1

Thông Tin Về Bệnh Nhân Thay Van Tim - bệnh viện 103

Bệnh van tim là gì?

Quả tim của bạn có 4 lá van, các van tim đảm bảo cho các buồng tim hoạt động. Các van tim có thể bị tổn thương do các bệnh tim mắc phải hoặc bẩm sinh gây ảnh hưởng đến dòng máu qua tim.

Có hai loại tổn thương

  • Van bị hẹp làm giảm dòng máu qua van.
  • Van bị hở làm dòng máu sai hướng.

Bất kể van nào trong 4 van cũng có thể bị tổn thương, nhưng hay bị tổn thương nhất là van hai lá và van động mạch chủ, cả hai van này đều nằm ở buồng tim trái.

Các tổn thương này gây nên hậu quả với chức năng tim và hậu quả ngoài tim, nó có thể gây tắc nghẽn dòng máu từ phổi và các cơ quan khác về tim dẫn đến chứng khó thở, phù, gan to, đau ngực, ngất…

Phẫu thuật giải quyết được những gì?

Phẫu thuật đem lại kết quả rất tốt với những trường hợp tổn thương van nặng. Có hai loại phẫu thuật van tim: sửa van và thay van.

  • Thay van là van tim bị tổn thương được cắt bỏ và thay thế bởi van nhân tạo. Van tim nhân tạo gồm van cơ học và van sinh học (được làm từ các mô của động vật).
  • Van tim cơ học bền vững hơn nhưng yêu cầu phải dùng thuốc kháng đông suốt đời sau phẫu thuật. Van sinh học có tuổi thọ ít hơn nhưng bạn không đòi hỏi phải dùng thuốc kháng đông một cách quá khắt khe.

Các bác sĩ phẫu thuật sẽ tư vấn cho bạn để lựa chọn loại van phù hợp.

Quá trình phẫu thuật sẽ được thực hiện dưới sự hỗ trợ của máy tim phổi nhân tạo. Cuộc phẫu thuật thường kéo dài từ 2 – 6 giờ.

Nguy cơ và biến chứng do phẫu thuật

Phẫu thuật van tim cũng như các phẫu thuật khác đều có thể có nhiều nguy cơ và biến chứng. Nguy cơ và biến chứng rất khác nhau giữa các bệnh nhân.

Có các nguy cơ dưới đây:

  • Tuổi và giới.
  • Van bị tổn thương, tình trạng tổn thương và số van bị tổn thương.
  • Có hay không tổn thương động mạch vành.
  • Có hay không bệnh lý kết hợp như: bệnh đái tháo đường, bệnh phổi, bệnh thận, tuần hoàn não…
  • Tính chất khẩn cấp của phẫu thuật.

Có thể có các biến chứng sau đây:

  • Đột quỵ não.
  • Nhiễm trùng tiến triển.
  • Huyết khối, đặc biệt với bệnh nhân thay van cơ học, bệnh nhân điều chỉnh thuốc kháng đông khó khăn.
  • Tổn thương van tim, đặc biệt tổn thương các tổ chức van.

Những điều cần chú ý trước phẫu thuật

  • Giữ gìn vệ sinh da, răng miệng, tai mũi họng sạch sẽ trong thời gian chờ phẫu thuật.
  • Điều trị các ổ nhiễm trùng trên da, tai mũi họng, răng miệng triệt để trước khi phẫu thuật.
  • Tiếp tục tiêm phòng thấp hàng tháng đầy đủ.
  • Uống thuốc điều trị suy tim đúng theo đơn và thực hiện đúng theo lời khuyên của Bác sĩ.
  • Ăn nhạt, ăn nhiều đạm, trái cây, uống vitamin và uống nhiều nước.

Những điều cần chú ý sau phẫu thuật

  • Giữ gìn vệ sinh răng miệng, tai mũi họng, da sạch sẽ thường xuyên.
  • Khi có vết thương trầy da, nhọt trên da, các ổ nhiễm trùng ở tai mũi họng, răng hàm mặt cần phải đế khám Bác sĩ để được điều trị sớm.
  • Cần tiêm phòng thấp hàng tháng đầy đủ.
  • Nếu có sử dụng thuốc kháng đông thì cần được thực hiện đúng theo hướng dẫn.
  • Không hoạt động gắng sức sau phẫu thuật.
  • Các hoạt động thể lực cần thực hiện tăng dần từ nhẹ đến vừa, không nên gắng sức.
  • Phải luôn luôn uống thuốc đúng theo đơn của Bác sĩ.
  • Phải tái khám đúng hẹn sau phẫu thuật.
  • Ăn nhạt, ăn đầy đủ các chất đạm, trái cây, vitamin và uống nước đầy đủ.

Những điều cần ghi nhớ khi uống thuốc kháng đông

Bệnh nhân phẫu thuật thay van tim cơ học, bệnh nhân bị rung nhĩ phải uống thuốc kháng đông hàng ngày và suốt đời.

Thuốc được dùng phổ biến hiện nay là Sintrom.

Khi sử dụng Sintrom cần lưu ý:

  • Uống thuốc đúng theo liều mà bác sĩ đã kê trong đơn.
  • Phải uống thuốc đều đặn.
  • Không được tự ý ngừng thuốc đột ngột khi chưa có ý kiến của Bác sĩ chuyên khoa.
  • Khi đang dùng Sintrom không nên uống các loại thuốc sau: Aspirine, Indocid, Tetracycline, Tifomycine, bactrim, Flagyl, Tagamet, Phenegan, Cordarone nếu chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị.
  • Khi đau ốm không được tự ý mua thuốc sử dụng mà nên khám Bác sĩ. Khi khám cần phải nói rõ với Bác sĩ mình đang được điều trị bằng thuốc chống đông Sintrom để tránh dùng phải các thuốc ảnh hưởng đến tác dụng của Sintrom gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
  • Khi đi nhổ răng, cắt A-mi-dan hoặc bị các bệnh cần phải mổ (viêm ruột thừa, bệnh lý ngoại khoa khác…) cần phải báo với bác sĩ rằng mình đang điều trị thuốc kháng đông Sintrom.
  • Khi được đưa vào cơ sở y tế do bị tai nạn gây chảy máu cần phải báo với Bác sĩ mình đang được điều trị thuốc chống đông Sintrom.
  • Khi có hiện tượng xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu chân răng, nổi những vết bầm tím dưới da, đi ngoài phân đen, nôn ra máu, tiểu đỏ, hành kinh ra nhiều thì phải đến ngay bệnh viện để khám (tốt nhất là đến các bệnh viện có chuyên khoa Phẫu thuật tim mạch).
  • Bệnh nhân nữ đang điều trị thuốc chống đông nếu muốn có thai phải đến bệnh viện để được tư vấn vì thuốc có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. Tốt nhất không nên có thai.
  • Nên luôn mang theo trong người một ống Vitamin K1 loại tiêm tĩnh mạch (chú ý hạn sử dụng).
  • Luôn giữ các phiếu các thuốc tránh sử dụng trong người.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Tin liên quan
Hạ cholesterol giúp giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch

Khi bạn có quá nhiều cholesterol, nó sẽ tích tụ trong các động mạch của bạn. Sự tích tụ này làm cho động mạch xơ cứng lại - một quá trình được gọi là xơ vữa động mạch.

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tim mạch ở nam giới
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tim mạch ở nam giới

Bệnh tim mạch ở nam giới có những triệu chứng và dấu hiệu gì khác so với nữ giới?

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây