1

Hội chứng thận hư: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Hội chứng thận hư là tình trạng thận bị tổn thương và bài tiết quá nhiều protein vào nước tiểu. Bản thân hội chứng thận hư không phải là một căn bệnh. Hội chứng thận hư là kết quả của các bệnh làm tổn thương các mạch máu trong thận.
Hội chứng thận hư: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị Hội chứng thận hư: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Triệu chứng của hội chứng thận hư

Các triệu chứng thường gặp của hội chứng thận hư gồm có:

  • Nồng độ protein trong nước tiểu cao (protein niệu)
  • Nồng độ cholesterol và triglyceride trong máu cao (tăng lipid máu)
  • Nồng độ albumin (một loại protein) trong máu thấp
  • Sưng phù, đặc biệt là ở mắt cá chân và bàn chân cũng như là xung quanh mắt

Ngoài các triệu chứng trên, người mắc hội chứng thận hư còn có thể gặp một số triệu chứng khác như:

  • Nước tiểu có bọt do có quá nhiều protein
  • Tăng cân do tích nước trong cơ thể
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn

Nguyên nhân gây hội chứng thận hư

Thận gồm có các mạch máu nhỏ gọi là cầu thận. Khi máu chảy qua các mạch máu này, nước dư thừa và các chất thải sẽ được lọc ra và bài tiết vào nước tiểu. Protein và các chất khác mà cơ thể cần sẽ được giữ lại và đưa trở lại máu.

Hội chứng thận hư xảy ra khi cầu thận bị tổn thương và không thể lọc máu một cách hiệu quả. Lúc này, protein sẽ rò rỉ vào nước tiểu thay vì được giữ lại.

Albumin là một trong những loại protein bị bài tiết vào nước tiểu. Albumin giúp đưa nước thừa từ máu vào thận. Lượng nước thừa này được thận lọc khỏi máu và tạo thành nước tiểu.

Khi không có albumin, nước thừa sẽ tích tụ trong cơ thể. Điều này gây sưng phù, thường là ở chân và mặt.

Nguyên nhân nguyên phát của hội chứng thận hư

Một số nguyên nhân gây ra hội chứng thận hư chỉ ảnh hưởng đến thận. Đây được gọi là những nguyên nhân nguyên phát, gồm có:

  • Xơ hóa cầu thận khu trú từng phần: Đây là tình trạng các cầu thận hình thành sẹo do bệnh, khiếm khuyết di truyền hoặc không rõ nguyên nhân.
  • Bệnh cầu thận màng: Tình trạng lớp màng trong cầu thận dày lên. Nguyên nhân khiến cho lớp màng của cầu thận dày lên vẫn chưa được xác định nhưng tình trạng này có thể xảy ra cùng với bệnh lupus, viêm gan B, sốt rét hoặc ung thư.
  • Bệnh cầu thận sang thương tối thiểu: Mô thận của những người mắc bệnh này trông vẫn bình thường dưới kính hiển vi nhưng thận lại không thể lọc máu hiệu quả. Nguyên nhân gây ra điều này vẫn chưa được xác định rõ.
  • Huyết khối tĩnh mạch thận: Tình trạng cục máu đông hình thành và gây tắc nghẽn tĩnh mạch mang máu ra khỏi thận.

Nguyên nhân thứ phát của hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư cũng có thể là kết quả của một số bệnh lý ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Đây được gọi là nguyên nhân thứ phát của hội chứng thận hư. Một số ví dụ gồm có:

  • Bệnh tiểu đường: Lượng đường trong máu cao không được kiểm soát sẽ dần dần làm hỏng các mạch máu ở khắp cơ thể, bao gồm cả mạch máu của thận.
  • Bệnh lupus: Đây là một bệnh tự miễn gây viêm khớp, thận và các cơ quan khác.
  • Thoái hóa tinh bột (amyloidosis): Căn bệnh hiếm gặp này xảy ra khi protein amyloid tích tụ trong các cơ quan. Amyloid có thể tích tụ trong thận và dẫn đến tổn thương thận.
  • Một số loại thuốc, gồm có thuốc chống nhiễm trùng và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) cũng có thể dẫn đến hội chứng thận hư.

Ai có nguy cơ bị hội chứng thận hư?

Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng thận hư, gồm có:

  • Mắc các bệnh gây tổn thương thận, ví dụ như bệnh tiểu đường, lupus hoặc các bệnh thận khác.
  • Nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng thận hư, gồm có HIV, viêm gan B, viêm gan C và sốt rét.
  • Thuốc: Một số loại thuốc chống nhiễm trùng và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng thận hư.

Có một trong những yếu tố này không có nghĩa là sẽ bị hội chứng thận hư. Tuy nhiên, những người có các yếu tố kể trên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường, do đó nên kiểm tra chức năng thận thường xuyên và đi khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng nghi là hộin chứng thận hư.

Chẩn đoán hội chứng thận hư

Để chẩn đoán hội chứng thận hư, trước tiên bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và hỏi người bệnh về các triệu chứng, các loại thuốc đang dùng cũng như các vấn đề sức khỏe đang mắc.

Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, gồm có đo huyết áp và nghe tim.

Tiếp theo cần thực hiện các phương pháp khám cận lâm sàng, gồm có:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Đa phần, người bệnh chỉ cần lấy một mẫu nước tiểu nhỏ, sau đó mẫu nước tiểu sẽ được chuyển đến phòng xét nghiệm để đo nồng độ protein. Tuy nhiên, đôi khi người bệnh cần làm xét nghiệm nước tiểu 24 giờ, có nghĩa là sẽ phải thu thập toàn bộ nước tiểu trong vòng 24 giờ.
  • Xét nghiệm máu: Phân tích mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch ở cánh tay để kiểm tra nồng độ một số chất phản ánh chức năng thận tổng thể, gồm có albumin, cholesterol và triglyceride.
  • Siêu âm: Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả thận. Dựa trên hình ảnh thu được, bác sĩ sẽ đánh giá cấu trúc của thận.
  • Sinh thiết: Lấy một mẫu mô nhỏ từ thận và sau đó phân tích dưới kính hiển vi để xem có dấu hiệu bất thường hay không. Kết quả sinh thiết có thể giúp xác định nguyên nhân gây ra hội chứng thận hư.

Điều trị hội chứng thận hư

Việc điều trị hội chứng thận hư gồm có giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây rối loạn chức năng thận, đồng thời người bệnh sẽ phải dùng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống để kiểm soát các triệu chứng cũng như biến chứng của hội chứng thận hư. Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị hội chứng thận hư gồm có:

  • Thuốc điều trị tăng huyết áp: Những loại thuốc này giúp làm giảm huyết áp và giảm lượng protein bị mất theo nước tiểu. Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp chính gồm có thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB).
  • Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu khiến thận tạo ra nhiều nước tiểu hơn, điều này làm giảm sự tích tụ nước trong cơ thể và giảm phù nề. Ví dụ về các loại thuốc lợi tiểu gồm có furosemide và spironolactone.
  • Statin: Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu. Một số loại thuốc trong nhóm statin gồm có canxi atorvastatin và lovastatin.
  • Thuốc làm loãng máu: Những loại thuốc này ngăn cản quá trình hình thành cục máu đông và có thể được sử dụng cho những người có cục máu đông trong thận. Một số ví dụ về thuốc làm loãng máu gồm có heparin và warfarin.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Những loại thuốc này giúp kiểm soát hệ miễn dịch và có thể được sử dụng để điều trị các bệnh tự miễn như bệnh lupus. Một ví dụ về thuốc ức chế miễn dịch là corticoid (corticosteroid).

Ngoài ra, người bị hội chứng thận hư nên thực hiện các biện pháp giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, ví dụ như tiêm vắc xin phòng phế cầu khuẩn và phòng cúm định kỳ hàng năm.

Hội chứng thận hư ở trẻ em

Cả hội chứng thận hư nguyên phát và hội chứng thận hư thứ phát đều có thể xảy ra ở trẻ em nhưng hội chứng thận hư nguyên phát phổ biến hơn.

Một số trẻ bị hội chứng thận hư bẩm sinh. Trong những trường hợp này, hội chứng thận hư bắt đầu xảy ra trong vòng 3 tháng đầu đời. Nguyên nhân có thể là do khiếm khuyết di truyền hoặc nhiễm trùng ngay sau khi sinh. Những trẻ bị hội chứng thận hư có thể phải ghép thận trong tương lai.

Ở trẻ em, hội chứng thận hư gây ra các triệu chứng sau:

  • Sốt, mệt mỏi, khó chịu và các dấu hiệu nhiễm trùng khác
  • Ăn kém
  • Máu trong nước tiểu
  • Tiêu chảy
  • Tăng huyết áp

Những trẻ mắc hội chứng thận hư dễ bị nhiễm trùng hơn bình thường. Điều này là do các protein vốn có chức năng chống nhiễm trùng đã bị mất qua nước tiểu. Trẻ bị hội chứng thận hư thường có chỉ số cholesterol trong máu cao.

Hội chứng thận hư ở người lớn

Giống như ở trẻ em, hội chứng thận hư ở người lớn cũng có thể do nguyên nhân nguyên phát hoặc nguyên nhân thứ phát. Ở người lớn, nguyên nhân phổ biến nhất gây hội chứng thận hư là xơ hóa cầu thận khu trú từng phần (focal segmental glomerulosclerosis).

Những trường hợp bị bệnh này có tiên lượng kém hơn. Nồng độ protein trong nước tiểu là một yếu tố quan trọng giúp xác định tiên lượng của những trường hợp này. Khoảng một nửa số ca bệnh bị xơ hóa cầu thận khu trú từng phần và hội chứng thận hư tiến triển thành suy thận mạn giai đoạn cuối sau 5 đến 10 năm. (1)

Tuy nhiên, hội chứng thận hư ở người lớn cũng có thể là do nguyên nhân thứ phát gây ra. Ước tính hơn 50% số ca mắc hội chứng thận hư ở người lớn là do các nguyên nhân thứ phát như bệnh tiểu đường hoặc bệnh lupus. (2)

Chế độ ăn uống khi mắc hội chứng thận hư

Chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát hội chứng thận hư. Người mắc hội chứng thận hư cần hạn chế ăn muối để tránh bị tích nước, phù nề và tăng huyết áp. Người bệnh nên giảm lượng nước uống để giảm sưng phù.

Hội chứng thận hư có thể làm tăng nồng độ cholesterol và triglyceride trong máu. Vì vậy nên người bệnh cần giảm lượng chất béo bão hòa và cholesterol trong chế độ ăn. Điều này còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Mặc dù hội chứng thận hư khiến cơ thể bị mất protein nhưng không nên ăn nhiều protein. Chế độ ăn quá nhiều protein có thể khiến cho hội chứng thận hư trở nên trầm trọng hơn.

>>> Các loại thực phẩm nên ăn và nên tránh khi mắc hội chứng thận hư.

Biến chứng của hội chứng thận hư

Sự mất protein từ máu cũng như tổn thương thận có thể dẫn đến nhiều biến chứng, ví dụ như:

  • Huyết khối (cục máu đông): Protein ngăn đông máu có thể bị mất, điều này làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
  • Cholesterol và triglyceride cao: Lượng cholesterol và triglyceride được giải phóng vào máu có thể tăng cao. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Cao huyết áp: Khi chức năng thận bị suy giảm, nước thừa và chất thải sẽ tích tụ trong máu. Điều này dẫn đến tăng huyết áp.
  • Suy dinh dưỡng và sụt cân: Mất protein có thể dẫn đến sụt cân nhưng do bị sưng nề nên người bệnh không nhận thấy mình bị sụt cân.
  • Thiếu máu: Tình trạng cơ thể không có đủ hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy đến các cơ quan và mô.
  • Suy thận mạn: Chức năng thận giảm dần theo thời gian và không thể hồi phục. Khi chức năng thận chỉ còn dưới 15% chức năng bình thường (suy thận mạn giai đoạn cuối), người bệnh sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận.
  • Suy thận cấp: Tổn thương thận có thể khiến thận đột ngột ngừng lọc chất thải từ máu và cần can thiệp khẩn cấp bằng phương pháp lọc máu.
  • Nhiễm trùng: Những người bị hội chứng thận hư có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm phổi và viêm màng não.
  • Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém): Tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone tuyến giáp.
  • Bệnh mạch vành: Tình trạng các mạch máu bị thu hẹp, cản trở sự lưu thông máu đến tim.

Tiên lượng của người mắc hội chứng thận hư

Tiên lượng của mỗi người bệnh là khác nhau do còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra hội chứng thận hư cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể.

Một số bệnh gây ra hội chứng thận hư tự khỏi hoặc có thể khỏi sau khi được điều trị. Một khi nguyên nhân gốc rễ được giải quyết, hội chứng thận hư sẽ cải thiện.

Tuy nhiên, đôi khi, hội chứng thận hư dẫn đến suy thận, ngay cả khi được điều trị. Khi điều này xảy ra, người bệnh sẽ cần phải lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Khi nhận thấy các triệu chứng nghi là hội chứng thận hư, hãy đi khám ngay để được chẩn đoán đúng bệnh và có phương pháp điều trị thích hợp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm cầu thận: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm cầu thận: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm cầu thận (glomerulonephritis) là tình trạng viêm xảy ra ở cầu thận, cấu trúc được tạo thành từ các mạch máu nhỏ trong thận. Điều này khiến thận không thể hoạt động bình thường.

Viêm thận bể thận: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm thận bể thận: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm thận bể thận cấp là tình trạng thận bị nhiễm trùng đột ngột và nghiêm trọng. Tình trạng này khiến cho thận sưng lên và có thể làm hỏng thận vĩnh viễn. Viêm thận bể thận có thể đe dọa đến tính mạng.

U lympho thận: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
U lympho thận: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

U lympho hay ung thư hạch (lymphoma) là một loại ung thư bắt đầu từ hệ miễn dịch. U lympho có thể lan rộng và ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết, lá lách, gan, phổi hoặc thận. U lympho đã lan đến thận có thể được gọi là u lympho thận.

Viêm cầu thận màng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm cầu thận màng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm cầu thận màng (membranous glomerulonephritis) là một loại viêm cầu thận. Viêm cầu thận màng xảy ra khi tình trạng viêm các cấu trúc thận gây ảnh hưởng đến chức năng của thận. Viêm cầu thận màng còn được gọi là viêm vi cầu thận màng, viêm cầu thận ngoài màng hay bệnh thận màng.

Viêm Thận Kẽ: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Điều Trị
Viêm Thận Kẽ: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Điều Trị

Viêm thận kẽ là tình trạng viêm xảy ra ở vùng mô giữa các ống thận.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây