Thay van tim không cần phẫu thuật tim hở

Tim có bốn van, hoạt động theo cơ chế mở và đóng có kiểm soát để đảm bảo máu chảy đúng hướng qua các buồng tim. Đôi khi có van tim không thể mở hoàn toàn hoặc đóng kín, dẫn đến các biến chứng tim mạch nghiêm trọng.
Nếu van bị hỏng không thể sửa chữa thì có thể cần phải tiến hành thay thế van. Van tim có thể được thay thế bằng phẫu thuật tim hở hoặc thông qua các thủ thuật ít xâm lấn hơn, không yếu cầu phải mở lồng ngực.
Một phương pháp ít xâm lấn khác được áp dụng để thay van là sử dụng ống thông (catheter). Bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng, linh hoạt qua động mạch ở vùng bẹn và luồn đến van tim bị ảnh hưởng. Ống thông này được gắn các công cụ đặc biệt để bác sĩ thay thế van tim bị hỏng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp để thực hiện loại thủ thuật này. Giống như bất kỳ các can thiệp y khoa khác, phương pháp này cũng tiềm ẩn những rủi ro. Tuy nhiên, nếu phù hợp thì thay van bằng phương pháp ít xâm lấn có thể là giải pháp tốt nhất để điều trị tình trạng nguy hiểm đến tính mạng này.
Những van nào có thể thay thế mà không cần phẫu thuật tim hở?
Tất cả bốn van tim đều có thể được thay thế mà không cần phẫu thuật tim hở. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), van động mạch chủ và van hai lá là hai loại van thường được thay thế hơn, trong khi van động mạch phổi và van ba lá hiếm khi cần phải thay thế.
Van động mạch chủ
Van động mạch chủ cho phép máu được bơm từ tâm thất trái vào động mạch chủ và đi ra khắp cơ thể.
Thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVR) thường được thực hiện trong các trường hợp bị hẹp van động mạch chủ. Đây là tình trạng van bị cứng và không thể mở đủ rộng cho máu chảy đủ.
Van hai lá
Van hai lá cho phép máu chảy từ tâm nhĩ trái (buồng trên) xuống tâm thất trái (buồng dưới), buồng bơm chính của tim.
Hở van hai lá là vấn đề về van tim thường gặp nhất, xảy ra khi van không đóng kín hoàn toàn, làm máu chảy ngược lại vào tâm nhĩ trái. Tình trạng này thường được điều trị bằng cách sửa chữa thay vì thay thế van tim.
Thay van hai lá qua ống thông (TMVR) là một thủ thuật khó thực hiện do vị trí, kích thước và cấu tạo của loại van này.
Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy, nhờ những tiến bộ trong phương pháp TMVR, những hạn chế và thách thức khi sửa chữa van hai lá có thể được khắc phục, mở ra cơ hội cho những người mắc bệnh nặng.
Van động mạch phổi
Van động mạch phổi cho phép tâm thất phải bơm máu vào động mạch phổi, mang máu đến phổi để nhận oxy trước khi quay trở lại tim.
Thay van động mạch phổi hiện vẫn chủ yếu được thực hiện bằng phẫu thuật tim hở. Tuy nhiên, các tiến bộ gần đây trong thay van động mạch phổi qua ống thông (TPVR) đang mở ra nhiều lựa chọn hơn cho bác sĩ.
Van ba lá
Van ba lá cho phép máu chảy từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải.
Một nghiên cứu năm 2022 cho biết trường hợp cần thay van ba lá bằng phẫu thuật khá hiếm gặp. Tuy nhiên, thay van ba lá qua ống thông đang mở ra hy vọng cho những người không thể thực hiện phẫu thuật tim hở.
Trường hợp nào nên phẫu thuật?
Các thủ thuật thay van qua ống thông (transcatheter procedures) thường được khuyến nghị cho những người không phù hợp với phẫu thuật thay van hoặc mắc các vấn đề tim mạch khác, yếu người, hoặc có các bệnh lý đi kèm khiến việc phẫu thuật có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Trước đây, phẫu thuật tim hở để sửa chữa van động mạch chủ là phương pháp được ưu tiên cho những bệnh nhân trẻ tuổi và ít rủi ro hơn còn TAVR thường dành cho bệnh nhân lớn tuổi.
Tuy nhiên, một báo cáo năm 2020 cho thấy TAVR cũng có thể phù hợp cho những người có nguy cơ xảy ra biến chứng thấp.
Làm thế nào để thay van tim mà không cần phẫu thuật tim hở?
Cách thực hiện thủ thuật thay van qua ống thông có thể khác nhau tùy vào loại van được thay thế. Các yếu tố khác như tình trạng tim mạch tổng thể cũng có thể ảnh hưởng đến quy trình tiến hành. Tuy nhiên, phần lớn các quy trình này đều tuân theo những bước tương tự nhau.
Thủ thuật thay van qua ống thông thường được thực hiện tại bệnh viện bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch, người có chuyên môn trong điều trị các bệnh lý về tim. Các bước thường bao gồm trong quy trình là:
- Gây mê: Bạn có thể được gây mê toàn thân để cơ thể ở trạng thái ngủ, hoặc được dùng thuốc an thần để giúp cơ thể thư giãn. Thuốc chống đông máu sẽ được truyền qua tĩnh mạch nhằm ngăn ngừa hình thành cục máu đông trong và ngay sau thủ thuật.
- Tạo vết mổ: Bác sĩ sẽ tạo một vết mổ nhỏ ở vùng bẹn, đôi khi có thể được thực hiện ở ngực hoặc quanh xương đòn.
- Đưa ống thông vào tim: Một ống thông mỏng, linh hoạt sẽ được đưa vào động mạch và dẫn đến van tim cần thay thế. Bác sĩ tim mạch sẽ sử dụng hình ảnh siêu âm tim (echocardiogram) để đảm bảo ống thông được đặt đúng vị trí.
- Thay thế van: Van thay thế sẽ được gấp gọn bên trong ống thông. Van mới này thường được làm từ mô của lợn, bò hoặc người hiến tặng.
- Đặt van mới: Một bóng khí ở đầu ống thông sẽ được bơm phồng để giúp cố định van mới. Trong một số thủ thuật, van cũ có thể được loại bỏ trước khi đặt van mới.
- Kiểm tra hoạt động của van: Sau khi van thay thế được đặt đúng vị trí, bác sĩ sẽ kiểm tra xem có rò rỉ hay không và đảm bảo van mới cũng như tim hoạt động tốt. Nếu không có vấn đề gì, ống thông sẽ được rút ra và vết mổ sẽ được đóng lại.
Phục hồi sau thủ thuật như thế nào?
Một trong những ưu điểm của phương pháp thay van qua ống thông so với phẫu thuật tim hở là thời gian hồi phục ngắn hơn. Sau thủ thuật, bạn sẽ cần ở lại bệnh viện vài ngày để bác sĩ theo dõi chức năng tim.
Trước khi xuất viện, bạn sẽ được hướng dẫn về thời gian phục hồi và các hoạt động cần hạn chế. Bạn cần hỏi rõ về các tác dụng phụ có thể xảy ra và cách xử lý khi gặp biến chứng.
Thông thường thì bạn có thể hoạt động bình thường trở lại trong vòng vài tuần, nhưng các hoạt động mạnh như nâng vật nặng sẽ cần hạn chế thêm vài tuần nữa. Trong khi đó, nếu phẫu thuật tim hở, bạn thường cần phải hạn chế nhiều hoạt động trong ít nhất 6–8 tuần.
Bạn có thể sẽ cần tái khám bác sĩ tim mạch trong khoảng một hoặc hai tuần sau khi xuất viện. Ngoài ra, bạn cũng cần theo dõi định kỳ trong vài tháng tiếp theo.
Bác sĩ cũng có thể khuyến nghị bạn nên tham gia chương trình phục hồi chức năng tim. Bạn sẽ được hướng dẫn cách tập luyện an toàn và áp dụng lối sống tốt cho tim mạch.
Thủ thuật có thể gây rủi ro gì?
Những rủi ro chính của phương pháp thay van qua ống thông gồm có:
- Chảy máu và tổn thương mạch máu được sử dụng trong thủ thuật.
- Van có thể trượt khỏi vị trí hoặc rò rỉ, cần thực hiện thủ thuật bổ sung.
- Hình thành cục máu đông, mặc dù bạn sẽ được dùng thuốc để phòng ngừa trong thời gian nằm viện. Bác sĩ có thể kê thêm thuốc chống đông máu để phòng ngừa lâu dài.
- Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra sau thủ thuật.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Nếu cảm thấy khó chịu ở ngực hoặc tim đập nhanh trong quá trình hồi phục, hãy liên hệ bác sĩ ngay lập tức.
Gọi cấp cứu nếu bị đau ngực dữ dội hoặc khó thở nghiêm trọng.
Tiên lượng sau thủ thuật
Những cải tiến trong công nghệ thay van và kinh nghiệm của bác sĩ tim mạch đang ngày càng giúp cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân. Theo một nghiên cứu năm 2021, khả năng bệnh nhân sống được thêm ít nhất 3 năm sau TAVR là hơn 60%.
Một đánh giá năm 2022 cho thấy tỷ lệ tử vong sau 5 năm khi thực hiện TMVR là 24,5%. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận định rằng những người thực hiện thay van qua ống thông thường là bệnh nhân lớn tuổi và có bệnh lý nặng hơn so với những người phẫu thuật tim hở. Đây cũng có thể là yếu tố ảnh hưởng đến kết quả.
Càng nhiều ca thay van qua ống thông được thực hiện, các bác sĩ càng có thêm kinh nghiệm, công nghệ cũng càng được cải tiến. Chính vì thế, tỷ lệ sống sót dự kiến sẽ tiếp tục được cải thiện.
Kết luận
Nếu bạn mắc bệnh van tim nặng, có thể cần phải thay van. Thay van tim có thể thực hiện qua phẫu thuật tim hở hoặc thủ thuật ít xâm lấn không cần mở ngực. Thay van qua ống thông có ít rủi ro hơn và thời gian phục hồi cũng nhanh hơn, tuy nhiên lại không phù hợp cho tất cả các trường hợp.
Nếu bác sĩ khuyến nghị thay van tim, hãy hỏi thêm về rủi ro và lợi ích của cả hai phương pháp để biết được lựa chọn nào là an toàn và phù hợp nhất với bạn.

Bệnh van tim là một dạng bệnh tim xảy ra khi một hoặc nhiều van trong bốn van tim không hoạt động đúng cách. Phẫu thuật thay van có thể là phương pháp được cân nhắc nếu các van tim bị suy yếu quá mức, bị sẹo, hoặc tổn thương đến mức không thể sửa chữa.

Sau phẫu thuật thay van tim, hãy tập trung vào chế độ ăn giàu dinh dưỡng, nhiều chất xơ, bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, các loại hạt, cùng protein và chất béo tốt cho tim.

Sửa chữa van động mạch chủ không nhất thiết cần phải phẫu thuật. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng thủ thuật không phẫu thuật với ống thông và chỉ rạch đường nhỏ.

Các vấn đề về van hai lá có thể được kiểm soát bằng cách dùng thuốc hoặc phẫu thuật sửa chữa van. Đây là những phương pháp ít xâm lấn hơn. Tuy nhiên, nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, van sẽ cần được thay thế hoàn toàn bằng phẫu thuật thay van hai lá.

Trong một số trường hợp, phình động mạch chủ có thể được điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật, chẳng hạn như dùng thuốc và thay đổi lối sống. Mục tiêu điều trị là giảm nguy cơ túi phình động mạch phát triển hoặc vỡ.