1

Viêm động mạch Takayasu điều trị bằng cách nào?

Viêm động mạch Takayasu (Takayasu's arteritis) là một loại viêm mạch máu hiếm gặp, xảy ra ở động mạch chủ (động mạch lớn mang máu từ tim đến phần còn lại của cơ thể) và các nhánh chính của động mạch chủ.
Viêm động mạch Takayasu điều trị bằng cách nào? Viêm động mạch Takayasu điều trị bằng cách nào?

Viêm động mạch Takayasu khiến cho động mạch bị thu hẹp, tắc nghẽn hoặc thành động mạch bị suy yếu, phình lên (chứng phình động mạch) và bị rách. Viêm động mạch Takayasu còn có thể gây đau cánh tay, đau thắt ngực, cao huyết áp và cuối cùng là suy tim hoặc đột quỵ.

Nếu như không có triệu chứng, viêm động mạch Takayasu có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, hầu hết những người mắc bệnh này đều phải dùng thuốc để kiểm soát tình trạng viêm trong động mạch và ngăn ngừa biến chứng. Ngay cả khi đã điều trị, viêm động mạch Takayasu vẫn có thể tái phát.

Triệu chứng viêm động mạch Takayasu

Các triệu chứng của bệnh viêm động mạch Takayasu thường xảy ra theo hai giai đoạn.

Giai đoạn 1

Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng như:

  • Mệt mỏi
  • Sụt cân
  • Đau nhức cơ và khớp
  • Sốt nhẹ, có thể kèm theo đổ mồ hôi về đêm

Không phải ai bị viêm động mạch Takayasu cũng có những triệu chứng ban đầu này. Tình trạng viêm trong các động mạch có thể diễn biến âm thầm trong nhiều năm mà không gây ra bất cứ biểu hiện bất thường nào

Giai đoạn 2

Ở giai đoạn hai, tình trạng viêm khiến các động mạch bị thu hẹp và làm giảm lưu lượng máu cũng như oxy đến các cơ quan và mô. Điều này gây ra các dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Yếu hoặc đau ở tay chân khi cử động
  • Mạch yếu, khó đo huyết áp hoặc chênh lệch huyết áp giữa hai cánh tay
  • Chóng mặt, hoa mắt
  • Ngất xỉu
  • Nhức đầu hoặc thay đổi thị giác
  • Suy giảm trí nhớ hoặc khó tập trung, suy nghĩ
  • Đau ngực
  • Khó thở, hụt hơi
  • Tăng huyết áp
  • Tiêu chảy hoặc có máu trong phân
  • Thiếu máu với các dấu hiệu như da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, thiếu năng lượng…

Nên đi khám khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào kể trên. Cũng giống như nhiều bệnh lý khác, việc điều trị bệnh viêm động mạch Takayasu sẽ hiệu quả hơn nếu bệnh được phát hiện từ sớm.

Đến nay chưa có cách chữa trị khỏi bệnh viêm động mạch Takayasu nên các triệu chứng sẽ vẫn xuất hiện ngay cả khi đã điều trị. Tuy nhiên, nếu có triệu chứng mới hoặc các triệu chứng trở nặng thì cần phải đi khám ngay.

Gọi cấp cứu hoặc nhờ người đưa đến bệnh viện ngay lập tức nếu cảm thấy khó thở, đau ngực, đau lan đến cánh tay hoặc các dấu hiệu của đột quỵ, chẳng hạn như xệ một bên mặt, cánh tay yếu hoặc khó nói.

Nguyên nhân gây viêm động mạch Takayasu

Viêm động mạch Takayasu là tình trạng viêm ở động mạch chủ và các động mạch chính khác, bao gồm cả những động mạch vận chuyển máu đến vùng đầu và thận. Theo thời gian, tình trạng viêm gây ra những thay đổi trong động mạch như dày lên, thu hẹp và hình thành sẹo.

Khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm động mạch Takayasu. Đây có thể là một bệnh tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch nhầm lẫn và tấn công các động mạch trong cơ thể. Bệnh lý này cũng có thể do nhiễm virus hoặc các dạng nhiễm trùng khác.

Ai có nguy cơ bị viêm động mạch Takayasu?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm động mạch Takayasu:

  • Giới tính và tuổi tác: Viêm động mạch Takayasu chủ yếu xảy ra ở trẻ em gái và phụ nữ dưới 40 tuổi.
  • Chủng tộc: Tỷ lệ mắc bệnh viêm động mạch Takayasu cao nhất ở châu Á.
  • Di truyền: Viêm động mạch Takayasu có thể di truyền. Những người có bố hoặc mẹ bị viêm động mạch Takayasu cũng có nguy cơ mắc bệnh. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số gen liên quan đến bệnh viêm động mạch Takayasu.

Biến chứng của viêm động mạch Takayasu

Khi mắc bệnh viêm động mạch Takayasu, chu kỳ viêm rồi lại lành lặp đi lặp lại trong động mạch có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Cứng và hẹp động mạch: tình trạng này làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan và mô.
  • Cao huyết áp: thường xảy ra do giảm lưu lượng máu đến thận.
  • Viêm tim: viêm động mạch Takayasu có thể gây viêm ở cơ tim hoặc van tim.
  • Suy tim do cao huyết áp, viêm tim, hở van động mạch chủ khiến máu chảy ngược trở lại tim hoặc do sự kết hợp những nguyên nhân này.
  • Đột quỵ: xảy ra do gián đoạn lưu thông máu trong các động mạch cung cấp máu cho não.
  • Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA): có các dấu hiệu tương tự như đột quỵ nhưng không gây tổn thương vĩnh viễn mô não. Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
  • Phình động mạch chủ: xảy ra khi thành động mạch chủ suy yếu, mỏng đi và phồng lên tạo thành túi phình. Túi phình có thể bị vỡ và gây chảy máu trong.
  • Nhồi máu cơ tim: xảy ra do giảm lưu lượng máu đến tim.

Mang thai khi bị viêm động mạch Takayasu

Phụ nữ mắc bệnh viêm động mạch Takayasu vẫn có thể mang thai. Tuy nhiên, viêm động mạch Takayasu và các loại thuốc được dùng để điều trị căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và thai kỳ. Nếu bị viêm động mạch Takayasu và đang có ý định mang thai thì bạn nên trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ các rủi ro và có biện pháp giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến chứng trong thời gian mang thai. Bạn cần đi khám thường xuyên trong suốt thai kỳ để theo dõi sức khỏe.

Chẩn đoán viêm động mạch Takayasu

Bác sĩ sẽ hỏi về các dấu hiệu và triệu chứng, tiến hành khám lâm sàng và đánh giá bệnh sử. Sau đó, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện các kỹ thuật khám cận lâm sàng dưới đây để loại trừ các bệnh lý khác cũng gây ra các triệu chứng tương tự viêm động mạch Takayasu và để xác nhận chẩn đoán. Một số kỹ thuật trong số này còn được sử dụng để theo dõi sự tiến triển trong quá trình điều trị:

  • Xét nghiệm máu: Phân tích mẫu máu để tìm các dấu hiệu của tình trạng viêm và kiểm tra tình trạng thiếu máu.
  • Chụp X-quang mạch máu: Một ống thông được đưa vào động mạch hoặc tĩnh mạch lớn, sau đó thuốc cản quang được tiêm vào ống thông rồi tiến hành chụp X-quang. Thuốc cản quang làm cho các động mạch hoặc tĩnh mạch nổi rõ trên hình ảnh X-quang. Hình ảnh thu được giúp bác sĩ đánh giá sự lưu thông máu qua mạch máu và phát hiện tình trạng hẹp tắc. Viêm động mạch Takayasu thường gây hẹp mạch máu.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRA) mạch máu: Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh ít xâm lấn này tạo ra hình ảnh chi tiết của mạch máu mà không cần sử dụng ống thông hay tia X. MRA sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh kết hợp với máy tính để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang chi tiết của các cấu trúc trong cơ thể. Trong quá trình chụp cộng hưởng từ, thuốc cản quang được tiêm vào tĩnh mạch hoặc động mạch của bệnh nhân để giúp bác sĩ quan sát các mạch máu rõ hơn.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) mạch máu: Đây cũng là một kỹ thuật chụp mạch máu không xâm lấn kết hợp phân tích hình ảnh X-quang bằng máy tính với sử dụng thuốc cản quang tiêm tĩnh mạch để kiểm tra tình trạng động mạch chủ cùng các nhánh lân cận và theo dõi sự lưu thông máu.
  • Siêu âm: Siêu âm Doppler - một công nghệ siêu âm chính xác hơn so với siêu âm thông thường – tạo ra hình ảnh có độ phân giải rất cao của thành động mạch, chẳng hạn như động mạch ở cổ và vai. Siêu âm Doppler cho thấy những thay đổi rất nhỏ trong các động mạch mà các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác không phát hiện ra.
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET): Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này thường được thực hiện kết hợp với chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ. PET giúp đánh giá mức độ viêm trong mạch máu. Trước khi chụp, bệnh nhân được tiêm một loại thuốc phóng xạ vào tĩnh mạch hoặc động mạch để bác sĩ dễ dàng phát hiện thấy các khu vực hẹp hoặc tắc.

Điều trị viêm động mạch Takayasu

Mục đích chính của các phương pháp điều trị viêm động mạch Takayasu là kiểm soát tình trạng viêm và ngăn mạch máu bị tổn thương thêm.

Hiện chưa có cách chữa trị khỏi bệnh viêm động mạch Takayasu. Trong nhiều trường hợp, viêm động mạch Takayasu được phát hiện muộn và tại thời điểm chẩn đoán, bệnh đã gây ra những tổn hại không thể phục hồi trong mạch máu.

Tuy nhiên, nếu không có triệu chứng hay biến chứng nghiêm trọng thì bệnh nhân có thể không cần điều trị. Nếu tình trạng bệnh có chuyển biến tốt sau khi điều trị thì có thể giảm và ngừng điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Điều trị bằng thuốc

Một số loại thuốc được dùng để điều trị viêm động mạch Takayasu:

  • Corticoid để kiểm soát tình trạng viêm: Bước điều trị đầu tiên thường là corticoid, chẳng hạn như prednisone. Ngay cả khi tình trạng có cải thiện, bệnh nhân thường vẫn phải tiếp tục dùng thuốc lâu dài. Sau một vài tháng, bác sĩ có thể cho phép giảm dần liều cho đến khi chỉ phải dùng liều tối thiểu để kiểm soát tình trạng viêm. Cuối cùng, bệnh nhân có thể ngừng thuốc hoàn toàn. Các tác dụng phụ có thể xảy ra của corticoid gồm có tăng cân, tăng nguy cơ nhiễm trùng và loãng xương. Để ngăn ngừa loãng xương, người dùng corticoid có thể uống bổ sung canxi và vitamin D.
  • Các loại thuốc ức chế miễn dịch khác: Nếu tình trạng bệnh không đáp ứng tốt với corticoid hoặc bệnh lại trở nặng khi giảm liều corticoid, bác sĩ có thể sẽ kê các loại thuốc như methotrexate, azathioprine và leflunomide. Đôi khi, bệnh viêm động mạch Takayasu còn được điều trị bằng các loại thuốc chống thải ghép được dùng sau phẫu thuật ghép tạng như mycophenolate mofetil. Tác dụng phụ phổ biến nhất khi dùng những loại thuốc này là tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Thuốc điều chỉnh hệ miễn dịch: Nếu bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn, bác sĩ sẽ đề nghị dùng các loại thuốc điều chỉnh những bất thường trong hệ miễn dịch (thuốc sinh học), mặc dù cần nghiên cứu thêm về hiệu quả của những loại thuốc này trong điều trị viêm động mạch Takayasu. Một số ví dụ về thuốc sinh học là etanercept, infliximab và tocilizumab. Tác dụng phụ phổ biến nhất của những loại thuốc này là tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Phẫu thuật

Nếu các động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật để mở rộng động mạch hoặc tạo đường dẫn mới để sự lưu thông máu không bị gián đoạn. Các phương pháp này giúp cải thiện một số triệu chứng, chẳng hạn như cao huyết áp và đau ngực. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng thu hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch tái phát sau phẫu thuật và cần phải tiếp tục phẫu thuật.

Ngoài ra, nếu động mạch có túi phình lớn, bệnh nhân cũng sẽ phải phẫu thuật để ngăn vỡ túi phình.

Ca phẫu thuật thường được thực hiện khi tình trạng viêm ở động mạch đã thuyên giảm. Các phương pháp phẫu thuật để điều trị viêm động mạch Takayasu gồm có:

  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch: Một đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch được lấy ở một vị trí khác trong cơ thể bệnh nhân và ghép vào gần đoạn động mạch bị tắc, tạo ra một con đường mới cho máu chảy qua. Phẫu thuật bắc cầu động mạch thường được thực hiện khi không thể khôi phục động mạch bị thu hẹp hoặc khi có sự lưu thông máu bị cản trở nghiêm trọng.
  • Mở rộng động mạch (nong động mạch qua da): Thủ thuật này thường được chỉ định khi động mạch bị hẹp tắc nghiêm trọng. Trong quá trình nong động mạch qua da, một quả bóng nhỏ được luồn qua mạch máu vào động mạch bị hẹp tắc. Khi vào đúng vị trí, quả bóng được làm phồng để mở rộng đoạn mạch máu bị hẹp, sau đó quả bóng được làm xẹp và lấy ra ngoài.
  • Sửa hoặc thay van động mạch chủ: Có thể cần phẫu thuật sửa hoặc thay van động mạch chủ nếu van bị rò rỉ nghiêm trọng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm nội tâm mạc điều trị bằng cách nào?
Viêm nội tâm mạc điều trị bằng cách nào?

Viêm nội tâm mạc là tình trạng viêm ở lớp màng trong tim và van tim. Tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng.

Teo van động mạch phổi: Triệu chứng và cách điều trị
Teo van động mạch phổi: Triệu chứng và cách điều trị

Teo van động mạch phổi là một dạng dị tật bẩm sinh, trong đó van động mạch phổi (van tim nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi) không hình thành mà thay vào đó tim được ngăn cách với động mạch phổi bởi một lớp mô rắn. Teo van động mạch phổi thường được phát hiện ngay sau khi sinh.

Còn ống động mạch: Triệu chứng, biến chứng và cách điều trị
Còn ống động mạch: Triệu chứng, biến chứng và cách điều trị

Ống động mạch là một phần trong hệ tuần hoàn của thai nhi, có chức năng nối hai mạch máu chính dẫn máu từ tim là động mạch chủ và động mạch phổi trong thời kỳ bào thai và đóng lại trong vòng vài ngày sau khi sinh. Nếu cấu trúc này vẫn mở sau khi sinh thì được gọi là còn ống động mạch.

Bệnh động mạch ngoại biên: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh động mạch ngoại biên: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh động mạch ngoại biên là một bệnh lý phổ biến trong đó động mạch bị hẹp làm giảm lưu lượng máu đến cánh tay hoặc chân.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây