Xét nghiệm đo mức triglyceride trong máu có ý nghĩa gì?

Triglyceride là một loại lipid (chất béo) hình thành từ lượng calo dư thừa mà cơ thể dự trữ để sử dụng sau này và được hấp thụ từ thực phẩm. Chúng lưu thông trong máu và được cơ thể giải phóng khi cần năng lượng.
Mức triglyceride cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tình trạng này có thể xảy ra nếu bạn thường xuyên tiêu thụ nhiều calo hơn nhu cầu của cơ thể hoặc nếu bạn mắc một số bệnh lý nhất định.
Bác sĩ sử dụng xét nghiệm đo mức triglyceride trong máu, còn gọi là xét nghiệm triacylglycerol, để đánh giá lượng triglyceride trong cơ thể.
Dưới đây là ý nghĩa của kết quả xét nghiệm triglyceride và cách kiểm soát mức triglyceride hiệu quả.
Tại sao cần xét nghiệm đo mức triglyceride?
Bác sĩ thường yêu cầu xét nghiệm triglyceride như một phần của xét nghiệm lipid máu tổng thể mỗi 5 năm.
Xét nghiệm lipid máu (lipid panel) được thực hiện để đo lường các chỉ số:
- Mức triglyceride
- Tổng lượng cholesterol
- Mức cholesterol “tốt” (HDL – lipoprotein tỷ trọng cao)
- Mức cholesterol “xấu” (LDL – lipoprotein tỷ trọng thấp)
Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm thường xuyên hơn nếu bạn:
- Đang điều trị tình trạng có mức triglyceride cao
- Bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tim
- Nhiễm HIV
Trẻ em cũng có thể cần thực hiện xét nghiệm này nếu có nguy cơ mắc bệnh tim do tiền sử gia đình hoặc bị thừa cân, béo phì. Trẻ có nguy cơ cao thường cần xét nghiệm triglyceride từ 2 đến 10 tuổi.
Mức lipid máu cao có thể dẫn đến xơ vữa động mạch (hẹp động mạch), làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Ngoài ra, mức triglyceride cao có thể gây viêm tụy và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Sau khi kiểm tra mức triglyceride, bác sĩ có thể khuyến nghị thay đổi lối sống hoặc sử dụng thuốc để giúp giảm triglyceride nếu cần thiết.
Chuẩn bị trước khi xét nghiệm triglyceride
Xét nghiệm lipid máu khi đói thường yêu cầu bạn cần nhịn ăn trong 12 giờ để có kết quả chính xác, tuy nhiên bạn vẫn có thể uống nước.
Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn cụ thể về thời gian nhịn ăn trước xét nghiệm. Bạn cũng có thể cần tránh uống rượu và một số loại thuốc trước khi xét nghiệm.
Các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm bao gồm:
- Axit ascorbic (vitamin C)
- Asparaginase
- Thuốc chẹn beta (beta-blockers)
- Cholestyramine (Prevalite)
- Clofibrate
- Colestipol (Colestid)
- Estrogen
- Fenofibrate (Fenoglide, Tricor)
- Dầu cá
- Gemfibrozil (Lopid)
- Axit nicotinic
- Thuốc tránh thai
- Thuốc ức chế protease
- Retinoid
- Một số thuốc chống loạn thần
- Statin
Xét nghiệm triglyceride được thực hiện như thế nào?
Trong quá trình xét nghiệm, bác sĩ sẽ lấy máu từ tĩnh mạch ở mặt trước khuỷu tay hoặc mu bàn tay.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng máy xét nghiệm cầm tay để đo triglyceride. Máy này thu một lượng máu nhỏ từ đầu ngón tay và phân tích mức triglyceride như một phần của xét nghiệm lipid máu. Loại xét nghiệm này có thể được thực hiện tại các phòng khám lưu động hoặc hội chợ sức khỏe.
Bạn cũng có thể mua máy xét nghiệm tại nhà hoặc gửi mẫu máu đến phòng thí nghiệm bằng bộ xét nghiệm đã được chuẩn bị sẵn. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để bạn có phù hợp để xét nghiệm tại nhà hay không.
Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm triglyceride
Mức triglyceride khi đói có thể thay đổi theo từng ngày. Sau khi ăn, mức triglyceride có thể tăng gấp 5 đến 10 lần so với mức khi đói.
Dưới đây là các ngưỡng đánh giá mức triglyceride:
Mức triglyceride bình thường khi đói
Ở người lớn: dưới 150 mg/dL
Ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 10 đến 19 tuổi: dưới 90 mg/dL
Mức triglyceride cao khi đói
Tình trạng triglyceride trong máu tăng cao được gọi là tăng triglyceride máu (hypertriglyceridemia).
Bác sĩ thường phân loại mức triglyceride cao thành các nhóm sau:
- Giới hạn cao: 150 – 199 mg/dL
- Cao: 200 – 499 mg/dL
- Rất cao: trên 500 mg/dL
Nếu mức triglyceride khi đói vượt quá 500 mg/dL, nguy cơ viêm tụy cấp sẽ tăng cao. Khi đó, cần điều trị ngay để giảm triglyceride.
Ngoài ra, khi mức triglyceride cao, tổng lượng cholesterol cũng có thể tăng, dẫn đến tình trạng tăng lipid máu (hyperlipidemia).
Nguyên nhân gây triglyceride cao
Bạn sẽ có nguy cơ cao bị tăng triglyceride máu nếu:
- Hút thuốc lá
- Ít vận động
- Thừa cân, béo phì
- Lạm dụng rượu bia
- Chế độ ăn ít protein và nhiều carbohydrate
Một số bệnh lý sau cũng có thể làm tăng triglyceride:
- Bệnh gan (như gan nhiễm mỡ không do rượu)
- Tiểu đường (đặc biệt là khi kiểm soát kém)
- Yếu tố di truyền
- Tăng lipid máu (hyperlipidemia)
- Suy giáp (hypothyroidism)
- Hội chứng thận hư hoặc bệnh thận mãn tính
- Viêm tụy
- Suy thận
- Các rối loạn di truyền như:
- Tăng lipid máu hỗn hợp gia đình (familial combined hyperlipidemia)
- Rối loạn chuyển hóa lipoprotein gia đình (familial dysbetalipoproteinemia)
- Tăng triglyceride máu gia đình (familial hypertriglyceridemia)
- Thiếu hụt lipoprotein lipase gia đình (familial lipoprotein lipase deficiency)
Ngoài ra, phụ nữ mang thai có thể có kết quả xét nghiệm triglyceride cao do thay đổi nội tiết tố.
Kết quả xét nghiệm triglyceride ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể mang ý nghĩa khác so với người lớn. Vì vậy, phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để hiểu rõ kết quả và cách xử lý phù hợp.
Cách kiểm soát mức triglyceride
Bạn có thể làm giảm mức triglyceride bằng cách:
- Giảm cân nếu cần
- Hạn chế lượng calo nạp vào
- Tránh thực phẩm chứa đường, carbohydrate tinh chế và thực phẩm chế biến sẵn
- Lựa chọn chất béo lành mạnh từ thực vật hoặc cá thay vì chất béo bão hòa
- Hạn chế hoặc tránh rượu bia
- Tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày với cường độ trung bình (đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe)
Tiêu thụ nhiều carbohydrate, đặc biệt là đường, có thể làm tăng mức cholesterol và triglyceride.
Tập thể dục không chỉ giúp giảm triglyceride mà còn làm tăng cholesterol HDL (cholesterol “tốt”). Ngay cả khi không giảm cân, tập thể dục vẫn giúp kiểm soát triglyceride hiệu quả.
Nếu tăng triglyceride do một bệnh lý nền gây ra, điều trị bệnh lý đó có thể giúp kiểm soát mức triglyceride.
Một số loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung có thể giúp giảm triglyceride, bao gồm:
- Omega-3
- Niacin (vitamin B3)
- Fibrate
- Statin
Tăng triglyceride máu thường đi kèm với tăng cholesterol, do đó điều trị thường tập trung vào việc làm giảm cả hai chỉ số bằng cách sử dụng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống.
Phối hợp với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng là cách tốt nhất để kiểm soát triglyceride thông qua chế độ ăn uống và sử dụng thuốc phù hợp.
Kết luận
Xét nghiệm triglyceride là một phần của xét nghiệm lipid máu, giúp đánh giá mức lipid trong cơ thể. Mức triglyceride cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các bệnh lý khác.
Điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện có thể giúp kiểm soát triglyceride, nhưng trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm mức triglyceride nếu cần.
Việc điều trị triglyceride cao và cholesterol cao không chỉ giúp giảm nguy cơ xảy ra biến chứng mà còn hỗ trợ duy trì sức khỏe tổng thể.

Cách hạ chỉ số triglyceride máu tại nhà dùng thuốc và không dùng thuốc

Bạn biết gì về hệ thống động mạch trong cơ thể?

Triglyceride là chất béo trung tính có ở trong máu, khi nó tăng cao sẽ gây ra hiện tượng máu nhiễm mỡ, và là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý tim mạch.

Bệnh cơ tim phì đại (HCM) là một bệnh tim di truyền khiến tim khó có thể bơm máu hiệu quả. Xét nghiệm di truyền thường được khuyến nghị cho các thành viên trong gia đình của người mắc bệnh HCM.