1

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và thiếu máu

Bản thân bệnh tiểu đường cũng như một số loại thuốc điều trị và các biến chứng của bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu. Tại sao lại như vậy và làm thế nào để điều trị thiếu máu khi mắc bệnh tiểu đường?
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và thiếu máu Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và thiếu máu

Thiếu máu là gì?

Thiếu máu là tình trạng máu không có đủ số lượng hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy. Điều này dẫn đến giảm lượng oxy đến các cơ quan trong cơ thể.

Thiếu máu có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và một trong đó là bệnh tiểu đường.

Triệu chứng thiếu máu

Thiếu máu gây ra các triệu chứng như:

  • Mệt mỏi, không có sức lực
  • Da nhợt nhạt
  • Khó thở
  • Lâng lâng
  • Tim đập nhanh
  • Thân nhiệt thấp
  • Tay chân lạnh
  • Đau đầu
  • Chóng mặt

Một số triệu chứng thiếu máu cũng tương tự các triệu chứng của tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao), gồm có chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi, nhịp tim nhanh và đau đầu.

Khi gặp các triệu chứng này, hãy đo đường huyết. Nếu các triệu chứng tiếp diễn trong thời gian dài mà đường huyết hay mức ceton vẫn bình thường, hãy đi khám để xem có bị thiếu máu hay không.

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và thiếu máu

Bệnh tiểu đường không gây thiếu máu và thiếu máu cũng không gây bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, hai tình trạng này có liên quan đến nhau.

Theo một nghiên cứu tại Mỹ, 25% người mắc bệnh tiểu đường type 2 bị thiếu máu. Như vậy là tỷ lệ thiếu máu ở những người bị tiểu đường type 2 là tương đối cao, đặc biệt là ở những người bị biến chứng tiểu đường.

Tuy nhiên, không phải cứ mắc bệnh tiểu đường là sẽ bị thiếu máu và ngược lại, bị thiếu máu không có nghĩa là mắc bệnh tiểu đường.

Các biến chứng tiểu đường gây thiếu máu

Theo một nghiên cứu vào năm 2004, thiếu máu là một biến chứng phổ biến ở những bệnh nhân tiểu đường bị bệnh thận mạn. Lý do là vì khi thận bị hỏng hoặc suy giảm chức năng thì sẽ không thể sản xuất ra erythropoietin (EPO) – hormone có vai trò báo cho tủy xương tạo thêm hồng cầu. (1)

Giai đoạn đầu của bệnh thận thường không có triệu chứng nhưng ở những người bị bệnh tiểu đường, thiếu máu có thể là dấu hiệu cho thấy thận đang không hoạt động bình thường.

Những người mắc bệnh tiểu đường còn có nguy cơ bị viêm mạch máu. Tình trạng này khiến cho tủy xương không nhận được tín hiệu từ hormone EPO để sản sinh thêm hồng cầu và có thể dẫn đến thiếu máu.

Ngoài ra, thiếu máu còn làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như bệnh võng mạc và bệnh thần kinh.

Tình trạng thiếu hồng cầu khỏe mạnh còn làm suy giảm chức năng của thận, tim và động mạch - những cơ quan vốn đã bị ảnh hưởng do bệnh tiểu đường.

Các loại thuốc trị tiểu đường gây thiếu máu

Một số loại thuốc điều trị tiểu đường có thể làm giảm nồng độ hemoglobin hay huyết sắc tố - loại protein cần thiết để vận chuyển oxy trong máu. Những loại thuốc điều trị tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu gồm có:

  • Metformin: Đây là một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị tiểu đường type 2. Loại thuốc này giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Một nghiên cứu cho thấy metformin có thể gây ra tình trạng hấp thụ vitamin B12 kém và việc sử dụng thuốc trong thời gian dài (trên 10 năm) dẫn đến tình trạng thiếu vitamin B12 ở một phần ba số người dùng. Thiếu vitamin B12 có thể gây thiếu máu. Những người bị tiểu đường và phải sử dụng metformin trong thời gian dài nên xét nghiệm công thức máu toàn bộ định kỳ để kiểm tra thiếu vitamin B12 và thiếu máu.
  • Fibrate: Nhóm thuốc này được sử dụng để giảm mức triglyceride và LDL cholesterol cho những bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ cao bị biến chứng tim mạch. Một số loại thuốc trong nhóm fibrate gồm có clofibrate, gemfibrozil và fenofibrate.
  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE): Thuốc ức chế ACE có tác dụng làm giãn và mở rộng các mạch máu, nhờ đó giúp cải thiện lưu thông máu và hạ huyết áp. Những loại thuốc này thường được kê cho bệnh nhân tiểu đường mắc bệnh thận mạn. Có nhiều loại thuốct ức chế men chuyển khác nhau, gồm có lisinopril, enalapril và benazepril.
  • Thiazolidinedione (TZD hay glitazone): Những loại thuốc này giúp làm giảm tình trạng kháng insulin ở người mắc bệnh tiểu đường type 2.

Vì mất máu cũng có thể dẫn đến thiếu máu nên những bệnh nhân tiểu đường đang phải lọc máu nên trao đổi với bác sĩ về những cách biện pháp làm giảm nguy cơ thiếu máu.

Thiếu máu ảnh hưởng như thế nào đến đường huyết?

Thiếu máu có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.

Một nghiên cứu vào năm 2010 cho thấy thiếu máu gây ra hiện tượng tăng đường huyết giả trên máy đo đường huyết, có nghĩa là kết quả đo cao trong khi lượng đường trong máu thực tế không tăng. Lúc này, nếu người bệnh dùng thuốc điều trị tăng đường huyết thì sẽ bị hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp). (2)

Một nghiên cứu vào năm 2014 đã chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa bệnh thiếu máu do thiếu sắt và lượng đường trong máu cao. Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy ở cả người mắc và không mắc bệnh tiểu đường, thiếu máu do thiếu sắt đều có liên quan đến tăng chỉ số A1C – một xét nghiệm máu đo tỷ lệ hemoglobin (một loại protein của hồng cầu) được gắn với glucose, qua đó phản ánh mức đường huyết trung bình trong vòng 3 tháng gần nhất.

Điều này là do khi bị thiếu máu, số lượng hồng cầu giảm và vì thế nên sẽ có nhiều hemoglobin được bao phủ bởi glucose hơn. Sau khi uống bổ sung sắt, mức A1C của những người tham gia nghiên cứu đã giảm.

Điều trị thiếu máu khi mắc bệnh tiểu đường

Có nhiều cách để điều trị tình trạng thiếu máu ở bệnh nhân tiểu đường. Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây thiếu máu:

  • Nếu là thiếu máu do thiếu sắt, người bệnh nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt và/hoặc uống bổ sung sắt. Một số loại thực phẩm giàu chất sắt gồm có các loại đậu, hàu, gan, rau màu xanh đậm, đậu phụ, thịt đỏ, cá và trái cây sấy khô như mận khô, nho khô và mơ khô.
  • Nếu nguyên nhân bị thiếu máu là do metformin thì hãy báo cho bác sĩ để thay đổi liều dùng hoặc loại thuốc điều trị tiểu đường.
  • Những trường hợp thiếu máu do phải lọc máu tốt nhất nên truyền sắt qua tĩnh mạch. Cách này sẽ làm tăng lượng hemoglobin nhưng cũng sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
  • Nếu nguyên nhân gây thiếu máu là do thận bị tổn thương và không sản xuất đủ hormone EPO, bác sĩ sẽ kê EPO tổng hợp (rhEPO) để thúc đẩy quá trình sản xuất hồng cầu trở lại bình thường. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu vào năm 2012, 5 đến 10% người điều trị bằng rhEPO bị kháng thuốc. Do đó, người bệnh cần được theo dõi sát sao trong suốt quá trình điều trị để giúp ngăn ngừa kháng thuốc.

Cuối cùng, nếu bị thiếu máu nghiêm trọng thì người bệnh có thể phải truyền máu.

Tùy thuộc vào nguyên nhân mà người bệnh có thể phải uống bổ sung sắt và/hoặc vitamin B.

Nếu thiếu máu xảy ra do bị mất máu thì sẽ phải truyền máu. Nếu nguyên nhân là do quá trình sản sinh hồng cầu của cơ thể bị suy giảm thì bác sĩ sẽ kê các loại thuốc giúp thúc đẩy quá trình tạo máu.

Tóm tắt bài viết

Mặc dù bệnh tiểu đường không gây thiếu máu và thiếu máu cũng không gây ra bệnh tiểu đường nhưng hai bệnh này có liên quan chặt chẽ với nhau.

Các biến chứng của bệnh tiểu đường như bệnh thận (suy thận) và viêm mạch máu có thể góp phần gây thiếu máu. Một số loại thuốc điều trị tiểu đường cũng có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu. Mặt khác, thiếu máu sẽ khiến cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường trở nên khó khăn hơn, làm tăng chỉ số A1C, gây hiện tượng tăng đường huyết giả và làm suy giảm chức năng của nhiều cơ quan, dẫn đến tăng nguy cơ xảy ra biến chứng tiểu đường trong tương lai.

Tuy nhiên, bệnh thiếu máu có thể điều trị được bằng cách dùng thuốc, uống thực phẩm chức năng và thay đổi chế độ ăn uống.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường type 2 và rối loạn cương dương
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường type 2 và rối loạn cương dương

Nghiên cứu cho thấy nam giới mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị rối loạn cương dương cao hơn so với người không bị tiểu đường tiểu đường. Tuy nhiên, thực hiện lối sống lành mạnh có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường và làm giảm nguy cơ mắc rối loạn cương dương.

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và tuyến tụy
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và tuyến tụy

Có mối liên hệ trực tiếp giữa tuyến tụy và bệnh tiểu đường. Tuyến tụy là một cơ quan thuộc hệ tiêu hóa, nằm sâu trong ổ bụng ở sau dạ dày.

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), những người bị tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn gấp đôi so với dân số nói chung. Và ở những người bị tiểu đường type 2, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất. Có nhiều cách giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hiểu được mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch là bước đầu tiên để phòng ngừa.

Mối liên hệ giữa magiê và bệnh tiểu đường
Mối liên hệ giữa magiê và bệnh tiểu đường

Magiê (magnesium) là một chất dinh dưỡng cần thiết cho não bộ và cơ thể. Khoáng chất này giúp điều hòa lượng đường trong máu và ngoài ra còn có nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên, thiếu hụt magiê là một vấn đề rất phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường.

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và sự trao đổi chất
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và sự trao đổi chất

Sự trao đổi chất hay chuyển hóa là tất cả các phản ứng hóa học diễn ra trong cơ thể. Những phản ứng hóa học này cần năng lượng. Lượng năng lượng cần cho các phản ứng hóa học ở mỗi người là khác nhau do phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, cân nặng và thành phần cơ thể.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây