy nghiêm trọng và thậm chí tử vong. Xác suất xảy ra tác dụng phụ này chưa được xác định rõ vì không thể thống kê chính xác có tất cả bao nhiêu người đang dùng Byetta.
Cần đi khám ngay khi có bất kỳ triệu chứng nào của viêm tụy cấp. Nếu đúng là viêm tụy cấp thì người bệnh sẽ phải ngừng sử dụng Byetta. Các triệu chứng của viêm tụy cấp gồm có:
- Đau dữ dội ở bụng, có thể lan ra lưng và kéo dài dai dẳng
- Buồn nôn
- Nôn
- Bụng phình to
- Sốt
- Sụt cân hoặc tăng cân
Chưa rõ Byetta có gây tăng cân hay không nhưng thuốc có thể gây sụt cân.
Trong một nghiên cứu lâm sàng kéo dài 24 tuần, những người sử dụng mình Byetta đã giảm trung bình từ 2,7kg đến 2,9kg. Những người dùng giả dược giảm trung bình 1,5kg trong cùng khoảng thời gian.
Trong một nghiên cứu lâm sàng kéo dài 30 tuần, những người sử dụng Byetta cùng với metformin đã giảm trung bình từ 1,3kg đến 2,6kg. Những người dùng giả dược giảm trung bình 0,2kg trong cùng khoảng thời gian.
Trong một nghiên cứu lâm sàng kéo dài 30 tuần, những người sử dụng Byetta cùng với sulfonylurea đã giảm trung bình 1,1kg đến 1,6kg. Những người dùng giả dược giảm trung bình 0,8kg trong cùng khoảng thời gian.
Tác dụng phụ giảm cân có thể có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Nguyên nhân dẫn đến giảm cân rất có thể là do Byetta khiến người dùng ăn không ngon miệng. Trong các nghiên cứu lâm sàng, 1% đến 2% những người dùng Byetta đã gặp phải tình trạng chán ăn. Tuy nhiên, Byetta không phải là thuốc giảm cân và không nên sử dụng loại thuốc này chỉ để giảm cân.
Các nghiên cứu lâm sàng không quan sát thấy hiện tượng tăng cân ở những người dùng Byetta. Nếu lo ngại về nguy cơ tăng cân khi sử dụng Byetta thì hãy trao đổi với bác sĩ để được giải đáp.
Tiêu chảy
Một số người sử dụng Byetta bị tiêu chảy. Trong các nghiên cứu lâm sàng, tác dụng phụ tiêu chảy xảy ra ở 1 đến 2% số người sử dụng mình Byetta. Tỷ lệ bị tiêu chảy ở những người sử dụng Byetta cùng với metformin, sulfonylurea hoặc cả hai là 13%.
Nếu bị tiêu chảy khi sử dụng Byetta, hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được hướng dẫn cách khắc phục. Hãy uống nhiều nước và dung dịch bù điện giải để bù lại lượng nước và khoáng chất bị mất. Đi khám ngay nếu bị tiêu chảy nặng hoặc kéo dài.
Buồn nôn
Byetta có thể gây buồn nôn trong thời gian đầu sử dụng. Đó là lý do tại sao bác sĩ thường kê từ liều thấp.
Trong các nghiên cứu lâm sàng, 8% số người sử dụng Byetta bị buồn nôn và 4% bị nôn. Trong khi đó, những người dùng giả dược không gặp phải những vấn đề này.
Trong các nghiên cứu lâm sàng, 44% số người sử dụng Byetta cùng với metformin, sulfonylurea hoặc cả hai bị buồn nôn và 13% bị nôn. 18% số người dùng giả dược bị buồn nôn và 4% bị nôn.
Cảm giác buồn nôn sẽ đỡ dần. Nếu sau vài tuần vẫn bị buồn nôn thì cần báo cho bác sĩ.
Trong thời gian điều trị bằng Byetta, người bệnh phải báo ngay cho bác sĩ nếu đột nhiên có cảm giác buồn nôn đi kèm đau bụng dữ dội hoặc nôn mửa. Đó có thể là các triệu chứng của viêm tụy cấp (xem phần “Viêm tụy” ở bên trên).
Rụng tóc
Rụng tóc không được báo cáo trong các nghiên cứu lâm sàng về Byetta. Tuy nhiên, một số người dùng Byetta đã phản ánh về tình trạng rụng tóc.
Ung thư tuyến tụy
Một tổng quan nghiên cứu về tính an toàn của Byetta và các loại thuốc khác trong nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 đã không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa ung thư tuyến tụy và việc sử dụng các loại thuốc này. Nếu lo ngại về nguy cơ ung thư tuyến tụy khi dùng Byetta thì người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ để được giải đáp.
Ung thư tuyến giáp
Chưa có bằng chứng nào cho thấy Byetta gây bệnh ung thư tuyến giáp và loại thuốc này không đi kèm cảnh báo về nguy cơ ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, dạng phóng thích kéo dài của exenatide (hoạt chất trong Byetta) thì lại có cảnh báo về nguy cơ ung thư tuyến giáp. Dạng phóng thích kéo dài của exenatide có tên thương mại là Bydureon. Đây là một cảnh báo đặc biệt của Bydureon.
Cảnh báo đặc biệt là cảnh báo cấp độ cao nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra nhằm cảnh báo các bác sĩ và bệnh nhân về tác dụng phụ nghiêm trọng của một loại thuốc. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Bydureon có thể gây ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, kết quả của các nghiên cứu trên động vật không phải lúc nào cũng đúng với con người.
FDA cũng đã ban hành cảnh báo đặc biệt về nguy cơ ung thư tuyến giáp đối với các loại thuốc khác thuộc cùng nhóm thuốc với Byetta. Những loại thuốc này gồm có liraglutide (Victoza), semaglutide (Ozempic), albiglutide (Tanzeum) và dulaglutide (Trulicity). Những cảnh báo này cũng dựa trên kết quả của các nghiên cứu trên động vật. Hiện những loại thuốc này chưa được chứng minh là gây ung thư tuyến giáp ở người.
Rất khó chứng minh nguy cơ gây ung thư của một loại thuốc hay nhóm thuốc. Lý do là vì để chứng minh điều này thì sẽ cần phải thu thập dữ liệu trong một khoảng thời gian rất dài. Cần có thêm nhiều bằng chứng hơn nữa trước khi các chuyên gia có thể kết luận chắc chắn liệu các loại thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 như Byetta có làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp hay không.
Ung thư tuyến giáp là một loại ung thư tương đối hiếm gặp. Nếu lo ngại về nguy cơ ung thư tuyến giáp khi dùng Byetta thì người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ để được giải đáp.
Các lựa chọn thay thế cho Byetta
Ngoài Byetta còn có rất nhiều loại thuốc khác được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Hiệu quả mà mỗi loại thuốc mang lại ở mỗi người là khác nhau. Nếu vì một lý do nào đó mà bạn không thể hoặc không muốn sử dụng Byetta, hãy nói với bác sĩ. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc khác có hiệu quả tương đương.
Một số loại thuốc khác cũng có tác dụng điều trị bệnh tiểu đường type 2 gồm có:
- metformin (Glucophage, Fortamet, Glumetza, Riomet)
- Nhóm thuốc sulfonylurea như:
- glimepirid (Amaryl)
- glipizide (Glucotrol)
- glyburide (DiaBeta, Glynase)
Các loại thuốc đồng vận thụ thể GLP khác (thuốc tương tự incretin) chẳng hạn như:
- dulaglutide (Trulicity)
- exenatide tác dụng kéo dài (Bydureon, Bydureon BCise)
- liraglutide (Victoza)
- lixisenatide (Adlyxin)
- semaglutua (Ozempic)
- Nhóm thuốc thiazolidinediones như:
- pioglitazon (Actos)
- rosiglitazone (Avandia)
- Nhóm thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose 2 (thuốc ức chế SGLT2) như:
- canagliflozin (Invokana)
- dapagliflozin (Farxiga)
- empagliflozin (Jardiance)
- ertugliflozin (Steglatro)
- Nhóm thuốc ức chế dipeptidyl peptidase-4 (thuốc ức chế DPP-4) như:
- alogliptin (Nesina)
- linagliptin (Tradjenta)
- saxagliptin (Onglyza)
- sitagliptin (Januvia)
- Các loại insulin, ví dụ như:
- insulin glargine (Lantus, Toujeo)
- insulin detemir (Levemir)
Byetta và Bydureon
Điểm giống và khác nhau giữa Byetta và Bydureon.
Công dụng
Byetta và Bydureon đều được FDA phê duyệt sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2. Cả hai loại thuốc đều được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục.
Cả Byetta và Bydureon đều chứa hoạt chất exenatide nên hai loại thuốc này có cơ chế tác dụng giống nhau trong cơ thể. Byetta là một dạng thuốc tác dụng ngắn, thường hết tác dụng sau vài giờ. Bydureon là một dạng exenatide tác dụng kéo dài nên hiệu quả sau khi dùng thuốc sẽ duy trì được lâu hơn so với Byetta. Điều đó có nghĩa là người bệnh không cần dùng Bydureon thường xuyên như Byetta.
Dạng thuốc và cách dùng
Byetta có dạng lỏng được đựng sẵn trong bút tiêm. Mỗi bút tiêm Byetta có chứa nhiều liều. Người bệnh tự tiêm thuốc dưới da hai lần một ngày vào trước bữa ăn chính.
Bydureon cũng là một loại thuốc tiêm nhưng được tiêm bằng bút tiêm hoặc bơm kim tiêm đơn liều. Ngoài ra còn có loại bút tiêm tự động chứa sẵn thuốc có tên là Bydureon BCise. Người bệnh tự tiêm Bydureon vào dưới da mỗi tuần một lần. Nên tiêm thuốc vào cùng một ngày mỗi tuần.
Tác dụng phụ
Byetta và Bydureon đều chứa hoạt chất exenatide. Do đó, hai loại thuốc này có một số tác dụng phụ giống nhau.
Tác dụng phụ phổ biến
Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến của Byetta và Bydureon.
- Tác dụng phụ của Byetta:
- Chóng mặt
- Cảm giác bồn chồn, hồi hộp, tim đập nhanh
- Tác dụng phụ của Bydureon:
- Ngứa tại vị trí tiêm
- Nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm
- Tác dụng phụ của cả Byetta và Bydureon:
- Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Tiêu chảy
- Táo bón
- Khó tiêu, đầy bụng
- Nhức đầu
- Ăn không ngon miệng
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Dưới đây là một số tác dụng phụ nghiêm trọng của Byetta và Bydureon.
- Tác dụng phụ của Byetta:
- Không có tác dụng phụ nghiêm trọng của riêng Byetta
- Tác dụng phụ của Bydureon:
- Phản ứng nghiêm trọng tại vị trí tiêm, chẳng hạn như áp xe hoặc viêm mô tế bào (nhiễm trùng tại các lớp sâu của da)
- Vấn đề về túi mật, chẳng hạn như sỏi mật
- Nguy cơ mắc một số loại ung thư tuyến giáp*
- Tác dụng phụ của cả Byetta và Bydureon:
- Viêm tụy cấp
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng
- Vấn đề về chức năng thận như suy thận
- Lượng tiểu cầu thấp
* Bydureon có cảnh báo đặc biệt từ FDA về nguy cơ mắc một số loại ung thư tuyến giáp. Cảnh báo đặc biệt là cảnh báo cấp độ cao nhất mà FDA đưa ra nhằm cảnh báo bác sĩ và bệnh nhân về tác dụng có thể gây nguy hiểm của một loại thuốc.
Hiệu quả
Cả Byetta và Bydureon đều được phê duyệt để điều trị một bệnh lý duy nhất là bệnh tiểu đường type 2.
Byetta và Bydureon đã được so sánh trực tiếp trong một nghiên cứu lâm sàng. Trong nghiên cứu này, hiệu quả của hai loại thuốc được so sánh khi sử dụng riêng và khi sử dụng kết hợp với các loại thuốc trị tiểu đường khác.
Nghiên cứu cho thấy rằng trung bình, Bydureon giúp làm giảm mức A1C nhiều hơn 0,7% so với Byetta trong thời gian 24 tuần. Trong cùng khoảng thời gian, những người điều trị bằng Bydureon đã giảm trung bình khoảng 2,2kg cân nặng trong khi những người điều trị bằng Byetta giảm trung bình 1,3kg.
Giá thành
Byetta và Bydureon đều là biệt dược. Hiện tại cả hai đều không có phiên bản thuốc gốc. Biệt dược thường có giá cao hơn thuốc gốc.
Byetta và Victoza
Byetta và Victoza được phê duyệt sử dụng cho những mục đích tương tự nhau. Điểm giống và khác nhau giữa Byetta và Victoza.
Công dụng
Byetta và Victoza đều được FDA phê duyệt sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2. Cả hai đều được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục.
Victoza còn được FDA phê duyệt sử dụng để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ ở những bệnh nhân tiểu đường type 2 bị bệnh tim mạch.
Byetta chứa hoạt chất exenatide trong khi Victoza chứa hoạt chất liraglutide. Hai loại thuốc này thuộc cùng một nhóm thuốc nên có cơ chế tác dụng giống nhau trong cơ thể.
Dạng thuốc và cách dùng
Byetta và Victoza đều là thuốc tiêm được đựng sẵn trong bút tiêm đa liều.
Với Byetta, người bệnh tự tiêm thuốc vào dưới da hai lần một ngày trước bữa ăn chính. Với Victoza, người bệnh tiêm thuốc dưới da mỗi ngày một lần vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Tác dụng phụ
Byetta và Victoza thuộc cùng một nhóm thuốc. Do đó, hai loại thuốc này có một số tác dụng phụ giống nhau.
Tác dụng phụ phổ biến
Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến của Byetta và Victoza.
- Tác dụng phụ của Byetta:
- Chóng mặt
- Cảm giác bồn chồn, hồi hộp, tim đập nhanh
- Nhức đầu
- Tác dụng phụ của Victoza:
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Tác dụng phụ của cả Byetta và Victoza:
- Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Tiêu chảy
- Đầy bụng, khó tiêu
- Táo bón
- Ăn không ngon miệng
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Dưới đây là một số tác dụng phụ nghiêm trọng của Byetta và Victoza.
- Tác dụng phụ của Byetta:
- Không có tác dụng phụ nghiêm trọng của riêng Byetta
- Tác dụng phụ của Victoza:
- Vấn đề về túi mật, chẳng hạn như sỏi mật
- Nguy cơ mắc một số loại ung thư tuyến giáp*
- Tác dụng phụ của cả Byetta và Victoza:
- Viêm tụy cấp
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng
- Vấn đề về chức năng thận, chẳng hạn như suy thận
- Lượng tiểu cầu thấp
* Victoza có cảnh báo đặc biệt từ FDA về nguy cơ mắc một số loại ung thư tuyến giáp. Cảnh báo đặc biệt là cảnh báo cấp độ cao nhất mà FDA đưa ra nhằm cảnh báo bác sĩ và bệnh nhân về tác dụng có thể gây nguy hiểm của một loại thuốc.
Hiệu quả
Mặc dù Byetta và Victoza hơi khác nhau về công dụng được FDA phê duyệt nhưng cả hai đều được sử dụng để cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Cả hai loại thuốc này đều được kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục.
Byetta và Victoza đã được so sánh trực tiếp trong một nghiên cứu lâm sàng. Trong nghiên cứu này, hiệu quả của hai loại thuốc được so sánh khi sử dụng riêng và khi sử dụng kết hợp với các loại thuốc trị tiểu đường khác như metformin, sulfonylurea hoặc cả hai.
Nghiên cứu cho thấy trung bình, Victoza giúp hạ mức A1c (HbA1c) nhiều hơn 0,3% so với Byetta trong 26 tuần. Trong cùng khoảng thời gian, những người dùng Victoza và những người dùng Byetta đều giảm trung bình khoảng 2,7kg cân nặng.
Giá thành
Byetta và Victoza đều là biệt dược. Cả hai loại thuốc hiện đều không có phiên bản thuốc gốc. Biệt dược thường có giá cao hơn thuốc gốc.
Công dụng của Byetta
Mỗi một loại thuốc được phê duyệt để điều trị một số bệnh nhất định. Những loại thuốc này cũng có thể được sử dụng cho một số mục đích khác ngoài mục đích đã được phê duyệt. Hình thức sử dụng này được gọi là sử dụng ngoài hướng dẫn (off-label).
Điều trị bệnh tiểu đường type 2
Byetta được FDA phê duyệt sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2. Thuốc được sử dụng kết hợp cùng với chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục.
Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát tốt lượng đường (glucose) trong máu. Điều này dẫn đến lượng đường trong máu cao.
Byetta làm giảm mức A1c (HbA1c) – chỉ số đo lượng đường trong máu trung bình trong 3 tháng gần nhất. Byetta giúp giảm lượng đường trong máu sau ăn và lượng đường trong máu giữa các bữa ăn (đường huyết lúc đói).
Byetta còn có thể giúp giảm cân. Tuy nhiên, Byetta không phải là thuốc giảm cân và không nên sử dụng loại thuốc này chỉ nhằm mục đích giảm cân.
Người bệnh tiểu đường có thể chỉ cần dùng một mình Byetta hoặc dùng kèm các loại thuốc khác như metformin, glipizide và pioglitazone.
Hiệu quả đối với bệnh tiểu đường type 2
Một nghiên cứu lâm sàng đã cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2 sử dụng Byetta. Kết quả cho thấy:
- Mức HbA1c trung bình giảm 0,7 - 0,9% sau 24 tuần, so với mức giảm 0,2% ở những người dùng giả dược.
- Mức đường huyết lúc đói trung bình giảm 17 - 19 mg/dL sau 24 tuần, so với mức giảm 5 mg/dL ở những người dùng giả dược.
- Cân nặng trung bình giảm khoảng 2,7 đến 2,9kg sau 24 tuần, so với mức giảm trung bình 1,5kg ở những người dùng giả dược.
Các nghiên cứu còn sử dụng kết hợp Byetta với một loại thuốc trị tiểu đường khác (thường là metformin). Trong một nghiên cứu lâm sàng, những người mắc bệnh tiểu đường type 2 được điều trị bằng Byetta và metformin. Kết quả cho thấy:
- Mức HbA1c trung bình giảm 0,5 - 0,9% sau 30 tuần, so với mức giảm 0% ở những người dùng giả dược.
- Mức đường huyết lúc đói trung bình giảm 5 - 10 mg/dL, so với mức tăng 14 mg/dL ở những người dùng giả dược.
- Cân nặng trung bình giảm khoảng 1,3 - 1,6kg sau 30 tuần, so với mức giảm trung bình 0,2kg ở những người dùng giả dược.
Các công dụng khác của Byetta
Byett mới chỉ được FDA phê duyệt để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2.
Exenatide - hoạt chất trong Byetta – hiện đang được nghiên cứu về công dụng điều trị nhiều bệnh khác, gồm có hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), béo phì, bệnh Parkinson và tiểu đường type 1. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thì exenatide chưa được phê duyệt sử dụng cho bất kỳ mục đích nào trong số này.
Cơ chế tác dụng của Byetta
Ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2, cơ thể không còn khả năng kiểm soát tốt lượng đường (glucose) trong máu.
Điều này là do các tế bào trong cơ thể kháng lại tác dụng của insulin. Insulin là loại hormone chính chịu trách nhiệm điều hòa lượng đường trong máu. Theo thời gian, cơ thể cũng sẽ tạo ra ít insulin hơn và khả năng kiểm soát lượng đường trong máu sẽ càng kém.
Cơ chế kiểm soát lượng đường trong máu của cơ thể
Insulin là hormone chính giúp điều hòa lượng đường trong máu nhưng không phải là hormone duy nhất thực hiện nhiệm vụ này.
Khi chúng ta ăn uống, ruột non tiết ra một loại hormone có tên là GLP-1. Khi carb trong thức ăn được chuyển hóa thành glucose và hấp thụ vào máu, lượng glucose (đường) trong máu sẽ bắt đầu tăng lên. Lúc này, GLP-1 kích thích tuyến tụy giải phóng insulin vào máu. Insulin chỉ đạo các tế bào trong cơ thể lấy glucose từ máu và điều này dẫn đến làm giảm lượng đường trong máu.
GLP-1 còn giúp kiểm soát lượng đường trong máu thông qua một số cơ chế khác. Hormone này ngăn tuyến tụy tiết ra hormone glucagon. Glucagon làm cho gan phân hủy glycogen dự trữ thành glucose và giải phóng vào máu. Khi tuyến tụy tiết ra ít glucagon hơn, lượng đường trong máu sẽ giảm.
Ngoài ra, GLP-1 còn giúp điều chỉnh cảm giác thèm ăn. Hormone này làm chậm tốc độ thức ăn di chuyển qua dạ dày xuống ruột non. Điều này giúp chúng ta cảm thấy no lâu hơn sau bữa ăn và nhờ đó sẽ ăn ít đi. GLP-1 còn tác động đến não bộ và làm giảm bớt cảm giác thèm ăn.
Cơ chế tác dụng của Byetta
Hoạt chất trong Byetta là exenatide. Đây là một loại thuốc đồng vận thụ thể glucagon-like peptide-1 (GLP-1).
Byetta hoạt động theo cơ chế tương tự như hormone GLP-1 mà ruột non tiết ra. Giống như GLP-1, Byetta cũng:
- làm cho tuyến tụy tiết ra nhiều insulin hơn, giúp các tế bào lấy đường từ máu hiệu quả hơn.
- làm cho tuyến tụy tiết ra ít glucagon hơn, nhờ đó làm giảm sự giải phóng glucose từ gan.
- làm chậm quá trình thức ăn di chuyển từ dạ dày xuống ruột non, nhờ đó làm giảm tốc độ hấp thụ glucose từ ruột non vào máu.
- làm giảm cảm giác thèm ăn và dẫn đến giảm lượng thức ăn tiêu thụ.
Nhờ những cơ chế này, Byetta giúp giảm lượng đường trong máu sau khi ăn và giữ đường huyết ổn định ở mức khỏe mạnh trong khoảng thời gian giữa các bữa ăn.
Mất bao lâu để Byetta phát huy tác dụng?
Byetta bắt đầu phát huy tác dụng ngay sau khi tiêm và duy trì hiệu quả trong vài giờ sau tiêm.
Cách sử dụng Byetta
Người bệnh tự tiêm Byetta vào dưới da ở bắp tay, đùi hoặc bụng. Thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và thuốc phát huy hiệu quả tối đa.
Tiêm Byetta mấy lần mỗi ngày?
Tiêm Byetta hai lần một ngày, trước bữa ăn chính khoảng 1 giờ. Thông thường, thuốc được tiêm trước bữa sáng và bữa tối.
Tuy nhiên, những người không ăn sáng nhiều có thể tiêm thuốc trước bữa trưa và trước bữa tối, miễn là hai bữa ăn cách nhau ít nhất 6 giờ. Khi kê thuốc, bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể về thời điểm tiêm thuốc.
Đặt lời nhắc hay chuông báo trên điện thoại để tiêm thuốc đúng giờ đều đặn hàng ngày.
Tiêm Byetta vào thời điểm nào trong ngày?
Người bệnh cần tiêm Byetta trước bữa ăn 1 tiếng. Nếu lỡ quên tiêm thuốc và khi ăn xong mới nhớ ra thì hãy bỏ qua liều đã quên và tiêm liều tiếp theo như bình thường. Không tiêm sớm lên và cũng không được tăng liều lên gấp đôi để bù lại liều đã quên.
Lưu ý quan trọng khi sử dụng Byetta
- Mỗi bút tiêm Byetta chứa lượng thuốc đủ để tiêm hai lần mỗi ngày trong 30 ngày. Bút tự động đo từng liều.
- Bút tiêm Byetta không đi kèm kim tiêm nên người bệnh sẽ phải tự mua. Có nhiều kích cỡ kim tiêm khác nhau. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể kích cỡ kim tiêm cần sử dụng.
- Sử dụng kim mới mỗi lần tiêm. Bỏ kim vào hộp an toàn đựng vật sắc nhọn trước khi vứt vào thùng rác để không gây hại đến người khác và vật nuôi.
- Chỉ gắn kim vào bút khi tiêm. Không gắn sẵn để tránh thuốc bị rò rỉ ra ngoài và vi trùng xâm nhập vào bên trong bút.
- Không dùng chung bút tiêm Byetta với bất kỳ ai khác, ngay cả khi đã thay kim. Dùng chung bút tiêm có thể gây lây truyền bệnh.
- Nếu phải tiêm cả insulin và Byetta, hãy tiêm hai lần riêng biệt. Không trộn Byetta với insulin trong cùng một ống tiêm.
Tương tác thuốc
Byetta có thể tương tác với một số loại thuốc khác.
Mỗi tương tác có thể gây ra các thay đổi khác nhau. Ví dụ, một số tương tác có thể làm giảm hiệu quả của thuốc trong khi một số lại làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ hoặc làm cho tác dụng phụ nghiêm trọng hơn.
Tương tác với các loại thuốc khác
Dưới đây là danh sách một số loại thuốc có thể tương tác với Tradjenta.
Trước khi dùng Tradjenta, hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn cũng như là vitamin, thảo dược và thực phẩm chức năng để xem có sản phẩm nào có thể tương tác với Tradjenta hay không.
Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ùng bất kỳ loại thuốc nào trong thời gian dùng Tradjenta.
Byetta và thuốc đường uống
Byetta làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày, có nghĩa là làm cho thức ăn và thuốc di chuyển từ dạ dày xuống ruột chậm hơn. Do đó, không nên uống thuốc trong vòng vài giờ sau khi tiêm Byetta. Nếu uống thuốc trong khoảng thời gian này, thuốc sẽ được hấp thụ kém vào máu và điều này sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc.
Nếu cần dùng các loại thuốc đường uống, tốt nhất nên uống thuốc ít nhất một giờ trước khi tiêm Byetta để thuốc có thời gian đi qua dạ dày và được hấp thụ từ ruột non vào máu. Điều này đặc biệt quan trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh (thuốc dùng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn) và thuốc tránh thai. Nếu phải uống thuốc sau bữa ăn thì hãy uống vào bữa ăn không phải tiêm Byetta (ví dụ, nếu tiêm Byetta trước bữa sáng và bữa tối thì uống thuốc vào bữa trưa).
Nếu phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau thì hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn thời gian dùng thuốc hợp lý.
Byetta và các loại thuốc trị tiểu đường làm tăng insulin
Người bệnh có thể phải sử dụng Byetta cùng với các loại thuốc điều trị tiểu đường khác. Sử dụng Byetta cùng các loại thuốc khác cũng có tác dụng làm tăng mức insulin trong cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể sẽ giảm liều dùng các loại thuốc khác để giảm nguy cơ.
Một số loại thuốc có tác dụng làm tăng insulin gồm có:
- insulin degludec (Tresiba)
- insulin detemir (Levemir)
- insulin glargine (Lantus, Toujeo)
- glimepirid (Amaryl)
- glipizide (Glucotrol)
- glyburide (DiaBeta, Glynase)
Byetta và warfarin
Byetta có thể làm tăng tác dụng chống đông máu của warfarin.
Do đó, sử dụng Byetta cùng với warfarin sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu. Người bệnh có thể sẽ phải làm xét nghiệm kiểm tra tốc độ đông máu sau khi bắt đầu điều trị bằng Byetta và sau khi tăng liều. Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm mà bác sĩ có thể sẽ giảm liều warfarin.
Byetta và metformin
Byetta có thể được sử dụng kết hợp với metformin (Glucophage, Fortamet, Glumetza, Riomet) để điều trị bệnh tiểu đường type 2.
Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng, dùng Byetta và metformin cùng lúc không làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.
Byetta và Januvia
Byetta chưa được thử nghiệm chung với Januvia. Tuy nhiên, Januvia có cơ chế tác dụng tương tự như Byetta nên thường bác sĩ không kê hai loại thuốc này cùng nhau.
Tương tác với thảo dược và thực phẩm chức năng
Không có bất kỳ loại thảo dược hay thực phẩm chức năng nào được báo cáo là có thể tương tác với Byetta. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào trong số này trong thời gian điều trị bằng Byetta.
Tương tác với đồ uống có cồn
Uống quá nhiều rượu bia có thể làm giảm lượng đường trong máu. Uống rượu bia trong khi dùng Byetta sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.
Sử dụng Byetta khi mang thai
Chưa có đủ bằng chứng để kết luận liệu Byetta có an toàn khi sử dụng trong thời kỳ mang thai hay không. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng khi được sử dụng trong thai kỳ, Byetta có thể gây ra một số tác hại đến bào thai. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong nghiên cứu trên động vật không phải lúc nào đúng với con người.
Có một điều quan trọng cần lưu ý là bệnh tiểu đường được kiểm soát kém trong thai kỳ sẽ gây hại cho cả người mẹ và thai nhi trong bụng. Vì vậy, những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường cần tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra khi đang hoặc dự định có thai. Không được tự ý ngừng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Nếu đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai thì cần cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu sử dụng Byetta.
Sử dụng Byetta khi cho con bú
Chưa rõ liệu Byetta có đi vào sữa mẹ hay không. Người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu muốn nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian điều trị bằng Byetta.
Dùng Byetta quá liều
Dùng Byetta vượt quá liều được kê có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Triệu chứng dùng thuốc quá liều
Các triệu chứng thường gặp khi dùng thuốc quá liều gồm có:
- Buồn nôn nghiêm trọng
- Nôn nghiêm trọng
- Hạ đường huyết nhanh chóng, có thể gây ra các triệu chứng như:
- Tim đập nhanh
- Đổ mồ hôi
- Da nhợt nhạt
- Mệt mỏi, không có sức lực
- Đói
- Đau đầu
- Mơ hồ, thiếu tỉnh táo
- Thay đổi tâm trạng thất thường, cáu gắt
- Hồi hộp, bồn chồn
Cần làm gì khi dùng thuốc quá liều?
Báo ngay cho bác sĩ nếu lỡ tiêm Byetta quá liều. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.
Câu hỏi thường gặp về Byetta
Dưới đây là lời giải đáp cho một số câu hỏi thường gặp về Byetta.
Byetta có giống insulin bữa ăn không?
Byetta không giống insulin bữa ăn. Mặc dù Byetta và insulin bữa ăn (insulin tác dụng nhanh) đều có tác dụng làm tăng lượng insulin trong cơ thể để làm giảm lượng đường trong máu nhưng Byetta còn có những cơ chế tác dụng khác giúp kiểm soát lượng đường trong máu giữa các bữa ăn cũng như là ngay sau bữa ăn.
Có cần sử dụng insulin cùng với Byetta không?
Người bệnh không nhất thiết phải sử dụng insulin cùng với Byetta trừ khi bác sĩ chỉ định. Điều này phụ thuộc vào tình hình bệnh của mỗi người.
Nếu có thể kiểm soát tốt đường huyết bằng Byetta thì sẽ không cần dùng thêm các loại thuốc khác nữa. Nếu một mình Byetta là không đủ thì bác sĩ sẽ kê thêm các loại thuốc trị tiểu đường type 2 khác hoặc insulin. Insulin có thể được sử dụng để điều trị cả bệnh tiểu đường type 2 và type 1.
Nếu phải điều trị bằng cả insulin và Byetta, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Byetta có thể được kết hợp cùng các loại insulin tác dụng kéo dài như insulin glargine. Tuy nhiên, Byetta không được khuyến nghị sử dụng cùng insulin bữa ăn (insulin tác dụng nhanh).
Người bị tiểu đường type 1 có thể sử dụng Byetta không?
Bệnh tiểu đường type 1 cần phải được điều trị bằng insulin. Mặc dù Byetta cũng là một loại thuốc tiêm nhưng không giống như insulin và không dùng được cho bệnh tiểu đường type 1.
Cơ chế tác dụng chính của Byetta là làm cho tuyến tụy tiết ra nhiều insulin hơn. Ở người mắc bệnh tiểu đường type 1, các tế bào trong tuyến tụy không còn khả năng sản xuất insulin. Do đó, Byetta sẽ không có tác dụng.
Byetta không được phê duyệt sử dụng cho bệnh tiểu đường type 1.
Byetta có những cơ chế tác dụng khác, chẳng hạn như làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày và giúp giảm cân. Điều này có nghĩa là có thể sử dụng Byetta như một phương pháp điều trị bổ sung cho một số người mắc bệnh tiểu đường type 1, chẳng hạn như những người đã dùng insulin nhưng không thể kiểm soát tốt mức đường huyết và những người cần giảm cân. Một nghiên cứu về bệnh tiểu đường type 1 cho thấy rằng việc kết hợp Byetta với insulin giúp kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả hơn so với khi chỉ sử dụng insulin.
Tuy nhiên, Byetta hiện mới chỉ được phê duyệt để điều trị bệnh tiểu đường type 2.
Byetta có thể điều trị hội chứng buồng trứng đa nang không?
Byetta không được phê duyệt để điều trị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Tuy nhiên, một nghiên cứu đã chứng minh rằng hoạt chất trong Byetta là exenatide có thể giúp giảm cân, cải thiện độ nhạy insulin (làm cho các tế bào phản ứng tốt hơn với insulin) và giúp chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều đặn hơn ở phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
Có thể chuyển từ Byetta sang Bydureon không?
Có thể chuyển từ Byetta sang Bydureon nhưng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước. Đôi khi, Bydureon giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn Byetta. Ngoài ra, Bydureon có thêm một ưu điểm nữa là chỉ cần tiêm một lần một tuần thay vì hai lần một ngày như Byetta.
Có một điều cần lưu ý là khi chuyển sang Bydureon, lượng đường trong máu có thể sẽ tạm thời tăng cao trong 2 đến 4 tuần đầu sử dụng thuốc.
Lưu ý khi dùng Byetta
Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử cá nhân trước khi dùng Byetta. Byetta có thể không phù hợp với người đang mắc một số bệnh lý như:
- Viêm tụy: Những người từng bị viêm tụy không nên dùng Byetta. Byetta có thể gây tác dụng phụ là viêm tụy cấp. Đã có một số trường hợp bị viêm tụy nghiêm trọng và thậm chí tử vong. Các nghiên cứu chưa xác định được chính xác nguy cơ viêm tụy khi dùng Byetta ở những người có tiền sử mắc bệnh này. Tuy nhiên, nếu người bệnh từng bị viêm tụy, bác sĩ thường sẽ kê một loại thuốc trị tiểu đường khác. Nếu bị viêm tụy khi sử dụng Byetta thì người bệnh sẽ cần ngừng sử dụng thuốc.
- Vấn đề về thận hoặc từng ghép thận: Người có bệnh thận hoặc từng ghép thận vẫn có thể sử dụng Byetta nhưng loại thuốc này có thể khiến thận ngừng hoạt động. Nếu điều này xảy ra, người bệnh sẽ phải ngừng dùng thuốc. Không dùng Byetta cho những người có vấn đề nghiêm trọng về thận, chẳng hạn như suy thận mạn giai đoạn cuối.
- Một số vấn đề về tiêu hóa: Người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu mắc các chứng bệnh về tiêu hóa, chẳng hạn như liệt dạ dày (chậm làm rỗng dạ dày). Byetta có thể gây buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy, những tác dụng phụ này có thể làm cho vấn đề về tiêu hóa hiện tại càng trở nên trầm trọng hơn. Khi điều này xảy ra, người bệnh sẽ phải ngừng sử dụng Byetta.
Để biết thêm thông tin về các tác dụng phụ của Byetta, vui lòng đọc phần “Tác dụng phụ của Byetta ” ở bên trên.
Hạn sử dụng, bảo quản và xử lý bút tiêm Byetta
Hạn sử dụng
Hạn sử dụng của Byetta được ghi trên bao bì. Không sử dụng thuốc đã hết hạn.
Bút tiêm Byetta có thể được sử dụng trong 30 ngày sau lần tiêm đầu tiên. Sau 30 ngày, người dùng phải thay bút mới, kể cả khi bút cũ vẫn còn thuốc. Không vứt bút trực tiếp vào thùng rác mà phải cho vào hộp an toàn đựng vật sắc nhọn. (Xem phần “Xử lý” bên dưới để biết chi tiết)
Bảo quản
Thời gian thuốc duy trì hiệu lực và tính an toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có cách bảo quản và nơi bảo quản thuốc.
Bút tiêm Byetta chưa sử dụng cần được để nguyên trong hộp và bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 2°C đến 8°C (36°F đến 46°F). Tránh được để Byetta trong ngăn đông. Nếu thuốc bị đóng băng thì sẽ không thể sử dụng được nữa.
Sau lần tiêm đầu tiên thì có thể để bút ở bên ngoài nếu nhiệt độ phòng không vượt quá 25°C (77°F). Nhớ phải tháo kim và đậy nắp bút sau mỗi lần tiêm để thuốc không tiếp xúc với ánh sáng.
Chỉ gắn kim khi tiêm thuốc. Việc để kim gắn ở bút khi không dùng sẽ làm cho thuốc bị rò rỉ ra ngoài hoặc vi trùng xâm nhập vào bên trong bút.
Xử lý bút tiêm Byetta
Việc vứt bỏ bút tiêm Byetta cần được thực hiện một cách thận trọng. Phải cho bút vào hộp an toàn đựng vật sắc nhọn y tế trước khi vứt vào thùng rác để tránh làm hại đến người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ và vật nuôi. Không được vứt bút tiêm bừa bãi.
Thông tin dành cho nhân viên y tế
Dưới đây là những thông tin về Byetta dành cho nhân viên y tế.
Chỉ định
Byetta được FDA phê duyệt sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường type 2 trưởng thành. Đây là một một biện pháp điều trị bổ sung cho chế độ ăn kiêng và tập thể dục.
Các nghiên cứu đã đánh giá tính an toàn của hiệu quả của Byetta khi được sử dụng một mình và khi được sử dụng kết hợp với những loại thuốc khác sau đây:
- metformin
- Nhóm thuốc sulfonylurea
- Nhóm thuốc thiazolidinedione
- Thuốc kết hợp metformin và sulfonylurea
- Thuốc kết hợp metformin và thiazolidinedione
- insulin glargine có hoặc không kèm theo metformin và/hoặc thiazolidinedione
Không dùng Byetta để điều trị tiểu đường type 1 và nhiễm toan ceton.
Cơ chế tác dụng
Byetta chứa hoạt chất exenatide, là một loại thuốc đồng vận thụ thể glucagon-like peptide-1 (GLP-1) hay thuốc tương tự incretin.
Byetta kích hoạt thụ thể GLP-1 trên các tế bào beta trong tuyến tụy, điều này kích thích tuyến tụy giải phóng insulin để đáp ứng với lượng glucose tăng cao trong máu và giảm giải phóng glucagon. Ngoài ra, Byetta làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, nhờ đó làm giảm tốc độ hấp thụ glucose từ thức ăn vào máu. Loại thuốc này còn làm giảm cảm giác thèm ăn và dẫn đến giảm lượng thức ăn tiêu thụ.
Byetta làm tăng phản ứng insulin giai đoạn đầu và giai đoạn hai, đồng thời làm giảm mức đường huyết sau ăn và đường huyết lúc đói.
Dược động học và chuyển hóa
Byetta có sinh khả dụng tương tự khi tiêm ở đùi, bụng hoặc bắp tay. Nồng độ thuốc trong huyết tương đạt đỉnh sau 2,1 giờ.
Byetta chủ yếu được bài tiết qua thận thông qua quá trình lọc cầu thận. Byetta có thời gian bán hủy trung bình là 2,4 giờ.
Dược động học của Byetta không bị ảnh hưởng bởi tuổi tác. Ảnh hưởng của chức năng gan đến Byetta chưa được nghiên cứu nhưng khả năng là không bị ảnh hưởng bởi chức năng gan vì thuốc được đào thải chủ yếu qua thận.
Chống chỉ định
Không dùng Byetta cho những người có tiền sử phản ứng quá mẫn với exenatide hoặc bất kỳ tá dược nào của thuốc và người có tiền sử giảm tiểu cầu qua trung gian miễn dịch do exenatide.
Bảo quản
Bút tiêm Byetta chưa sử dụng cần được để nguyên trong hộp đựng và bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 2°C đến 8°C (36°F đến 46°F). Không bảo quản Byetta trong tủ đông và không sử dụng thuốc đã bị đóng băng.
Sau lần sử dụng đầu tiên thì có thể để bút tiêm Byetta ở bên ngoài nếu nhiệt độ phòng không quá 25°C (77°F) trong thời gian tối đa là 30 ngày. Không gắn kim ở bút khi không sử dụng và phải đậy nắp sau mỗi lần tiêm.
Humulin N được sử dụng cho người lớn và trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2. Thuốc này giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Metformin là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Metformin có thể sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em.
Linagliptin-metformin được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Thuốc này được kết hợp cùng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để cải thiện lượng đường trong máu.
Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Loại thuốc này được sử dụng kết hợp cùng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để cải thiện lượng đường trong máu.