Bệnh Gút
Bệnh gút là gì?
Gout hay gút là một bệnh do sự tích tụ acid uric gây nên và thường ảnh hưởng chủ yếu đến bàn chân.
Những người bị bệnh gút thường gặp hiện tượng sưng và đau ở khớp bàn chân, đặc biệt là ngón chân cái. Cơn đau của bệnh gút xảy đến đột ngột và dữ dội, được gọi là các cơn gút cấp, khiến cho khớp xương có cảm giác như bị thiêu đốt.
Triệu chứng của bệnh gút
Một số người mặc dù có nồng độ acid uric rất cao trong máu nhưng lại không hề có triệu chứng bất thường. Đây được gọi là bệnh gút không triệu chứng.
Tuy nhiên, đa phần người bị gút đều gặp phải các triệu chứng xuất hiện đột ngột do sự tích tụ các tinh thể acid uric trong khớp và cơn đau có thể kéo dài trong thời gian từ 3 đến 10 ngày hoặc lâu hơn. Người bệnh sẽ bị sưng đau nghiêm trọng và khớp còn có cảm giác nóng. Sau khi các cơn gút cấp qua đi thì các triệu chứng lại biến mất.
Nhưng nếu không được điều trị, bệnh gút có thể trở thành mãn tính. Các cục cứng gọi là hạt tophi sẽ hình thành trong khớp cũng như là trong da và vùng mô mềm bao quanh. Những cục cứng này sẽ làm hỏng các khớp vĩnh viễn.
Do đó, điều trị kịp thời là điều rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh gút mãn tính. Nhận biết được các triệu chứng sẽ giúp bạn đi khám và điều trị trước khi bệnh gút gây ra các vấn đề vĩnh viễn.
Nguyên nhân gây bệnh
Sự tích tụ acid uric trong máu do sự phân hủy purin là nguyên nhân gây ra bệnh gút.
Một số vấn đề, chẳng hạn như các bệnh về máu và rối loạn chuyển hóa hoặc mất nước, khiến cho cơ thể tạo ra quá nhiều acid uric.
Trong khi đó, vấn đề về thận, tuyến giáp hoặc một số bệnh di truyền lại khiến cơ thể khó loại bỏ acid uric dư thừa và đều là nguyên nhân dẫn đến gút.
Nguy cơ mắc bệnh gút cũng tăng lên nếu bạn:
- là nam giới ở tuổi trung niên hoặc phụ nữ ở tuổi mãn kinh
- có cha mẹ, anh chị em ruột hoặc thành viên khác trong gia đình bị bệnh gút
- ăn quá nhiều thực phẩm giàu purin, chẳng hạn như thịt đỏ, nội tạng và một số loại cá
- uống nhiều rượu bia
- dùng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu và cyclosporine
- bị cao huyết áp, bệnh thận, bệnh tuyến giáp, tiểu đường hoặc ngưng thở khi ngủ
Ở nhiều người bị bệnh gút, chế độ ăn uống là nguyên nhân chủ yếu.
Đọc thêm: Những loại thực phẩm chứa nhiều purin
Tác nhân kích hoạt
Một số loại thực phẩm, thuốc và vấn đề về sức khỏe có thể kích hoạt các triệu chứng của bệnh gút bùng phát hay được gọi là cơn gút cấp. Dưới đây là một số loại thực phẩm và đồ uống mà bạn cần tránh khi bị gút:
- Các loại thịt đỏ như thịt lợn, thịt bò hay thịt dê
- Nội tạng
- Các loại cá như cá tuyết, sò điệp, trai và cá hồi
- Đồ uống có cồn
- Nước ngọt có ga
- Nước ép hoa quả có đường
Một số loại thuốc điều trị các vấn đề sức khỏe khác cũng làm tăng nồng độ acid uric trong máu như:
- Thuốc lợi tiểu
- Aspirin
- Các loại thuốc hạ huyết áp như thuốc chẹn beta và thuốc ức chế thụ thể angiotensin II
Các vấn đề sức khỏe dưới đây cũng là yếu tố làm tăng tần xuất các cơn gút cấp:
- Béo phì
- Tiểu đường hoặc tiền tiểu đường
- Mất nước
- Chấn thương khớp
- Nhiễm trùng
- Suy tim sung huyết
- Cao huyết áp
- Bệnh thận
Đôi khi rất khó để xác định chính xác tác nhân nào gây nên các cơn đau. Bạn nên theo dõi chế độ ăn uống, thuốc men và tình trạng sức khỏe của mình để tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng và từ đó có biện pháp ngăn ngừa.
Bệnh gút và rượu bia
Ở nhiều nam giới, các cơn gút cấp thường bùng phát sau các cuộc nhậu bởi giống như thịt đỏ và hải sản, rượu bia cũng có chứa nhiều purin và lượng purin trong bia cao hơn so với rượu. Quá trình cơ thể phân hủy purin sẽ giải phóng ra acid uric.
Lượng acid uric cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút. Rượu bia còn làm giảm tốc độ mà cơ thể đào thải acid uric.
Mặc dù không phải ai uống nhiều rượu bia cũng đều bị gút nhưng việc tiêu thụ quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ, đặc biệt là ở nam giới.
Cách chẩn đoán
Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán bệnh gút dựa trên đánh giá về bệnh sử, các triệu chứng (mô tả các cơn đau nhức và tần suất gặp phải các cơn đau khớp) và thăm khám lâm sàng những vùng bị sưng đỏ.
Bạn cũng sẽ cần xét nghiệm để kiểm tra sự tích tụ acid uric trong khớp. Bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch từ khớp để phân tích xem có chứa acid uric hay không. Ngoài ra, bác sĩ có thể còn yêu cầu chụp X-quang khớp.
Phương pháp điều trị
Nếu không được điều trị, bệnh gút sẽ dẫn đến viêm khớp, khiến khớp bị sưng và tổn thương vĩnh viễn.
Dùng thuốc
Kế hoạch điều trị bệnh gút sẽ phụ thuộc vào giai đoạn và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các loại thuốc trị bệnh gút thường có một trong hai tác dụng là: giảm đau và giảm viêm hoặc ngăn ngừa các cơn gút cấp trong tương lai bằng cách hạ nồng độ acid uric.
Các loại thuốc giảm đau gồm có:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), như aspirin (Bufferin), ibuprofen (Advil, Motrin) và naproxen (Aleve)
- Colchicine (Colcrys, Mitigare)
- Corticosteroid
Các loại thuốc ngăn ngừa cơn gút cấp gồm có:
- Thuốc ức chế xanthine oxidase như allopurinol (Lopurin, Zyloprim) và febuxostat (Uloric)
- Probenecid (Probalan)
Bên cạnh dùng thuốc, người bị bệnh gút còn cần thay đổi lối sống để kiểm soát các triệu chứng và giảm tần suất các cơn gút cấp trong tương lai. Những thay đổi được khuyến nghị gồm có:
- Giảm uống rượu bia
- Giảm cân
- Bỏ hút thuốc
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu purin
Phẫu thuật gút
Đa phần thì bệnh gút có thể được điều trị mà không cần phẫu thuật nhưng sau nhiều năm, tình trạng bệnh có thể làm hỏng khớp, rách gân và gây nhiễm trùng ở vùng da trên khớp.
Tinh thể urat có thể tích tụ lại thành các hạt cứng, được gọi là hạt tophi ở khớp và ở những vị trí khác ví dụ như tai. Những cục cứng này sẽ gây sưng đau và có thể phá hỏng khớp vĩnh viễn.
Có 3 phương pháp phẫu thuật xử lý các hạt tophi là:
- Phẫu thuật cắt hạt tophi
- Phẫu thuật cố định khớp
- Phẫu thuật thay khớp
Bác sĩ sẽ chỉ định một trong ba phương pháp này tùy theo mức độ tổn hại và vị trí của hạt tophi.
Điều trị bằng tinh dầu
Tinh dầu được chiết xuất từ các loại thực vật vốn được sử dụng trong liệu pháp mùi hương nhưng một số loại tinh dầu đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm, giảm đau và kháng khuẩn.
Một số loại tinh dầu có thể điều trị bệnh gút gồm có:
- Tinh dầu sả (lemongrass oil)
- Tinh dầu hạt cần tây (celery seed oil)
- Tinh dầu yarrow (yarrow oil extract)
- Chiết xuất lá ô-liu
- Tinh dầu quế
Bạn có thể dùng những loại tinh dầu này để hít hoặc pha loãng và thoa lên da nhưng không được uống.
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ biện pháp điều trị thay thế nào, ngay cả các biện pháp vốn được cho an toàn như tinh dầu để tránh những vấn đề không mong muốn.
Tham khảo: Các cách thử trước khi dùng tinh dầu để tránh dị ứng
Bệnh gút kèm theo hạt tophi
Khi các tinh thể acid uric tích tụ ở các khớp trong một thời gian dài, chúng sẽ hình thành nên các hạt cứng gọi là hạt tophi ở dưới da. Chúng nằm ở xung quanh các khớp trông giống như nốt sần trên thân cây, thường hình thành ở khớp ngón tay, bàn chân, đầu gối và trên tai. Bản thân các hạt tophi không gây đau nhưng tình trạng viêm mà chúng gây ra lại khiến cho người bệnh vô cùng đau đớn. Hơn nữa, nếu không điều trị, những hạt tophi này sẽ làm hỏng xương, sụn và khiến các khớp bị biến dạng vĩnh viễn.
Đôi khi hạt tophi còn hình thành trong mô liên kết bên ngoài khớp và ở một số vị trí khác nữa.
Bị gút đau đến mức nào?
Đau nhức là triệu chứng điển hình của bệnh gút mà đau ở ngón chân cái là một trong các dấu hiệu đầu tiên mà nhiều người gặp phải. Cơn đau nhức thường đi kèm với các triệu chứng khác của viêm khớp như sưng và nóng ở khớp.
Ban đầu, cơn đau ở ngón chân cái thường rất dữ dội nhưng sau khi cơn gút cấp qua đi thì cơn đau sẽ dịu xuống và người bệnh chỉ còn đau âm ỉ.
Cơn đau, sưng và các triệu chứng khác khi xảy ra cơn gút cấp đều là kết quả do hệ miễn dịch của cơ thể khởi động cơ chế phòng thủ chống lại các tinh thể acid uric trong khớp. Các cơn gút cấp này sẽ dẫn đến sự giải phóng cytokine – một chất làm tăng phản ứng viêm gây đau đớn.
Bệnh gút có di truyền không?
Nguyên nhân gây bệnh gút một phần là do di truyền. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều gen làm tăng nguy cơ mắc bệnh này, gồm có SLC2A9 và ABCG2. Các gen này đều ảnh hưởng đến lượng acid uric mà cơ thể tích trữ và đào thải.
Những người có bố mẹ, anh chị em hoặc người thân khác trong gia đình bị bệnh gút sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh này.
Tuy nhiên, gen chỉ là yếu tố tạo tiền đề, các yếu tố khác về thói quen sống chẳng hạn như chế độ ăn uống mới thực sự là nguyên nhân gây ra bệnh.
Ngăn ngừa bệnh gút
Dưới đây là một số cách mà bạn có thể thực hiện để ngăn ngừa bệnh gút:
- Hạn chế uống nhiều rượu bia
- Hạn chế các thực phẩm nhiều purin
- Theo một chế độ ăn ít chất béo, không có các sản phẩm từ sữa và nhiều rau
- Giảm cân
- Bỏ thuốc lá
- Tập thể dục
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể
Nếu bạn đang bị các vấn đề sức khỏe hoặc dùng thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ về các cách phòng tránh cụ thể.
Thực phẩm cần tránh khi bị gút
Một số loại thực phẩm có hàm lượng purin cao sau khi vào cơ thể sẽ bị phân hủy thành acid uric. Đa số người bình thường đều không gặp vấn đề gì với các loại thực phẩm này nhưng khi cơ thể gặp khó khăn trong việc đào thải acid uric thừa thì cần tránh các loại thực phẩm và đồ uống như:
- Thịt đỏ
- Nội tạng
- Một số loại hải sản
- Đồ uống có cồn
Các loại đồ uống và thực phẩm có đường, nhất là đường fructose cũng cần phải được hạn chế mặc dù chúng không chứa purin.
Bên cạnh các thực phẩm cần tránh thì lại có một số loại thực phẩm giúp giảm nồng độ acid uric trong cơ thể mà bạn nên bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày.
Tìm hiểu thêm: Những loại thực phẩm tốt cho người bệnh gút
- Thông tin về bảng giá Bệnh Gút
- Hỏi đáp về Bệnh Gút
- Video Bệnh Gút của các khách hàng
- Hình ảnh trước sau Bệnh Gút