1

Bệnh thận IgA (bệnh Berger) là gì? Có nguy hiểm không?

Bệnh thận IgA, hay còn được gọi là bệnh Berger, là một bệnh thận mạn tính xảy ra khi immunoglobulin A (IgA) lắng đọng trong thận.
Bệnh thận IgA (bệnh Berger) là gì? Có nguy hiểm không? Bệnh thận IgA (bệnh Berger) là gì? Có nguy hiểm không?

Immunoglobulin hay globulin miễn dịch là một phần của hệ miễn dịch, hệ thống giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Ở những người mắc bệnh thận IgA, immunoglobulin A được tạo ra bị khiếm khuyết. IgA khiếm khuyết tạo thành các chuỗi và các chuỗi này bị mắc kẹt trong thận.

Hàng triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh thận IgA. Mặc dù bệnh thận IgA là một căn bệnh mạn tính, có nghĩa là kéo dài suốt đời nhưng trong hầu hết các trường hợp, căn bệnh này không gây ra vấn đề nào nghiêm trọng.

Phương pháp điều trị thường là dùng thuốc kiểm soát huyết áp và mức cholesterol. Trong một số trường hợp, bệnh thận IgA khiến chức năng thận suy giảm dần theo thời gian và khi thận không còn khả năng lọc máu, người bệnh có thể sẽ phải ghép thận.

Triệu chứng của bệnh thận IgA

Ở giai đoạn đầu của bệnh thận IgA, triệu chứng chính là tiểu ra máu. Tình trạng này được gọi là đái máu. Các triệu chứng bệnh thường bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi từ 15 đến 35, nhưng đa phần không được chú ý đến trong suốt nhiều năm vì lượng máu trong nước tiểu chỉ rất nhỏ.

Khi bệnh tiến triển và bắt đầu làm suy giảm chức năng thận, người bệnh còn gặp các triệu chứng khác như:

  • Nước tiểu màu nâu
  • Đau ở vùng hạ sườn
  • Có protein trong nước tiểu (protein niệu)
  • Tăng huyết áp
  • Sưng phù tay và chân

Nguyên nhân gây bệnh thận IgA

Globulin miễn dịch hay kháng thể là một loại protein lớn mà hệ miễn dịch tạo ra để tiêu diệt vi khuẩn và virus gây hại. Một trong các loại globulin miễn dịch là immunoglobulin A (hay IgA). Ở những người mắc bệnh thận IgA, immunoglobulin A không hoạt động bình thường. Thay vì chỉ gắn vào vi khuẩn và virus, IgA lại gắn nhầm vào các phân tử IgA khác và tạo ra chuỗi dài.

Các chuỗi này lưu thông trong máu, đi đến thận và cuối cùng lắng đọng trong các bộ phận lọc máu của thận (cầu thận). Các IgA lắng đọng này kích hoạt phản ứng viêm trong cơ thể và tình trạng viêm sẽ gây tổn thương thận.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể lý giải tại sao IgA của một số người lại hoạt động theo cách này nhưng họ tin rằng căn bệnh này có yếu tố di truyền vì đôi khi, nhiều người trong một gia đình cùng mắc bệnh thận IgA.

Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận IgA. Một trong số đó là giới tính. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh thận IgA cao gấp 2 đến 3 lần so với phụ nữ. Một yếu tố nguy cơ khác là chủng tộc. Một số nhóm chủng tộc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, gồm có người Mỹ bản địa, người da trắng và người châu Á.

Các bệnh lý khác có liên quan đến bệnh thận IgA gồm có:

  • Bệnh gan, gồm có xơ gan, viêm gan B và viêm gan C
  • Bệnh celiac (không dung nạp gluten)
  • Viêm da dạng herpes
  • Các bệnh do nhiễm trùng, bao gồm cả HIV, nhiễm virus đường hô hấp trên và virus dạ dày
  • Ban xuất huyết Henoch-Schönlein

Chẩn đoán bệnh thận IgA

Trong nhiều trường hợp, bệnh thận IgA được phát hiện khi xét nghiệm nước tiểu định kỳ cho thấy có protein và hồng cầu trong nước tiểu.

Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử cá nhân và gia đình, tiến hành khám lâm sàng và sau đó hỏi người bệnh về các triệu chứng, ví dụ như nước tiểu sẫm màu hay có màu hồng đỏ và người bệnh có tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu hay không.

Để xác nhận chẩn đoán và loại trừ các bệnh lý khác, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu thực hiện thêm các bước kiểm tra sau:

  • Sinh thiết thận để tìm IgA lắng đọng (sinh thiết là cách duy nhất để xác nhận chẩn đoán)
  • Tổng phân tích nước tiểu để kiểm tra xem có protein và máu trong nước tiểu hay không
  • Xét nghiệm creatinin máu để đo nồng độ creatinin trong máu
  • Độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) để đánh giá chức năng lọc chất thải từ máu của thận
  • Đo huyết áp
  • Xét nghiệm cholesterol

Điều trị bệnh thận IgA

Không có cách chữa khỏi bệnh thận IgA và cũng không có phương pháp điều trị tiêu chuẩn nào. Một số người không cần phải điều trị mà chỉ cần đi khám định kỳ để kiểm tra chức năng thận.

Trong những trường hợp phải điều trị, mục đích của việc điều trị là làm chậm sự tiến triển của tình trạng bệnh và kiểm soát huyết áp, sưng phù cũng như lượng protein trong nước tiểu.

Các phương pháp điều trị gồm có:

  • Thuốc điều trị cao huyết áp, gồm có thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB) hoặc thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE). Những loại thuốc này giúp làm giảm huyết áp và đồng thời giảm nồng độ protein trong nước tiểu
  • Thuốc ức chế miễn dịch, chẳng hạn như steroid đường uống
  • Uống bổ sung axit béo omega-3, ví dụ như dầu cá
  • Statin – một nhóm thuốc hạ cholesterol
  • Thuốc lợi tiểu để loại bỏ nước thừa khỏi máu

Ở một số người, bệnh thận IgA tiến triển dần dần trong nhiều năm và cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối.

Những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối sẽ cần phải lọc máu hoặc ghép thận. Tuy nhiên, sau khi ghép thận, bệnh thận IgA vẫn có thể tái phát ở quả thận mới.

Kiểm soát bệnh thận IgA bằng chế độ ăn uống

Người bệnh có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh thận IgA bằng cách thực hiện một vài thay đổi trong chế độ ăn uống, gồm có:

  • Hạn chế chất béo bão hòa và cholesterol
  • Ăn ít muối (natri)
  • Giảm lượng protein
  • Ăn các loại thực phẩm giàu axit béo omega-3, chẳng hạn như hạt lanh, dầu hạt cải, các loại cá béo, dầu gan cá, các loại quả hạch hoặc uống dầu cá

Để giảm lượng natri và cholesterol, người bệnh có thể thử thực hiện chế độ ăn DASH. DASH là viết tắt của Dietary Approaches To Stop Hypertension, có nghĩa là một chế độ ăn nhằm kiểm soát và phòng ngừa cao huyết áp. Chế độ ăn này tập trung vào trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và giảm lượng natri.

Vì giúp giảm huyết áp nên chế độ ăn DASH sẽ có lợi cho những người mắc bệnh thận IgA, những người cần giữ huyết áp trong phạm vi khỏe mạnh.

Người mắc bệnh thận IgA cũng nên hạn chế protein để làm chậm sự tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng vẫn chưa đưa ra bằng chứng thuyết phục chứng minh rằng việc cắt giảm lượng protein trong chế độ ăn có lợi cho những người mắc bệnh thận IgA.

Biến chứng của bệnh thận IgA

Mức độ nghiêm trọng của bệnh thận IgA ở mỗi ca bệnh là khác nhau. Không phải ai cũng gặp phải biến chứng và đôi khi, bệnh thậm chí còn có thể tự thuyên giảm.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh thận IgA tiến triển nặng và dẫn đến các biến chứng như:

  • Cao huyết áp
  • Cholesterol cao
  • Suy thận cấp
  • Suy thận mạn và suy thận mạn giai đoạn cuối
  • Bệnh tim

Tiên lượng và tuổi thọ của người bị bệnh thận IgA

Hiện không có cách chữa khỏi bệnh thận IgA và cũng không có cách nào có thể dự đoán bệnh sẽ tiến triển ra sao và có gây ra vấn đề nghiêm trọng hay không. Ở hầu hết các trường hợp, bệnh thận IgA tiến triển rất chậm.

Lên đến 70% người bị bệnh thận IgA có tuổi thọ bình thường mà không gặp phải biến chứng, đặc biệt là những người chỉ bị protein niệu tối thiểu và chức năng thận bình thường tại thời điểm chẩn đoán.

Mặt khác, khoảng 15% người mắc bệnh thận IgA bị suy thận mạn giai đoạn cuối trong vòng 10 năm kể từ thời điểm khởi phát và hơn 30% người bệnh bị suy thận mạn giai đoạn cuối trong vòng 20 năm. (1) Những người bị cao huyết áp lâu năm, đái máu và protein niệu kéo dài (trên 1 gram/ngày) có tiên lượng kém nhất.

Những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối cần lọc máu hoặc ghép thận. Hầu hết các ca ghép thận đều thành công nhưng bệnh thận IgA có thể tái phát ở quả thận mới.

Khoảng 40% những người bị tái phát bệnh thận IgA cuối cùng phải phẫu thuật cắt bỏ đi một quả thận nhưng có thể phải sau 10 năm kể từ khi ghép thận thì điều này mới xảy ra. (2)

Sau khi xác nhận bệnh thận IgA, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: nguy hiểm
Tin liên quan
Ung Thư Thận Ở Tuổi Thiếu Niên Có Nguy Hiểm Không?
Ung Thư Thận Ở Tuổi Thiếu Niên Có Nguy Hiểm Không?

Ung thư thận ở tuổi thiếu niên có nguy hiểm không? Bài viết này sẽ nêu ra những loại ung thư thận mà thiếu niên có thể mắc phải, nguyên nhân, chứng và tiên lượng bệnh.

U Nguyên Bào Thận (U Wilms) Có Nguy Hiểm Không?
U Nguyên Bào Thận (U Wilms) Có Nguy Hiểm Không?

U nguyên bào thận là loại ung thư phổ biến thứ tư ở trẻ em và là loại ung thư thận phổ biến nhất ở trẻ em.

Thận ứ nước có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?
Thận ứ nước có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?

Thận ứ nước là tình trạng thận bị giãn nở và phình to do nước tiểu bị ứ lại trong thận thay vì chảy xuống bàng quang. Tình trạng này thường chỉ xảy ra ở một quả thận nhưng cũng có thể xảy ra ở cả hai quả thận.

Nang tủy thận là gì? Có nguy hiểm không?
Nang tủy thận là gì? Có nguy hiểm không?

Nang tủy thận (medullary cystic kidney disease) là một bệnh lý hiếm gặp trong đó chính giữa thận có các túi nhỏ chứa dịch (nang). Tình trạng này còn đi kèm sẹo hình thành trong các ống thận. Nước tiểu chảy từ các ống thận qua đường tiết niệu. Sẹo khiến cho các ống này bị tắc nghẽn và nước tiểu không thể chảy qua.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây