Bệnh liệt dạ dày do đái tháo đường
Liệt dạ dày là gì?
Liệt dạ dày, còn được gọi là chứng chậm làm trống dạ dày, là một dạng rối loạn đường tiêu hóa khiến thức ăn ứ trong dạ dày lâu hơn bình thường.
Điều này xảy ra do các dây thần kinh chi phối quá trình di chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa bị tổn thương và dẫn đến các cơ không hoạt động bình thường. Kết quả là thức ăn ở trong dạ dày trong thời gian dài mà không được tiêu hóa.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng liệt dạ dày là bệnh đái tháo đường. Liệt dạ dày có thể phát triển và tiến triển theo thời gian, đặc biệt là khi lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt.
Triệu chứng liệt dạ dày
Các triệu chứng của chứng liệt dạ dày:
- Ợ nóng
- Buồn nôn
- Nôn ra thức ăn chưa tiêu hóa
- Nhanh no khi ăn
- Sụt cân
- Đầy hơi
- Ăn không ngon miệng
- Khó kiểm soát ổn định đường huyết
- Co thắt dạ dày
- Trào ngược axit dạ dày
Chứng liệt dạ dày có các mức độ nặng nhẹ khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng tổn thương dây thần kinh phế vị - một dây thần kinh sọ dài kéo dài từ thân não đến các cơ quan trong ổ bụng, bao gồm cả các cơ quan của đường tiêu hóa.
Các triệu chứng liệt dạ dày có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng thường là sau khi ăn thực phẩm chứa nhiều chất xơ hoặc chất béo – những chất vốn được tiêu hóa chậm.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ liệt dạ dày
Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị liệt dạ dày cao hơn. Các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ liệt dạ dày gồm có từng phẫu thuật vùng bụng hay tiền sử rối loạn ăn uống.
Ngoài bệnh đái tháo đường, các bệnh và tình trạng khác cũng có thể gây ra chứng liệt dạ dày còn có:
- Nhiễm virus
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Rối loạn cơ trơn
Các bệnh lý có thể gây ra các triệu chứng liệt dạ dày:
- Bệnh Parkinson
- Viêm tụy mãn tính
- Bệnh xơ nang
- Bệnh thận
- Hội chứng Turner
Đôi khi không thể tìm ra nguyên nhân gây ra chứng liệt dạ dày.
Nguyên nhân gây liệt dạ dày
Những người mắc chứng liệt dạ dày đều bị tổn thương dây thần kinh phế vị. Điều này làm suy yếu chức năng thần kinh và tiêu hóa vì các xung thần kinh cần thiết cho sự di chuyển thức ăn qua dạ dày đã bị chậm hoặc dừng lại. Chứng liệt dạ dày rất khó chẩn đoán và do đó thường không được phát hiện.
Những người có mức đường huyết cao, không được kiểm soát trong thời gian dài có nguy cơ liệt dạ dày cao hơn. Lượng glucose cao trong máu kéo dài gây tổn thương dây thần kinh khắp cơ thể.
Lượng đường trong máu cao mãn tính còn làm hỏng các mạch máu vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy cho các dây thần kinh và cơ quan của cơ thể, bao gồm cả dây thần kinh phế vị và đường tiêu hóa, cả hai đều dẫn đến chứng liệt dạ dày.
Vì liệt dạ dày là một bệnh tiến triển và một số triệu chứng như ợ nóng hay buồn nôn xảy ra rất phổ biến nên nhiều người không biết rằng mình mắc chứng rối loạn này.
Biến chứng của liệt dạ dày
Thức ăn không được tiêu hóa bình thường có thể ứ lại trong dạ dày, gây ra các triệu chứng đầy hơi và chướng bụng. Thức ăn không được tiêu hóa còn có thể tạo thành khối rắn gọi là bã thức ăn và dẫn đến các vấn đề như:
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Tắc ruột non
Liệt dạ dày có thể gây ra nhiều vấn đề lớn cho những người bị đái tháo đường vì sự chậm trễ trong quá trình tiêu hóa sẽ gây khó khăn cho việc kiểm soát đường huyết.
Liệt dạ dày còn khiến người bệnh khó theo dõi quá trình tiêu hóa và dẫn đến dao động mức đường huyết. Nếu kết quả đo đường huyết thất thường và xuất hiện các triệu chứng bất thường khác, hãy báo cho bác sĩ.
Liệt dạ dày là một tình trạng mãn tính và có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh.
Việc phải điều chỉnh chế độ ăn uống và cố gắng kiểm soát đường huyết trong khi thường xuyên bị buồn nôn hoặc nôn mửa là điều khó khăn đối với hầu hết những người bị đái tháo đường và liệt dạ dày.
Chẩn đoán liệt dạ dày
Bác sĩ sẽ xem xét nhiều yếu tố khác nhau trước khi đưa ra chẩn đoán chứng liệt dạ dày do đái tháo đường. Trước hết bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và hỏi về các triệu chứng, đồng thời tiến hành khám lâm sàng để kiểm tra các dấu hiệu của bệnh như:
- Bụng căng hoặc đau
- Mất nước
- Suy dinh dưỡng
Sau đó cần làm xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra các biến chứng của chứng liệt dạ dày. Có thể cần tiến hành cả các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để xem có dị vật trong ổ bụng gây cản trở tiêu hóa hay không.
Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh được thực hiện là nội soi thực quản hoặc xạ hình đánh giá chức năng co bóp của dạ dày (gastric emptying scintigraphy – GES).
Nội soi thực quản có thể loại trừ nhiễm trùng và phát hiện thức ăn còn sót lại trong dạ dày. Xạ hình đánh giá chức năng co bóp của dạ dày là một phương pháp được sử dụng để đánh giá quá trình làm trống dạ dày. Đây được coi là một phương pháp tiêu chuẩn trong chẩn đoán chứng liệt dạ dày.
Điều trị liệt dạ dày
Bác sĩ sẽ yêu cầu điều chỉnh liệu pháp insulin nếu cần, chẳng hạn như:
- Dùng insulin thường xuyên hơn hoặc thay đổi loại insulin
- Dùng insulin sau bữa ăn thay vì trước bữa ăn
- Đo đường huyết thường xuyên sau khi ăn và dùng insulin khi cần thiết
Người bệnh sẽ được hướng dẫn cụ thể về cách thức và thời điểm dùng insulin.
Kích thích điện dạ dày là một phương pháp điều trị được sử dụng cho các trường hợp liệt dạ dày nghiêm trọng. Trong phương pháp này, người bệnh trải qua phẫu thuật để cấy thiết bị kích thích điện vào ổ bụng. Thiết bị này truyền xung điện đến các dây thần kinh và cơ trơn ở phần dưới của dạ dày. Điều này giúp làm giảm buồn nôn và nôn.
Những người bị liệt dạ dày lâu năm có thể phải đặt ống thông dạ dày và sử dụng thức ăn dạng lỏng để cung cấp dưỡng chất cho cơ thể.
Chế độ ăn uống khi bị liệt dạ dày
Những người bị liệt dạ dày nên tránh các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ và chất béo vì những chất này khó tiêu hóa hơn. Người bệnh nên hạn chế hoặc tránh:
- Thực phẩm sống
- Trái cây và rau củ giàu chất xơ như bông cải xanh, cà rốt
- Các sản phẩm từ sữa chứa nhiều chất béo như sữa nguyên kem và kem
- Đồ uống có ga
Ngoài ra, nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày và ăn các món dạng lỏng hoặc xay nhuyễn. Điều quan trọng là phải uống đủ nước, đặc biệt là khi bị nôn.
Liệt dạ dày có chữa khỏi được không?
Hiện chưa có cách chữa khỏi chứng liệt dạ dày, đây là một chứng bệnh mãn tính. Tuy nhiên, có thể làm giảm các triệu chứng bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, dùng thuốc và kiểm soát đường huyết.
Bệnh đái tháo đường là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất trên khắp thế giới. Ước tính có khoảng 8,5% người lớn trên toàn thế giới hiện đang sống với bệnh đái tháo đường. Có hai loại bệnh đái tháo đường chính là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2.
Mặc dù cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về tác động của bệnh đái tháo đường đến nguy cơ trầm cảm và ngược lại nhưng rõ ràng là có mối liên hệ giữa hai bệnh lý này.
Bệnh đái tháo đường có thể gây ra một số vấn đề về mắt, một trong số đó là chứng khô mắt. Nếu không được điều trị, khô mắt mãn tính có thể dẫn đến hỏng mắt vĩnh viễn và mất thị lực.
Axit alpha-lipoic (ALA) là một liệu pháp thay thế để điều trị triệu chứng đau của bệnh viêm đa dây thần kinh do đái tháo đường.
Khi đường huyết không được kiểm soát và ở mức cao trong thời gian dài, người mắc bệnh đái tháo đường sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng mà một trong số đó là mất thính giác.