Âm hộ bị kích ứng là do đâu? Khắc phục bằng cách nào?

Âm hộ bị kích ứng gây ra rất nhiều phiền toái như ngứa ngáy, sưng hay thâm chí là đau rát. Có nhiều cách khắc phục tại nhà do hiện tượng kích ứng này.
Âm hộ bị kích ứng là do đâu? Khắc phục bằng cách nào? Âm hộ bị kích ứng là do đâu? Khắc phục bằng cách nào?

Nội dung chính của bài viết

  • Hiện tượng kích ứng có thể xảy ra ở bất cứ khu vực nào ở âm hộ, ví dụ như môi âm hộ, âm vật, niệu đạo và cửa âm đạo.
  • Những biểu hiện thường gặp khi bị kích ứng gồm có nóng đỏ, ngứa ngáy, sưng và thậm chí đau rát.
  • Có nhiều nguyên nhân dẫn đến âm hộ bị kích ứng như viêm nang lông, viêm da, thay đổi nội tiết, nhiễm trùng nấm men... thậm chí là ung thư âm hộ. 
  • Kích ứng tạm thời thường không phải vấn đề đáng lo ngại và có thể điều trị được tại nhà.
  • Tuy nhiên, kích ứng cũng có thể là một do một vấn đề tiềm ẩn xảy ra ở hệ sinh dục.
  • Nếu đã sử dụng các biện pháp điều trị ở nhà mà tình hình vẫn không được cải thiện thì cần đi khám bác sĩ. 

Dưới đây là những nguyên nhân gây kích ứng âm hộ, những triệu chứng thường gặp và biện pháp khắc phục.

1. Viêm nang lông

Viêm nang lông xảy ra khi có một hay nhiều nang lông bị nhiễm trùng và viêm. Vấn đề này có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào có lông mọc.

Khi xảy ra ở vùng lông mu thì viêm nang lông thường là do cạo lông, tẩy lông hoặc các phương pháp xử lý lông khác. Nếu nguyên nhân là do dùng dao cạo thì còn được gọi là “bỏng dao cạo”.

Viêm nang lông cũng có thể xảy ra do lông mọc ngược và có các biểu hiện như:

  • Đau rát
  • Ngứa ngáy
  • Sưng đỏ
  • Có mủ

Biện pháp điều trị

Bỏng dao cạo, lông mọc ngược và các dạng viêm nang lông khác thường tự khỏi mà không cần điều trị. Nên mặc quần rộng và không được đụng chạm gì đến vùng bị viêm trong vài tuần để tránh bị kích ứng thêm.

Nếu bị đau rát hoặc ngứa ngáy dữ dội thì có thể thử những cách sau:

  • Chườm mát để giảm sưng, giảm ngứa
  • Chườm ấm để làm dịu cảm giác đau rát
  • Bôi kem hydrocortisone để giảm ngứa
  • Bôi thuốc mỡ kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng

2. Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc xảy ra khi da tiếp xúc với một chất gây kích ứng, dị ứng. Vấn đề này có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể.

Những tác nhân có thể gây viêm da tiếp xúc ở khu vực âm hộ gồm có:

  • Xà phòng, nước xả vải dính trên quần áo
  • Chất tạo mùi trong băng vệ sinh hoặc tampon
  • Dung dịch thụt rửa hoặc xịt khử mùi vùng kín
  • Bao cao su
  • Gel bôi trơn

Phản ứng da với các chất gây kích ứng có thể xảy đến ngay lập tức hoặc xuất hiện dần dần trong vòng 1 đến 2 ngày.

Các dấu hiệu thường gặp gồm có:

  • Ngứa ngáy
  • Nóng đỏ
  • Sưng
  • Da trở nên nhạy cảm
  • Nổi mẩn
  • Mụn nước

Biện pháp điều trị

Bước quan trọng nhất khi điều trị viêm da tiếp xúc là xác định được tác nhân gây ra vấn đề. Một khi ngừng tiếp xúc với chất đó thì hiện tượng kích ứng sẽ tự hết.

Tuy nhiên, vì hàng ngày chúng ta thường tiếp xúc với rất nhiều thứ khác nhau nên khó có thể tìm ra được đâu là thủ phạm.

Có thể khắc phục các triệu chứng khó chịu bằng cách:

  • Rửa bằng nước ấm để loại bỏ chất gây kích ứng khỏi bề mặt da
  • Uống thuốc kháng histamine, chẳng hạn như diphenhydramine để làm giảm các triệu chứng
  • Bôi thuốc trị ngứa tại chỗ, ví dụ như kem hydrocortisone

3. Thay đổi nội tiết tố

Có nhiều nguyên nhân khiến nồng độ nội tiết tố trong cơ thể dao động. Trong chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, cơ thể có những thay đổi để chuẩn bị cho khả năng mang thai.

Mỗi một giai đoạn trong quá trình này, từ rụng trứng cho đến kinh nguyệt đều diễn ra sự tăng hoặc giảm một số nội tiết tố nhất định.

Mang thai, cho con bú và mãn kinh cũng gây thay đổi nồng độ nội tiết tố. Điều này cũng có thể xảy ra do một số bệnh lý như hội chứng buồng trứng đa nang.

Ví dụ, khi nồng độ estrogen giảm thấp, vùng da âm hộ sẽ trở nên khô hơn, mỏng đi và kém đàn hồi, do đó dễ bị kích ứng hơn bình thường.

Ma sát với quần áo, quan hệ tình dục và thậm chí việc dùng giấy lau khi đi vệ sinh đều có thể gây kích ứng.

Các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Ngứa ngáy
  • Châm chích
  • Khô
  • Nứt nẻ
  • Đau da khi chạm
  • Đỏ

Biện pháp điều trị

Để khắc phục những triệu chứng khó chịu ở vùng kín do thay đổi nội tiết tố thì nên dùng thử kem dưỡng ẩm âm đạo hoặc gel bôi trơn.

Kem dưỡng ẩm giúp vùng kín được giữ ẩm liên tục và tránh bị khô, kích ứng.

Dùng gel bôi trơn gốc nước hoặc silicone khi quan hệ tình dục để giảm ma sát và cảm giác đau rát, khó chịu.

Nếu đã thử những cách này mà vấn đề vẫn không cải thiện thì nên đi khám bác sĩ sản phụ khoa.

Bác sĩ sẽ tư vấn về các biện pháp tránh thai nội tiết tố, ví dụ như thuốc đường uống hoặc vòng tránh thai và liệu pháp estrogen để làm giảm bớt các triệu chứng.

4. Nhiễm trùng nấm men

Nhiễm nấm âm đạo hay nhiễm trùng nấm men là vấn đề xảy ra do sự phát triển quá mức của nấm Candida – một loại nấm men có tự nhiên bên trong âm đạo.

Vấn đề này hiếm khi xảy ra trước tuổi dậy thì và sau mãn kinh mà chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Theo thống kê, cứ 4 phụ nữ thì có 3 người từng bị viêm âm đạo do nấm Candida ít nhất một lần trong đời.

Các triệu chứng ở âm đạo và âm hộ khi bị nhiễm nấm gồm có:

  • Ngứa ngáy
  • Sưng đỏ
  • Nóng
  • Đau khi quan hệ tình dục và khi đi tiểu
  • Khí hư có màu trắng đục, đặc và lợn cợn như óc đậu

Biện pháp điều trị

Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng nấm men đều có thể điều trị bằng thuốc trị nấm không kê đơn. Những loại thuốc này thường có dạng bôi hoặc viên đặt và sử dụng trong khoảng từ 1 đến 7 ngày.

Cần dùng thuốc đủ thời gian quy định, kể cả khi không còn triệu chứng. Nếu ngừng dùng thuốc quá sớm thì sẽ rất dễ bị nhiễm nấm trở lại.

Nên tạm thời dừng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị cho đến khi khỏi hẳn để thuốc phát huy hiệu quả tối đa và tránh lây bệnh sang cho đối phương.

Nếu đã dùng các loại thuốc không kê đơn mà không có hiệu quả thì cần đi khám bác sĩ để kiểm tra có đúng là bị nhiễm trùng nấm men hay không và kê các loại thuốc mạnh hơn.

5. Viêm âm đạo do vi khuẩn

Viêm âm đạo do vi khuẩn hay nhiễm khuẩn âm đạo là một dạng viêm âm đạo do sự mất cân bằng vi khuẩn gây ra. Cụ thể, bệnh phụ khoa này xảy ra khi những vi khuẩn có hại trong âm đạo phát triển quá mức và phá vỡ sự cân bằng tự nhiên với vi khuẩn có lợi.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), viêm âm đạo do vi khuẩn chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 44.

Đôi khi, vấn đề này không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Nếu có thì các triệu chứng thường là:

  • Khí hư màu trắng ngà, trắng xám hoặc vàng xanh
  • Khí hư lỏng hoặc có bọt
  • Khí hư có mùi tanh mạnh, đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục hoặc vào kỳ kinh nguyệt
  • Đau rát, nóng đỏ ở âm đạo và âm hộ

Biện pháp điều trị

Nếu có những biểu hiện của viêm âm đạo do vi khuẩn thì nên đi khám. Vấn đề này được điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống hoặc dạng bôi.

Cần dùng thuốc đủ liều và đủ thời gian quy định. Nếu ngừng thuốc quá sớm thì vấn đề sẽ tái phát và khó điều trị hơn.

Cũng nên ngừng quan hệ tình dục cho đến khi điều trị khỏi.

6. Bệnh lây truyền qua đường tình dục

Các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STD/STI) là vấn đề khá phổ biến do quan hệ tình dục không an toàn. Các bệnh này lây qua quan hệ tình dục đường miệng, đường âm đạo hoặc đường hậu môn.

Một số bệnh phổ biến gây kích ứng âm hộ là:

  • Chlamydia
  • Bệnh lậu
  • Nhiễm trichomonas
  • Mụn cóc sinh dục
  • Mụn rộp sinh dục

Không phải lúc nào bệnh lây qua đường tình dục củng biểu hiện triệu chứng.

Nhưng khi có thì thường là:

  • Đau trong hoặc sau khi quan hệ
  • Đau rát khi đi tiểu
  • Ngứa
  • Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
  • Khí hư thay đổi bất thường
  • Sưng đỏ ở vùng kín
  • Sốt hoặc ớn lạnh
  • Đau bụng dưới
  • Nổi mụn nước, nốt sần và vết loét ở vùng sinh dục

Biện pháp điều trị

Nếu nghi ngờ mình bị bệnh lây truyền qua đường tình dục thì cần đến bệnh viện khám ngay. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào bệnh cụ thể, thường là dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus.

Cần dùng thuốc đủ liều và đủ thời gian. Nếu ngừng dùng thuốc quá sớm thì bệnh sẽ tái phát và lúc này, việc điều trị sẽ khó khăn hơn.

Không được tiếp tục quan hệ tình dục cho đến khi điều trị khỏi bệnh.

7. Bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến là một bệnh tự miễn khiến các tế bào da nhân lên với tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với bình thường.

Có nhiều loại vảy nến khác nhau, trong đó có bệnh vảy nến sinh dục và vảy nến nghịch đảo. Ở phụ nữ, bệnh vảy nến sinh dục xảy ra ở khu vực âm hộ. Bệnh vảy nến nghịch đảo chỉ hình thành ở các nếp gấp da quanh bẹn, đùi và mông.

Cả hai loại vảy nến này đều có biểu hiện là mảng da mịn màu đỏ chứ không gây hình thành những mảng da khô cứng, đóng vảy màu trắng bạc như các loại bệnh vẩy nến khác.

Biện pháp điều trị

Khi có dấu hiệu nghi là bệnh vảy nến thì cần đi khám bác sĩ da liễu để kiểm tra. Nếu đúng thì bác sĩ sẽ kê thuốc bôi steroid nồng độ mạnh để giảm ngứa và các triệu chứng khó chịu khác.

Ngoài ra cũng có thể điều trị bằng liệu pháp ánh sáng - một phương pháp sử dụng đèn UV đặc biệt để chữa lành những vùng da bị tổn thương.

8. Lichen phẳng

Lichen phẳng là một bệnh lý viêm có thể xảy ra ở nhiều khu vực khác nhau của cơ thể như:

  • Da
  • Tóc
  • Niêm mạc

Mặc dù chủ yếu xảy ra trên các bộ phận khác của cơ thể như bên trong miệng, trên cổ tay, khuỷu tay và mắt cá chân nhưng lichen phẳng cũng có thể xảy ra ở cả âm đạo và âm hộ và có các triệu chứng như:

  • Ngứa ngáy
  • Có những mảng trắng xuất hiện theo dạng lưới hoặc dải
  • Hình thành mụn rộp, vết loét hoặc đóng vảy gây đau đớn
  • Sẩn phẳng màu đỏ tím
  • Đau khi quan hệ tình dục

Biện pháp điều trị

Có thể dễ dàng làm dịu các triệu chứng bằng những cách như:

  • Ngâm trong nước ấm để giảm ngứa
  • Chườm lạnh để làm dịu cơn đau và giảm viêm
  • Bôi kem hydrocortisone để giảm ngứa, kích ứng và đỏ
  • Dùng thuốc kháng histamine để giảm ngứa và giảm viêm

Các trường hợp lichen phẳng nhẹ và chỉ ảnh hưởng đến da sẽ khỏi trong vòng một vài năm. Nếu xảy ra ở niêm mạc âm đạo thì sẽ khó điều trị và lâu khỏi hơn.

Nếu đã thử các loại thuốc không kê đơn và các biện pháp khắc phục tại nhà mà các triệu chứng vẫn không hết thì nên đi khám.

Bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị dưới đây:

  • Kem bôi estrogen
  • Corticosteroid dạng bôi, dạng uống hoặc tiêm
  • Thuốc ức chế miễn dịch dạng bôi hoặc uống
  • Retinoid dạng bôi hoặc uống
  • Điều trị bằng tia cực tím

9. Tiền mãn kinh hoặc mãn kinh

Tiền mãn kinh là khoảng thời gian trước khi mãn kinh. Khi phụ nữ không có kinh nguyệt trong 12 tháng liên tiếp thì sẽ được xác định là chính thức mãn kinh.

Giai đoạn tiền mãn kinh thường diễn ra từ giữa đến cuối độ tuổi 40. Trong khoảng thời gian này, cơ thể sẽ dần sản xuất ít estrogen hơn.

Khi nồng độ estrogen sụt giảm, lớp niêm mạc âm đạo sẽ trở nên mỏng đi và kém linh hoạt hơn. Dịch tiết âm đạo cũng ít đi và gây khô.

Khi vùng da trong và xung quanh âm đạo bị khô thì sự ma sát khi quan hệ tình dục và hóa chất trong các sản phẩm tiếp xúc hàng ngày có thể dễ dàng gây kích ứng.

Biện pháp điều trị

Nên cân nhắc dùng kem dưỡng ẩm âm đạo và gel bôi trơn.

Kem dưỡng ẩm giúp cấp ẩm cho mô âm đạo và tránh bị khô rát.

Các loại gel bôi trơn gốc nước hoặc silicone giúp làm giảm ma sát và đau đớn, khó chịu khi quan hệ tình dục.

Nếu cách này không có tác dụng thì nên đi khám.

Những vấn đề do thay đổi nồng độ nội tiết tố vào thời kỳ mãn kinh có thể được khắc phục bằng liệu pháp estrogen âm đạo liều thấp, chẳng hạn như kem bôi hoặc đặt vòng. Những sản phẩm này giúp cải thiện độ dày và độ đàn hồi của mô âm đạo, đồng thời làm tăng sự lưu thông máu.

Ngoài ra cũng có thể cân nhắc liệu pháp hormone thay thế.

10. Lichen xơ hóa

Lichen xơ hóa là tình trạng hình thành các mảng da nhỏ màu trắng. Những mảng da này có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể nhưng phổ biến nhất là ở vùng sinh dục và hậu môn.

Ở phụ nữ, nguy cơ bị lichen xơ hóa sẽ tăng cao sau mãn kinh.

Các triệu chứng của lichen xơ hóa ở âm hộ gồm có:

  • Ngứa ngáy
  • Đau
  • Những mảng da màu trắng, nhăn nheo
  • Dễ bị bầm tím hoặc rách da
  • Những vùng tổn thương chảy máu hoặc phồng rộp

Biện pháp điều trị

Có thể làm giảm các triệu chứng lichen xơ hóa bằng cách:

  • Ngâm trong nước ấm pha một ít muối đề giảm ngứa và giảm đau
  • Chườm lạnh để giảm cơn đau và giảm viêm
  • Bôi kem hydrocortisone để giảm ngứa, kích ứng và đỏ
  • Bôi kem dưỡng ẩm âm đạo để giữ cho ẩm cho mô
  • Dùng gel bôi trơn khi quan hệ tình dục để giảm ma sát và kích ứng
  • Dùng thuốc kháng histamine để giảm ngứa và giảm viêm

Nếu các triệu chứng vẫn còn khi đã thử hết các biện pháp này thì cần đi khám. Bác sĩ sẽ kiểm tra và kê kem bôi steroid nồng độ mạnh để giảm ngứa và các triệu chứng khó chịu.

11. Tân sinh trong biểu mô âm hộ

Tân sinh trong biểu mô âm hộ (vulvar intraepithelial neoplasia – VIN), hay còn được gọi là chứng loạn sản, là kết quả do những thay đổi trong các tế bào da ở vùng âm hộ. Những thay đổi này có nhiều mức độ, từ nhẹ đến nặng.

Tân sinh trong biểu mô âm hộ là một dạng tiền ung thư. Mặc dù không phải là ung thư nhưng nếu những thay đổi này trở nên nghiêm trọng thì có thể tiến triển thành ung thư âm hộ sau vài năm.

Các triệu chứng gồm có:

  • Ngứa ngáy
  • Cảm giác châm chích, nóng rát hoặc đau nhức
  • Da chuyển màu đỏ, trắng hoặc thâm đen
  • Xuất hiện những vùng tổn thương nhỏ, lồi trên bề mặt da trông giống như nốt ruồi hay tàn nhang
  • Đau khi quan hệ tình dục

Biện pháp điều trị

Phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào:

  • Số lượng tế bào da đã thay đổi
  • Phạm vi của vùng bị ảnh hưởng
  • Nguy cơ tiến triển thành ung thư

Một số phương pháp điều trị gồm có:

  • Kem bôi steroid để giảm viêm
  • Loại bỏ các tế bào bất thường bằng hóa trị tại chỗ
  • Điều trị các khu vực bị ảnh hưởng bằng liệu pháp laser
  • Phẫu thuật cắt bỏ vùng tế bào bất thường
  • Cắt bỏ âm hộ: đây là một thủ thuật hiếm khi được thực hiện, là phương án cuối cùng khi khu vực tế bào bất thường có phạm vi quá lớn

Bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên vì tân sinh trong biểu mô âm hộ có thể tái phát sau điều trị.

12. Ung thư âm hộ

Ung thư âm hộ xảy ra do sự phát triển của các tế bào bất thường ở âm hộ. Bệnh ung thư này thường xảy ra ở môi ngoài âm hộ nhưng cũng có thể ở cả các khu vực khác, đặc biệt là khi sự phát triển bất thường của tế bào lan rộng.

Ung thư âm hộ tiến triển chậm và thường phát triển từ tân sinh trong biểu mô âm hộ. Khi không được điều trị, các tế bào bất thường sẽ phát triển thành ung thư.

Các triệu chứng gồm có:

  • Chảy máu âm đạo bất thường ví dụ như ngoài thời gian có kinh, sau khi quan hệ tình dục hoặc sau mãn kinh
  • Ngứa âm hộ dai dẳng
  • Da chuyển màu thâm đen
  • Tiểu nhiều, tiểu khó và đau khi đi tiểu
  • Đau nhức ở âm hộ
  • Nổi u cục trên âm hộ, trông giống như mụn cóc
  • Dịch tiết âm đạo bất thường

Biện pháp điều trị

Phác đồ điều trị ung thư âm hộ sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và phạm vi lan rộng của tế bào ung thư nhưng thường có 4 phương pháp chính dưới đây:

  • Liệu pháp laser: sử dụng ánh sáng cường độ cao để nhắm mục tiêu và tiêu diệt các tế bào ung thư
  • Phẫu thuật cắt bỏ các khu vực ung thư: tùy thuộc vào phạm vi ung thư đã lan rộng mà mức độ cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật sẽ khác nhau, từ chỉ cắt đi những vùng có tế bào ung thư cho đến cắt bỏ toàn bộ âm hộ hoặc trong một số trường hợp hiếm gặp còn phải cắt bỏ cả các tạng trong khoang chậu.
  • Xạ trị: sử dụng chùm tia bức xạ năng lượng cao để làm giảm kích thước của khối u hoặc tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Hóa trị: sử dụng các loại thuốc để làm chậm hoặc ngừng hoàn toàn sự phát triển của các tế bào ung thư.

Cần đi tái khám định kỳ sau điều trị để theo dõi những dấu hiệu bất thường.

Khi nào cần đi khám?

Nếu có các triệu chứng nhẹ thì có thể tự khắc phục tại nhà nhưng cần chú ý theo dõi. Nếu đã thử các loại thuốc không kê đơn và các mẹo khắc phục khác mà vẫn không thấy tình hình có cải thiện thì nên đi khám. Bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp kiểm tra cần thiết để chẩn đoán chính xác vấn đề.

Cần đi khám ngay khi:

  • nghi ngờ mình bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • có dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt hoặc sưng hạch bạch huyết
  • bị đau đớn dữ dội khi quan hệ tình dục

Bác sĩ sẽ xác định vấn đề tiềm ẩn gây ra các triệu chứng và chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: âm hộ, kích ứng
Tin liên quan
Nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo trước kỳ kinh nguyệt và cách khắc phục
Nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo trước kỳ kinh nguyệt và cách khắc phục

Nhiễm nấm âm đạo, hay còn được gọi là nấm Candida âm đạo, là một vấn đề phụ khoa phổ biến có thể xảy ra từ khoảng một tuần trước khi bắt đầu có kinh nguyệt.

Khô âm đạo sau sinh: Nguyên nhân và cách khắc phục
Khô âm đạo sau sinh: Nguyên nhân và cách khắc phục

Nhiều phụ nữ sau khi sinh xong cảm thấy bị giảm ham muốn tình dục và khô âm đạo. Mặc dù gây khó chịu nhưng đây đều là những hiện tượng hoàn toàn bình thường.

Nguyên nhân nào gây phì đại âm vật và cách khắc phục
Nguyên nhân nào gây phì đại âm vật và cách khắc phục

Phì đại âm vật là hiện tượng kích cỡ âm vật của phụ nữ bị to hơn so với bình thường.

Cách khắc phục rụng tóc do hội chứng buồng trứng đa nang
Cách khắc phục rụng tóc do hội chứng buồng trứng đa nang

Ở một số người, hội chứng buồng trứng đa nang gây mọc lông ở mặt và những vị trí không mong muốn trên cơ thể nhưng nhiều người khác lại bị tình trạng rụng tóc và mỏng tóc.

Hội chứng quá kích buồng trứng là gì và điều trị bằng cách nào?
Hội chứng quá kích buồng trứng là gì và điều trị bằng cách nào?

Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hội chứng quá kích buồng trứng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây