1

11 loại thảo dược và thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị trầm cảm

Rối loạn trầm cảm được điều trị bằng thuốc và trị liệu tâm lý. Ngoài ra, thay đổi lối sống, gồm có điều chỉnh chế độ ăn uống và dùng một số loại thực phẩm chức năng, cũng có thể hỗ trợ điều trị trầm cảm và ngăn ngừa bệnh tái phát.
11 loại thảo dược và thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị trầm cảm 11 loại thảo dược và thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị trầm cảm

Trầm cảm là gì?

Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm trạng ảnh hưởng lớn đến cảm xúc, khả năng suy nghĩ, hành động và chất lượng cuộc sống. Tỷ lệ trầm cảm đang ngày càng gia tăng trên toàn thế giới nhưng nhiều người bị trầm cảm không đi khám và điều trị vì các lý do khác nhau.

Trầm cảm có các dấu hiệu, triệu chứng là:

  • Buồn bã, chán nản kéo dài
  • Cảm giác trống rỗng và tuyệt vọng
  • Bồn chồn, lo âu
  • Không còn hứng thú với những thứ từng thích trước đây
  • Khó tập trung, suy giảm trí nhớ và khó đưa ra quyết định
  • Mệt mỏi
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Hay cáu gắt, khó chịu
  • Chán ăn hoặc ăn uống quá nhiều
  • Cảm giác đau nhức kéo dài dai dẳng và không lý giải được nguyên nhân
  • Có suy nghĩ về việc tự tử

Trầm cảm được chia thành 5 loại là:

  • Rối loạn trầm cảm chủ yếu (major depressive disorder - MDD)
  • Rối loạn mất điều chỉnh tâm trạng muốn gây rối (disruptive mood dysregulation disorder - DMDD)
  • Rối loạn trầm cảm dai dẳng (persistent depressive disorder)
  • Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (premenstrual dysphoric disorder)
  • Rối loạn trầm cảm do một bệnh lý khác

Rối loạn trầm cảm được điều trị bằng thuốc và trị liệu tâm lý. Ngoài ra, thay đổi lối sống, gồm có điều chỉnh chế độ ăn uống và dùng một số loại thực phẩm chức năng, cũng có thể hỗ trợ điều trị trầm cảm và ngăn ngừa bệnh tái phát.

Ví dụ, nghiên cứu cho thấy rằng một số vitamin, khoáng chất, thảo dược và hợp chất nhất định có thể cải thiện các triệu chứng trầm cảm.

Khi nhận thấy các dấu hiệu trầm cảm thì tốt nhất vẫn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị thích hợp nhưng trong thời gian dùng thuốc hoặc trị liệu tâm lý, người bệnh trầm cảm có thể kết hợp dùng thêm các loại thực phẩm chức năng dưới đây để nâng cao hiệu quả điều trị..

Các loại thảo dược có lợi cho bệnh trầm cảm

Cây rễ vàng

Cây rễ vàng (rhodiola hay rhodiola rosea) là một loại thảo dược có nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như làm giảm các triệu chứng trầm cảm và cải thiện phản ứng với căng thẳng, từ đó giúp cơ thể thích nghi với các tình huống gây căng thẳng.

Loại thảo dược này có lợi cho người bị bệnh trầm cảm vì có tác dụng tăng cường sự truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh và giảm hoạt động quá mức của trục dưới đồi - tuyến yên - vỏ thượng thận (trục HPA).

Trục HPA là một hệ thống phức tạp kiểm soát phản ứng căng thẳng của cơ thể. Nghiên cứu cho thấy hoạt động quá mức của trục HPA có thể dẫn đến chứng trầm cảm nặng.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng cây rễ vàng có thể tác động đến thụ thể dẫn truyền thần kinh và mạng lưới phân tử, điều này sẽ giúp cải thiện tâm trạng. (1)

Ví dụ, một nghiên cứu được thực hiện ở 57 người bị trầm cảm cho thấy rằng uống 340 mg thực phẩm chức năng chứa chiết xuất cây rễ vàng mỗi ngày trong vòng 12 tuần đã làm giảm đáng kể các triệu chứng bệnh.

Hơn nữa, mặc dù việc điều trị bằng chiết xuất cây rễ vàng kém hiệu quả hơn so với thuốc chống trầm cảm Sertraline nhưng loại thảo dược này có ít tác dụng phụ hơn nhiều.

Một nghiên cứu khác cho thấy rằng việc dùng một loại thực phẩm chức năng chứa chiết xuất cây rễ vàng và nhụy hoa nghệ tây (saffron) giúp làm giảm đáng kể triệu chứng buồn bã và lo âu ở người lớn bị trầm cảm nhẹ đến vừa sau 6 tuần.

Tóm tắt: Cây rễ vàng giúp làm giảm các triệu chứng trầm cảm, kể cả khi được sử dụng một mình hoặc kết hợp với nhụy hoa nghệ tây. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu để đưa ra kết luận chắc chắn.

Nhụy hoa nghệ tây (saffron)

Nhụy hoa nghệ tây hay saffron là một trong những loại gia vị đắt nhất hành tinh với màu đỏ cam rực rỡ. Nhờ chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe, gồm có các hợp chất chống oxy hóa như carotenoid crocin và crocetin nên saffron còn là một loại dược liệu quý được dùng để ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh tật. Saffron thậm chí còn được cho là có thể giúp điều trị bệnh trầm cảm.

Các nghiên cứu đã quan sát thấy rằng saffron có thể làm tăng nồng độ serotonin - chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng cải thiện tâm trạng. Mặc dù vẫn chưa biết chính xác quá trình này diễn ra như thế nào nhưng một số ý kiến cho rằng saffron ức chế sự tái hấp thu serotonin và giúp cho chất dẫn truyền thần kinh này được giữ trong não bộ lâu hơn.

Một bản đánh giá tài liệu tổng hợp 5 thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên đã cho thấy rằng việc dùng thực phẩm chức năng có chứa chiết xuất saffron giúp làm giảm các triệu chứng rối loạn trầm cảm chủ yếu (MDD) hiệu quả hơn đáng kể so với giả dược. (2)

Hơn nữa, đánh giá này cho thấy thực phẩm chức năng saffron có hiệu quả tương đương thuốc chống trầm cảm.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thì cần thực hiện thêm các thử nghiệm quy mô lớn hơn với thời gian theo dõi dài hơn để đánh giá một cách chính xác về công dụng của saffron trong việc điều trị chứng trầm cảm.

Tóm tắt: Nhụy hoa nghệ tây saffon hứa hẹn là một phương pháp tự nhiên để điều trị bệnh trầm cảm với hiệu quả không thua kém thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành và cần có thêm những nghiên cứu lớn hơn, lâu dài hơn trước khi đưa ra kết luận chính xác.

Thực phẩm chức năng có lợi cho bệnh trầm cảm

Axit béo omega-3

Axit béo omega-3 là một loại chất béo thiết yếu, có nghĩa là cơ thể phải hấp thụ từ thực phẩm chứ không tự sản sinh ra. Một số nghiên cứu cho thấy uống bổ sung axit béo omega-3 có thể giúp điều trị chứng trầm cảm.

Một bản đánh giá vào năm 2020 gồm có các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên với tổng cộng 638 phụ nữ tham gia đã cho thấy rằng uống axit béo omega-3 đã cải thiện đáng kể các triệu chứng trầm cảm ở phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh. (3)

Trong nghiên cứu, viên uống omega-3 có tỷ lệ axit eicosapentaenoic (EPA) cao hơn axit docosahexaenoic (DHA) cho hiệu quả đặc biệt cao. EPA và DHA là hai loại axit béo omega-3, cả hai đều có nhiều trong các loại hải sản.

Một bản đánh giá tài liệu khác gồm 26 nghiên cứu được thực hiện trên tổng cộng 2.160 người đã cho thấy rằng viên uống omega-3 có tác động tích cực đến quá trình điều trị chứng trầm cảm.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu kết luận rằng các loại thực phẩm chức năng axit béo omega-3 chứa 60% EPA trở lên với liều lượng tối đa 1 gram mỗi ngày cho hiệu quả cao nhất.

Mặc dù những phát hiện này đều rất hứa hẹn nhưng một số nghiên cứu lại cho ra kết quả khác. Ví dụ, một nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy uống bổ sung axit béo omega-3 không làm giảm các triệu chứng rối loạn trầm cảm chủ yếu (MDD) ở trẻ nhỏ và trẻ trong độ tuổi vị thành niên. (4)

Nhìn chung, viên uống axit béo omega-3 đều được dung nạp tốt và rất có lợi cho những người ít ăn các loại cá béo. Loại thực phẩm chức năng này có thể giúp điều trị chứng trầm cảm ở một số người nhưng vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận hiệu quả.

Tóm tắt: Uống bổ sung axit béo omega-3 có thể giúp điều trị trầm cảm nhưng cần phải nghiên cứu thêm.

NAC (N-acetylcysteine)

NAC (N-acetylcysteine) là tiền chất của các axit amin L-cysteine ​​và glutathione. Glutathione được coi là một trong những chất chống oxy hóa quan trọng nhất trong cơ thể con người và rất cần thiết để điều chỉnh phản ứng viêm và bảo vệ các tế bào chống lại tác hại của quá trình oxy hóa.

Uống bổ sung NAC đã được chứng minh là mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như làm tăng nồng độ glutathione trong máu.

Nghiên cứu cho thấy những người bị trầm cảm có nồng độ các cytokine gây viêm như protein phản ứng C, interleukin-6 và yếu tố hoại tử khối u-alpha cao hơn bình thường. Uống NAC giúp giảm viêm và giảm bớt các triệu chứng trầm cảm.

Hơn nữa, NAC có thể cải thiện chứng rối loạn điều hòa dẫn truyền thần kinh ở những người bị rối loạn tâm thần. Tình trạng rối loạn điều hòa các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và glutamate có thể gây ra rối loạn tâm trạng, tâm thần phân liệt và nhiều vấn đề về thần kinh khác.

Một bản đánh giá tài liệu vào năm 2016 sau khi tổng hợp 5 nghiên cứu đã kết luận rằng bổ sung NAC làm giảm đáng kể các triệu chứng trầm cảm và cải thiện các chức năng ở những người bị trầm cảm hiệu quả hơn so với giả dược. Thêm nữa, thực phẩm chức năng NAC an toàn và được dung nạp tốt.

Liều 2 – 2,4 gram mỗi ngày là đủ để hỗ trợ điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm.

Tóm tắt: Thực phẩm chức năng NAC có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm và cải thiện chức năng ở những người mắc bệnh này.

Vitamin D

Vitamin D là một chất dinh dưỡng quan trọng đảm nhận nhiều vai trò trong cơ thể. Tuy nhiên, nhiều người lại bị thiếu hụt vitamin D, bao gồm cả những người bị trầm cảm.

Nghiên cứu cho thấy những người bị trầm cảm có tỷ lệ thiếu vitamin D cao hơn những người không bị trầm cảm. Những người mắc bệnh này thường có nồng độ vitamin D thấp hơn so với dân số chung và nồng độ vitamin D càng thấp thì các triệu chứng trầm cảm càng nặng. (5)

Vitamin D có thể giúp chống trầm cảm nhờ một số cơ chế, gồm có giảm viêm, cải thiện tâm trạng và chống lại rối loạn chức năng nhận thức thần kinh.

Một bản đánh giá tài liệu vào năm 2019 tổng hợp kết quả từ 4 thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên đã kết luận rằng bổ sung vitamin D có lợi cho những người bị rối loạn trầm cảm chủ yếu.

Ngoài ra, một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2020 ở những người bị trầm cảm và thiếu vitamin D cho thấy rằng việc tiêm một mũi 300.000 IU vitamin D và kết hợp với phương pháp điều trị thông thường đã giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng trầm cảm, chất lượng cuộc sống và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh tật.

Tuy nhiên, một đánh giá vào năm 2020 gồm 61 nghiên cứu đã kết luận rằng mặc dù nồng độ vitamin D có liên quan đến các triệu chứng trầm cảm và việc bổ sung vitamin D có thể giúp ích, nhưng cần có thêm bằng chứng trước khi đưa ra khuyến nghị chính thức về việc sử dụng vitamin D trong điều trị bệnh trầm cảm.

Tóm tắt: Các nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin D có thể có lợi cho những người bị trầm cảm. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thêm trước khi sử dụng vitamin D làm phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh trầm cảm.

Vitamin B

Các vitamin nhóm B đóng vai trò quan trọng đối với chức năng thần kinh và tâm trạng. Các vitamin B, gồm có vitamin B9 (folate), vitamin B12 và vitamin B6, đều cần thiết cho quá trình sản xuất và kiểm soát các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, gramma-aminobutyric acid (GABA) và dopamine.

Nghiên cứu cho thấy rằng sự thiếu hụt vitamin B12 và folate có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm và việc bổ sung hai chất dinh dưỡng này có thể giúp giảm các triệu chứng trầm cảm ở một số nhóm dân số nhất định. (6)

Ví dụ, uống folate có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm kháng trị ở trẻ em và người lớn mang đột biến gen ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa folate.

Uống bổ sung vitamin B12 cũng đã được chứng minh là giúp làm giảm các triệu chứng rối loạn trầm cảm chủ yếu khi sử dụng két hợp với thuốc chống trầm cảm.

Một bản đánh giá tài liệu vào năm 2020 cũng cho thấy rằng việc bổ sung vitamin B12 sớm có thể trì hoãn sự khởi phát bệnh trầm cảm và tăng cường hiệu quả của thuốc chống trầm cảm.

Vitamin B6 cũng có tác dụng cải thiện các triệu chứng trầm cảm khi bổ sung kết hợp với các chất dinh dưỡng khác như tryptophan và nicotinamide (một dạng vitamin B3).

Tóm tắt: Thiếu vitamin B có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm. Các vitamin nhóm B như folate, vitamin B6 và vitamin B12 có thể giúp điều trị chứng trầm cảm.

Kẽm

Kẽm là một khoáng chất cần thiết cho sức khỏe não bộ và tham gia kiểm soát đường đi của các chất dẫn truyền thần kinh. Kẽm còn có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm.

Thiếu kẽm cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm và tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trầm cảm.

Một bản phân tích tổng hợp 17 nghiên cứu quan sát đã cho thấy nồng độ kẽm trong máu ở những người bị trầm cảm thấp hơn khoảng 0,12 µg/mL so với những người không bị trầm cảm. Nghiên cứu cũng cho thấy mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trầm cảm tỷ lệ thuận với mức độ thiếu hụt kẽm.

Tương tự, trong một bản đánh giá tài liệu gồm có 4 nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên, khi những người tham gia uống bổ sung kẽm cùng với thuốc chống trầm cảm thì các triệu chứng bệnh đã thuyên giảm rõ rệt.

Tóm tắt: Kẽm cần thiết cho chức năng của não bộ và sự thiếu hụt khoáng chất này có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm. Uống bổ sung kẽm kết hợp với thuốc chống trầm cảm có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm.

S-Adenosylmethionine (SAMe)

S-Adenosylmethionine hay SAMe là một hợp chất chứa lưu huỳnh được chứng minh là có tiềm năng trong việc điều trị bệnh trầm cảm. SAMe có tự nhiên trong cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của não bộ.

Một bản đánh giá vào năm 2020 gồm 8 nghiên cứu đã cho thấy dù sử dụng một mình hay kết hợp cùng với thuốc chống trầm cảm thì SAMe đều có tác dụng cải thiện các triệu chứng trầm cảm chủ yếu. Liều hàng ngày dao động từ 200 – 3.200 mg và thời gian điều trị kéo dài từ 2 – 12 tuần.

St. John's Wort

St. John's Wort hay cây ban âu là một loại thảo dược có hoa vàng có tác dụng làm giảm các triệu chứng trầm cảm.

Một bản đánh giá tài liệu vào năm 2016 gồm có 35 nghiên cứu đã cho thấy rằng St. John's Wort có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm nhẹ đến vừa. Tuy nhiên, thực phẩm chức năng St. John's Wort hiện vẫn chưa được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị chứng trầm cảm nặng.

Giống như nhiều loại thảo dược khác, St. John's Wort có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc chống trầm cảm và dẫn đến các tác dụng phụ có thể đe dọa tính mạng.

Magiê

Magiê là một khoáng chất quan trọng với cơ thể và cũng mang lại những lợi ích nhất định trong điều trị bệnh trầm cảm. Tình trạng thiếu hụt magiê xảy ra phổ biến ở những người bị trầm cảm và nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung magiê có thể làm giảm các triệu chứng bệnh.

Một nghiên cứu ngẫu nhiên được thực hiện ở 126 người bị trầm cảm nhẹ đến vừa đã cho thấy rằng uống 248 mg magiê mỗi ngày trong vòng 6 tuần đã làm giảm đáng kể các triệu chứng trầm cảm so với giả dược.

Creatine

Creatine là một axit hữu cơ cần thiết cho sự duy trì năng lượng cho não bộ và ngoài ra còn có nhiều chức năng khác trong cơ thể như tăng khối lượng cơ và giúp cơ phục hồi nhanh hơn sau tập luyện. Bệnh trầm cảm được cho là có liên quan đến sự thay đổi về mức năng lượng của não.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng uống bổ sung 2 – 10 gram creatine mỗi ngày có thể làm giảm các triệu chứng rối loạn trầm cảm chủ yếu.

Tóm tắt: Axit béo omega-3, NAC, vitamin B, D, kẽm, SAMe, St. John's Wort, magiê và creatine có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm.

Tính an toàn

Số lượng nghiên cứu hiện tại vẫn còn hạn chế và cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận lợi ích cũng như là tính an toàn của việc dùng thực phẩm chức năng có nguồn gốc tự nhiên trong điều trị chứng trầm cảm.

Hơn nữa, mặc dù những loại thực phẩm chức năng nêu trên có nguồn gốc tự nhiên hoặc là những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể nhưng vẫn có thể gây ra các tác dụng phụ, đặc biệt là khi dùng quá liều. Ngoài ra, một số sản phẩm còn có thể tương tác với các loại thuốc đang dùng. Do đó cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào.

Tóm tắt bài viết

Trầm cảm là một vấn đề về sức khỏe tâm thần xảy ra ở hàng triệu người trên toàn thế giới. Mặc dù trầm cảm thường được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý nhưng cũng có thể thử điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc dùng thực phẩm chức năng để giảm nhẹ các triệu chứng trong những trường hợp trầm cảm không quá nặng hoặc kết hợp với thuốc để tăng hiệu quả điều trị.

Các loại thực phẩm chức năng trong bài viết này đã được nghiên cứu về khả năng làm giảm các triệu chứng trầm cảm và có thể giúp ích cho một số người. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để đưa ra kết luận chắc chắn về công dụng của những sản phẩm này đối với chứng trầm cảm.

Xem thêm: 

Tổng số điểm của bài viết là: 50 trong 10 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
10 loại thực phẩm chức năng giúp giảm táo bón
10 loại thực phẩm chức năng giúp giảm táo bón

Táo bón là một vấn đề phổ biến có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày. Có nhiều cách để cải thiện tình trạng táo bón, gồm có điều chỉnh chế độ ăn uống, chẳng hạn như ăn nhiều rau củ quả, uống thuốc nhuận tràng hoặc dùng một số loại thực phẩm chức năng.

Nên chọn loại thực phẩm chức năng omega-3 nào?
Nên chọn loại thực phẩm chức năng omega-3 nào?

Axit béo omega-3 là một loại chất béo rất quan trọng đối với sức khỏe. Thường xuyên ăn các loại thực phẩm tự nhiên giàu omega-3 như các loại cá béo là cách tốt nhất để cung cấp đủ omega-3 cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu ít khi ăn cá thì có thể cân nhắc dùng thực phẩm chức năng để bổ sung omega-3.

Thực Phẩm Chức Năng Khi Mang Thai: Chất nào nên Uống? Chất Nào Nên Tránh?
Thực Phẩm Chức Năng Khi Mang Thai: Chất nào nên Uống? Chất Nào Nên Tránh?

Trong khi một số loại thực phẩm chức năng có lợi cho phụ nữ mang thai thì một số loại khác lại có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm cho cả mẹ và em bé trong bụng.

Những điều cần biết về axit phytic trong thực phẩm
Những điều cần biết về axit phytic trong thực phẩm

Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều axit phytic chẳng hạn như ngũ cốc, các loại hạt và đậu có thể làm tăng nguy cơ thiếu sắt và kẽm.

Tại sao việt quất được coi là một loại “siêu thực phẩm”?
Tại sao việt quất được coi là một loại “siêu thực phẩm”?

Việt quất chứa ít calo và vô cùng tốt cho sức khỏe, thậm chí còn được coi là một loại “siêu thực phẩm” nhờ chứa một lượng lớn vitamin, hợp chất thực vật có lợi và chất chống oxy hóa.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây