1

10 cách giảm phù chân do đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu và gây tích tụ chất lỏng ở chi dưới. Tình trạng này dẫn đến sưng phù bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân.
10 cách giảm phù chân do đái tháo đường 10 cách giảm phù chân do đái tháo đường

Tình trạng phù chân thường xảy ra sau khi ăn đồ mặn và ngồi quá lâu ở một tư thế. Nguyên nhân cũng có thể là do thay đổi nội tiết tố. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất gây phù chân. Phù nề ở cẳng chân và bàn chân cũng có thể là một triệu chứng của bệnh đái tháo đường.

Tại sao bệnh đái tháo đường gây phù chân?

Bệnh đái tháo đường xảy ra khi cơ thể không có đủ hoặc hoàn toàn không có insulin - một loại hormone do tuyến tụy tạo ra, có chức năng giúp các tế bào nhận đường từ máu để tạo năng lượng.

Nếu thiếu insulin hoặc cơ thể sử dụng insulin kém hiệu quả, lượng đường (glucose) trong máu sẽ tăng cao. Nếu không điều trị, tình trạng này sẽ làm hỏng lớp niêm mạc của các mạch máu nhỏ và dẫn đến lưu thông máu kém.

Sự lưu thông máu kém có thể khiến chất lỏng tích tụ ở bàn chân và mắt cá chân, dẫn đến phù chân.

Các nguyên nhân khác gây sưng phù chân

Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các dây thần kinh ở chi dưới và các bộ phận khác của cơ thể. Điều này gây ra tình trạng tê bì, mất cảm giác và khiến cho bệnh nhân khó phát hiện các chấn thương như vết đứt, bong gân hay gãy xương.

Bong gân và gãy xương không được điều trị sẽ gây sưng phù chân. Những vết cắt và vết xước không được điều trị sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng. Do đó, người bị đái tháo đường phải kiểm tra chân thường xuyên để phát hiện vết thương hở, vết bầm tím và các chấn thương khác.

Ngoài ra, nên đi khám định kỳ để kiểm tra tuần hoàn máu và tình trạng các dây thần kinh ở chi dưới.

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (National Health Service – NHS), sưng phù bàn chân cũng có thể là do các vấn đề khác liên quan đến bệnh đái tháo đường như:

Trong một số trường hợp, phù nề chân xảy ra do có nhiều mao mạch bị rò rỉ hoặc do dùng insulin liều cao.

Dưới đây là 10 cách giúp giảm tích tụ chất lỏng và khắc phục tình trạng phù chân do đái tháo đường.

Các cách giảm phù chân do đái tháo đường

1. Sử dụng vớ nén y khoa

Vớ nén y khoa giúp duy trì áp lực tích hợp lên bàn chân và cẳng chân. Điều này có thể cải thiện lưu thông máu ở bàn chân và giảm phù chân.

Vớ nén thường được kéo lên đến đầu gối. Sử dụng vớ nén y khoa giống như vớ thông thường trong ngày và cởi ra khi đi ngủ. Nếu tình trạng phù chân chỉ xảy ra ở một chân thì có thể chỉ cần mang một chiếc vớ.

Ban đầu nên chọn loại vớ có độ nén nhẹ và sau đó tăng dần độ nén nếu cần. Không nên mang vớ nén quá chặt để tránh gây cản trở lưu thông máu và không mang vớ nén nếu chân có vết thương hở hoặc vết loét.

2. Kê cao chân

Nâng chân lên cao hơn tim cũng sẽ giúp giảm tích nước ở phần dưới của cơ thể và giảm sưng phù. Khi nâng cao chân, chất lỏng sẽ trở lại cơ thể thay vì tích tụ ở chân.

Nên kê cao chân khi ngồi trên ghế dài hoặc nằm trên giường.

Nếu ngồi ở bàn làm việc và không thể giữ chân cao hơn tim thì hãy đặt chân lên một chiếc ghế nhỏ để giảm phù.

Ngoài ra, có thể thử tư thế yoga gác chân lên tường (Wall Legs Up):

  • Nằm ngửa sao cho mông sát với tường.
  • Giơ cao chân áp sát vào tường.
  • Gi nguyên tư thế này trong khoảng 5 đến 10 phút.

3. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục không chỉ có ích cho việc kiểm soát cân nặng và cải thiện lượng đường trong máu mà còn giúp tăng cường lưu thông máu và giảm phù chân do không hoạt động.

Ban đầu có thể chọn các bài tập không chịu trọng lực như bơi lội, đạp xe hay đi bộ.

Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2018, kết hợp cả tập cardio và tập thể hình sẽ giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn so với chỉ tập một trong hai. (1)

4. Kiểm soát cân nặng

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), đạt được và duy trì cân nặng hợp lý có thể giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường. (2)

Việc giữ ổn định lượng đường trong máu trong phạm vi khuyến nghị giúp làm giảm nguy cơ tổn thương mạch máu - nguyên nhân dẫn đến lưu thông máu kém và phù chân.

Các lợi ích khác của việc duy trì cân nặng khỏe mạnh còn có gỉam đau khớp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tăng mức năng lượng.

5. Uống đủ nước

Khi chân bị phù do cơ thể giữ nước, nhiều người sẽ nghĩ rằng không nên uống thêm nước. Nhưng trên thực tế, uống nhiều nước sẽ giúp đi tiểu nhiều hơn, nhờ đó đào thải được lượng nước thừa ra khỏi cơ thể và giảm phù nề. Mặt khác, mất nước mới là nguyên nhân khiến cơ thể giữ nước.

Tuy nhiên, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tăng lượng nước uống vì đôi khi, nếu nguyên nhân gây phù nề là do các vấn đề về tim hoặc gan thì đúng là không nên uống nhiều nước.

6. Giảm lượng muối

Ăn nhiều đồ ăn mặn cũng có thể khiến tình trạng phù chân trở nên trầm trọng hơn. Theo khuyến nghị, mỗi người không nên tiêu thụ quá 2.300 miligam (mg) natri, tương đương khoảng 1 thìa cà phê muối mỗi ngày. (3)

Những người bị đái tháo đường cần cắt giảm muối hơn nữa. Tốt nhất nên hỏi bác sĩ về giới hạn muối an toàn hàng ngày.

Một số cách để giảm lượng muối trong chế độ ăn:

  • Ăn nhiều trái cây và rau củ tươi
  • Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt hộp, dưa muối, bim bim, mì ăn liền…
  • Chú ý đến hàm lượng natri của thực phẩm khi mua đồ
  • Sử dụng ít muối nhất có thể khi nấu ăn

Ngoài ra có thể sử dụng các loại gia vị khác hoặc thảo mộc để tạo hương vị cho món ăn thay vì muối như tỏi, gừng, hạt tiêu, quế,…

7. Đứng lên đi lại thường xuyên

Ngồi một chỗ trong thời gian dài cũng có thể gây phù chân. Nếu phải ngồi lâu thì hãy cố gắng đứng lên ít nhất một lần mỗi giờ và đi lại khoảng 3 - 5 phút để thúc đẩy lưu thông máu.

8. Uống bổ sung magiê

Magiê là một khoáng chất giúp điều hòa chức năng thần kinh và lượng đường trong máu. Giữ nước hoặc phù chân có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu magiê.

Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), thông thường, nam giới trưởng thành cần 400 đến 420 mg magiê mỗi ngày và phụ nữ cần 310 đến 360 mg. Trong thời kỳ mang thai và cho con bú, nhu cầu magiê của phụ nữ sẽ cao hơn. Nếu không thể bổ sung đủ magiê từ chế độ ăn uống thì có thể dùng thực phẩm chức năng.

Nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu uống bổ sung magiê hay bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào.

Uống bổ sung magiê liều quá cao có thể gây tiêu chảy, đau bụng và buồn nôn. Đôi khi còn xảy ra các vấn đề nghiêm trọng hơn như rối loạn nhịp tim và ngừng tim.

Ở những người bị bệnh thận mãn tính, việc dùng thực phẩm chức năng bổ sung magiê có thể gây tích tụ magiê trong máu và dẫn đến yếu cơ.

9. Thử dùng tinh dầu

Một số loại tinh dầu được cho là có tác dụng thúc đẩy lưu thông máu và giảm sưng phù khi dùng ngoài da.

Theo một tổng quan nghiên cứu được công bố vào năm 2017, các nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng tinh dầu từ một loài cây có tên Hyptis martiusii benth có thể làm giảm phù chân.

Một nghiên cứu vào năm 2013 cũng cho thấy tinh dầu hoa oải hương có thể cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết và chống lại stress oxy hóa ở những người mắc bệnh đái tháo đường.

Lưu ý, phải hòa loãng tinh dầu với một loại dầu nền như dầu dừa và bôi thử tinh dầu lên một vùng da nhỏ để kiểm tra phản ứng dị ứng trước khi sử dụng trên một vùng rộng.

10. Ngâm chân bằng muối Epsom

Muối Epsom là một hợp chất magie sulfat có tác dụng giảm đau và giảm sưng. Có thể hòa muối Epsom với nước ấm và sử dụng để ngâm chân.

Người bị bệnh thần kinh đái tháo đường phải kiểm tra nhiệt độ nước bằng tay trước khi ngâm chân để tránh bị bỏng.

Khi nào cần đi khám?

Nên đi khám nếu tình trạng phù chân mới xảy ra gần đây, trở nên nặng hơn hoặc xảy ra trên toàn thân. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây phù chân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Tình trạng phù chân ở người bị đái tháo đường có thể là do một vấn đề sức khỏe liên quan đến đái tháo đường, chẳng hạn như béo phì, suy tĩnh mạch và suy tim.

Cũng nên đi khám nếu phù chân chỉ xảy ra ở một chân. Đây có thể là dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu – tình trạng hình thành cục máu đông ở một hoặc nhiều tĩnh mạch nằm sâu bên trong chân. Tình trạng này có thể gây đau, sưng hoặc cũng có thể không biểu hiện triệu chứng.

Ngoài ra, cần chú ý kiểm tra bàn chân thường xuyên để phát hiện vết thương và tránh bị nhiễm trùng. Nếu có vết thương chậm lành thì hãy báo cho bác sĩ.

Tóm tắt bài viết

Phù chân là một vấn đề khá phổ biến ở người mắc bệnh đái tháo đường. Phù chân có thể là do nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến bệnh đái tháo đường gây ra.

Có thể giảm phù chân bằng các biện pháp khắc phục tại nhà như kê cao chân, tập thể dục, giảm lượng muối và uống đủ nước. Tuy nhiên, nên báo cho bác sĩ nếu tình trạng sưng phù chân gần đây mới xảy ra, kéo dài dai dẳng không đỡ hoặc ngày càng nghiêm trọng.

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: đái tháo đường
Tin liên quan
Điều trị đái tháo đường type 2 bằng cách nào?
Điều trị đái tháo đường type 2 bằng cách nào?

Đái tháo đường type 2 là một bệnh lý mãn tính xảy ra do cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả. Điều này khiến lượng đường trong máu tăng cao và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác. Những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị để kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ biến chứng.

14 cách giảm đường trong máu một cách tự nhiên
14 cách giảm đường trong máu một cách tự nhiên

Có nhiều cách để kiểm soát lượng đường trong máu một cách tự nhiên, gồm có điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục, duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ hay uống đủ nước, trong đó chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng nhất.

Mỗi liên hệ giữa bệnh đái tháo đường và suy giảm trí nhớ
Mỗi liên hệ giữa bệnh đái tháo đường và suy giảm trí nhớ

Suy giảm trí nhớ và suy giảm nhận thức nói chung đều là triệu chứng của bệnh Alzheimer và đều có liên quan đến bệnh đái tháo đường type 2. Tổn thương mạch máu là một vấn đề thường gặp ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Tình trạng tổn thương này có thể dẫn đến các vấn đề về nhận thức và chứng sa sút trí tuệ não mạch.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây