1

Mối liên hệ giữa bệnh gout và đái tháo đường

Bệnh gout (gút) và đái tháo đường type 2 là những bệnh lý khác nhau nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa hai bệnh lý này.
Mối liên hệ giữa bệnh gout và đái tháo đường Mối liên hệ giữa bệnh gout và đái tháo đường

Bệnh gout là một loại viêm khớp xảy ra khi các tinh thể axit uric - một sản phẩm phụ tự nhiên của quá trình trao đổi chất – hình thành trong khớp. Bệnh đái tháo đường là một dạng rối loạn chuyển hóa có đặc trưng là lượng đường trong máu ở mức cao.

Mặc dù có sự khác biệt nhưng bệnh gout và đái tháo đường type 2 có chung nhiều yếu tố nguy cơ, ví dụ như thừa cân, ít vận động và ăn nhiều thịt đỏ.

Những người bị bệnh gout cũng có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 và phụ nữ có nguy cơ cao hơn so với nam giới. Theo một nghiên cứu vào năm 2016, phụ nữ bị bệnh gout có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 cao hơn 71%, trong khi nam giới có nguy cơ cao hơn 22% so với những những người không bị gout. (1)

Mối liên hệ giữa bệnh đái tháo đường và bệnh gout

Các chuyên gia vẫn chưa hiểu rõ mối liên hệ chính xác giữa bệnh gout và bệnh đái tháo đường type 2 nhưng đã có một số giả thuyết được đưa ra.

Bệnh gout là gì?

Bệnh gout là một bệnh lý viêm do có quá nhiều axit uric trong máu. Cơ thể tạo ra axit uric trong quá trình phân hủy purin – một loại hợp chất hóa học có trong các loại thực phẩm như thịt đỏ, bia, men và một số loại hải sản.

Bình thường, axit uric được thận đào thải qua nước tiểu nhưng khi ăn quá nhiều purin, nồng độ axit uric trong máu sẽ tăng cao và thận không thể đào thải kịp. Điều này có thể dẫn đến sự tích tụ axit uric trong khớp và mô, dẫn đến viêm và đau.

Kháng insulin

Lượng axit uric trong máu cao không chỉ gây viêm mà còn có thể gây ra tình trạng kháng insulin.

Insulin là một loại hormone được sản xuất trong tuyến tụy, có chức năng giúp vận chuyển đường từ máu vào tế bào và nhờ đó kiểm soát lượng đường trong máu. Kháng insulin là khi các tế bào cơ thể không phản ứng tốt với insulin và lấy đường từ máu không hiệu quả, dẫn đến tình trạng có quá nhiều đường trong máu.

Có thể đảo ngược tình trạng kháng insulin bằng cách tăng cường hoạt động thể chất, duy trì cân nặng vừa phải và ăn uống cân bằng. Tuy nhiên nếu không điều trị, kháng insulin có thể dẫn đến tiền đái tháo đường và đái tháo đường type 2.

Đái tháo đường làm tăng nguy cơ bệnh gout

Bệnh gout làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 và ngược lại, mắc bệnh đái tháo đường type 2 cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh gout.

Khi bị đái tháo đường type 2 và thừa cân, mỡ thừa vùng bụng sẽ khiến thận khó phản ứng với các chất trong cơ thể. Điều này làm giảm khả năng đào thải axit uric trong máu. Nếu thận không thể hoạt động tốt, axit uric sẽ tích tụ và gây ra bệnh gout.

Những người mắc bệnh tiểu đường đang điều trị bằng thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 sẽ có nguy cơ bị bệnh gout cao hơn so người dùng thuốc ức chế SGLT2.

Một nghiên cứu vào năm 2020 đã theo dõi 295.907 người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường type 2 và phát hiện ra rằng những người mới sử dụng thuốc ức chế SGLT2 có nguy cơ mắc bệnh gout thấp hơn (4,9 trên 1.000 người) so với những người dùng thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 (7,8 trên 1.000 người). (2)

Điều này có thể là do thuốc ức chế SGLT2 có khả năng làm giảm nồng độ axit uric và khả năng tích tụ axit uric. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thêm để xác nhận điều này.

Điều trị bệnh gout

Mức độ nghiêm trọng của bệnh gout ở mỗi người là khác nhau. Đôi khi chỉ cần dùng các loại thuốc chống viêm không kê đơn như ibuprofen và naproxen sodium là đủ để giảm đau và viêm.

Nếu bệnh nhân bị đau mức độ vừa đến nặng, bác sĩ sẽ kê thuốc chống viêm hoặc corticoid. Các loại thuốc điều trị có thể được dùng qua đường uống hoặc tiêm và đều có tác dụng giảm đau khớp.

Đối với những trường hợp bị bệnh gout tái phát sau một thời gian, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc kê đơn có tác dụng ngăn chặn sự sản xuất axit uric và giúp thận đào thải axit uric ra khỏi cơ thể.

Duy trì cân nặng khỏe mạnh và chế độ ăn uống cân bằng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gout ở bệnh nhân đái tháo đường. Cân nặng khỏe mạnh giúp thận hoạt động hiệu quả hơn và đào thải axit uric thừa ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Uống nhiều nước cũng giúp thận lọc máu tốt hơn.

Ngoài ra, cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc và thực phẩm chức năng làm tăng nồng độ axit uric, ví dụ như:

  • Một số loại thuốc lợi tiểu
  • Aspirin
  • Vitamin A và niacin liều cao

Chế độ ăn cho người bị bệnh gout

Điều chỉnh chế độ ăn uống sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh gout và giảm nhẹ các triệu chứng khi xảy ra cơn gout cấp.

Điều quan trọng nhất là phải hạn chế hoặc tránh các loại thực phẩm chứa nhiều purin:

  • Thịt đỏ như thịt bò, trâu, dê, lợn
  • Nội tạng như gan, cật, lòng
  • Hải sản giàu purin như cá mòi, cá ngừ, sò, hàu, vẹm
  • Bia
  • Các sản phẩm có hàm lượng fructose cao, chẳng hạn như nước trái cây, ngũ cốc ăn liền và kẹo

Những thực phẩm nên ăn:

  • Trái cây, rau củ tươi
  • Hạt và quả hạch như hạt dưa, hạt bí, hạt chia, óc chó, hồ đào, hạt dẻ,…
  • Khoai tây
  • Trứng
  • Thịt gà

Phòng ngừa đái tháo đường và gout

Để phòng ngừa bệnh đái tháo đường type 2 khi bị bệnh gout và ngược lại, hãy cố gắng duy trì chế độ ăn uống cân bằng, cân nặng hợp lý và tập thể dục thường xuyên.

Người bị bệnh gout cần tránh các loại thực phẩm làm tăng axit uric trong máu vì quá nhiều axit uric có thể dẫn đến kháng insulin. Thực hiện đúng các nguyên tắc ăn uống dành cho người bị bệnh gout và hỏi bác sĩ về các loại thuốc để ngăn ngừa cơn gout cấp.

Ngoài ra cần uống nhiều nước. Đây cũng là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh. Uống đủ nước hàng ngày sẽ có lợi cho chức năng thận.

Khi bị đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường, người bệnh cần uống nhiều nước hơn, tuân thủ chế độ ăn kiêng và tập thể dục đều đặn.

Khi nào cần đi khám?

Nếu cơn gout cấp chỉ có các triệu chứng nhẹ thì người bệnh có thể tự điều trị tại nhà bằng thuốc giảm đau không kê đơn kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn uống. Tuy nhiên, cần đi khám nếu:

  • cơn gout cấp thường xuyên xảy ra
  • đau đớn dữ dội
  • có các biến chứng của bệnh gout như sỏi thận

Người bệnh cũng nên đi khám nếu có các triệu chứng của bệnh đái tháo đường như:

  • Đi tiểu nhiều lần trong ngày, đặc biệt là vào ban đêm
  • Mờ mắt
  • Da khô
  • Tê bì, châm chích
  • Thường xuyên khát nước và đói
  • Sụt cân
  • Mệt mỏi bất thường

Tóm tắt bài viết

Mối liên hệ giữa bệnh gout và bệnh đái tháo đường type 2 vẫn chưa được hiểu rõ nhưng việc mắc bệnh gout sẽ làm tăng nguy cơ đái tháo đường type 2 và ngược lại.

Một số cách để phòng ngừa bệnh gout và đái tháo đường type 2 là:

  • Duy trì cân nặng vừa phải
  • Có chế độ ăn uống cân bằng
  • Uống nhiều nước
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Tránh thực phẩm giàu purin

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Mối liên hệ giữa hội chứng buồng trứng đa nang và bệnh đái tháo đường
Mối liên hệ giữa hội chứng buồng trứng đa nang và bệnh đái tháo đường

Từ lâu đã có ý kiến cho rằng hội chứng buồng trứng đa nang và bệnh đái tháo đường type 2 có liên quan đến nhau và càng ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra điều này.

Mối liên hệ giữa bệnh gan nhiễm mỡ và đái tháo đường
Mối liên hệ giữa bệnh gan nhiễm mỡ và đái tháo đường

Người bị bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác, trong đó có cả bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (nonalcoholic fatty liver disease).

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và Covid-19 nghiêm trọng
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và Covid-19 nghiêm trọng

Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng hơn so với những người không bị tiểu đường. Những người gặp khó khăn trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường càng có nguy cơ cao hơn nữa.

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và mụn thịt
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và mụn thịt

Một nghiên cứu vào năm 2007 cho thấy những người có nhiều mụn thịt có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường type 2 và rối loạn cương dương
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường type 2 và rối loạn cương dương

Nghiên cứu cho thấy nam giới mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị rối loạn cương dương cao hơn so với người không bị tiểu đường tiểu đường. Tuy nhiên, thực hiện lối sống lành mạnh có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường và làm giảm nguy cơ mắc rối loạn cương dương.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây