1

Vitamin D tác động thế nào đến nồng độ cholesterol?

Một số nghiên cứu cho thấy uống bổ sung vitamin D có thể cải thiện mức cholesterol. Có đúng là như vậy hay không? Và mối liên hệ giữa "vitamin ánh nắng mặt trời" và cholesterol trong cơ thể là gì?
Vitamin D tác động thế nào đến nồng độ cholesterol? Vitamin D tác động thế nào đến nồng độ cholesterol?

Cholesterol trong máu cao đang là một vấn đề mà rất nhiều người gặp phải.

Trên thực tế, bản thân cholesterol không gây hại. Cơ thể chúng ta tạo ra cholesterol và lưu thông trong máu. Một số dạng cholesterol còn giúp cơ thể thực hiện các chức năng một cách bình thường, khỏe mạnh.

Tuy nhiên, một dạng cholesterol có tên là lipoprotein mật độ thấp (LDL) hay cholesterol “xấu” có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ. Những người bị cholesterol cao sẽ cần dùng các loại thuốc điều trị để giảm nồng độ LDL cholesterol trong máu.

Một số nghiên cứu cho thấy uống bổ sung vitamin D có thể cải thiện mức cholesterol.

Có đúng là như vậy hay không? Và mối liên hệ giữa "vitamin ánh nắng mặt trời" và cholesterol trong cơ thể là gì?

Vitamin D là gì?

Vitamin D là một vitamin tan trong chất béo, có nhiều chức năng trong cơ thể nhưng chức năng chính là thúc đẩy sự hấp thụ canxi.

Có hai nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên là chế độ ăn uống và ánh nắng mặt trời. Vitamin D chỉ có trong một số ít loại thực phẩm như cá béo, hàu, lòng đỏ trứng, gan,… Khi tiếp xúc trực tiếp với nắng, da sẽ tự tổng hợp vitamin D nhưng không được bôi kem chống nắng. Kem chống nắng có chỉ số SPF từ 8 trở lên sẽ cản trở quá trình tổng hợp vitamin D trong da.

Dù đến từ nguồn nào thì vitamin D cũng phải trải qua một số thay đổi trong cơ thể trước khi trở thành dạng có thể sử dụng được. Vitamin D có một số chức năng chính là:

  • Giữ cho xương chắc khỏe
  • Cải thiện sức khỏe tim mạch
  • Bảo vệ sức khỏe phổi và đường hô hấp
  • Tăng cường chức năng cơ
  • Cải thiện chức năng miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng
  • Giảm nguy cơ một số bệnh ung thư

Vitamin D là chất rất cần thiết cho sức khỏe. Sự thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến loãng xương ở người lớn và còi xương ở trẻ nhỏ.

Một số nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng thiếu hụt vitamin D làm tăng nguy cơ trầm cảm, cao huyết áp, ung thư, tiểu đường tuýp 2, hen suyễn và cholesterol cao.

Cholesterol là gì?

Cholesterol cũng là một chất cần thiết trong cơ thể con người. Nhưng quá nhiều cholesterol thì lại có thể gây hại.

Có hai dạng cholesterol chính là LDL (lipoprotein mật độ thấp) và HDL (lipoprotein mật độ cao).

HDL còn được gọi là cholesterol “tốt” và nên duy trì nồng độ HDL trong máu ở mức trên 60 miligam/dL.

Mặt khác, LDL được gọi là cholesterol “xấu”, là loại cholesterol có thể gây hình thành cục máu đông trong động mạch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ. Nên giữ cho nồng độ LDL trong máu ở mức dưới 100 miligam/dL.

Vitamin D có thực sự làm giảm cholesterol không?

Còn nhiều ý kiến trái chiều về mối liên hệ giữa cholesterol và vitamin D.

Một số nghiên cứu cho thấy những người bị thiếu hụt vitamin D sẽ có nguy cơ bị cholesterol cao.

Nhưng một nghiên cứu vào năm 2012 cho thấy việc uống bổ sung vitamin D không có tác dụng làm giảm cholesterol, ít nhất là trong thời gian ngắn. (1) Trên thực tế, các nhà nghiên cứu thậm chí còn phát hiện ra rằng uống vitamin D làm tăng nồng độ LDL cholesterol.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu vào năm 2014 thì việc bổ sung canxi và vitamin D sẽ giúp cải thiện mức cholesterol ở phụ nữ mãn kinh, thừa cân hoặc béo phì. (2)

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health), hiện tại vẫn chưa có đủ bằng chứng để xác định bất kỳ mối liên hệ nào giữa lượng vitamin D và mức cholesterol trong cơ thể.

Mặc dù vậy nhưng vì vitamin D mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nên bổ sung đủ vitamin D hàng ngày vẫn là điều cần thiết.

Các cách bổ sung vitamin D

Theo khuyến nghị, mỗi người có thể bổ sung lượng vitamin D lên đến 4.000 IU mỗi ngày. (3) Lượng vitamin D này có thể đến từ chế độ ăn, ánh nắng hoặc viên uống bổ sung.

Chế độ ăn

Chỉ có rất ít thực phẩm tự nhiên chứa nhiều vitamin D, trong đó một số nguồn chính là các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ và cá thu. Ngoài ra, vitamin D còn có trong gan, nấm mọc tự nhiên, lòng đỏ trứng và các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc ăn sáng, nước ép trái cây đóng chai có bổ sung vitamin D.

Không phải loại sữa, ngũ cốc và nước ép nào cũng có chứa vitamin D nên cần phải kiểm tra nhãn sản phẩm khi mua.

Ánh nắng mặt trời

Ngoài chế độ ăn uống, ánh nắng mặt trời cũng là một nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên. Khi tiếp xúc với tia UV (tia cực tím) trong nắng, cơ thể sẽ tự tổng hợp vitamin D từ một dạng cholesterol trong da. Khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều là lúc mà tia cực tím trong nắng có cường độ mạnh nhất nhưng không nên phơi nắng trong thời gian này vì sẽ rất dễ bị cháy nắng, sạm da và tăng nguy cơ ung thư da. Khoảng thời gian lý tưởng nhất để tắm nắng là từ 9 -10 giờ hoặc 15 – 16 giờ. Đây là lúc tia cực tím vẫn đủ để kích thích sản sinh vitamin D trong da nhưng không quá mạnh đến mức gây hại. Theo khuyến nghị, mỗi lần chỉ cần tắm nắng 10 – 15 phút là đủ để đáp ứng nhu cầu vitamin D của cơ thể. Khi tắm nắng không được bôi kem chống nắng và phải để lộ càng nhiều da càng tốt. Kem chống nắng sẽ cản trở tia UV đến da.

Tuy nhiên, ở ngoài trời nắng trong thời gian dài mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ sẽ gây tổn hại da, dẫn đến cháy nắng, ung thư da và nhiều vấn đề khác. Do đó, nếu phải ra ngoài lâu thì cần bôi kem chống nắng và nhớ bôi lại sau mỗi 2 tiếng.

Viên uống bổ sung

Các loại viên uống bổ sung vitamin D thường cung cấp một trong hai dạng là vitamin D2 hoặc vitamin D3. Nếu dùng liều cao thì vitamin D3 sẽ giúp làm tăng lượng vitamin D trong cơ thể hiệu quả hơn so với vitamin D2 nhưng nếu dùng liều vừa phải thì hai dạng vitamin này mang lại hiệu quả tương đương nhau.

Các lợi ích của vitamin D đối với sức khỏe

Vitamin D là một chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sức khỏe. Vitamin D giúp giữ cho xương và răng chắc khỏe, ngoài ra còn góp phần làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như:

  • Bệnh vảy nến
  • Tự kỷ ám thị
  • Một số bệnh ung thư
  • Bệnh thận
  • Trầm cảm
  • Bệnh tự miễn
  • Hen suyễn

Vitamin D còn giúp tăng cường chức năng phổi và cơ, cải thiện hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.

Tác hại của vitamin D

Mặc dù rất hiếm khi xảy ra nhưng vitamin D có thể gây ra một số tác động tiêu cực. Vitamin D có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu nên những người bị tiểu đường hoặc hạ đường huyết nên thận trọng khi uống bổ sung vitamin này.

Liều lượng vitamin D quá lớn có thể dẫn đến tăng canxi huyết - tình trạng mà nồng độ canxi trong máu ở mức quá cao. Tăng canxi huyết có một số triệu chứng như táo bón, chán ăn, buồn nôn và nôn mửa, co thắt dạ dày, đau bụng và còn có thể gây hình thành sỏi thận.

Trước tiên nên làm xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ vitamin D và uống bổ sung theo chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình bổ sung nên xét nghiệm lại để theo dõi mức vitamin D.

Thuốc hạ cholesterol cholestyramine có thể gây cản trở sự hấp thụ vitamin D. Nếu đang sử dụng cholestyramine thì hãy nói chuyện với bác sĩ về việc uống bổ sung vitamin D.

Tóm tắt bài viết

Chưa có đủ bằng chứng để kết luận bổ sung vitamin D có thể làm giảm cholesterol nhưng bất kể có tác động đến cholesterol hay không thì vitamin D vẫn đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe.

Có thể tăng lượng vitamin D cho cơ thể bằng cách tắm nắng, ăn các loại thực phẩm giàu vitamin D hoặc dùng viên uống bổ sung.

Nếu có nồng độ cholesterol cao thì vẫn phải dùng thuốc điều trị.

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những điều cần biết về tác động của vitamin C đến thận
Những điều cần biết về tác động của vitamin C đến thận

Liều lượng vitamin C lớn có thể làm tăng nguy cơ hình thành loại sỏi thận phổ biến nhất, đó là sỏi canxi oxalat.

Tất cả những điều cần biết về vitamin D
Tất cả những điều cần biết về vitamin D

Có rất ít thực phẩm chứa nhiều vitamin D và tình trạng thiếu hụt loại vitamin quan trọng này là điều mà rất nhiều người gặp phải.

Thịt bò: Giá trị dinh dưỡng và những tác động đến sức khỏe
Thịt bò: Giá trị dinh dưỡng và những tác động đến sức khỏe

Thịt bò nạc rất giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là chất sắt và kẽm. Do đó, ăn thịt bò ở mức độ vừa phải là một điều được khuyến khích trong chế độ ăn uống lành mạnh.

Đậu nành và những tác động đến sức khỏe
Đậu nành và những tác động đến sức khỏe

Đậu nành chứa các chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng thực vật mang lại nhiều lợi ích khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều lo ngại về tác động tiêu cực của loại đậu này đến sức khỏe.

Ớt: Giá trị dinh dưỡng và tác động đến sức khỏe
Ớt: Giá trị dinh dưỡng và tác động đến sức khỏe

Ớt rất giàu vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật, trong đó có capsaicin - chất tạo nên vị cay nóng đặc trưng. Capsaicin có một số lợi ích cho sức khỏe nhưng đồng thời cũng đi kèm một số tác hại.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây