Thủ thuật thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVR) là gì?

Thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVR) là một thủ thuật để thay thế van động mạch chủ khi van này không còn hoạt động hiệu quả. Phương pháp này còn được gọi là ghép van động mạch chủ qua ống thông (TAVI)
Khác với các phương pháp thay van khác, TAVR là quy trình ít xâm lấn, yêu cầu vết mổ nhỏ hơn rất nhiều so với phẫu thuật tim hở.
Bài viết này sẽ cho biết khi nào cần thực hiện TAVR, quá trình thực hiện và các lợi ích cũng như rủi ro của thủ thuật này.
Khi nào cần thực hiện thủ thuật TAVR?
TAVR được thực hiện để điều trị hẹp van động mạch chủ – tình trạng van động mạch chủ trở nên quá hẹp, làm giảm lượng máu chảy từ tim ra cơ thể.
Khi tình trạng này xảy ra, lượng máu bơm ra từ tim bị giảm, gây ra các triệu chứng như:
- Mệt mỏi
- Chóng mặt
- Đau ngực
- Khó thở
Nếu không được điều trị, hẹp van động mạch chủ có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy tim hoặc tử vong.
Thủ thuật TAVR có thể được khuyến nghị trong các trường hợp:
- Hẹp van động mạch chủ nghiêm trọng gây ra triệu chứng.
- Bệnh nhân trên 65 tuổi.
- Có các yếu tố nguy cơ khiến phẫu thuật tim hở trở nên nguy hiểm hơn.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), hơn 20% người cao tuổi tại Mỹ mắc bệnh hẹp van động mạch chủ, với tỷ lệ cao hơn ở những người trên 65 tuổi.
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể không đủ điều kiện để sửa chữa van tim bằng phương pháp phẫu thuật tim hở do các yếu tố như tuổi tác hoặc tình trạng sức khỏe. Khi đó, bác sĩ có thể khuyến nghị phương pháp ít xâm lấn như TAVR.
Quá trình thực hiện thủ thuật TAVR diễn ra như thế nào?
Thủ thuật TAVR thường được thực hiện tại bệnh viện bởi bác sĩ tim mạch, người có chuyên môn trong việc điều trị các bệnh lý liên quan đến tim.
Thủ thuật có thể được tiến hành dưới trạng thái an thần vừa phải (conscious sedation) hoặc gây mê toàn thân. Trong trạng thái an thần vừa phải, bạn sẽ tỉnh táo nhưng không cảm thấy đau, còn nếu được gây mê toàn thân, bạn sẽ ngủ trong suốt quá trình diễn ra thủ thuật. Thông thường, TAVR kéo dài từ 1 đến 2 giờ.
Trước khi thực hiện thủ thuật
Trước khi khuyến nghị thực hiện TAVR, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm để đảm bảo thủ thuật phù hợp với tình trạng bệnh của bạn. Các xét nghiệm có thể bao gồm:
- Xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát.
- Điện tâm đồ (ECG) để kiểm tra hoạt động điện của tim.
- Siêu âm tim để quan sát trực tiếp hoạt động của các van và buồng tim.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) sử dụng tia X và chất cản quang để giúp bác sĩ nhìn rõ tim và các mạch máu.
- Chụp mạch vành để kiểm tra dòng máu qua các mạch máu nuôi tim.
Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn những gì cần lưu ý để chuẩn bị trước khi làm thủ thuật, chẳng hạn như thời gian ngừng ăn uống hoặc tạm ngừng một số loại thuốc hay thực phẩm chức năng nếu cần.
Khi đến bệnh viện, bạn sẽ được:
- Hướng dẫn đến khu vực thay đồ bệnh viện và tháo bỏ trang sức.
- Uống thuốc giúp thư giãn trước khi thực hiện thủ thuật.
- Gắn IV (đường truyền tĩnh mạch) vào tay hoặc cánh tay.
- Theo dõi các dấu hiệu quan trọng như huyết áp, nhịp tim và mức oxy trong máu.
Trong khi thực hiện thủ thuật
Bác sĩ sẽ tạo một vết rạch nhỏ, thường ở vùng bẹn hoặc đùi. Tuy nhiên, bác sĩ cũng có thể thực hiện ở các vị trí khác như ngực hoặc dưới xương đòn.
Sau đó, bác sĩ sẽ đưa một ống thông (catheter) mỏng và linh hoạt vào mạch máu. Van thay thế được làm từ mô động vật sẽ được gấp gọn bên trong ống thông.
Dưới sự hỗ trợ của hình ảnh y khoa, ống thông sẽ được dẫn qua mạch máu đến tim. Van thay thế sẽ được đặt vào bên trong van bị hỏng. Khi van mới mở rộng, nó sẽ đẩy mô van cũ sang một bên và đảm nhiệm vai trò của van động mạch chủ.
Trước khi rút ống thông, bác sĩ sẽ kiểm tra để đảm bảo van thay thế được đặt đúng vị trí và hoạt động tốt.
Sau khi thực hiện thủ thuật
Sau khi TAVR hoàn tất, bạn sẽ được đưa vào phòng hồi sức để theo dõi. Thời gian nằm viện thường từ 1 đến 2 ngày.
Khi xuất viện, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chăm sóc vết rạch và khi nào có thể quay lại các hoạt động thường ngày. Hãy tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ.
Bạn cũng có thể được kê các loại thuốc hỗ trợ quá trình phục hồi như:
- Thuốc giảm đau hoặc giảm cảm giác khó chịu.
- Thuốc giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
Khoảng một tháng sau thủ thuật, bạn cần tái khám để đánh giá quá trình hồi phục và kiểm tra hoạt động của van thay thế.
Lợi ích của thủ thuật TAVR
So với các phương pháp như phẫu thuật tim hở, TAVR mang lại nhiều lợi ích như:
- Áp dụng được cho những người có nguy cơ cao xảy ra biến chứng khi phẫu thuật.
- Cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân có ít lựa chọn điều trị khác.
- Ít xâm lấn, chỉ cần vết mổ nhỏ hơn nhiều.
- Thời gian nằm viện ngắn hơn.
- Thời gian phục hồi nhanh hơn.
Ai không nên thực hiện TAVR?
Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng TAVR không phù hợp cho tất cả mọi người. Một số trường hợp không nên thực hiện TAVR là:
- Dị tật bẩm sinh ở van tim hoặc vôi hóa van tim nghiêm trọng.
- Nhiễm trùng van tim (viêm nội tâm mạc).
- Tuổi thọ dự kiến dưới 1 năm.
- Vị trí tiếp cận mạch máu không phù hợp.
Rủi ro của thủ thuật TAVR
Nhìn chung, TAVR là một thủ thuật an toàn và ít người gặp phải biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ thủ thuật nào khác, TAVR vẫn có một số rủi ro sau:
- Bầm tím, chảy máu hoặc đau tại vị trí vết mổ.
- Nhiễm trùng.
- Hình thành cục máu đông, có thể dẫn đến đột quỵ hoặc đau tim.
- Rối loạn nhịp tim, có thể cần đặt máy tạo nhịp tim.
- Tổn thương thận.
- Tổn thương mạch máu hoặc tim gần vị trí đặt ống thông.
- Rò rỉ tại van thay thế, có thể cần phải làm lại TAVR hoặc phẫu thuật tim hở.
So với phẫu thuật, TAVR có nguy cơ cao hơn xảy ra một số biến chứng sau:
- Rò rỉ van thay thế.
- Biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến mạch máu.
- Cần đặt máy tạo nhịp tim.
- Yêu cầu phẫu thuật lần hai.
Sau thủ thuật, bác sĩ sẽ cho bạn biết về các biến chứng có thể xảy ra. Hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hoặc đáng lo ngại.
Hiệu quả của thủ thuật TAVR
Ban đầu, các nghiên cứu về TAVR tập trung vào những người có nguy cơ cao xảy ra biến chứng khi phẫu thuật sửa van động mạch chủ. Gần đây, hiệu quả của TAVR đã được nghiên cứu ở các nhóm người có nguy cơ gặp phải biến chứng thấp và trung bình.
Kết quả nghiên cứu cho thấy:
- Nhóm có nguy cơ cao: Kết quả khác nhau. Một nghiên cứu cho thấy bệnh nhân TAVR có chất lượng cuộc sống tốt hơn sau 1 năm. Một nghiên cứu khác lại cho thấy bệnh nhân TAVR có kết quả cải thiện tương tự như bệnh nhân phẫu thuật tim hở. Tuy nhiên, nghiên cứu kéo dài 5 năm cho thấy TAVR mang lại lợi ích nhiều hơn không đáng kể so với phẫu thuật, thậm chí nhiều người còn phải cần đặt máy tạo nhịp tim.
- Nhóm nguy cơ trung bình: Sau 5 năm, tỷ lệ tử vong và đột quỵ ở người bị hẹp van động mạch chủ nặng được tiến hành TAVR và phẫu thuật là tương tự nhau.
- Nhóm nguy cơ thấp: Tỷ lệ tử vong và đột quỵ của TAVR và các phương pháp phẫu thuật là tương tự nhau.
Kết luận
TAVR là một phương pháp ít xâm lấn để thay thế van động mạch chủ ở những người bị hẹp van động mạch chủ nặng. Phương pháp này mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao xảy ra biến chứng khi phẫu thuật tim hở.
Thông thường, thủ thuật TAVR kéo dài khoảng 1-2 giờ và bệnh nhân chỉ cần phải nằm viện ít ngày. Bác sĩ sẽ cho bạn biết chi tiết hơn về lợi ích và rủi ro của phương pháp này.
Tuy nhiên, TAVR không phải sẽ phù hợp với mọi đối tượng, vì trong một số trường hợp có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng. Nếu bạn bị hẹp van động mạch chủ, bác sĩ sẽ dựa theo tiền sử bệnh và kết quả từ các xét nghiệm để xác định xem liệu bạn có phù hợp để sử dụng thủ thuật này hay không.

Phẫu thuật điều trị phình động mạch chủ nói chung là an toàn nhưng đôi khi có thể xảy ra các biến chứng như cục máu đông, thiếu máu cục bộ và chảy máu. Bác sĩ sẽ trao đổi cụ thể về nguy cơ biến chứng trước khi phẫu thuật.

Trong một số trường hợp, phình động mạch chủ có thể được điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật, chẳng hạn như dùng thuốc và thay đổi lối sống. Mục tiêu điều trị là giảm nguy cơ túi phình động mạch phát triển hoặc vỡ.

Phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não được thực hiện nhằm ngăn ngừa hoặc điều trị tình trạng túi phình bị vỡ - một tình trạng cấp cứu đe dọa tính mạng.

Bạn biết gì về hệ thống động mạch trong cơ thể?

Viêm động mạch Takayasu (Takayasu's arteritis) là một loại viêm mạch máu hiếm gặp, xảy ra ở động mạch chủ (động mạch lớn mang máu từ tim đến phần còn lại của cơ thể) và các nhánh chính của động mạch chủ.