Ăn bưởi trong khi dùng metformin có sao không?
Nhiều loại thuốc, chẳng hạn như statin và một số loại thuốc kháng histamin, có tương tác tiêu cực với bưởi. Metformin là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2.
Vậy ăn bưởi hay uống nước ép bưởi trong khi dùng metformin có gây ra vấn đề gì không? Mặc dù nghiên cứu còn hạn chế nhưng dưới đây là những gì người dùng metformin cần biết về tương tác giữa loại thuốc này và bưởi.
Metformin là gì?
Metformin là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Ở những người bị tiểu đường type 2, các tế bào của cơ thể không đáp ứng tốt với insulin như bình thường. Insulin là hormone được tạo ra ở tuyến tụy, có vai trò giúp các tế bào hấp thụ đường từ máu. Khi các tế bào không đáp ứng tốt với insulin, đường trong máu sẽ không thể đi vào tế bào và dẫn đến tình trạng tăng đường huyết. Dần dần, cơ thể sẽ ngày càng tạo ra ít insulin. Do đó, người mắc bệnh tiểu đường type 2 không có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu và cần phải dùng các loại thuốc như metformin. Metformin giúp kiểm soát lượng đường trong máu theo nhiều cách:
- Giảm lượng đường mà cơ thể hấp thụ từ thức ăn
- Giảm lượng đường mà gan giải phóng ra
- Tăng phản ứng của cơ thể với hormone insulin mà tuyến tụy tạo ra
Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng metformin có thể gây nhiễm toan axit lactic - một tình trạng rất nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng. Những người có vấn đề về gan, thận hoặc tim có nguy cơ bị nhiễm toan axit lactic cao hơn bình thường và do đó không nên dùng metformin.
Tại sao bưởi có thể tương tác với thuốc?
Có hơn 85 loại thuốc được xác định là có thể tương tác với bưởi, trong đó có 43 loại có thể dẫn đến tác dụng phụ nghiêm trọng. Uống nước ép bưởi hay ăn bất kỳ phần nào của quả bưởi, gồm có tép bưởi hay cùi bưởi đều có thể tương tác với thuốc.
Một số chất hóa học có trong quả bưởi có thể liên kết và làm bất hoạt một loại enzyme trong ruột và gan. Enzyme này giúp phân hủy thuốc.
Thông thường, khi chúng ta uống thuốc, thuốc sẽ bị phân hủy nhẹ bởi enzyme trước khi đi vào máu. Điều này có nghĩa là lượng thuốc đi vào máu sẽ ít hơn một chút so với lượng thuốc uống ban đầu.
Nhưng khi enzyme này bị ức chế (ngăn không cho enzyme hoạt động bình thường), lượng thuốc đi vào máu sẽ tăng lên đáng kể và làm tăng nguy cơ dùng thuốc quá liều. Điều này có thể xảy ra với một số loại thuốc khi tương tác với các chất hóa học trong quả bưởi.
Những loại thuốc tương tác với bưởi
Theo FDA, các loại thuốc sau đây có thể tương tác tiêu cực với bưởi:
- Thuốc nhóm statin, chẳng hạn như simvastatin (Zocor) và atorvastatin (Lipitor)
- Thuốc điều trị cao huyết áp, chẳng hạn như nifedipine (Procardia, Adalat CC)
- Thuốc ức chế miễn dịch, chẳng hạn như cyclosporine (Sandimmune, Neoral, Gengraf)
- Corticoid (corticosteroid) – nhóm thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng, chẳng hạn như budesonide (Entocort EC, Uceris)
- Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như amiodarone (Pacerone, Cordarone)
- Thuốc kháng histamin, chẳng hạn như fexofenadine (Allegra)
- Một số loại thuốc điều trị rối loạn lo âu, chẳng hạn như buspirone (BuSpar)
Không phải loại thuốc nào thuộc các nhóm thuốc kể trên đều tương tác với nước ép bưởi. Nước ép bưởi chỉ tương tác với một vài loại thuốc nhất định, không phải cả nhóm thuốc.
Ngoài ra, mức độ nghiêm trọng của tương tác cũng khác nhau.
Một số loại thuốc được phân loại là tương tác cấp độ X, có nghĩa là tương tác nghiêm trọng nhất và người bệnh cần kiêng bưởi tuyệt đối khi đang điều trị bằng những loại thuốc này. Các loại thuốc được phân loại là tương tác cấp độ X với bưởi gồm có:
- amiodarone (Pacerone)
- budesonide (Entocort, Uceris, Rhinocort Allergy)
- cyclosporine (Sandimmune, Neoral, Gengraf)
Một số loại thuốc được phân loại là tương tác cấp độ D, có nghĩa là bác sĩ nên cân nhắc đổi thuốc. Những loại thuốc này gồm có atorvastatin (Lipitor) và buspirone (BuSpar).
Trước khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới, người bệnh cần hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ xem có thể ăn bưởi hoặc sử dụng các sản phẩm được làm từ bưởi trong thời gian dùng thuốc hay không.
Bưởi ảnh hưởng đến metformin như thế nào?
Loại enzyme phân hủy các loại thuốc kể trên không ảnh hưởng đến metformin. Metformin không được cơ thể xử lý mà được đào thải ra ngoài qua nước tiểu.
Mới có rất ít nghiên cứu về tương tác giữa bưởi và metformin ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2.
Theo FDA, mặc dù nước ép bưởi là nguồn cung cấp kali và vitamin C dồi dào nhưng lại có thể tương tác với một số loại thuốc. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy bưởi tương tác với metformin.
Một nghiên cứu từ năm 2009 đã nghiên cứu tác động của bưởi đến metformin ở những con chuột không mắc bệnh tiểu đường. Một số con chuột được cho dùng metformin và uống nước ép bưởi trong khi những con khác chỉ được cho dùng metformin và không uống nước ép bưởi. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng có sự gia tăng lượng axit lactic ở những con chuột dùng metformin và uống nước ép bưởi.
Các nhà nghiên cứu trong nghiên cứu này phỏng đoán rằng nước ép bưởi làm tăng lượng metformin tích tụ trong gan và điều này thúc đẩy sự sản xuất axit lactic. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng uống nước ép bưởi có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic ở những người dùng metformin.
Tuy nhiên, kết quả này đã được quan sát thấy ở chuột không mắc bệnh tiểu đường chứ không phải ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu trường hợp nào trên người chỉ ra rằng uống nước ép bưởi khi dùng metformin dẫn đến nhiễm toan axit lactic.
Những loại thuốc cần tránh khi dùng metformin
Mặc dù chưa rõ ăn hay uống nước ép bưởi khi dùng metformin có gây nhiễm toan axit lactic hay không nhưng tình trạng nguy hiểm này có thể xảy ra khi dùng metformin cùng các loại thuốc dưới đây:
- Thuốc ức chế carbonic anhydrase, chẳng hạn như acetazolamide
- Corticoid (corticosteroid), chẳng hạn như prednisone
- Thuốc điều trị cao huyết áp, chẳng hạn như amlodipine (Norvasc)
- Thuốc chống co giật động kinh, chẳng hạn như topiramate (Topamax) và zonisamide (Zonegran)
- Thuốc tránh thai đường uống
- Thuốc chống loạn thần, chẳng hạn như chlorpromazine
- Một số loại thuốc có thể làm giảm tốc độ thải trừ metformin khỏi cơ thể, chẳng hạn như:
- ranolazine (Ranexa)
- dolutegravir (Tivicay)
- cimetidin (Tagamet HB)
Nếu đang dùng các loại thuốc này thì người bệnh cần cho bác sĩ biết trước khi điều trị bằng metformin.
Ngoài ra cần hạn chế uống rượu bia trong khi dùng metformin. Uống rượu bia trong khi dùng metformin sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết hoặc nhiễm toan axit lactic.
Chế độ ăn uống cho người bị tiểu đường
Bên cạnh dùng các loại thuốc như metformin, người bệnh tiểu đường cũng cần điều chỉnh chế độ ăn uống để kiểm soát lượng đường trong máu: Một số hướng dẫn chung về chế độ ăn uống dành cho người bệnh tiểu đường gồm có:
- Chú ý đến lượng carbohydrate tiêu thụ vì carbohydrate có ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu. Nên chọn các nguồn carb lành mạnh, ít gây tăng đường huyết như rau củ, trái cây và ngũ cốc nguyên cám.
- Tránh thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Thay vào đó nên chọn các nguồn chất béo tốt như cá, các loại hạt và dầu ô liu.
- Ăn nhiều chất xơ mỗi ngày. Chất xơ giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Chất xơ có trong nhiều loại trái cây và rau củ tươi.
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo những người mắc bệnh tiểu đường type 2 không nên ăn quá 2.300mg natri mỗi ngày.
Lợi ích của bưởi đối với người bị tiểu đường
Ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi mang lại nhiều lợi ích cho người mắc bệnh tiểu đường.
Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2021, ăn các loại trái cây có tải lượng đường huyết (glycemic load – GL) thấp có thể giúp kiểm soát đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Ăn trái cây tươi mỗi ngày còn có thể làm giảm nguy cơ biến chứng và tử vong ở người mắc bệnh tiểu đường. Theo các tác giả của nghiên cứu, ăn trái cây còn giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2. Trái cây tươi là một lựa chọn lý tưởng cho bữa ăn nhẹ giữa buổi.
Theo một tổng quan nghiên cứu khác vào năm 2019, naringenin - một loại flavonoid có nhiều trong quả bưởi - đã được chứng minh là có đặc tính trị bệnh tiểu đường và mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Naringenin còn giúp giảm cân, cải thiện tình trạng kháng insulin, tăng đường huyết và cholesterol cao.
Tóm tắt bài viết
Bưởi có thể tương tác tiêu cực với một số loại thuốc nhưng không có nghiên cứu nào cho thấy ăn bưởi hay uống nước ép bưởi trong khi dùng metformin gây ra tác dụng phụ ở người.
Trong khi đó lại có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng ăn bưởi có lợi cho người bệnh tiểu đường, chẳng hạn như giúp giảm cân và giảm mức đường huyết.
Nếu bạn hiện đang dùng metformin và lo lắng về tương tác giữa metformin với loại thuốc khác hoặc tương tác với thực phẩm thì hãy hỏi bác sĩ để được giải đáp.
Chất làm ngọt nhân tạo là các chất hóa học tổng hợp có tác dụng kích thích các thụ thể cảm nhận vị ngọt trên lưỡi. Các chất làm ngọt nhân tạo tạo vị ngọt cho đồ ăn mà thường chứa ít calo và không có giá trị dinh dưỡng.
Thuốc ức chế SGLT2 giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Ngoài làm giảm lượng đường trong máu, nhóm thuốc này còn được chứng minh là có lợi cho bệnh suy tim, các bệnh tim mạch khác và bệnh thận.
Những người mắc bệnh tiểu đường có lượng đường trong máu cao. Lượng đường trong máu không được kiểm soát sẽ gây tổn thương các mạch máu cũng như các dây thần kinh có liên quan. Dùng aspirin liều thấp hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch. Nhưng người bị tiểu đường có nên dùng aspirin hàng ngày không?
So với thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn dễ mua hơn và thường có giá phải chăng hơn nhưng nhiều người mắc bệnh tiểu đường băn khoăn không biết thuốc không kê đơn có an toàn không, có ảnh hưởng gì đến lượng đường trong máu hay có tương tác với các loại thuốc điều trị tiểu đường đang dùng hay không. Ví dụ, gần một nửa số người lớn mắc bệnh tiểu đường bị viêm khớp và nhiều người có chung thắc mắc là có thể dùng ibuprofen để giảm đau khớp không.
Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường type 1 (hay đái tháo đường phụ thuộc insulin), việc tính toán chính xác lượng carbohydrate và liều insulin cho các bữa ăn và những khi bị tăng đường huyết là điều rất quan trọng để kiểm soát bệnh đái tháo đường một cách hiệu quả.
- 0 trả lời
- 85 lượt xem
Mình thấy nhiều quảng cáo về máy điện trường nhưng chưa biết nó có thực sự hiệu quả trong việc cải thiện tuần hoàn máu do tiểu đường ko. Ai dùng rồi review cho anh chị em trong group tham khảo với mng ơi