1

Thuốc kết hợp metformin-pioglitazone: Liều dùng và tác dụng phụ

Metformin-pioglitazone được sử dụng để giảm lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Thuốc được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục.
Thuốc kết hợp metformin-pioglitazone: Liều dùng và tác dụng phụ Thuốc kết hợp metformin-pioglitazone: Liều dùng và tác dụng phụ

Thông tin cơ bản về thuốc kết hợp metformin-pioglitazone

  • Thuốc kết hợp metformin-pioglitazone có cả phiên bản thuốc gốc và biệt dược. Biệt dược (tên thương mại) là Actoplus Met và Actoplus Met XR.
  • Viên nén metformin-pioglitazone có hai dạng là viên nén phóng thích tức thì và viên nén phóng thích kéo dài.
  • Metformin-pioglitazone được sử dụng để giảm lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Thuốc được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục.

Cảnh báo quan trọng

Cảnh báo của FDA

Thuốc kết hợp metformin-pioglitazone có cảnh báo đặc biệt. Cảnh báo đặc biệt là cảnh báo nghiêm trọng nhất được Cục Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra nhằm cảnh báo bác sĩ và bệnh nhân về tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm của một loại thuốc.

  • Cảnh báo về nguy cơ suy tim: Pioglitazone có thể gây suy tim hoặc làm cho các vấn đề về tim có sẵn trở nên trầm trọng hơn. Những người có triệu chứng suy tim không nên sử dụng loại thuốc này. Các triệu chứng suy tim gồm có tăng cân nhanh chóng và thở dốc hoặc khó thở, đặc biệt là khi nằm, mệt mỏi bất thường và phù nề do giữ nước ở tay hoặc chân.
  • Cảnh báo về nguy cơ nhiễm toan axit lactic: Nhiễm toan axit lactic là một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của metformin. Đây là tình trạng mà axit lactic tích tụ trong máu. Người bị nhiễm toan axit lactic cần được cấp cứu. Khoảng 50% số ca nhiễm toan axit lactic bị tử vong. Nếu có các triệu chứng nhiễm toan axit lactic thì phải ngừng sử dụng thuốc và gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất. Các triệu chứng nhiễm toan axit lactic gồm có đau cơ bất thường, khó thở hoặc mệt mỏi, buồn ngủ bất thường. Ngoài ra, nhiễm toan axit lactic còn có thể gây đau bụng, buồn nôn hoặc nôn, chóng mặt, choáng váng và rối loạn nhịp tim.

Nguy cơ nhiễm toan axit lactic sẽ tăng cao nếu uống nhiều rượu bia hoặc dùng topiramate – một loại thuốc chống co giật. Nguy cơ cũng tăng cao hơn bình thường ở những người bị bệnh thận, nhiễm trùng máu, mất nước, có vấn đề về gan hoặc suy tim sung huyết.

Cảnh báo khác

  • Nguy cơ mang thai ngoài ý muốn: Pioglitazone có thể khiến phụ nữ rụng trứng và điều này có thể dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Thuốc có thể gây rụng trứng ở cả những người có kinh nguyệt không đều. Hãy hỏi bác sĩ về việc sử dụng biện pháp tránh thai trong thời gian điều trị bằng loại thuốc này.
  • Chụp X-quang khi đang dùng thuốc: Người bệnh có thể sẽ phải ngừng dùng thuốc này một thời gian ngắn trước khi chụp X-quang có sử dụng thuốc cản quang. Việc chụp X-quang có cản quang trong thời gian dùng loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến chức năng thận và làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic.

Metformin-pioglitazone là gì?

Metformin-pioglitazone là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường. Metformin-pioglitazone có hai dạng là dạng viên nén phóng thích tức thì và dạng viên nén phóng thích kéo dài.

Metformin-pioglitazone có phiên bản biệt dược (tên thương mại) là Actoplus Met (viên nén phóng thích tức thì) và Actoplus Met XR (viên nén phóng thích kéo dài). Dạng viên nén phóng thích tức thì còn có phiên bản thuốc gốc.*

(*Khi mới được phát minh ra, một loại thuốc sẽ được đăng ký tên thuốc gốc theo danh pháp quốc tế hoặc danh pháp của từng nước cùng với tên biệt dược của nơi tiến hành nghiên cứu. Sau khi được cấp phép lưu hành trên thị trường, biệt dược sẽ được giữ bằng sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của mỗi nước. Sau khi hết hạn độc quyền, các nhà sản xuất khác có thể sản xuất thuốc này với tên thuốc gốc hoặc một tên biệt dược khác.)

Thuốc gốc thường có giá thấp hơn biệt dược nhưng đôi khi không đa dạng về dạng thuốc và hàm lượng giống như biệt dược.

Metformin-pioglitazone là một loại thuốc kết hợp, có nghĩa là chứa hai loại thuốc khác nhau trong cùng một viên thuốc. Người dùng cần biết rõ các thành phần có trong thuốc kết hợp vì mỗi thành phần sẽ có tác động khác nhau đến cơ thể.

Người bệnh có thể cần dùng metformin-pioglitazone cùng với các loại thuốc khác để điều tri bệnh tiểu đường.

Công dụng của metformin-pioglitazone

Metformin-pioglitazone được sử dụng để cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2. Là một phần trong phác đồ điều trị bệnh tiểu đường, loại thuốc này được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục.

Metformin-pioglitazone không được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 1. Ngoài ra, loại thuốc này cũng không được sử dụng để điều trị nhiễm toan ceton - một biến chứng của bệnh tiểu đường, xảy ra khi nồng độ ceton (một loại axit) trong máu tăng cao.

Cơ chế tác dụng

Metformin-pioglitazone là sự kết hợp của hai loại thuốc điều trị tiểu đường thuộc hai nhóm thuốc khác nhau. (Nhóm thuốc là tập hợp các loại thuốc có cơ chế tác dụng tương tự nhau và thường có cùng công dụng.)

Metformin thuộc nhóm thuốc biguanide.

Metformin giúp làm giảm lượng đường trong máu thông qua các cơ chế:

  • Giảm lượng glucose (đường) do gan tạo ra
  • Giảm lượng glucose được hấp thụ từ đường ruột vào máu
  • Cải thiện phản ứng của các tế bào cơ thể với insulin. Insulin là một loại hormone giúp vận chuyển đường trong máu vào các tế bào. Điều này làm giảm lượng đường trong máu.

Pioglitazone thuộc nhóm thuốc thiazolidinedione. Cơ chế tác dụng của các loại thuốc trong nhóm này là giúp các tế bào cơ thể phản ứng tốt hơn với insulin. Các loại thuốc thiazolidinedione giúp insulin đưa glucose từ máu vào trong các tế bào. Tại đây, glucose được sử dụng để tạo ra năng lượng. Điều này dẫn đến làm giảm lượng đường trong máu.

Tác dụng phụ của metformin-pioglitazone

Thuốc kết hợp metformin-pioglitazone không gây buồn ngủ nhưng có thể gây hạ đường huyết và các tác dụng phụ khác.

Tác dụng phụ phổ biến

Một số tác dụng phụ phổ biến của thuốc kết hợp metformin-pioglitazone gồm có:

  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Đau bụng
  • Các triệu chứng giống như cảm lạnh (nhiễm trùng đường hô hấp trên)
  • Phù nề ở bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân
  • Đau đầu
  • Tăng cân

Nếu các tác dụng phụ chỉ ở mức độ nhẹ thì thường sẽ biến mất trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài thì cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng thuốc và phải gọi cấp cứu nếu cảm thấy các triệu chứng có thể đe dọa đến tính mạng. Dưới đây là một số tác dụng phụ nghiêm trọng của metformin-pioglitazone cùng các triệu chứng:

  • Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp).* Các triệu chứng gồm có:
    • Thay đổi tâm trạng, chẳng hạn như cáu kỉnh, khó chịu hoặc chán nản, buồn bã
    • Bồn chồn, hồi hộp
    • Lâng lâng
    • Chóng mặt
    • Buồn ngủ
    • Mờ mắt
    • Châm chích hoặc tê ở môi hoặc lưỡi
    • Nhức đầu
    • Mệt mỏi, không có sức lực vận động
    • Giảm khả năng phối hợp động tác (mât điều hòa)
    • Mơ thấy ác mộng hoặc chảy nước mắt trong khi ngủ
    • Co giật
    • Bất tỉnh
  • Nhiễm toan axit lactic. Các triệu chứng gồm có:
    • Mệt mỏi, không có sức lực
    • Đau cơ bất thường
    • Đau bụng, buồn nôn hoặc nôn
    • Khó thở
    • Chóng mặt, lâng lâng
    • Nhịp tim chậm hoặc không đều
  • Suy tim. Các triệu chứng gồm có:
    • Phù nề, đặc biệt là ở mắt cá chân hoặc cẳng chân
    • Khó thở hoặc thở gấp, đặc biệt là khi nằm
    • Tăng cân nhanh bất thường
    • Mệt mỏi bất thường
  • Phù hoàng điểm (tích tụ chất lỏng ở phía sau của mắt). Các triệu chứng gồm có:
    • Mờ mắt
    • Xuất hiện các đốm, vệt mờ hay đường ngoằn ngoèo trôi nổi trong tầm nhìn
    • Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp). Các triệu chứng gồm có:
    • Da nhợt nhạt
    • Khó thở
    • Mệt mỏi
    • Tức ngực
    • Chóng mặt
  • Ung thư bàng quang. Các triệu chứng gồm có:
    • Có máu trong nước tiểu
    • Đi tiểu nhiều lần
    • Đau khi đi tiểu
    • Tiểu khó
  • Loãng xương (giảm mật độ xương)
  • Rụng trứng, có thể dẫn đến mang thai ngoài ý muốn

Xử trí khi bị hạ đường huyết

Nếu có các triệu chứng hạ đường huyết thì phải đo đường huyết ngay. Nếu đúng là đường huyết ở mức thấp thì điều trị bằng các bước sau đây:

Đối với hạ đường huyết nhẹ (55 – 70 mg/dL), điều trị bằng cách ăn 15 – 20 gram đường. Lượng đường này có trong:

  • 3 - 4 viên nén glucose
  • Một ống gel glucose
  • Nửa cốc nước trái cây hoặc nước ngọt có đường (không dùng loại dành cho người ăn kiêng)
  • 01 cốc sữa tách béo hoặc 1% béo
  • 01 muỗng canh đường, mật ong hoặc siro ngô
  • 8 – 10 chiếc kẹo cứng

Sau khi ăn, chờ 15 phút rồi đo lại đường huyết. Nếu đường huyết vẫn thấp thì hãy lặp lại các bước trên.

Khi đường huyết trở lại mức bình thường, hãy ăn một chút gì đó nếu như phải hơn 1 tiếng nữa mới đến giờ ăn bữa chính hoặc bữa phụ.

Nếu không điều trị nhanh chóng, hạ đường huyết có thể gây co giật, bất tỉnh và tổn thương não. Hạ đường huyết thậm chí còn có thể dẫn đến tử vong. Trong trường hợp người bệnh bị bất tỉnh do hạ đường huyết và không thể ăn uống thì người xung quanh sẽ phải tiêm glucagon cho người bệnh để đưa đường huyết về mức bình thường hoặc nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện.

Lưu ý, vì tác động của thuốc đến cơ thể mỗi người là khác nhau nên tác dụng phụ mà mỗi người gặp phải sẽ không hoàn toàn giống nhau. Trên đây chỉ là một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc kết hợp metformin-pioglitazone. Ngoài ra thuốc còn có thể gây ra những tác dụng phụ khác không được đề cập đến ở đây. Trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ hoặc đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết rõ hơn về các tác dụng phụ.

Tương tác thuốc

Metformin-pioglitazone có thể tương tác với các loại thuốc khác hoặc thực phẩm chức năng và thảo dược đang dùng. Tương tác thuốc là phản ứng xảy ra giữa hai loại thuốc hoặc giữa một loại thuốc với thảo dược, thực phẩm chức năng hay thực phẩm tự nhiên. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc gây ra tác dụng phụ.

Để tránh xảy ra tương tác thuốc, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, thảo dược hay thực phẩm chức năng mà mình đang dùng để bác sĩ kê thuốc cho phù hợp. Để hiểu rõ về tương tác thuốc của glimepiride, hãy nói chuyện trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ.

Dưới đây là một số loại thuốc có thể tương tác với thuốc kết hợp metformin-pioglitazone.

Thuốc chống động kinh

Dùng các loại thuốc này cùng với metformin-pioglitazone có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • topiramate
  • zonisamide
  • acetazolamide

Một số loại thuốc chống động kinh khác có thể gây tăng đường huyết khi dùng cùng metformin-pioglitazone, ví dụ như:

  • fosphenytoin
  • phenytoin

Thuốc cản quang

Tiêm thuốc cản quang vào cơ thể trong khi dùng metformin-pioglitazone có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic. Thuốc cản quang được sử dụng trong một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn chụp X-quag.

Thuốc hạ triglyceride

Dùng các loại thuốc này cùng với metformin-pioglitazone có thể gây hạ đường huyết.

Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • gemfibrozil

Thuốc lợi tiểu

Dùng một số loại thuốc lợi tiểu cùng với metformin-pioglitazone có thể gây hạ đường huyết. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • amiloride
  • furosemide
  • triamterene

Một số loại thuốc lợi tiểu khác lại có thể gây tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao) khi dùng cùng metformin-pioglitazone. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • clorothiazide
  • clothalidone
  • hydrochlorothiazide
  • indapamide
  • metolazone

Thuốc điều trị bệnh tim mạch và cao huyết áp

Dùng các loại thuốc này cùng với metformin-pioglitazone có thể gây tăng đường huyết. Một trong những nhóm thuốc điều trị bệnh tim mạch có thể tương tác với metformin-pioglitazone và gây tăng đường huyết là thuốc chẹn kênh canxi, chẳng hạn như:

  • amlodipine
  • diltiazem
  • felodipine
  • isradipine
  • nicardipine
  • nifedipine
  • nisoldipine
  • verapamil

Một số loại thuốc điều trị bệnh tim mạch khác lại có thể gây hạ đường huyết khi dùng cùng metformin-pioglitazone, chẳng hạn như digoxin.

Một số loại thuốc điều trị bệnh tim mạch và cao huyết áp có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của metformin-pioglitazone. Điều này có nghĩa là nguy cơ xảy ra tác dụng phụ sẽ cao hơn hoặc hiệu quả kiểm soát lượng đường trong máu của thuốc sẽ kém đi. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • clonidine
  • reserpine

Các loại thuốc chẹn beta, chẳng hạn như:

  • acebutolol
  • atenolol
  • bisoprolol
  • carteolol
  • esmolol
  • metoprolol
  • nadolol
  • nebivolol
  • propranolol

Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim

Dùng các loại thuốc này cùng với metformin-pioglitazone có thể gây hạ đường huyết. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • dofetilide

Thuốc kháng sinh

Dùng một số loại thuốc kháng sinh cùng với metformin-pioglitazone có thể gây tăng đường huyết. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • rifabutin
  • rifampin
  • rifapentine
  • rifaximin

Thuốc điều trị ợ nóng

Dùng các loại thuốc này cùng với metformin-pioglitazone có thể gây hạ đường huyết. Một trong các loại thuốc điều trị ợ nóng có thể tương tác với metformin-pioglitazone là thuốc kháng histamin H2, chẳng hạn như cimetidine.

Thuốc điều trị tiểu đường

Dùng một số loại thuốc điều trị tiểu đường khác cùng với metformin-pioglitazone có thể gây hạ đường huyết. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • Các loại thuốc trị tiểu đường đường uống khác
  • Insulin

Steroid đường uống

Dùng các loại thuốc này cùng với metformin-pioglitazone có thể gây tăng đường huyết. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • dexamethasone
  • hydrocortisone
  • methylprednisolone
  • prednisone
  • prednisolone

Thuốc chống loạn thần và chống buồn nôn

Dùng các loại thuốc này cùng với metformin-pioglitazone có thể gây tăng đường huyết. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • chlorpromazine
  • fluphenazine
  • perphenazine
  • prochlorperazine
  • thioridazine

Thuốc điều trị bệnh tuyến giáp

Dùng levothyroxine – một loại thuốc điều trị bệnh suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém) - cùng với metformin-pioglitazone có thể gây tăng đường huyết.

Thuốc nội tiết tố nữ

Dùng các loại thuốc này cùng với metformin-pioglitazone có thể gây tăng đường huyết. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • Estrogen liên hợp
  • Estradiol

Thuốc tránh thai đường uống

Dùng các loại thuốc này cùng với metformin-pioglitazone có thể gây tăng đường huyết.

Thuốc điều trị bệnh lao

Dùng một số loại thuốc điều trị bệnh lao như isoniazide cùng với metformin-pioglitazone có thể gây tăng đường huyết.

Lưu ý, tương tác thuốc xảy ra ở mỗi người là khác nhau. Không phải lúc nào metformin-pioglitazone cũng tương tác với các loại thuốc kể trên và ngoài danh sách này còn có rất nhiều loại thuốc khác có thể tương tác với metformin-pioglitazone. Để biết chi tiết về tương tác giữa metformin-pioglitazone với các loại thuốc khác hay thực phẩm chức năng, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ.

Cảnh báo về metformin-pioglitazone

Thuốc kết hợp metformin-pioglitazone đi kèm một số cảnh báo.

Dị ứng

Metformin-pioglitazone có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có:

  • Khó thở
  • Sưng cổ họng hoặc lưỡi
  • Nổi mề đay

Nếu có các triệu chứng này khi dùng metformin-pioglitazone, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Không được dùng thuốc nếu đã từng bị dị ứng với thuốc hay bất kỳ thành phần nào có trong thuốc. Việc tiếp tục dùng thuốc có thể gây tử vong.

Tương tác với đồ uống có cồn

Việc sử dụng đồ uống có chứa cồn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic do metformin-pioglitazone. Đồ uống có cồn còn có thể làm tăng hoặc giảm lượng đường trong máu. Hãy hỏi bác sĩ xem có thể uống rượu bia trong khi dùng metformin-pioglitazone không.

Cảnh báo đối với người mắc một số bệnh lý

  • Đối với người mắc bệnh về mắt do tiểu đường: Những người bị phù hoàng điểm (tích tụ chất lỏng ở một phần của võng mạc) không nên dùng metformin-pioglitazone vì loại thuốc có thể khiến cho tình trạng phù hoàng điểm trở nên trầm trọng hơn.
  • Đối với người bị ung thư bàng quang: Thuốc kết hợp metformin-pioglitazone có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Những người đang bị ung thư bàng quang không nên sử dụng loại thuốc này. Người có tiền sử ung thư bàng quang cần cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp.
  • Đối với người bị suy tim và phù nề: Metformin-pioglitazone có thể khiến tình trạng tích nước trong cơ thể thêm nghiêm trọng hơn. Điều này sẽ dẫn đến phù nề và tăng cân, đồng thời có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về tim mạch hoặc dẫn đến suy tim. Những người bị suy tim nặng không nên dùng metformin-pioglitazone. Người bệnh nên đi khám định kỳ để kiểm tra tình trạng tim trong thời gian dùng metformin-pioglitazone.
  • Đối với người mắc bệnh gan: Bệnh gan sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic khi dùng metformin-pioglitazone và pioglitazone có thể gây suy gan ở một số người. Những người bị bệnh gan không nên sử dụng loại thuốc này.
  • Đối với người mắc bệnh thận: Metformin được thận đào thải khỏi cơ thể qua nước tiểu. Nếu chức năng thận bị suy giảm, thuốc sẽ tích tụ trong cơ thể và gây ra nhiều tác dụng phụ hơn. Chỉ nên sử dụng metformin-pioglitazone cho những người có chức năng thận bình thường. Người bệnh nên đi khám định kỳ để kiểm tra chức năng thận trong thời gian dùng thuốc.
  • Đối với người bị loãng xương: Pioglitazone có thể làm giảm mật độ xương (loãng xương) và làm tăng nguy cơ gãy xương, đặc biệt là ở phụ nữ. Vì thế nên khi kê metformin-pioglitazone, bác sĩ có thể sẽ kê thêm các loại thuốc khác để bảo vệ sức khỏe xương.
  • Đối với người bị thiếu máu: Pioglitazone có thể gây thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp). Metformin có thể gây thiếu vitamin B12 và tình trạng này cũng dẫn đến thiếu máu. Người bệnh có thể phải làm xét nghiệm máu trước khi dùng metformin-pioglitazone để xem thuốc có an toàn hay không.
  • Đối với người mắc bệnh tiểu đường type 1: Metformin-pioglitazone không dùng để bệnh tiểu đường type 1 hay nhiễm toan ceton do tiểu đường. Những tình trạng này phải được điều trị bằng insulin.

Cảnh báo đối với các nhóm đối tượng khác

  • Đối với phụ nữ mang thai: Do chưa có đủ nghiên cứu được thực hiện trên người nên chưa rõ metformin-pioglitazone có tác động như thế nào đến thai nhi nếu thuốc được sử dụng trong thai kỳ.
    Nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai thì hãy hỏi bác sĩ xem có nên sử dụng metformin-pioglitazone hay không. Nói chung, chỉ nên sử dụng thuốc nếu lợi ích lớn hơn rủi ro.
    Nếu có thai trong khi dùng loại thuốc này thì phải báo cho bác sĩ.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Chưa rõ liệu metformin-pioglitazone có đi vào sữa mẹ hay không. Nếu có, thuốc có thể gây ra tác dụng phụ ở trẻ sơ sinh bú mẹ. Nếu như bạn nuôi con bằng sữa mẹ thì cần báo cho bác sĩ. Có thể sẽ phải lựa chọn giữa cho con bú và đổi loại thuốc khác hoặc tiếp tục dùng thuốc và nuôi con bằng sữa công thức.
  • Đối với người cao tuổi: Khi có tuổi, thận sẽ không còn hoạt động tốt như khi còn trẻ. Metformin được thận đào thải ra ngoài cơ thể qua nước tiểu. Nếu chức năng thận bị suy giảm, thuốc sẽ tích tụ trong cơ thể và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Chỉ nên sử dụng metformin và thuốc kết hợp metformin-pioglitazone cho những người có chức năng thận bình thường. Người bệnh nên đi khám định kỳ để kiểm tra chức năng thận trong thời gian dùng thuốc.
  • Đối với trẻ em: Chưa rõ liệu metformin-pioglitazone có an toàn và hiệu quả ở người dưới 18 tuổi hay không. Không nên dùng thuốc này cho trẻ em.

Khi nào cần báo cho bác sĩ

Cần báo cho bác sĩ khi bị bệnh, chấn thương, nhiễm trùng hoặc sắp phải phẫu thuật. Hiệu quả kiểm soát lượng đường trong máu của metformin-pioglitazone sẽ giảm trong những trường hợp này. Điều này có thể dẫn đến tăng đường huyết. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu ngừng thuốc trong một thời gian ngắn và tạm thời chuyển sang điều trị bằng insulin.

Nếu metformin-pioglitazone không hiệu quả, lượng đường trong máu sẽ tăng cao và bệnh tiểu đường sẽ không được kiểm soát tốt. Báo cho bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào sau đây: đi tiểu nhiều lần, liên tục khát nước, nhanh đói, thường xuyên trong trạng thái mệt mỏi, thiếu năng lượng, mờ mắt, vết cắt hoặc vết bầm tím chậm lành, châm chích, đau hoặc tê ở tay hoặc chân.

Cách sử dụng metformin-pioglitazone

Liều dùng và dạng thuốc mà mỗi người bệnh cần sử dụng là khác nhau. Bác sĩ sẽ kê liều dùng phù hợp với mỗi ca bệnh. Liều dùng, dạng thuốc và tần suất dùng thuốc sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Tuổi tác
  • Bệnh lý cần điều trị
  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh
  • Các bệnh lý khác đang mắc
  • Phản ứng của cơ thể với liều đầu tiên

Dạng thuốc và hàm lượng

Thuốc gốc: Metformin-pioglitazone

  • Dạng thuốc: Viên nén phóng thích tức thì
  • Hàm lượng:
    • 500 mg metformin/15 mg pioglitazon
    • 850 mg metformin/15 mg pioglitazone

Biệt dược: Actoplus Met

  • Dạng thuốc: Viên nén phóng thích tức thì
  • Hàm lượng:
    • 500 mg metformin/15 mg pioglitazon
    • 850 mg metformin/15 mg pioglitazone

Biệt dược: Actoplus Met XR

  • Dạng thuốc: Viên uống phóng thích kéo dài
  • Hàm lượng:
    • 1.000 mg metformin/15 mg pioglitazon
    • 1.000 mg metformin/30 mg pioglitazon

Liều dùng để điều trị bệnh tiểu đường type 2

Liều dùng cho người lớn (từ 18 – 64 tuổi)

Viên nén phóng thích tức thì

  • Bệnh tiểu đường không thể kiểm soát bằng chế độ ăn uống và tập thể dục:
    • Liều khởi đầu thông thường là 500 mg metformin/15 mg pioglitazone uống 2 lần mỗi ngày sau bữa ăn hoặc 850 mg metformin/15 mg pioglitazone uống 1 lần mỗi ngày sau ăn.
  • Bệnh tiểu đường không thể kiểm soát bằng metformin:
    • Liều khởi đầu thông thường là 500 mg metformin/15 mg pioglitazone uống 2 lần mỗi ngày sau ăn hoặc 850 mg metformin/15 mg pioglitazone uống 1 – 2 lần mỗi ngày sau ăn. Liều dùng phụ thuộc vào liều metformin đang dùng.
  • Bệnh tiểu đường không thể kiểm soát bằng pioglitazone:
    • Liều khởi đầu thông thường là 500 mg metformin/15 mg pioglitazone uống 2 lần mỗi ngày sau ăn hoặc 850 mg metformin/15 mg pioglitazone uống 1 lần mỗi ngày sau ăn.
  • Những người chuyển từ phác đồ điều trị bằng metformin và pioglitazone (dưới dạng hai loại thuốc riêng biệt) sang thuốc kết hợp metformin-pioglitazone:
    • Giữ nguyên liều metformin và pioglitazone hiện đang dùng.
  • Liều dùng tối đa:
    • 2.550 mg metformin/45 mg pioglitazone mỗi ngày, chia làm 3 lần, mỗi lần 850 mg metformin/15 mg pioglitazone.

Viên nén phóng thích kéo dài

  • Bệnh tiểu đường không thể kiểm soát bằng chế độ ăn uống và tập thể dục:
    • Liều khởi đầu thông thường là 1.000 mg metformin/15 mg pioglitazone hoặc 1.000 mg metformin/30 mg pioglitazone uống 1 lần mỗi ngày sau ăn.
  • Bệnh tiểu đường không thể kiểm soát bằng metformin:
    • Liều khởi đầu thông thường là 1.000 mg metformin/15 mg pioglitazone uống 2 lần mỗi ngày sau ăn hoặc 1.000 mg metformin/30 mg pioglitazone uống 1 lần mỗi ngày sau ăn. Liều dùng phụ thuộc vào liều metformin đang dùng.
  • Bệnh tiểu đường không thể kiểm soát bằng pioglitazone:
    • Liều khởi đầu thông thường là 1.000 mg metformin/15 mg pioglitazone uống 2 lần mỗi ngày sau ăn hoặc 1.000 mg metformin/30 mg pioglitazone uống 1 lần mỗi ngày sau ăn.
  • Những người chuyển từ phác đồ điều trị bằng metformin và pioglitazone (dưới dạng hai loại thuốc riêng biệt) sang thuốc kết hợp metformin-pioglitazone:
    • Liều dùng càng gần với liều pioglitazone và metformin hiện tại càng tốt.
  • Liều dùng tối đa:
    • 2.000 mg metformin/45 mg pioglitazone mỗi ngày. Uống 01 viên nén phóng thích kéo dài hàm lượng 1.000 mg metformin/15 mg pioglitazone kèm 01 viên nén phóng thích kéo dài hàm lượng 1.000 mg metformin/30 mg pioglitazone một lần mỗi ngày.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 – 17 tuổi)

Thuốc này hiện chưa được nghiên cứu ở trẻ em. Do đó, không dùng metformin-pioglitazone cho người dưới 18 tuổi.

Liều dùng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)

Khi có tuổi, thận và gan không còn hoạt động tốt như khi còn trẻ. Điều này có nghĩa là cơ thể sẽ trở nên nhạy cảm hơn với tác dụng của thuốc. Thuốc cũng tồn tại trong cơ thể lâu hơn và những điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Do đó, đối với những bệnh nhân lớn tuổi, bác sĩ sẽ kê liều khởi đầu thấp hơn và điều chỉnh liều dùng chậm hơn.

Không sử dụng metformin-pioglitazone cho người từ 80 tuổi trở lên, trừ khi có chức năng thận bình thường.

Trên đây chỉ là liều dùng tham khảo. Hãy dùng thuốc đúng liều mà bác sĩ kê.

Điều gì xảy ra nếu dùng thuốc không theo chỉ định?

Thuốc kết hợp metformin-pioglitazone được sử dụng lâu dài. Thuốc có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng nếu như không sử dụng đúng theo chỉ định.

Nếu không dùng thuốc: Việc không dùng thuốc thì lượng đường trong máu sẽ tăng cao. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao sẽ gây tổn hại đến mắt, thận, dây thần kinh, tim, mạch máu và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ, mù lòa, suy thận và phải lọc máu, cắt cụt chi cùng các biến chứng khác.

Nếu dùng thuốc quá liều: Dùng metformin-pioglitazone quá liều có thể gây hạ đường huyết. Nếu lỡ dùng thuốc quá liều và có các triệu chứng của hạ đường huyết thì cần điều trị bằng các bước nêu trong phần Xử trí khi bị hạ đường huyết ở trên.

Nếu các triệu chứng tiếp tục xấu đi, hãy gọi cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay lập tức.

Nếu quên uống thuốc: Nếu lỡ quên uống metformin-pioglitazone, hãy uống ngay khi nhớ ra. Nếu khi nhớ ra đã gần đến lúc uống liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo như bình thường. (Chỉ uống một liều, không được uống gộp liều để bù lại liều đã quên, điều này có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.)

Làm thế nào để biết thuốc có hiệu quả hay không? Nếu thuốc có hiệu quả, các triệu chứng của tăng đường huyết như đi tiểu nhiều hay thường xuyên thấy đói sẽ cải thiện và chỉ số đường huyết sẽ giảm.

Lưu ý khi dùng metformin-pioglitazone

Dưới đây là những điều cần lưu ý khi sử dụng metformin-pioglitazone.

Lưu ý chung

  • Nên uống metformin-pioglitazone sau khi ăn để giảm nguy cơ tiêu chảy, buồn nôn và đau bụng.
  • Thuốc này thường được uống nhiều lần (thường là 2 lần) mỗi ngày. Nên uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày để giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định.
  • Không được bẻ nhỏ, nghiền hay nhai thuốc.
  • Người bệnh nên đo đường huyết thường xuyên để theo dõi lượng đường trong máu. Mỗi lần đo sẽ phải dùng kim chích máu ngón tay. Không được vứt kim thẳng vào thùng rác hay xả xuống bồn cầu. Nên cho kim vào hộp đựng vật sắc nhọn y tế hoặc bọc kín trước khi vứt vào thùng rác.

Bảo quản

  • Bảo quản metformin-pioglitazone ở nhiệt độ phòng (15°C - 30°C hay 59°F - 86°F).
  • Đậy chặt nắp lọ sau mỗi lần lấy thuốc.
  • Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh xa ánh nắng chiếu trực tiếp
  • Không để thuốc trong ngăn đông tủ lạnh.
  • Không để thuốc ở những nơi ẩm ướt như phòng tắm.

Mang thuốc theo khi đi xa

  • Luôn mang theo thuốc khi đi xa để việc dùng thuốc không bị gián đoạn.
  • Nếu đi máy bay, không được để thuốc trong hành lý ký gửi mà nên để trong hành lý xách tay.
  • Tia X trong máy soi chiếu hành lý tại sân bay sẽ không ảnh hưởng đến thuốc.
  • Nhân viên an ninh sân bay có thể sẽ yêu cầu kiểm tra thuốc nên hãy để thuốc trong hộp đựng còn nguyên nhãn.
  • Không để thuốc trong ô tô khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

Tự theo dõi đường huyết

Người bệnh cần kiểm tra lượng đường trong máu bằng máy đo đường huyết tại nhà hàng ngày để theo dõi xem đường huyết có trong phạm vi an toàn hay không và đánh giá hiệu quả của loại thuốc đang dùng. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng metformin-pioglitazone dựa trên mức đường huyết.

Người bệnh cần:

  • học cách sử dụng máy đo đường huyết
  • nhận biết các triệu chứng của hạ đường huyết và tăng đường huyết
  • biết cách xử trí khi bị hạ đường huyết và tăng đường huyết

Để kiểm tra đường huyết, người bệnh sẽ phải mua những vật dụng sau đây:

  • Máy đo đường huyết
  • Que thử đường huyết
  • Bông tẩm cồn hoặc bông và cồn y tế
  • Kim chích máu ngón tay
  • Hộp an toàn để đựng kim chích máu ngón tay đã qua sử dụng

Theo dõi lâm sàng

Trước và trong khi điều trị bằng metformin-pioglitazone, người bệnh có thể phải làm xét nghiệm kiểm tra:

  • Mức đường huyết
  • Mức A1C (HbA1C): chỉ số cho biết mức độ kiểm soát đường huyết trong 2-3 tháng gần nhất.
  • Chức năng gan: Nếu xét nghiệm chức năng gan cho kết quả bất thường hoặc có triệu chứng vấn đề về gan, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu ngừng thuốc.
  • Chức năng thận Nếu xét nghiệm chức năng thận cho kết quả bất thường, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu ngừng thuốc.
  • Số lượng tế bào máu: Pioglitazone có thể gây thiếu máu. Metformin có thể gây thiếu hụt vitamin B12 và điều này cũng dẫn đến thiếu máu.
  • Khám mắt: Pioglitazon có thể gây phù hoàng điểm.

Chế độ ăn uống

Để kiểm soát tốt bệnh tiểu đường type 2, người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cách điều chỉnh thói quen ăn uống. Nhưng nói chung, chế độ ăn uống lành mạnh cần có nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ, cá và thực phẩm giàu chất béo tốt, chẳng hạn như quả bơ, dầu ô liu, quả hạch và hạt.

Lựa chọn thay thế metformin-pioglitazone

Ngoài metformin-pioglitazone còn có rất nhiều loại thuốc khác để điều trị bệnh tiểu đường. Mỗi người sẽ phù hợp với một số loại thuốc nhất định. Nếu metformin-pioglitazone không phù hợp hoặc không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Actos (pioglitazone): Công dụng, liều dùng, cách sử dụng và tác dụng phụ
Actos (pioglitazone): Công dụng, liều dùng, cách sử dụng và tác dụng phụ

Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Loại thuốc này được sử dụng kết hợp cùng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để cải thiện lượng đường trong máu.

Liều dùng thuốc Tresiba là bao nhiêu?
Liều dùng thuốc Tresiba là bao nhiêu?

Bài viết dưới đây cung cấp thông tin chi tiết về liều dùng khuyến nghị của Tresiba, gồm có dạng thuốc, hàm lượng thuốc và cách sử dụng.

Liều dùng thuốc trị tiểu đường Actos
Liều dùng thuốc trị tiểu đường Actos

Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2. Thuốc được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường metformin
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường metformin

Metformin có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ về tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn hoặc nôn. Mặc dù hiếm gặp nhưng metformin cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng cần can thiệp khẩn cấp như nhiễm toan axit lactic.

Insulin: Vai trò đối với bệnh tiểu đường, cách sử dụng và liều lượng
Insulin: Vai trò đối với bệnh tiểu đường, cách sử dụng và liều lượng

Tiêm insulin có thể giúp kiểm soát cả bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Insulin từ bên ngoài có tác dụng thay thế hoặc bổ sung cho insulin tự nhiên của cơ thể.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây