Peptide Có Thực Sự Tốt Cho Da?
Peptide an toàn và có nhiều tác dụng cho da như giúp da săn chắc, mịn màng và tươi tắn hơn nhưng những tác dụng này chỉ là tạm thời. Nhiều sản phẩm chứa peptide được quảng cáo như một sản phẩm “thần kỳ” cho da nhưng thực tế không được như vậy. Các loại kem dưỡng và serum chứa peptide đa phần có giá đắt, hạn sử dụng ngắn, có thể làm mất tác dụng của các sản phẩm khác trong quy trình chăm sóc da và không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Có nhiều loại peptide được sử dụng trong chăm sóc da và mỗi loại có những lợi ích cũng như nhược điểm khác nhau.
Bài viết này sẽ đi sâu tìm hiểu peptide là gì và có nên sử dụng sản phẩm chăm sóc da chứa peptide hay không.
>>> Xem thêm: quy trình chăm sóc da thường
Có nên sử dụng sản phẩm chăm sóc da chứa peptide không?
Điều này còn tùy thuộc vào loại sản phẩm nhưng hầu hết các sản phẩm chứa peptide đều chỉ có tác dụng tạm thời, không mang lại lợi ích về lâu dài và hiệu quả mang lại không xứng với số tiền bỏ ra.
Có nhiều loại peptide và các loại peptide chống lão hóa được nghiên cứu nhiều nhất là defensing cùng với tripeptide và hexapeptide.
Peptide không phải là thành phần chống lão hóa da tốt nhất.
Những thành phần dưới đây có tác dụng chống lão hóa da tốt hơn, có khả năng giải quyết các nguyên nhân gây lão hóa và đã được nhiều nghiên cứ chứng minh hiệu quả:
- Exosome
- Retinoid
- vitamin C
Việc lựa chọn sản phẩm chống lão hóa da phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một trong số đó là loại da.
Nếu không phù hợp với loại da thì ngay cả những sản phẩm tốt nhất cũng sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Peptide là gì?
Peptide là các chuỗi axit amin ngắn, các axit amin trong chuỗi gắn với nhau bằng liên kết peptide. Các chuỗi peptide liên kết với nhau để tạo ra protein.
Khi vào cơ thể, protein sẽ bị phân hủy thành peptide và sau đó thành axit amin.
Peptide có mặt ở khắp cơ thể và được nhiều tế bào khác nhau trong cơ thể sử dụng, bao gồm cả tế bào da.
Chức năng của peptide trong cơ thể
Peptide có nhiều chức năng trong cơ thể, ví dụ như đóng vai trò là thụ thể trong tế bào và giúp tạo nên các cấu trúc quan trọng như collagen.
Peptide còn có thể liên kết với các tế bào trong cơ thể và thay đổi phương thức giao tiếp của tế bào.
Các peptide và protein mà chúng tạo ra điều hòa nhiều chức năng của tế bào.
Có rất nhiều loại peptide khác nhau và mỗi loại có những đặc tính khác nhau.
>>> Xem thêm: chăm sóc vùng da dưới cánh tay
Lợi ích của peptide đối với da
Các sản phẩm chăm sóc da chứa peptide được quảng cáo là có rất nhiều tác dụng cho da nhưng trên thực tế, đa số những tác dụng này chỉ được quan sát thấy trên tế bào da nuối cấy trong các nghiên cứu.
Khi sử dụng trên da, peptide sẽ hoạt động theo một cách khác so với khi thử nghiệm trên đĩa petri.
Khi được thêm vào kem dưỡng da hay serum, peptide giúp tạo kết cấu sánh đặc cho sản phẩm.
Mặc dù không có nhiều tác dụng nhưng peptide vẫn là một trong những sản phẩm chống lão hóa da bán chạy nhất vào năm 2023.
Dưới đây là những lợi ích mà peptide thực sự mang lại cho da:
- Giúp da mịn màng hơn bằng cách lấp đầy khoảng trống giữa các tế bào da.
- Tạo thành một lớp phủ trên da, giúp da có cảm giác săn chắc hơn tạm thời.
Những tác dụng này sẽ biến mất khi rửa mặt nhưng vì mang lại sự cải thiện rõ rệt cho da gần như ngay lập tức sau khi thoa nên các sản phẩm chứa peptide vẫn rất được ưa chuộng.
Lợi ích lớn nhất của peptide khiến cho thành phần này được sử dụng phổ biến trong các loại kem dưỡng da chống lão hóa là làm cho làn da trở nên mịn màng, săn chắc và căng mọng hơn bằng cách lấp đầy khoảng trống giữa các tế bào da và tạo ra một lớp màng mịn trên bề mặt da.
Lớp màng này sẽ mất đi khi da được rửa sạch và những tác dụng chống lão hóa kể trên chỉ là tạm thời.
Peptide có nhiều lợi ích cho da nhưng mỗi loại peptide có tác động khác nhau đến làn da. Những tác dụng của peptide đối với da gồm có:
- Làm săn chắc da
- Giúp da căng
- Làm mịn da
- Làm sáng, đều màu da
- Làm mờ vết thâm
- Loại bỏ collagen và elastin cũ bị đứt gãy
- Tăng tốc độ chữa lành vết thương
- Làm mờ các vết bầm tím
Peptide điều trị những vấn đề về da nào?
Chống lão hóa da
Các loại peptide tốt nhất để chống lão hóa da là defensing, tripeptide và hexapeptide.
Defensin kích hoạt tế bào gốc ở lớp biểu bì của da. Tuy nhiên, defensin không giúp tăng sinh collagen, axit hyaluronic hay elastin trong da.
Các tripeptide như palmitoyl tripeptide-1 và palmitoyl tripeptide-5 cũng như các hexapeptide như acetyl hexapeptide-38 và palmitoyl hexapeptide-12 giúp loại bỏ collagen và elastin cũ bị đứt gãy khỏi da, tạo ra không gian cho collagen mới được tạo ra.
Làm săn chắc da
Tất cả các loại peptide đều có tác dụng làm cho da có cảm giác săn chắc và căng hơn bằng cách tạo ra một lớp màng tạm thời trên bề mặt da.
Tuy nhiên, hiệu ứng này chỉ là tạm thời. Một khi rửa mặt, lớp màng này sẽ bị rửa trôi và cảm giác săn chắc trên da sẽ biến mất.
Trị mụn trứng cá
Mặc dù peptide không gây bít tắc lỗ chân lông nhưng cũng không được sử dụng để trị mụn trứng cá vì peptide có thể phản ứng với các thành phần trị mụn như benzoyl peroxide và retinoid.
Peptide nhận tín hiệu
Peptide nhận tín hiệu (signal peptide) là các phân tử truyền tin cung cấp các chỉ dẫn về chức năng cho tế bào. Khi được sử dụng trong chăm sóc da, một số loại peptide nhận tín hiệu nhất định có thể kích thích tế bào sản xuất collagen, các thành phần ma trận ngoại bào (ECM) và tiền chất của elastin. Một loại peptide nhận tín hiệu có tên là matrikine có nguồn gốc từ chính ma trận ngoại bào.
Các peptide nhận tín hiệu như matrikine và defenin liên kết với các thụ thể trên bề mặt tế bào và kích hoạt các con đường truyền tín hiệu điều hòa sự tương tác giữa tế bào và ma trận ngoại bào. Điều này có thể kích thích sự sản xuất các thành phần ma trận ngoại bào mới như collagen và elastin.
Peptide nhận tín hiệu và matrikine có thể giúp phục hồi ma trận ngoại bào và cải thiện sự săn chắc, độ đàn hồi cũng như vẻ trẻ trung của làn da.
Defensin
Defensin là các phân tử miễn dịch peptide tự nhiên có khả năng kháng vi sinh vật và chống lão hóa. Có hai loại defensin chính là alpha-defensin (được tìm thấy trong ruột) và beta-defensin (được sản xuất bởi các tế bào biểu mô da). Ngoài khả năng chống lại vi sinh vật, defensin còn kích hoạt các tế bào đuôi gai (một loại tế bào của hệ miễn dịch), củng cố hàng rào biểu mô, ức chế sự phát triển của khối u và kích thích các tế bào gốc không hoạt động có tên là LGR5+ và LGR6+.
Tổn thương da làm tăng nồng độ defensin, điều này kích hoạt đáp ứng miễn dịch đồng thời kích hoạt tế bào gốc LGR6+. Những tế bào này tái tạo lớp biểu bì và phần phụ của da. Bằng cách kích thích các tế bào LGR6+, defensin giúp đẩy nhanh chu kỳ tái tạo tế bào da và trẻ hóa làn da lão hóa. Mặc dù việc kích hoạt tế bào gốc có thể làm tăng nguy cơ ung thư nhưng các tế bào LGR6+ gần như không hoạt động và được bảo vệ trong cổ nang lông. Hơn nữa, một số nghiên cứu cho thấy defensin có thể ngăn chặn sự hình thành khối u.
Các sản phẩm bôi da chứa defensin được bào chế để defensin có thể tiếp cận các tế bào LGR6+ trong nang lông mà không cần phải thâm nhập qua các lớp da bên trên. Defensin tổng hợp trong các sản phẩm của thương hiệu mỹ phẩm DefenAge chứa alpha-defensin 5 và beta-defensin 3 có tác dụng ổn định albumin bên trong liposome để hoạt chất được phân bố một cách tối ưu. Một nghiên cứu mù đôi (double-blind study) kéo dài 12 tuần đã đánh giá hiệu quả của defensin trong chế độ chăm sóc da gồm 3 sản phẩm bằng cách so sánh với giả dược. Kết quả sinh thiết cho thấy độ dày của lớp biểu bì tăng lên ở nhóm sử dụng defensin so với nhóm sử dụng giả dược. Phân loại lâm sàng cũng cho thấy nhóm sử dụng defensin có sự cải thiện đáng kể ở lỗ chân lông, nếp nhăn và sắc tố da. Mặc dù độ dày của da và một số yếu tố khác không có sự khác biệt đáng kể nhưng kết quả của nghiên cứu này cho thấy tiềm năng của defensin trong việc trẻ hóa làn da bị lão hóa do ánh nắng.
Matrikine
Matrikine là một loại peptide nhận tín hiệu có nguồn gốc từ ma trận ngoại bào (ECM), có chức năng điều hòa sự tương tác giữa tế bào và ma trận ngoại bào. Cái tên “matrikine” xuất phát từ tiếng Hy Lạp: “matrik” có nghĩa là ma trận và "kine" biểu thị chuyển động hay hoạt động.
Ma trận ngoại bào chủ yếu gồm có các protein như collagen, glycosaminoglycan và proteoglycan. Khi ma trận ngoại bào trải qua quá trình tái tạo liên tục, các mảnh protein được giải phóng thông qua quá trình phân hủy enzyme. Matrikine có hoạt tính sinh học và có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tế bào cũng như sự cân bằng nội môi của ma trận ngoại bào.
Matrikine liên kết với các thụ thể trên bề mặt tế bào, kích hoạt các đợt truyền tín hiệu nội bào, các tín hiệu này điều hòa nhiều quá trình tế bào khác nhau, gồm có sự liên kết giữa tế bào và ma trận ngoại bào, sự di chuyển, sự tăng sinh, sự chết theo chương trình của tế bào và sự tổng hợp hoặc phân hủy các thành phần ma trận ngoại bào. Một số ví dụ về các loại matrikine gồm có endostatin có nguồn gốc từ collagen, có tác dụng ức chế sự hình thành mạch máu và peptide có nguồn gốc từ laminin, giúp thúc đẩy sự phát triển của tế bào thần kinh. Matrikine đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển, tái tạo mô và sự tiến triển của bệnh.
Các loại matrikine được sử dụng trong chăm sóc da gồm có:
- Acetyl tetrapeptide-5
- Acetyl tetrapeptide-9
- Acetyl tetrapeptide-11
- Carnosine
- Copper tripeptide
- Hexapeptide
- Hexapeptide-11
- Palmitoyl hexapeptide-12
- Palmitoyl pentapeptide-4
- Palmitoyl tetrapeptide-7
- Palmitoyl tripeptide-1 (có thể tác động đến yếu tố tăng trưởng TGF-beta)
- Palmitoyl tripeptide-3/5
- Pentamide-6
- Tetrapeptide PKEK
- Tetrapeptide-21
- Trifluoroacetyl-tripeptide-2
- Tripeptide-10-citrulline
Trihexide
Trihexide (hay công nghệ TriHex, do hãng mỹ phẩm Alastin tạo ra) chứa các matrikine gồm palmitoyl tripeptide-1 và palmitoyl hexapeptide-12 (palmitoyl tripeptide-1 còn được gọi là pal-GHK).
Các nghiên cứu đã tìm hiểu về tác động của công nghệ TriHex đến quá trình chữa lành da sau các thủ thuật như tái tạo bề mặt da bằng laser. Vào năm 2017, một thử nghiệm ngẫu nhiên đã được tiến hành trên 15 phụ nữ trong độ tuổi 45 - 70 vừa trải qua quá trình tái tạo bề mặt da bằng laser. 10 người trong số đó được cho sử dụng sản phẩm bôi da chứa matrikine tripeptide và hexapeptide trong khi 5 người còn lại sử dụng thuốc mỡ thông thường. Sau một tuần, nhóm dùng matrikine ít bị mẩn đỏ và chảy dịch hơn, đồng thời khả năng lành vết thương tốt hơn. Những người trong nhóm này còn cho biết họ ít gặp tác dụng phụ hơn vào ngày thứ 3 và có mức độ hài lòng cao hơn sau 12 tuần so với nhóm đối chứng.
Các nghiên cứu nhỏ khác cho thấy những lợi ích tương tự của matrikine trong việc cải thiện kết cấu và vẻ ngoài của da sau các thủ thuật điều trị vấn đề về da.
Một thử nghiệm vào năm 2019 đã nghiên cứu về hiệu quả chống lão hóa da của tripeptide và hexapeptide ở 22 phụ nữ trong 12 tuần. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các nếp nhăn trên khuôn mặt và tình trạng da chảy xệ có sự cải thiện đáng kể. Kết quả sinh thiết da ở 5 người được lựa chọn ngẫu nhiên cho thấy elastin, collagen và chất lượng tổng thể của da tăng lên. Những người tham gia cũng cho biết họ rất hài lòng với kết quả có được.
Mặc dù các nghiên cứu lâm sàng này cho thấy matrikine giúp cải thiện khả năng chữa lành và trẻ hóa da nhưng vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để làm rõ cơ chế hoạt động của loại peptide này. Theo một giả thuyết, matrikine giúp loại bỏ các thành phần bị hỏng của ma trận ngoại bào và kích thích tái tạo thành phần mới. Tuy nhiên, các thử nghiệm chưa thể kiểm chứng giả thuyết này ở cấp độ phân tử. Nhìn chung, các bằng chứng ban đầu đều cho thấy rằng matrikine giúp cải thiện kết quả của các thủ thuật điều trị vấn đề về da nhưng cần có thêm các nghiên cứu chuyên sâu để giải thích cơ chế đằng sau tác dụng này. Các nghiên cứu lâm sàng với quy mô lớn hơn trong tương lai sẽ giúp xác nhận hiệu quả cũng như cách sử dụng các peptide này một cách tối ưu.
>>> Xem thêm: exosome có tác dụng gì
Peptide tự nhiên
Bạn có thể tăng lượng peptide tự nhiên cho da thông qua chế độ ăn uống. Ăn protein sẽ cung cấp các axit amin mà da sử dụng để tạo ra peptide. Một số loại thực phẩm khác giúp cơ thể sản xuất peptide một cách tự nhiên.
Ví dụ, ăn những loại thực phẩm dưới đây có thể giúp cơ thể tạo ra palmitoyl tripeptide-1:
- Dầu cọ (palm oil): chứa palmitoyl - một loại axit béo.
- Sữa và các sản phẩm từ sữa: chứa glycine và lysine
- Thịt, cá và trứng: chứa glycine, histidine và lysine.
- Đậu nành và các sản phẩm làm từ đậu nành như đậu phụ và edamame: chứa glycine và lysine
- Đậu lăng: chứa histidine và lysine
- Các loại hạt như hạnh nhân, óc chó và hạt bí: chứa glycine và lysine
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, mầm lúa mì và gạo lứt: chứa glycine
- Một số loại rau củ như rau chân vịt, đậu Hà Lan, khoai lang: có chứa glycine và lysine
Glycine, histidine và lysine là các axit amin thiết yếu cần thiết cho quá trình tổng hợp palmitoyl tripeptide-1. Nhìn chung, có rất nhiều loại thực phẩm chứa protein có thể cung cấp “nguyên liệu” để cơ thể tạo ra các peptide matrikine như palmitoyl tripeptide-1.
Danh sách các loại peptide được dùng trong chăm sóc da
Đây là danh sách toàn bộ các loại peptide được dùng trong chăm sóc da:
- Acetyl hexapeptide-3 (Argiriline)
- Acetyl hexapeptide-8
- Acetyl octapeptide-3
- Acetyl tetrapeptide-5
- Acetyl tetrapeptide-9
- Acetylglutamyl heptapeptide-1
- Acetyl hexapeptide-38
- Dipeptide-2
- Dipeptide diaminobutyroyl benzylamide diacetate
- Diaminopropionoyl tripeptide-33
- Hexapeptide-11
- Hexapeptide-12
- Hexapeptide-9
- Octapeptide-45
- Palmitoyl dipeptide-5
- Palmitoyl dipeptide-5 diaminohydroxybutyrate
- Palmitoyl hexapeptide-12
- Palmitoyl hexapeptide-14
- Palmitoyl hexapeptide-19
- Palmitoyl hydroxypropyltrimonium amylopectin/glycerin crosspolyme
- Palmitoyl oligopeptide
- Palmitoyl pentapeptide-4
- Palmitoyl tetrapeptide-7
- Palmitoyl tripeptide-1
- Palmitoyl tripeptide-5
- Palmitoyl tripeptide-28
- Palmitoyloligopeptide
- Palmitoyl tripeptide-1 acetate
- Palmitoyl tripeptide-38
- Palmitoyl tripeptide-7
- Pentapeptide-18
- Pentapeptide-34 trifluoroacetate
- Pentasodium tetracarboxymethyl acetylhydroxyprolyl dipeptide-12
- Pentanatri tetracarboxymetyl dipeptide-51
- Sh-oligopeptide-1
- Tetrapeptide-21
- Tetrapeptide-5
- Trifluoroacetyl tripeptide-2
- Tripeptide-1
- Tripeptide-10 citrulline
- Tripeptide-9 citrulline
- Acetyl tetrapeptide-2
Loại peptide nào hiệu quả nhất?
Hầu hết các loại peptide đều chỉ có rất ít nghiên cứu chứng minh nhưng có hai loại peptide thực sự có lợi cho da.
Những peptide này đều đã có nghiên cứu chứng minh hiệu quả:
- Defensin: là các peptide nhận tín hiệu
- Tripeptide và hexapeptide, hay còn được gọi là Trihexide và Công nghệ TriHex.
Nhược điểm của peptide
Hấp thụ kém
Peptide không được hấp thụ tốt vào da. Chức năng chính của làn da là bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây hại từ bên ngoài như vi trùng và hóa chất.
Chưa có nhiều nghiên cứu về tác dụng thực sự của peptide trên da người nhưng hầu hết các loại peptide đều không hấp thụ tốt vào da. Hầu hết các nghiên cứu về tác động của peptide trên da là nghiên cứu trong ống nghiệm (in vitro), có nghĩa là nghiên cứu được thực hiện trên các tế bào da được nuôi cấy trong đĩa petri chứ không phải nghiên cứu trên da người. Loại nghiên cứu này không đánh giá khả năng hấp thụ của các thành phần hay cách chúng phản ứng với các thành phần khác trong điều kiện thực tế.
Hầu hết các loại peptide đều có kích thước quá lớn nên không thể đi xuyên qua lớp trên cùng của da (lớp biểu bì) và đến các lớp bên dưới (lớp trung bì). Không có loại peptide nào có thể tiếp cận đến lớp cơ bên dưới lớp trung bì và lớp mỡ. Đó là lý do tại sao Argiriline không có hiệu quả như Botox.
Khả năng hấp thụ peptide vào da còn bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như:
- Độ pH
- Khối lượng phân tử
- Nồng độ
- Sự hiện diện của chất điện giải
- Sự hiện diện của lipid
Một số loại peptide như defensin có thể xâm nhập vào da qua nang lông thay vì phải đi qua lớp trên cùng của da.
Những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ peptide vào da
Để một chất có thể đi vào da, nó phải có khối lượng phân tử từ 500 Dalton trở xuống mà hầu hết các peptide đều có khối lượng phân tử trên 500 Dalton nên rất khó đi vào da.
Có rất nhiều yếu tố có ảnh hưởng đến khả năng đi vào da của một hoạt chất, ví dụ như:
- Kích thước phân tử
- Loại hoạt chất
- Nồng độ hoạt chất có trong sản phẩm
- Nhiệt độ của da
- Độ dày của lớp sừng
- Da ẩm hay khô
- Các thành phần khác có trong sản phẩm
- Các sản phẩm khác trong quy trình chăm sóc da
Cách tăng khả năng hấp thụ peptide vào da
Các nhà khoa học đang nghiên cứu các cách giúp peptide thẩm thấu vào da như:
- Liên kết peptide với axit béo
- Đưa peptide vào da qua nang lông
- Tiêm peptide vào da (liệu pháp mesotherapy)
- Thoa peptide lên da sau khi lăn kim vi điểm
- Sử dụng miếng dán có những đầu kim siêu nhỏ
Không ổn định
Peptide không ổn định vì một số loại axit amin trong chuỗi bị phân hủy khi tiếp xúc với ánh sáng, chất gây ô nhiễm, các thành phần khác, enzyme và một số loại hóa chất. Đó là lý do tại sao các sản phẩm chứa peptide có hạn sử dụng rất ngắn. Bảo quản trong tủ lạnh có thể giúp sản phẩm sử dụng được trong thời gian dài hơn nhưng điều này còn tùy thuộc vào loại peptide có trong sản phẩm.
Để có thể xâm nhập vào da rồi đi đến lớp giữa và các lớp bên dưới của trung bì để phát huy tác dụng, peptide sẽ phải vượt qua hơn 500 loại enzyme khác nhau và tất cả các enzyme này đều phân hủy peptide. Điều này là rất khó hoặc có thể nói là bất khả thi. Do đó, peptide sẽ không thể tồn tại cho đến khi đến được nơi cần đến.
Tương tác với các thành phần chăm sóc da khác
Một điều quan trọng khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc da là phải tìm hiểu xem các thành phần trong sản phẩm có tương tác với nhau hoặc tương tác với các sản phẩm khác đang dùng hay không. Peptide có thể phản ứng với các thành phần khác, khiến cho các thành phần này giảm hiệu quả hoặc làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Peptide rất dễ phản ứng, điều này có thể ảnh hưởng đến tính ổn định và hiệu quả của các thành phần khác trong sản phẩm hoặc trong quy trình chăm sóc da. Việc thêm một sản phẩm chứa peptide vào quy trình chăm sóc da có thể làm giảm hiệu quả của các sản phẩm khác mà bạn đang dùng hoặc khiến bạn dễ gặp phải tác dụng phụ hơn.
Không sử dụng một số loại peptide nhất định cùng với các thành phần dưới đây:
- Axit alpha hydroxy (AHA) như axit glycolic và axit lactic
- Axit beta hydroxy (BHA) như axit salicylic
- Axit ascorbic
- Benzoyl peroxide
- Retinoid
Peptide và các thành phần trị mụn
Peptide bị oxy hóa khi tiếp xúc với peroxide, chẳng hạn như hydro peroxide và benzoyl peroxide. Các peptide bị oxy hóa sẽ không có tác dụng tốt cho da và thậm chí còn có thể gây hại (tạo ra gốc tự do).
Peptide còn có thể phản ứng với retinol, tretinoin, adapalene và tazarotene. Peptide rất dễ tương tác với retinol và khiến cho retinol bị mất ổn định.
Đó là lý do tại sao không nên sử dụng một số loại peptide nhất định trong quy trình chăm sóc da trị mụn.
Peptide và vitamin C
Các nghiên cứu cho thấy một số loại peptide có thể có tác động tiêu cực đến tính ổn định của vitamin C, một thành phần vốn nhạy cảm với độ pH và quá trình oxy hóa.
Những loại peptide nào có thể sử dụng cùng vitamin C phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Peptide có an toàn không?
Hội đồng đánh giá thành phần mỹ phẩm (The Cosmetic Ingredient Review – CIR) đã đánh giá mức độ an toàn của các loại peptide gồm tripeptide-1, hexapeptide-12, palmitoyl tetrapeptide-7, palmitoyl tripeptide-1, palmitoyl hexapeptide-12, tripeptide-1, copper tripeptide-1 và palmitoyl tetrapeptide- 7.
CIR tuyên bố rằng các peptide này an toàn khi sử dụng trên da ở nồng độ dưới 10 ppm.
Tuy nhiên, CIR khuyến cáo cần thận trọng khi sử dụng các chất có nguồn gốc từ elastin.
CIR mới chỉ đánh giá tính an toàn của peptide khi sử dụng riêng lẻ chứ chưa đánh giá tính an toàn khi sử dụng cùng với các thành phần chăm sóc da khác. Sử dụng peptide cùng với các thành phần khác có thể làm thay đổi tính an toàn, vì vậy nên bạn cần thận trọng khi kết hợp các loại peptide với nhau hoặc với các thành phần khác.
Chưa rõ liệu peptide có an toàn khi sử dụng trên vùng da bị tổn thương hay không, chẳng hạn như sau khi lăn kim vi điểm hoặc sau khi tiêm.
Nhóm hoạt động vì môi trường (The Environmental Working Group – EWG) cũng đã đánh giá tính an toàn của peptide và mỗi loại peptide có mức độ an toàn khác nhau.
Tác dụng phụ
Peptide rất khó gây ra tác dụng phụ vì chỉ tồn tại trên bề mặt da và không đi vào bên trong da.
Cũng vì lý do này nên peptide hiếm khi gây dị ứng da, không gây bít tắc lỗ chân lông và không gây kích ứng.
Nhờ độ an toàn cao nên peptide là một trong những thành phần chăm sóc da bán chạy nhất.
Có thể sử dụng peptide hàng ngày không?
Bạn có thể sử dụng sản phẩm chứa peptide 1 - 2 lần mỗi ngày.
Peptide và các thành phần chống lão hóa khác
Peptide và axit hyaluronic
Peptide và axit hyaluronic (HA) đều là những thành phần chăm sóc da chống lão hóa rất phổ biến. Trên thực tế, peptide và HA là hai trong số những thành phần chống lão hóa bán chạy nhất vào năm 2023. Nhưng thành phần nào hiệu quả hơn?
Peptide và axit hyaluronic có những tác dụng khác nhau cho da và cả hai đều mang lại kết quả tạm thời.
Axit hyaluronic giúp cho các thành phần khác thẩm thấu vào da và hoạt động tốt hơn trong khi peptide lại có thể làm bất hoạt các thành phần và sản phẩm khác.
Do đó, axit hyaluronic là sự lựa chọn tốt hơn so với hầu hết các loại peptide. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào loại peptide.
Peptide và retinol
Retinol có hiệu quả chống lão hóa da vượt trội hơn hẳn so với peptide. Nhiều nghiên cứu dã chứng minh rằng retinol có thể điều trị các nguyên nhân gây lão hóa da.
Peptide và yếu tố tăng trưởng
Có nhiều loại yếu tố tăng trưởng (growth factor) và peptide cũng có nhiều loại nên rất khó nói thành phần nào tốt hơn. Một số loại yếu tố tăng trưởng có hiệu quả tốt hơn peptide trong khi một số loại lại có hiệu quả kém hơn. Nhưng nhìn chung, peptide an toàn hơn yếu tố tăng trưởng.
Peptide và exosome
Có nhiều loại exosome, một số có lợi trong khi một số lại có hại. Exosome có nguồn gốc từ tiểu cầu có hiệu quả hơn peptide.
>>> Tìm hiểu thêm về tế bào gốc, yếu tố tăng trưởng và exosome
Peptide và vitamin C
So với peptide, vitamin C có nhiều bằng chứng chứng minh tác dụng trị nếp nhăn hơn. Vitamin C có hiệu quả chống lão hóa da tốt hơn tất cả các loại peptide vì vitamin C thúc đẩy sự tổng hợp collagen và là một chất chống oxy hóa. Peptide không phải là chất chống oxy hóa và chỉ có thể giúp tăng sinh collagen khi có thể đi vào lớp trung bì của da mà hầu hết các loại peptide đều không thể làm được điều này.
Peptide trị nếp nhăn có tốt như Botox không?
Hiệu quả của peptide hoàn toàn không thể sánh bằng phương pháp tiêm Botox và các loại Botulinum toxin type A khác.
Botox được tiêm vào cơ, nhờ đó giúp làm mờ nếp nhăn hiện có và ngăn chặn sự hình thành nếp nhăn mới trong khi peptide không thể đi qua tất cả các lớp da vào cơ.
Các loại thực phẩm và đồ uống mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày có ảnh hưởng lớn đến da và dưới đây là 10 loại thực phẩm mà bạn nên cân nhắc bổ sung nếu muốn cải thiện tình trạng làn da của mình.
Một số loại thực phẩm giàu chất chống oxi hóa, tốt cho sức khỏe và làn da.
Bôi kem chống nắng, sử dụng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp hay thực hiện các liệu pháp thẩm mỹ chuyên nghiệp là một số cách phổ biến để chống lại các dấu hiệu lão hóa da. Tuy nhiên, một phương pháp cũng quan trọng không kém nhưng nhiều người thường bỏ qua là chế độ ăn uống hàng ngày.
Chắc hẳn bạn đã từng nghe nói rất nhiều rằng ăn nhiều đường sẽ khiến bạn nổi mụn trứng cá hay ăn nhiều chocolate sẽ khiến da tiết nhiều dầu hơn và dễ bị mụn. Vậy có thật là chế độ ăn có thể khiến da nổi mụn không? Bài viết này sẽ giúp bạn có lời giải đáp.
Bầm tím là một hiện tượng thường gặp sau nhiều liệu pháp thẩm mỹ khác nhau, chẳng hạn như tiêm chất làm đầy, tiêm mỡ tự thân, tiêm Botox hay lăn kim vi điểm.