Khi nào cần thay đổi phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp?
Hiện tại chưa có cách chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị có thể giúp làm giảm các triệu chứng và ngăn khớp bị hỏng nặng thêm.
Các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Có ba loại thuốc chính để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.
Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD)
DMARD hiện là nhóm thuốc chính để điều trị viêm khớp dạng thấp vì các loại thuốc này rất hiệu quả. DMARD có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp. Điều này giúp ngăn ngừa hỏng khớp vĩnh viễn và các biến chứng về lâu dài khác. Tuy nhiên, thường phải sau vài tháng thì DMARD mới phát huy tác dụng tối đa.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Các loại NSAID không kê đơn được sử dụng phổ biến gồm có ibuprofen và naproxen. Các loại thuốc này thường được sử dụng cùng với thuốc kê đơn để kiểm soát các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. NSAID giúp giảm đau và viêm. Tuy nhiên, NSAID không có tác dụng ngăn ngừa hỏng khớp và làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp.
Thuốc sinh học
Thuốc sinh học là loại thuốc mới được đưa vào sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp. Thực ra, thuốc sinh học là một loại DMARD nhưng khác ở chỗ thuốc sinh học nhắm đến các phần gây viêm cụ thể của hệ miễn dịch thay vì ngăn chặn toàn bộ hoạt động của hệ miễn dịch như DMARD thường. Ngoài ra, thuốc sinh học thường phát huy tác dụng chỉ trong vòng vài tuần, nhanh hơn so với DMARD thường.
Các lý do cần thay đổi phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp
Có nhiều cách để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Phác đồ điều trị ở mỗi ca bệnh là khác nhau. Một phương pháp điều trị có hiệu quả với người này chưa chắc sẽ hiệu quả với những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp khác. Và hiệu quả của các phương pháp điều trị cũng có thể giảm đi sau một thời gian.
Dưới đây là 5 lý do chính cần thay đổi phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp.
1. Thuốc không còn tác dụng
Đây là một vấn đề phổ biến, xảy ra với rất nhiều loại thuốc. Sau một thời gian sử dụng, thuốc có thể bị giảm tác dụng hoặc thậm chí hoàn toàn không còn tác dụng kiểm soát các triệu chứng. Tình trạng này được gọi là “nhờn thuốc”, xảy ra khi cơ thể đã quen với thuốc và không còn đáp ứng tốt với thuốc như trước.
2. Triệu chứng tái phát
Nếu các triệu chứng như đau và cứng khớp tái phát thường xuyên, có thể bác sĩ sẽ tăng liều dùng thuốc hoặc kê thêm loại thuốc khác, ví dụ như NSAID hoặc corticoid. Tuy nhiên, người bệnh không được tự ý tăng liều dùng, thay đổi hoặc dùng thêm thuốc.
3. Xuất hiện triệu chứng mới
Nếu có thêm các triệu chứng mới, chẳng hạn như đau và sưng tấy ở một bộ phận khác trên cơ thể thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh viêm khớp dạng thấp đã trở nên nặng hơn. Nếu bạn đang dùng DMARD thì có thể sẽ phải chuyển sang thuốc sinh học hoặc dùng thêm một loại thuốc khác để kiểm soát bệnh hiệu quả hơn và ngăn bệnh tiếp tục tiến triển.
4. Gặp tác dụng phụ
Các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp đều đi kèm tác dụng phụ và mỗi loại thuốc có tác dụng phụ khác nhau với mức độ từ nhẹ đến nặng. Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Giảm chức năng miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm trùng
- Vấn đề về gan và thận
- Bầm tím và chảy máu
- Thay đổi kết quả xét nghiệm máu
- Nhồi máu cơ tim
- Đột quỵ
Bạn nên hỏi rõ bác sĩ về các tác dụng phụ của thuốc trước khi bắt đâu sử dụng. Nếu gặp các tác dụng phụ gây khó chịu hoặc kéo dài dai dẳng khi dùng thuốc thì bạn nên báo cho bác sĩ. Có thể bác sĩ sẽ kê một loại thuốc khác.
5. Các triệu chứng biến mất
Nếu các triệu chứng không tái phát trong nhiều tháng liên tiếp thì có thể là bệnh viêm khớp dạng thấp đã thuyên giảm.
Bạn nên báo cho bác sĩ biết để giảm liều dùng thuốc hoặc chuyển từ thuốc sinh học sang DMARD thường. Nếu đang dùng NSAID thì có thể ngừng. Lý do là vì NSAID chỉ điều trị các triệu chứng và nếu không còn triệu chứng thì không cần sử dụng NSAID nữa. Ngoài ra, NSAID có thể gây tác dụng phụ nếu dùng lâu dài.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có nhiều loại thuốc giúp làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp và kiểm soát sự tiến triển của bệnh. Phác đồ điều trị có thể cần thay đổi theo thời gian vì các lý do như thuốc không còn tác dụng, bệnh tiến triển nặng thêm, thuốc gây tác dụng phụ và bệnh thuyên giảm. Nếu bạn nghĩ rằng cần phải điều chỉnh phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp thì hãy báo cho bác sĩ. Không nên tự ý ngừng thuốc, thay đổi liều dùng hay loại thuốc.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính gây sưng đau, cứng khớp và giảm khả năng vận động. Hiện không có cách chữa trị dứt điểm bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có nhiều cách để kiểm soát tình trạng, cải thiện khả năng vận động và chất lượng cuộc sống.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tiến triển và phác đồ điều trị cũng có thể cần thay đổi theo thời gian. Dưới đây là 7 lý do chính cần điều chỉnh thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở đốt sống thứ nhất và thứ hai ở cổ. Tình trạng này gây đau, cứng khớp và mất vững cột sống.
Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các khớp. Điều này gây viêm khớp và dẫn đến ra các triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày như sưng đau, cứng khớp va khớp nóng đỏ.
Kháng thể đơn dòng là một loại thuốc sinh học được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp khi các loại thuốc khác không hiệu quả. Kháng thể đơn dòng giúp điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp thông qua nhiều cơ chế khác nhau.