1

Tiền tiểu đường: Nguyên nhân, cách chẩn đoán và diều trị

Tiền tiểu đường: Nguyên nhân, cách chẩn đoán và diều trị Tiền tiểu đường: Nguyên nhân, cách chẩn đoán và diều trị

Tiền tiểu đường là gì?

Nếu bạn được chẩn đoán tiền tiểu đường hay tiền đái tháo đường thì có nghĩa là bạn có lượng đường (glucose) trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa cao đến mức bị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, tiền tiểu đường có thể tiến triển thành bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim và đột quỵ.

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), tiền đái tháo đường có thể chữa khỏi được. Các phương pháp điều trị thường là thay đổi lối sống, chẳng hạn như chế độ ăn uống, tập thể dục, đồng thời kết hợp dùng thuốc. Nếu bị tiền tiểu đường và không thay đổi lối sống thì bệnh có thể trở thành tiểu đường tuýp 2 trong vòng 10 năm.

Bạn sẽ được chẩn đoán tiền tiểu đường nếu kết quả xét nghiệm cho thấy:

  • Rối loạn dung nạp glucose (IGT), có nghĩa là lượng đường trong máu sau bữa ăn cao hơn bình thường.
  • Rối loạn dung nạp glucose lúc đói (IFG), có nghĩa là lượng đường trong máu vào buổi sáng trước khi ăn cao hơn bình thường.
  • Chỉ số HbA1C từ 5,7 đến 6,4%

Các triệu chứng của tiền tiểu đường

Tiền tiểu đường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt nhưng cũng có một số người gặp các vấn đề liên quan đến kháng insulin, chẳng hạn như hội chứng buồng trứng đa nangbệnh gai đen (acanthosis nigricans) với triệu chứng là trên da có các mảng sạm màu, dày và sờ vào có cảm giác mượt như nhung. Những vùng da này thường xuất hiện ở:

  • Khuỷu tay
  • Đầu gối
  • Cổ
  • Nách
  • Đốt ngón tay

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc tiền tiểu đường và gặp phải các triệu chứng dưới đây thì cần đi khám ngay:

  • Hay thấy khát
  • Đi tiểu nhiều, đặc biệt là vào ban đêm
  • Mệt mỏi
  • Thị lực mờ
  • Các vết loét hoặc vết đứt lâu lành

Đây là những triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường tuýp 2 và nếu gặp phải thì có khả năng tiền tiểu đường đã tiến triển thành tiểu đường tuýp 2. Khi đi khám, bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm để xác định.

Nguyên nhân gây tiền tiểu đường là gì?

Tuyến tụy trong cơ thể tiết ra một loại hormone gọi là insulin khi chúng ta ăn để các tế bào có thể lấy glucose từ máu vào làm năng lượng. Đó là cơ chế mà insulin giúp giảm lượng đường trong máu. Trong trường hợp tiền đái tháo đường, các tế bào không phản ứng với insulin một cách bình thường và tình trạng này được gọi là kháng insulin.

Nguyên nhân gây kháng insulin hiện vẫn chưa được xác định rõ nhưng theo các nhà nghiên cứu, tiền tiểu đường có liên quan chặt chẽ đến các yếu tố về lối sống và di truyền. Ví dụ, những người thừa cân và ít vận động là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc tiền tiểu đường.

Xem thêm: Vai trò của insulin với bệnh tiểu đường

Yếu tố nguy cơ

Tiền tiểu đường có thể xảy ra ở bất cứ ai nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Ví dụ, ở những người trên 45 tuổi hoặc chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 25 thì nguy cơ này sẽ cao hơn và nên đi khám sàng lọc.

Một yếu tố nữa là có nhiều mỡ thừa ở eo hơn ở hông. Bạn có thể kiểm tra bằng cách đo vòng eo, nếu trên 100cm (đối với nam) hoặc trên 90cm (đối với nữ) thì bạn có nguy cơ mắc tiền tiểu đường cao hơn bình thường.

Ngoài ra, ít vận động cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ tiền đái tháo đường.

Chẩn đoán tiền tiểu đường

Bác sĩ sẽ cần làm xét nghiệm máu để đưa ra chẩn đoán tiền tiểu đường. Mỗi một phương pháp xét nghiệm sẽ cho ra kết quả khác nhau và thường được thực hiện hai lần để xác nhận chẩn đoán chính xác. Các phương pháp xét nghiệm gồm có:

Xét nghiệm HbA1c

Xét nghiệm HbA1c (Hemoglobin A1c), còn gọi là xét nghiệm A1c hay xét nghiệm hemoglobin bị glycosyl hóa là phương pháp đo mức đường huyết trung bình trong vòng 2 - 3 tháng gần nhất. Phương pháp này này không yêu cầu nhịn ăn và có thể được thực hiện bất cứ lúc nào.

Khi chỉ số HbA1c nằm trong khoảng 5,7 - 6,4 % thì có nghĩa bạn đã bị tiền tiểu đường. Thường bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm lần hai để xác nhận kết quả. Chỉ số HbA1c càng cao thì khả năng tiền tiểu đường tiến triển thành tiểu đường tuýp 2 càng tăng.

Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói (FPG)

Để làm xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói, bạn sẽ phải nhịn ăn trong 8 tiếng hoặc qua đêm. Sau đó, bạn sẽ được lấy mẫu máu để xét nghiệm.

Nếu kết quả xét nghiệm trong khoảng 100 - 125mg/dL thì có nghĩa bạn đã bị tiền tiểu đường.

Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống (OGTT)

Bạn cũng không cần phải nhịn ăn trước khi làm phương pháp xét nghiệm này. Bác sĩ sẽ đo chỉ số đường huyết hai lần, một lần là khi bạn vẫn chưa ăn uống gì và lần thứ hai là 2 tiếng sau khi bạn được cho uống một loại đồ uống có đường.

Nếu chỉ số đường huyết của lần đo thứ hai ở khoảng 140 - 199 mg/dL thì có nghĩa là bạn bị rối loạn dung nạp glucose hay tiền tiểu đường.

Cách điều trị tiền tiểu đường

Điều trị tiền tiểu đường cũng chính là ngăn ngừa tiểu đường tuýp 2. Nếu bạn được chẩn đoán bị tiền tiểu đường thì sẽ cần thay đổi một số thói quen hàng ngày.

Các cách phổ biến nhất để điều trị tiền tiểu đường gồm có:

  • Duy trì chế độ ăn giàu chất xơ
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Giảm cân nếu thừa cân
  • Uống thuốc theo đơn của bác sĩ

Một số người bị tiểu đường còn cần chọn sử dụng các phương pháp điều trị bổ sung và thay thế để kiểm soát tình trạng bệnh. Các phương pháp này thường là dùng thực phẩm chức năng, ngồi thiền hay châm cứu. Tuy nhiên, luôn phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ phương pháp điều trị mới nào vì chúng có thể tương tác với các loại thuốc đang dùng.

Biến chứng của tiền tiểu đường

Nếu không được điều trị, tiền tiểu đường có thể tiến triển thành tiểu đường tuýp 2 và dẫn đến các vấn đề khác như:

  • Bệnh tim mạch
  • Tai biến mạch máu não
  • Tổn thương dây thần kinh
  • Tổn hại thận
  • Tổn hại đến mắt
  • Lưu thông máu kém đến bàn chân, khiến cho vết thương khó lành và thậm chí bị hoại thư
  • Nhiễm trùng da
  • Vấn đề với thính giác
  • Bệnh Alzheimer

Chế độ sinh hoạt\

Chế độ ăn uống

Tiền tiểu đường là vấn đề hoàn toàn có thể chữa khỏi được bằng cách duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh với một chế độ ăn gồm có:

  • Các loại thực phẩm có chứa nhiều axit béo omega-3, chẳng hạn như cá hồi và cá ngừ
  • Nhiều loại rau
  • Trái cây
  • Thực phẩm giàu chất xơ

Và hạn chế:

  • Lượng muối ở mức dưới 1.500mg mỗi ngày
  • Rượu ở mức một ly mỗi ngày
  • Đồ ăn có đường và chất béo không lành mạnh

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh chế độ ăn ít carbohydrate giúp kiểm soát mức đường huyết, cải thiện tình trạng kháng insulin và cân nặng.

Tuy nhiên, chế độ ăn này không được khuyến khích cho những người có nồng độ cholesterol trong máu cao, bị bệnh thận hoặc bệnh tim. Tốt nhất là nên nói chuyện với bác sĩ trước khi áp dụng những thay đổi lớn đối với chế độ ăn uống.

Chăm tập luyện

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường bằng cách thường xuyên vận động với bất kỳ bài tập làm tăng nhịp tim nào, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, tập aerobic hay đạp xe và cố gắng tập ít nhất 5 lần một tuần, mỗi lần khoảng 30 phút.

Ngoài ra, nên cố gắng hoạt động nhiều hơn mỗi ngày bằng cách đi xe đạp hoặc đi bộ thay cho đi ô tô hoặc xe máy và leo thang bộ thay vì đi thang máy.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, thói quen tập thể dục 30 phút mỗi ngày và giảm từ 5 đến 10% cân nặng sẽ giúp giảm đến 58% nguy cơ tiền tiểu đường tiến triển thành tiểu đường tuýp 2.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đau chân và chuột rút do đái tháo đường: Nguyên nhân và cách điều trị
Đau chân và chuột rút do đái tháo đường: Nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh đái tháo đường có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau, một trong số đó là đau chân và chuột rút chân. Những biến chứng này thường xảy ra do tổn thương dây thần kinh hay còn được gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường. Khi các dây thần kinh ở cánh tay hoặc chân bị ảnh hưởng thì tình trạng này được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường. Đây có thể là hậu quả trực tiếp của tình trạng đường huyết cao trong thời gian dài.

Các nguyên nhân gây ngứa chân ở người bệnh tiểu đường
Các nguyên nhân gây ngứa chân ở người bệnh tiểu đường

Ngứa chân ở những người mắc bệnh tiểu đường có thể là do lưu thông máu kém hoặc do tổn thương dây thần kinh ở cẳng chân và bàn chân. Cả hai tình trạng này đều là do lượng đường trong máu cao gây ra.

Hiểu về tiền tiểu đường: Dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa
Hiểu về tiền tiểu đường: Dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa

Tiền tiểu đường là một bệnh lý thầm lặng, vì vậy nên khám sức khỏe định kỳ là điều rất quan trọng để phát hiện bệnh từ sớm. Nếu nghi ngờ có thể mình bị tiền tiểu đường thì nên đi khám.

Nguyên nhân nào gây ra bệnh tiểu đường?
Nguyên nhân nào gây ra bệnh tiểu đường?

Bệnh tiểu đường là một bệnh mãn tính xảy ra do cơ thể không thể sử dụng lượng đường trong máu (glucose) một cách hiệu quả. Nguyên nhân chính xác gây ra điều này vẫn chưa được xác định rõ nhưng rất có thể một phần là do các yếu tố di truyền và môi trường. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường gồm có béo phì và mức cholesterol cao. Dưới đây là một số nguyên nhân cụ thể gây bệnh tiểu đường.

Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh tiểu đường
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh tiểu đường

Khi không được điều trị, các triệu chứng bệnh tiểu đường sẽ ngày càng nặng do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài gây tổn hại đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Vì bệnh tiểu đường thường không có dấu hiệu rõ rệt vào giai đoạn đầu nên nhiều người không để ý.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây