1

Mối liên hệ giữa bệnh đái tháo đường và trầm cảm

Mặc dù cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về tác động của bệnh đái tháo đường đến nguy cơ trầm cảm và ngược lại nhưng rõ ràng là có mối liên hệ giữa hai bệnh lý này.
Mối liên hệ giữa bệnh đái tháo đường và trầm cảm Mối liên hệ giữa bệnh đái tháo đường và trầm cảm

Trầm cảm và đái tháo đường

Một số nghiên cứu cho thấy rằng mắc bệnh đái tháo đường làm tăng gấp đôi nguy cơ trầm cảm. (1) Nếu có các vấn đề sức khỏe liên quan đến đái tháo đường thì nguy cơ bị trầm cảm còn tăng cao hơn nữa. Mặc dù vẫn chưa lý giải được chính xác tại sao lại như vậy nhưng một số nhà nghiên cứu cho rằng điều này có thể là do tác động về chuyển hóa của bệnh đái tháo đường cũng như là các biện pháp kiểm soát đái tháo đường đến chức năng não bộ.

Cũng có khả năng những người bị trầm cảm có nguy cơ đái tháo đường cao hơn. Do đó, những người có tiền sử trầm cảm nên tầm soát đái tháo đường.

Cùng tìm hiểu về mối liên hệ giữa bệnh đái tháo đường và trầm cảm cũng như là các biện pháp chẩn đoán và điều trị hai căn bệnh này.

Kết quả nghiên cứu

Mặc dù cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về tác động của bệnh đái tháo đường đến nguy cơ trầm cảm và ngược lại nhưng rõ ràng là có mối liên hệ giữa hai bệnh lý này.

Có ý kiến cho rằng những thay đổi về hóa chất trong não bộ liên quan đến bệnh đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Ví dụ, những tổn hại do bệnh thần kinh đái tháo đường hoặc tình trạng tắc nghẽn mạch máu trong não có thể góp phần dẫn đến bệnh trầm cảm ở những người bị đái tháo đường. (2)

Ngược lại, những thay đổi trong não do trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ biến chứng của bệnh đái tháo đường. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị trầm cảm có nguy cơ gặp phải biến chứng đái tháo đường cao hơn nhưng vẫn chưa xác định được trầm cảm làm tăng nguy cơ biến chứng hay ngược lại.

Các triệu chứng của bệnh trầm cảm có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát bệnh đái tháo đường và ngăn ngừa các biến chứng.

Một nghiên cứu vào năm 2011 cho thấy những người bị đái tháo đường type 2 và có các triệu chứng trầm cảm thường có lượng đường trong máu cao hơn. Ngoài ra, kết quả của một nghiên cứu khác vào năm 2011 cho thấy những người bị cả trầm cảm và đái tháo đường có nguy cơ bị nhịp tim nhanh cao hơn 82%.

Triệu chứng trầm cảm

Đối với nhiều người, việc phải sống chung với một căn bệnh mãn tính như đái tháo đường và hàng ngày phải duy trì các biện pháp kiểm soát tình trạng bệnh là điều không hề đơn giản. Nếu như bạn cảm thấy chán nản, buồn bã và tình trạng kéo dài suốt vài tuần mà không đỡ thì rất có thể bạn đang bị trầm cảm.

Các triệu chứng phổ biến của bệnh trầm cảm gồm có:

  • Không còn hứng thú với các hoạt động từng yêu thích
  • mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • chán ăn hoặc ăn uống vô độ
  • Không thể tập trung
  • Thường xuyên trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng
  • Luôn cảm thấy lo lắng, bồn chồn
  • Thường xuyên cảm thấy cô đơn, tách biệt với mọi người xung quanh
  • Buồn bã, chán nản, đặc biệt là vào buổi sáng
  • Tuyệt vọng
  • Có ý nghĩ tự tử hoặc làm đau bản thân

Bệnh đái tháo đường được kiểm soát kém cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự như triệu chứng trầm cảm. Ví dụ, lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp có thể gây ra cảm giác lo lắng, bồn chồn hoặc thiếu năng lượng. Đường huyết thấp còn gây run tay và đổ mồ hôi – những hiện tượng thường xảy ra khi lo lắng, căng thẳng.

Khi nhận thấy bản thân có các triệu chứng trầm cảm thì nên đi khám bác sĩ để có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm ở người bị đái tháo đường

Những khó khăn trong việc kiểm soát một căn bệnh mãn tính như đái tháo đường type 2 có thể dẫn đến trầm cảm và điều này lại gây cản trở việc kiểm soát đái tháo đường.

Có vẻ như cả đái tháo đường và trầm cảm đều được gây ra và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ tương tự nhau, gồm có:

  • Tiền sử gia đình bị đái tháo đường hoặc trầm cảm
  • Béo phì
  • Cao huyết áp
  • Lối sống ít vận động
  • Mắc bệnh động mạch vành

Tuy nhiên, chứng trầm cảm khiến người bệnh khó kiểm soát bệnh đái tháo đường hơn, cả về mặt thể chất lẫn cảm xúc và tinh thần.

Trầm cảm gây ảnh hưởng lớn đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân. Chế độ ăn uống, tập thể dục và các lựa chọn lối sống khác đều có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chứng trầm cảm và những điều này sẽ dẫn đến kiểm soát đường huyết kém.

Chẩn đoán trầm cảm

Nếu đang có các triệu chứng của bệnh trầm cảm thì nên đi khám. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem nguyên nhân gây ra các triệu chứng là do kiểm soát đái tháo đường kém, trầm cảm hay các vấn đề sức khỏe khác.

Để chẩn đoán, trước tiên bác sĩ sẽ đánh giá bệnh sử cá nhân và hỏi về tiền sử gia đình bị trầm cảm.

Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá tâm lý để tìm hiểu thêm về các triệu chứng, suy nghĩ, hành vi và các yếu tố khác có liên quan.

Ngoài ra cũng có thể sẽ cần tiến hành khám lâm sàng. Bệnh nhân có thể phải làm xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh lý khác cũng gây ra các triệu chứng tương tự, chẳng hạn như bệnh tuyến giáp.

Điều trị trầm cảm

Bệnh trầm cảm thường được điều trị bằng cách kết hợp dùng thuốc và liệu pháp tâm lý. Một số thay đổi về lối sống cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Thuốc

Có nhiều loại thuốc điều trị trầm cảm. Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin norepinephrine (SNRI) là hai nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất. Những loại thuốc này giúp giảm các triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu.

Nếu các triệu chứng không thuyên giảm hoặc thậm chí nặng thêm thì bác sĩ sẽ kê các loại thuốc chống trầm cảm khác hoặc chỉ định kết hợp nhiều phương pháp điều trị với nhau.

Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị trầm cảm có thể gây ra các tác dụng phụ như tăng cân hay ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Do đó cần hỏi kỹ bác sĩ về tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc trước khi sử dụng.

Liệu pháp tâm lý

Còn được gọi là liệu pháp trò chuyện, liệu pháp tâm lý có thể giúp kiểm soát hoặc làm giảm các triệu chứng trầm cảm. Có nhiều hình thức trị liệu tâm lý khác nhau, gồm có liệu pháp nhận thức - hành vi (behavioral therapy) và liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân (interpersonal therapy). Dựa trên tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp.

Nhìn chung, mục đích của liệu pháp tâm lý là:

  • Tìm ra các yếu tố kích hoạt triệu chứng trầm cảm
  • Xác định và loại bỏ các hành vi tác động tiêu cực đến tâm lý người bệnh
  • Xây dựng mối quan hệ tích cực với bản thân và với những người xung quanh
  • Phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề

Nếu trầm cảm nghiêm trọng, người bệnh có thể phải tham gia vào chương trình điều trị ngoại trú cho đến khi các triệu chứng được cải thiện.

Thay đổi lối sống

Tập thể dục thường xuyên có thể giúp tăng cường các hóa chất tạo cảm xúc tích cực trong não bộ và nhờ đó làm giảm các triệu chứng trầm cảm. Các hóa chất này gồm có serotonin và endorphin. Ngoài ra, hoạt động thể chất còn kích hoạt sự phát triển của các tế bào não mới theo cơ chế tương tự như các loại thuốc chống trầm cảm.

Hoạt động thể chất còn hỗ trợ việc kiểm soát bệnh đái tháo đường bằng cách thúc đẩy sự trao đổi chất, cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết, đồng thời tăng mức năng lượng và khả năng chịu đựng.

Ngoài tập thể dục, những thay đổi về lối sống khác mà người bệnh nên thực hiện gồm có:

  • Ăn uống cân bằng, lành mạnh
  • Ngủ đủ giấc, cố gắng đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày
  • Giảm bớt hoặc kiểm soát các yếu tố gây căng thẳng
  • Chia sẻ với người thân hoặc bạn bè để được giúp đỡ

Tóm tắt bài viết

Nhận biết nguy cơ mắc bệnh trầm cảm là bước đầu tiên trong quá trình điều trị. Trước tiên, hãy trao đổi về tình trạng bệnh và các triệu chứng gặp phải với bác sĩ.

Bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp kiểm tra cần thiết để chẩn đoán và đưa ra kế hoạch điều trị thích hợp. Các phương pháp điều trị thường là liệu pháp tâm lý và một số loại thuốc chống trầm cảm.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: liên hệ
Tin liên quan
Mối liên hệ giữa bệnh gout và đái tháo đường
Mối liên hệ giữa bệnh gout và đái tháo đường

Bệnh gout (gút) và đái tháo đường type 2 là những bệnh lý khác nhau nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa hai bệnh lý này.

Mối liên hệ giữa bệnh gan nhiễm mỡ và đái tháo đường
Mối liên hệ giữa bệnh gan nhiễm mỡ và đái tháo đường

Người bị bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác, trong đó có cả bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (nonalcoholic fatty liver disease).

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường, trầm cảm và suy thận
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường, trầm cảm và suy thận

Bệnh tiểu đường, trầm cảm và suy thận là những bệnh lý riêng biệt nhưng lại có mối liên hệ với nhau. Các bệnh lý này có thể xảy ra cùng lúc.

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và Covid-19 nghiêm trọng
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và Covid-19 nghiêm trọng

Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng hơn so với những người không bị tiểu đường. Những người gặp khó khăn trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường càng có nguy cơ cao hơn nữa.

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và mụn thịt
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và mụn thịt

Một nghiên cứu vào năm 2007 cho thấy những người có nhiều mụn thịt có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây