1

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường type 2 và rối loạn cương dương

Nghiên cứu cho thấy nam giới mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị rối loạn cương dương cao hơn so với người không bị tiểu đường tiểu đường. Tuy nhiên, thực hiện lối sống lành mạnh có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường và làm giảm nguy cơ mắc rối loạn cương dương.
tieu duong RLCD Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường type 2 và rối loạn cương dương

Tiểu đường type 2 và rối loạn cương dương

Mặc dù tiểu đường và rối loạn cương dương là hai bệnh lý riêng biệt nhưng lại thường song hành với nhau. Rối loạn cương dương là tình trạng dương vật khó đạt được hoặc duy trì trạng thái cương cứng. Nam giới mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị rối loạn cương dương cao gấp 2 - 3 lần so với người không bị tiểu đường. Khi nam giới từ 45 tuổi trở xuống bị rối loạn cương dương thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường type 2. (1)

Bệnh tiểu đường xảy ra khi có quá nhiều đường trong máu. Có hai loại bệnh tiểu đường chính là tiểu đường type 1 (chiếm khoảng 10% tổng số ca bệnh tiểu đường) và tiểu đường type 2 (chiếm hơn 90% tổng số ca bệnh tiểu đường). Bệnh tiểu đường type 2 thường có liên quan đến thừa cân hoặc lối sống ít vận động. Theo thống kê, có khoảng 30 triệu người Mỹ bị tiểu đường và khoảng một nửa trong số đó là nam giới.

Ước tính có khoảng 10% nam giới độ tuổi từ 40 đến 70 bị rối loạn cương dương nặng và 25% bị rối loạn cương dương mức độ vừa. Mặc dù không phải là một phần tất yếu của sự lão hóa nhưng nguy cơ rối loạn cương dương tăng lên khi nam giới có tuổi. Ở nhiều người, các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tiểu đường góp phần làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn cương dương.

Kết quả nghiên cứu

Theo Trung tâm Y tế Đại học Boston, khoảng một nửa số nam giới mắc bệnh tiểu đường type 2 sẽ bị rối loạn cương dương trong vòng 5 đến 10 năm kể từ thời điểm chẩn đoán. Nếu còn mắc bệnh tim mạch thì nguy cơ rối loạn cương dương sẽ còn cao hơn. (2)

Tuy nhiên, kết quả của một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy nếu người bị tiểu đường thực hiện lối sống lành mạnh thì có thể giảm các triệu chứng tiểu đường và cải thiện sức khỏe tình dục. Lối sống lành mạnh gồm có chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên.

Nguyên nhân gây rối loạn cương dương ở nam giới mắc bệnh tiểu đường

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và rối loạn cương dương có liên quan đến hệ tuần hoàn và hệ thần kinh. Đường huyết cao có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ và dây thần kinh. Tình trạng tổn thương các dây thần kinh kiểm soát phản ứng và kích thích tình dục có thể gây cản trở khả năng cương cứng của dương vật. Lưu thông máu kém do các mạch máu bị tổn thương cũng có thể góp phần gây ra rối loạn cương dương.

Các yếu tố nguy cơ

Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng của bệnh tiểu đường, bao gồm cả rối loạn cương dương:

  • Đường huyết được kiểm soát kém
  • Căng thẳng, lo âu
  • Bị trầm cảm
  • Chế độ ăn uống không cân bằng
  • Ít vận động
  • Béo phì
  • Hút thuốc lá
  • Uống quá nhiều rượu bia
  • Huyết áp cao không được kiểm soát tốt
  • Mỡ máu cao
  • Dùng các loại thuốc có tác dụng là rối loạn cương dương
  • Dùng thuốc kê đơn để điều trị cao huyết áp, thuốc giảm đau hoặc thuốc chống trầm cảm

Chẩn đoán rối loạn cương dương

Nếu nhận thấy sự thay đổi về khả năng cương cứng thì nên đi khám. Đừng vì ngần ngại mà trì hoãn vì càng để lâu, nguyên nhân tiềm ẩn gây rối loạn cương dương sẽ càng trở nên nghiêm trọng.

Bác sĩ có thể chẩn đoán rối loạn cương dương bằng cách đánh giá bệnh sử và các triệu chứng. Sau đó, bác sĩ thường sẽ tiến hành khám thần kinh để phát hiện các vấn đề về thần kinh xảy ra ở dương vật hoặc tinh hoàn. Xét nghiệm máu và nước tiểu cũng là những bước cần thực hiện để chẩn đoán các vấn đề như tiểu đường hoặc testosterone thấp.

Có nhiều giải pháp điều trị rối loạn cương dương. Tùy vào nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Nếu chưa gặp phải các triệu chứng rối loạn cương dương nhưng đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim mạch thì nên trao đổi với bác sĩ về nguy cơ rối loạn cương dương trong tương lai để được tư vấn các biện pháp phòng ngừa.

Điều trị rối loạn cương dương

Phương pháp thường được chỉ định đầu tiên để điều trị rối loạn cương dương là các loại thuốc uống, chẳng hạn như sildenafil (Viagra), tadalafil (Cialis) hoặc vardenafil (Levitra). Các loại thuốc kê đơn này giúp cải thiện lưu thông máu đến dương vật và trong hầu hết các trường hợp đều được dung nạp tốt, bao gồm cả những trường hợp mắc bệnh tiểu đường. Các loại thuốc uống điều trị rối loạn cương dương không tương tác với thuốc điều trị tiểu đường như metformin hay insulin.

Mặc dù còn có các phương pháp điều trị rối loạn cương dương khác, chẳng hạn như máy hút chân không dương vật và cấy ghép thể hang nhân tạo nhưng trước tiên nên thử các loại thuốc đường uống. Những phương pháp điều trị khác thường không hiệu quả bằng thuốc uống và có thể gây ra nhiều vấn đề không mong muốn.

Bệnh tiểu đường và rối loạn cương dương có chữa khỏi được không?

Bệnh tiểu đường là một bệnh lý mãn tính không thể chữa khỏi, mặc dù cả tiểu đường type 1 và type 2 đều có thể được kiểm soát bằng cách dùng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục.

Tùy thuộc vào nguyên nhân mà rối loạn cương dương có thể là vấn đề vĩnh viễn hoặc chỉ xảy ra tạm thời. Ở những người bị tiểu đường, rối loạn cương dương có thể được điều trị bằng cách thay đổi một số thói quen sống, gồm có ngủ đủ giấc, không hút thuốc và hạn chế căng thẳng. Các loại thuốc điều trị rối loạn cương dương thường được dung nạp tốt và có thể được sử dụng trong thời gian dài để khắc phục vấn đề.

Ngăn ngừa rối loạn cương dương

Một số thay đổi lối sống vừa giúp kiểm soát bệnh tiểu đường và vừa làm giảm nguy cơ mắc rối loạn cương dương:

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống để kiểm soát đường huyết: Thực hiện chế độ ăn uống thân thiện với bệnh tiểu đường sẽ giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn và ngăn ngừa tổn thương các mạch máu và dây thần kinh. Chế độ ăn uống dành cho người bị tiểu đường có mục đích chính là giữ cho lượng đường trong máu ở mức ổn định, đồng thời cải thiện mức năng lượng và tâm trạng - cả hai điều này đều giúp giảm thiểu nguy cơ rối loạn cương dương. Người mắc bệnh tiểu đường nên ăn nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên cám, các nguồn protein nạc và hạn chế đồ chứa nhiều đường, carb tinh chế.
  • Hạn chế đồ uống có cồn: Tiêu thụ quá 2 đơn vị cồn (20 gram cồn nguyên chất) mỗi ngày có thể làm hỏng mạch máu và góp phần gây ra rối loạn cương dương. Uống quá nhiều rượu bia cùng một lúc sẽ gây giảm khả năng cương cứng và ảnh hưởng đến chức năng tình dục.
  • Không hút thuốc: Hút thuốc lá làm thu hẹp các mạch máu và làm giảm nồng độ nitric oxide trong máu. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến dương vật và khiến cho tình trạng rối loạn cương dương trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Hoạt động thể chất: Thường xuyên tập thể dục không chỉ giúp kiểm soát đường huyết mà còn giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm mức độ căng thẳng và tăng cường năng lượng. Tất cả những điều này đều có lợi trong việc điều trị rối loạn cương dương.
  • Ngủ đủ giấc: Mệt mỏi là một trong những nguyên nhân dẫn đến rối loạn chức năng tình dục. Ngủ đủ giấc mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ rối loạn cương dương.
  • Giảm căng thẳng: Căng thẳng hay stress có thể cản trở kích thích tình dục và khả năng cương cứng. Tập thể dục, thiền và dành thời gian làm những việc yêu thích có thể giúp thư giãn, giảm mức độ căng thẳng và giảm nguy cơ rối loạn cương dương. Nếu đang gặp phải các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm thì hãy đi khám.

Tổng số điểm của bài viết là: 50 trong 10 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Lợi ích của tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT) đối với bệnh tiểu đường type 2?
Lợi ích của tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT) đối với bệnh tiểu đường type 2?

Đối với những người đang sống chung với bệnh tiểu đường type 2, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Tập HIIT là một cách hữu hiệu để đạt được mức độ hoạt động thể chất cần thiết.

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và mụn thịt
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và mụn thịt

Một nghiên cứu vào năm 2007 cho thấy những người có nhiều mụn thịt có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và tuyến tụy
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và tuyến tụy

Có mối liên hệ trực tiếp giữa tuyến tụy và bệnh tiểu đường. Tuyến tụy là một cơ quan thuộc hệ tiêu hóa, nằm sâu trong ổ bụng ở sau dạ dày.

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), những người bị tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn gấp đôi so với dân số nói chung. Và ở những người bị tiểu đường type 2, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất. Có nhiều cách giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hiểu được mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch là bước đầu tiên để phòng ngừa.

Mối liên hệ giữa magiê và bệnh tiểu đường
Mối liên hệ giữa magiê và bệnh tiểu đường

Magiê (magnesium) là một chất dinh dưỡng cần thiết cho não bộ và cơ thể. Khoáng chất này giúp điều hòa lượng đường trong máu và ngoài ra còn có nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên, thiếu hụt magiê là một vấn đề rất phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây