Xơ hóa cầu thận khu trú từng phần là gì? Có nguy hiểm không?
Mỗi quả thận có khoảng 1 triệu cầu thận. “Khu trú” có nghĩa là chỉ một số cầu thận bên trong thận bị xơ hóa. “Từng phần” có nghĩa là chỉ một phần của mỗi cầu thận xảy ra vấn đề. Tiếp tục đọc để tìm hiểu thêm về bệnh xơ hóa cầu thận khu trú từng phần, gồm có nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và các biện pháp phòng ngừa.
Nguyên nhân gây xơ hóa cầu thận khu trú từng phần
Xơ hóa cầu thận khu trú từng phần xảy ra khi các tế bào chuyên biệt bên trong cầu thận, được gọi là tế bào cú chõn (podocytes), bị hỏng. Điều này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dựa trên nguyên nhân, xơ hóa cầu thận khu trú từng phần được phân chia thành các loại như sau.
Xơ hóa cầu thận khu trú từng phần nguyên phát (vô căn)
Đây là loại xơ hóa cầu thận khu trú từng phần phổ biến nhất. Bác sĩ sẽ kết luận xơ hóa cầu thận khu trú từng phần nguyên phát khi không thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra tổn thương ở cầu thận.
Theo một số nhà nghiên cứu, một loại protein trong máu có tên là yếu tố thấm (permeability factor), góp phần gây tổn thương cầu thận. Những protein này có thể làm hỏng tế bào cú chõn, khiến cầu thận rò rỉ protein vào nước tiểu.
Xơ hóa cầu thận khu trú từng phần thứ cấp
Nếu có thể xác định nguyên nhân gây tổn thương cầu thận thì được coi là xơ hóa cầu thận khu trú từng phần thứ cấp.
Các vấn đề sức khỏe làm tăng lưu lượng máu đến thận có thể là nguyên nhân gây ra xơ hóa cầu thận khu trú từng phần thứ cấp. Lưu lượng máu tăng cao khiến cho các cầu thận phải làm việc nhiều hơn và theo thời gian, tình trạng này có thể khiến cho cầu thận bị tổn thương. Các bệnh lý có thể gây xơ hóa cầu thận khu trú từng phần gồm có:
- Béo phì
- Tiểu đường
- Thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm
- Chứng ngưng thở khi ngủ
- Các bệnh thận khác
Cầu thận cũng có thể tổn thương do một số loại thuốc (xơ hóa cầu thận khu trú từng phần do thuốc) hoặc do virus (xơ hóa cầu thận khu trú từng phần do virus).
Xơ hóa cầu thận khu trú từng phần di truyền (có tính chất gia đình)
Đột biến gen di truyền là một nguyên nhân hiếm gặp của bệnh xơ hóa cầu thận khu trú từng phần. Nếu nhiều người trong một gia đình cùng mắc bệnh thì rất có thể đó là xơ hóa cầu thận khu trú từng phần di truyền.
Các triệu chứng của xơ hóa cầu thận khu trú từng phần di truyền thường xuất hiện ngay từ khi còn nhỏ. Loại xơ hóa cầu thận khu trú từng phần này thường khó điều trị vì nhiều trẻ em mắc bệnh không đáp ứng các phương pháp điều trị điển hình.
Ai có nguy cơ mắc bệnh xơ hóa cầu thận khu trú từng phần?
Theo nghiên cứu vào năm 2020, nam giới có tỷ lệ mắc xơ hóa cầu thận khu trú từng phần cao hơn gấp đôi so với phụ nữ. (1)
Ngoài giới tính, chủng tộc cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh. Người da đen có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn gấp 5 lần so với người da trắng. Theo một nghiên cứu vào năm 2021, điều này có thể là do một số biến thể gen chỉ có ở những người gốc Phi. Tuy nhiên, các yếu tố môi trường và yếu tố gây áp lực lên thận khác cũng có thể là những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh xơ hóa cầu thận khu trú từng phần có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra ở người từ 45 tuổi trở lên. Các chuyên gia ước tính rằng khoảng 7 đến 10% trẻ em và 20 đến 30% người lớn mắc hội chứng thận hư bị bệnh xơ hóa cầu thận khu trú từng phần.
Triệu chứng xơ hóa cầu thận khu trú từng phần
Các triệu chứng của bệnh xơ hóa cầu thận khu trú từng phần xảy ra do sự suy giảm dần chức năng thận. Ban đầu, các triệu chứng thường không rõ rệt nhưng khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ gặp phải một nhóm các triệu chứng gọi là hội chứng thận hư.
Hội chứng thận hư
Hội chứng thận hư xảy ra khi cầu thận bị tổn thương khiến một lượng lớn protein rò rỉ từ máu vào nước tiểu. Tình trạng này được gọi là protein niệu và được phát hiện qua xét nghiệm protein nước tiểu.
Các triệu chứng của hội chứng thận hư gồm có:
- Sưng phù, đặc biệt là ở mắt cá chân, bàn chân và quanh mắt
- Nước tiểu có bọt do chứa nhiều protein
- Mệt mỏi
- Ăn không ngon miệng
- Tăng huyết áp
- Tăng cân
- Mức cholesterol và triglyceride cao (tăng lipid máu)
- Hình thành cục máu đông
Xơ hóa cầu thận khu trú từng phần tiến triển sẽ làm suy giảm chức năng thận và có thể dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Các triệu chứng suy thận mạn giai đoạn cuối gồm có:
- Da khô, ngứa
- Chuột rút
- Đau bụng
- Buồn nôn, nôn mửa
- Mất cảm giác ngon miệng khi ăn
- Sưng phù ở chân
- Đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường.
- Nước tiểu có bọt
- Hụt hơi
- Mệt mỏi
- Khó ngủ
Khi nào cần đi khám?
Hãy đi khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng của hội chứng thận hư, đặc biệt là khi bị sưng phù bất thường.
Nếu đang điều trị hội chứng thận hư do xơ hóa cầu thận khu trú từng phần, người bệnh cần đi khám nếu thấy các triệu chứng không cải thiện, nặng thêm hoặc có triệu chứng mới.
Chẩn đoán xơ hóa cầu thận khu trú từng phần
Để chẩn đoán xơ hóa cầu thận khu trú từng phần, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, hỏi về các triệu chứng và yêu cầu làm các xét nghiệm, gồm có:
- Xét nghiệm máu để đo nồng độ protein (albumin) và cholesterol
- Xét nghiệm nước tiểu để đo nồng độ protein và kiểm tra xem có máu trong nước tiểu hay không
- Xét nghiệm chức năng thận, gồm có độ lọc cầu thận (GFR)
Kết quả của các xét nghiệm này sẽ giúp đánh giá chức năng thận nhưng không thể xác nhận xơ hóa cầu thận khu trú từng phần. Cách duy nhất để xác nhận chẩn đoán xơ hóa cầu thận khu trú từng phần là sinh thiết thận. Đây là thủ thuật lấy một mẫu mô nhỏ từ thận và sau đó phân tích dưới kính hiển vi để tìm dấu hiệu bất thường.
Tùy vào tiền sử gia đình mà bác sĩ có thể đề nghị làm xét nghiệm di truyền phân tử để xác nhận xơ hóa cầu thận khu trú từng phần di truyền.
Phân biệt xơ hóa cầu thận khu trú từng phần và bệnh cầu thận sang thương tối thiểu
Bệnh cầu thận sang thương tối thiểu (minimal change disease) là một bệnh lý khác xảy ra với cầu thận. Bệnh này có các triệu chứng tương tự như xơ hóa cầu thận khu trú từng phần nhưng phổ biến hơn ở trẻ em. Ở người bị bệnh cầu thận sang thương tối thiểu, các triệu chứng của hội chứng thận hư thường xuất hiện sớm hơn nhiều so với xơ hóa cầu thận khu trú từng phần.
Để xác định người bệnh bị xơ hóa cầu thận khu trú từng phần hay bệnh cầu thận sang thương tối thiểu, bác sĩ sẽ yêu cầu sinh thiết thận. Kết quả sinh thiết sẽ giúp phân biệt hai bệnh lý này.
Xơ hóa cầu thận khu trú từng phần có thể được phát hiện bằng kính hiển vi thông thường trong khi cần phải dùng kính hiển vi điện tử có độ phân giải cao thì mới có thể phát hiện bệnh cầu thận sang thương tối thiểu.
Điều trị xơ hóa cầu thận khu trú từng phần
Điều trị xơ hóa cầu thận khu trú từng phần nhằm mục đích làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Những trường hợp xơ hóa cầu thận khu trú từng phần thứ cấp sẽ cần điều trị bệnh lý gây tổn thương cầu thận.
Các loại thuốc được dùng để điều trị xơ hóa cầu thận khu trú từng phần gồm có:
- Corticoid (corticosteroid) và các loại thuốc ức chế miễn dịch khác
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) để kiểm soát huyết áp
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) để giảm lượng protein trong nước tiểu
- Thuốc lợi tiểu) để giảm phù nề
- Thuốc làm loãng máu để ngăn ngừa hình thành cục máu đông
Nếu xơ hóa cầu thận khu trú từng phần tiến triển thành suy thận mạn giai đoạn cuối, người bệnh sẽ phải lọc máu định kỳ hoặc ghép thận.
Ngoài thuốc, một số thay đổi về lối sống cũng có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh, ví dụ như:
- Tập thể dục thường xuyên
- Bỏ thuốc lá
- Bổ sung một số vitamin
- Thực hiện chế độ ăn ít protein
Tiên lượng của người bị xơ hóa cầu thận khu trú từng phần
Tiên lượng của mỗi một người bệnh là khác nhau. Trong một số trường hợp, các triệu chứng bệnh tự hết. Ngay cả khi có triệu chứng thì hầu hết người mắc bệnh này vẫn có thể sống bình thường.
Nhưng ở một số người, ảnh hưởng của bệnh lý mạn tính này có thể đe dọa đến tính mạng. Không có cách nào có thể phục hồi các cầu thận bị hỏng. Các phương pháp điều trị chỉ có thể làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
Ngay cả khi được điều trị, xơ hóa cầu thận khu trú từng phần vẫn có thể tiến triển nặng theo thời gian và dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Khi bị suy thận mạn giai đoạn cuối, người bệnh sẽ phải ghép thận hoặc lọc máu để duy trì sự sống. Theo một nghiên cứu vào năm 2020, ngay cả khi đã ghép thận thì vẫn có khoảng 30% nguy cơ bệnh tái phát. (2)
Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về tiên lượng của bản thân.
Phòng ngừa xơ hóa cầu thận khu trú từng phần
Nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh xơ hóa cầu thận khu trú từng phần nằm ngoài tầm kiểm soát, ví dụ như giới tính, chủng tộc hay tuổi tác. Tuy nhiên, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh này bằng cách:
- duy trì cân nặng hợp lý
- điều trị hoặc kiểm soát các bệnh lý có thể gây tổn thương cầu thận
- khám sức khỏe định kỳ
Tóm tắt bài viết
Xơ hóa cầu thận khu trú từng phần là một bệnh hiếm gặp, mạn tính, xảy ra khi các cầu thận trong thận bị tổn thương và hình thành sẹo. Bệnh này phổ biến nhất ở nam giới, người da đen và người trên 45 tuổi.
Hầu hết các trường hợp đều không xác định được nguyên nhân gây xơ hóa cầu thận khu trú từng phần nhưng đôi khi, tình trạng này xảy ra do các bệnh lý như tiểu đường, béo phì hoặc các bệnh thận khác. Cách duy nhất để xác nhận chẩn đoán xơ hóa cầu thận khu trú từng phần là sinh thiết thận.
Xơ hóa cầu thận khu trú từng phần hiện không có cách chữa trị nhưng một số loại thuốc và thay đổi lối sống có thể làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Khi điều trị đúng cách, hầu hết người bệnh đều có thể kiểm soát tốt các triệu chứng và sống khỏe mạnh, bình thường.
U nguyên bào thận là loại ung thư phổ biến thứ tư ở trẻ em và là loại ung thư thận phổ biến nhất ở trẻ em.
Bệnh thận IgA, hay còn được gọi là bệnh Berger, là một bệnh thận mạn tính xảy ra khi immunoglobulin A (IgA) lắng đọng trong thận.
Thận ứ nước là tình trạng thận bị giãn nở và phình to do nước tiểu bị ứ lại trong thận thay vì chảy xuống bàng quang. Tình trạng này thường chỉ xảy ra ở một quả thận nhưng cũng có thể xảy ra ở cả hai quả thận.
Bệnh thận do thuốc cản quang là một tình trạng hiếm gặp trong đó chức năng thận bị suy giảm sau khi tiếp xúc với một số loại thuốc cản quang. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh thận do thuốc cản quang tự khỏi sau một đến hai tuần.
Nang tủy thận (medullary cystic kidney disease) là một bệnh lý hiếm gặp trong đó chính giữa thận có các túi nhỏ chứa dịch (nang). Tình trạng này còn đi kèm sẹo hình thành trong các ống thận. Nước tiểu chảy từ các ống thận qua đường tiết niệu. Sẹo khiến cho các ống này bị tắc nghẽn và nước tiểu không thể chảy qua.