1

Viêm khớp dạng thấp ở đầu gối

Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể, bao gồm cả khớp gối. Tuy rằng viêm khớp dạng thấp không có cách chữa trị khỏi nhưng có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.
Viêm khớp dạng thấp ở đầu gối Viêm khớp dạng thấp ở đầu gối

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một loại viêm khớp xảy ra do hệ miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh trong khớp.

Viêm khớp dạng thấp chủ yếu xảy ra ở các khớp ở bàn tay và bàn chân nhưng cũng có thể xảy ra ở đầu gối và các khớp khác trong cơ thể. Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp đối xứng, ví dụ như cả hai bên cổ tay hoặc đầu gối.

Ước tính có khoảng 1% dân số thế giới bị viêm khớp dạng thấp. (1)

Nhiều người bị viêm khớp dạng thấp ở đầu gối trong suốt nhiều năm mà không hay biết do bệnh không biểu hiện triệu chứng.

Nếu viêm khớp dạng thấp không được điều trị, khớp sẽ bị viêm kéo dài và ngày càng nặng, cuối cùng có thể dẫn đến tổn thương khớp vĩnh viễn.

Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp ở đầu gối, các triệu chứng và cách điều trị.

Viêm khớp dạng thấp xảy ra như thế nào?

Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công và làm hỏng màng hoạt dịch của khớp. Màng hoạt dịch là lớp đệm mỏng bao quanh khớp. Sự tấn công của hệ miễn dịch làm cho các tế bào hoạt dịch tăng lên, khiến màng hoạt dịch dày lên và bị viêm.

Cụ thể, viêm khớp dạng thấp ở đầu gối xảy ra khi:

  1. Các tế bào miễn dịch nhắm vào màng hoạt dịch của khớp gối. Màng hoạt dịch có vai trò bảo vệ sụn, dây chằng và các mô khác của khớp gối. Các tế bào hoạt dịch còn tạo ra chất lỏng bôi trơn các khớp, giúp giảm ma sát khi chuyển động.
  2. Sự tấn công của tế bào miễn dịch khiến khớp gối bị viêm, đau và tổn thương mô khớp. Màng hoạt dịch sưng lên, chiếm nhiều không gian hơn trong khớp, làm giảm phạm vi chuyển động của khớp và dẫn đến cử động khó khăn.

Theo thời gian, tình trạng viêm có thể làm hỏng sụn và dây chằng của khớp gối. Cùng với chất lỏng hoạt dịch, những cấu trúc này giúp khớp gối chuyển động trơn tru và giảm ma sát.

Khi sụn bị mòn đi, các các đầu xương sẽ cọ xát vào nhau khi chuyển động. Điều này không những gây cử động khó khăn mà còn gây đau vì xương có các thụ cảm đau. Theo thời gian, xương cũng sẽ dần bị phá hỏng.

Tổn thương mô do viêm khớp dạng thấp sẽ dẫn đến đau mạn tính, ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng và ổn định, đồng thời còn gây biến dạng khớp.

Triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở đầu gối

Một triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm khớp dạng thấp là đau khớp, cơn đau tăng lên khi đứng, đi lại và cử động khớp. Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp không kéo dài dai dẳng mà xảy ra theo đợt. Cơn đau có thể từ nhẹ đến nặng với các biểu hiện khác nhau như nhức hoặc đau nhói.

Các triệu chứng phổ biến khác của viêm khớp dạng thấp ở đầu gối gồm có:

  • nóng quanh khớp
  • cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng và khi thời tiết lạnh
  • khớp yếu hoặc không ổn định khi phải chịu sức nặng
  • khó cử động và duỗi thẳng khớp gối
  • tiếng kêu lạo xạo, lục cục khi cử động khớp

Ngoài các triệu chứng ở khớp, người bị viêm khớp dạng thấp còn có thể gặp phải các triệu chứng khác như:

  • Mệt mỏi
  • Khô miệng và mắt (có thể là triệu chứng của hội chứng Sjögren)
  • Viêm mắt, chẳng hạn như viêm màng bồ đào hoặc viêm mống mắt
  • Ăn không ngon miệng
  • Sụt cân bất thường
  • Châm chích hoặc tê ở bàn chân hoặc ngón tay
  • Khó thở và ho khan kéo dài, có thể là triệu chứng của bệnh phổi kẽ

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp ở đầu gối

Dưới đây là các phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp ở đầu gối:

Khám lâm sàng

Bước đầu tiên trong quá trình chẩn đoán là khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh ngồi và duỗi chân ra để đánh giá phạm vi chuyển động của khớp, sau đó đặt tay lên đầu gối để xem các đầu xương có bị ma sát với nhau khi cử động hay không.

Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh đứng thẳng và đi lại để xem khớp có phát ra âm thanh bất thường hay không.

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và bệnh sử cá nhân của người bệnh.

Xét nghiệm máu

Các xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp gồm có xét nghiệm protein phản ứng C (CRP), xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF), xét nghiệm anti-CCP và xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu. Những xét nghiệm này giúp phát hiện một số chất chỉ ra phản ứng viêm trong cơ thể.

Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh

Ngoài xét nghiệm máu, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sau đây cũng cần thiết để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp:

  • Siêu âm: cho thấy sự tích tụ dịch ở đầu gối và tình trạng viêm. Đôi khi, siêu âm được sử dụng để hướng dẫn quá trình chọc dịch khớp gối trong những trường hợp phức tạp.
  • Chụp X-quang: cho thấy tình trạng tổn thương tổng thể, những thay đổi về hình dạng và kích thước của khớp cũng như không gian khớp.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): cung cấp hình ảnh ba chiều của cả xương và mô mềm, giúp phát hiện tổn thương ở xương và các mô khác trong khớp.

Điều trị viêm khớp dạng thấp ở đầu gối

Việc điều trị viêm khớp dạng thấp ở đầu gối tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Nếu bệnh nhẹ, người bệnh có thể chỉ cần dùng thuốc giảm đau.

Trong những trường hợp viêm khớp dạng thấp nặng, người bệnh có thể phải phẫu thuật để khôi phục khả năng vận động hoặc giảm đau và cứng khớp gối.

Các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp không cần phẫu thuật gồm có:

  • Corticoid: Corticoid được tiêm trực tiếp vào khớp gối để giảm sưng và đau. Tác dụng của thuốc chỉ là tạm thời nên người bệnh sẽ phải tiêm lại, thường là vài tháng một lần.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): các loại thuốc NSAID như naproxen và ibuprofen có thể giúp giảm đau và viêm.
  • Thuốc giảm đau tại chỗ: Những loại thuốc này được bôi ngoài da và có tác dụng giảm đau do viêm khớp.
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD): DMARD giúp làm giảm tình trạng viêm, nhờ đó giảm nhẹ các triệu chứng viêm khớp dạng thấp và làm chậm sự tiến triển của bệnh theo thời gian. Methotrexate là một trong những loại DMARD được sử dụng phổ biến nhất để điều trị viêm khớp dạng thấp.
  • Thuốc ức chế Janus kinase (JAK): Các loại thuốc ức chế JAK như tofacitinib, upadacitinib và baricitinib đã được phê duyệt sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Đây là những loại thuốc đường uống có tác dụng ức chế hoạt động của enzyme JAK, nhờ đó ngăn chặn phản ứng miễn dịch.
  • Thuốc sinh học: Thuốc sinh học ngăn cản một cách có chọn lọc các phản ứng miễn dịch gây viêm thay vì ngăn chặn toàn bộ phản ứng miễn dịch. Làm giảm phản ứng của hệ miễn dịch sẽ giúp làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Các loại thuốc sinh học phổ biến gồm có adalimumab và tocilizumab.

Các loại phẫu thuật để điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Phẫu thuật dây chằng hoặc gân bị tổn thương: Điều này giúp củng cố khớp gối và pục hồi lùi tổn thương do viêm.
  • Định hình lại xương đầu gối hoặc mô khớp (cắt xương): Điều này giúp giảm đau do mất sụn và giảm ma sát giữa các xương đầu gối.
  • Thay khớp gối: Thay khớp bị hỏng bằng khớp nhân tạo bằng nhựa hoặc kim loại để khôi phục sức mạnh và khả năng vận động.
  • Cắt màng hoạt dịch: giúp giảm đau do sưng màng hoạt dịch khi cử động nhưng ngày nay phương pháp điều trị này không còn được sử dụng phổ biến.

Các biện pháp khắc phục tại nhà

Dưới đây là một số biện pháp khắc phục tại nhà mà người bệnh có thể thử để giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở đầu gối:

  • Tập thể dục: Hãy thử các bài tập tác động nhẹ như bơi lội, yoga hoặc thái cực quyền để giảm áp lực tác động lên đầu gối. Nên tập thể dục trong thời gian ngắn hơn để giảm nguy cơ bùng phát triệu chứng. Đeo đai bảo vệ đầu gối khi tập có thể giúp tăng tính ổn định cho khớp và ngăn ngừa chấn thương.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Chế độ ăn với nhiều thực phẩm có đặc tính chống viêm như rau xanh, trái cây, các loại hạt, cá béo… rất có lợi cho người bị viêm khớp dạng thấp.
  • Dùng thực phẩm chức năng giúp giảm viêm như dầu cá, tinh bột nghệ
  • Chườm ấm lên khớp để giảm sưng đau. Nên kết hợp với NSAID hoặc các loại thuốc giảm đau không kê đơn khác như acetaminophen để có hiệu quả cao hơn.
  • Thiết bị hỗ trợ như lót giày y khoa, gậy chống hay nẹp đầu gối để giảm áp lực lên khớp gối khi đi lại.

Khi nào cần đi khám?

Nên đi khám khi gặp bất kỳ vấn đề nào sau đây ở khớp gối:

  • không thể đi lại hoặc thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày do đau khớp hoặc cứng khớp
  • cơn đau dữ dội đến mức không ngủ được vào ban đêm hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày
  • các triệu chứng cản trở cuộc sống hàng ngày

Đến bệnh viện ngay lập tức nếu đầu gối bị sưng trầm trọng hoặc khớp nóng đỏ và đau. Đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nếu không điều trị kịp thời, nhiễm trùng sẽ phá hỏng khớp gối.

Tóm tắt bài viết

Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở đầu gối và gây sưng đau, cứng khớp, cản trở sinh hoạt hàng ngày.

Điều quan trọng là phải điều trị sớm. Càng để lâu, khớp sẽ càng bị tổn thương nặng, gây hạn chế cử động và khiến người bệnh khó đi lại.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các tư thế ngủ phù hợp với người bị viêm khớp dạng thấp
Các tư thế ngủ phù hợp với người bị viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp khiến cho các khớp bị đau và cứng. Tình trạng này sẽ khiến cho người bệnh khó ngủ và ngủ không ngon giấc. Nếu bạn bị viêm khớp dạng thấp, điều chỉnh tư thế ngủ có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn và ngủ ngon giấc hơn, nhờ đó tăng mức năng lượng cơ thể và cải thiện các triệu chứng khác của bệnh.

Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán bằng cách nào?
Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán bằng cách nào?

Quá trình chẩn đoán viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) thường mất nhiều thời gian. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường giống như triệu chứng của các bệnh khác như bệnh lupus hoặc các bệnh mô liên kết khác.

Bệnh viêm khớp dạng thấp có di truyền không?
Bệnh viêm khớp dạng thấp có di truyền không?

Viêm khớp dạng thấp không được coi là một bệnh di truyền. Tuy nhiên, việc mang một số gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.

Viêm khớp dạng thấp có gây rụng tóc không?
Viêm khớp dạng thấp có gây rụng tóc không?

Bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp và thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp đều có thể gây rụng tóc nhưng triệu chứng này không phổ biến và đa phần không nghiêm trọng. Hơn nữa còn có nhiều cách để khắc phục tình trạng rụng tóc do viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp dạng thấp ở cổ: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp dạng thấp ở cổ: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở đốt sống thứ nhất và thứ hai ở cổ. Tình trạng này gây đau, cứng khớp và mất vững cột sống.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây