Uống cà phê khi cho con bú có an toàn không?
Có được uống cà phê khi cho con bú không?
Các mẹ không cần phải kiêng cà phê trong thời gian cho con bú. Uống một lượng vừa phải (khoảng 2 - 3 cốc 240ml) mỗi ngày sẽ không gây ảnh hưởng gì đến em bé. (1)
Tuy nhiên cần lưu ý, hàm lượng caffeine trong một cốc cà phê còn tùy thuộc vào loại hạt cà phê và cách pha chế. Các chuyên gia khuyến nghị phụ nữ cho con bú chỉ nên tiêu thụ khoảng 200 đến 300 mg caffeine mỗi ngày.
Ảnh hưởng của caffeine đến sữa mẹ
Nồng độ caffeine trong sữa mẹ đạt mức cao nhất trong vòng khoảng từ 1 đến 2 tiếng sau khi uống cà phê và sau đó giảm dần. (2) Chỉ có một lượng caffeine rất nhỏ đi vào sữa mẹ sau khi uống cà phê.
Theo kết quả từ một nghiên cứu, chỉ có từ 0.06 đến 1.5% lượng caffeine từ người mẹ đi vào cơ thể trẻ qua sữa mẹ. (3)
Ngoài cà phê, caffeine còn có trong các loại thực phẩm và đồ uống khác, chẳng hạn như trà, sô cô la, nước tăng lực và nước ngọt. Giới hạn về lượng caffeine tiêu thụ nói trên là bao gồm tất cả các nguồn chứ không riêng cà phê.
Mặc dù Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) đã phân loại caffeine là một “chất an toàn trong thời gian cho con bú” nhưng bạn vẫn nên hạn chế lượng caffeine tiêu thụ ở mức 300 mg hoặc ít hơn mỗi ngày.
Ảnh hưởng của caffeine đến trẻ sơ sinh
Nếu người mẹ uống 10 cốc cà phê trở lên mỗi ngày và cho con bú thì có thể trẻ sẽ có những biểu hiện như cáu gắt, quấy khóc và ngủ kém.
Cơ thể trẻ sơ sinh chuyển hóa caffeine chậm hơn so với trẻ lớn và người trưởng thành nên có thể xảy ra những hiện tượng nêu trên kể cả khi mẹ uống ít cà phê hơn.
Một số trẻ sơ sinh còn nhạy cảm với caffeine hơn bình thường. Nếu như nhận thấy trẻ hay quấy khóc hoặc khó ngủ sau khi mẹ uống cà phê thì nên giảm bớt lượng tiêu thụ hoặc cho con bú xong mới uống cà phê.
Ảnh hưởng của cà phê đến người mẹ
Tiêu thụ quá nhiều caffeine cũng sẽ tác động tiêu cực đến người mẹ. Uống nhiều hơn 4 cốc mỗi ngày có thể gây ra những vấn đề như:
- Đau nửa đầu
- Bồn chồn, hồi hộp
- Khó ngủ, mất ngủ
- Đi tiểu nhiều
- Đau bụng
- Tim đập nhanh
- Run tay
Caffeine có ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ không?
Không có bằng chứng nào chứng minh rằng uống cà phê hoặc các loại đồ ăn, thức uống chứa caffeine khác ở mức độ vừa phải sẽ ảnh hưởng đến sữa mẹ.
Vắt bỏ sữa có tác dụng loại bỏ caffeine trong sữa không?
Nhiều người cho rằng có thể vắt hút sữa và bỏ đi sau khi người mẹ tiêu thụ một chất có thể gây hại, chẳng hạn như rượu hoặc caffeine để tránh những chất này đi vào cơ thể trẻ.
Trên thực tế, việc này chỉ được thực hiện nhằm mục đích lưu trữ sữa mẹ cho những lúc không thể cho trẻ bú trực tiếp. Phương pháp này không có tác dụng loại bỏ các chất có hại ra khỏi sữa. Sau khi uống cà phê, nếu muốn caffeine không đi vào cơ thể bé thì phải chờ cho caffeine được chuyển hóa một cách tự nhiên và không còn trong sữa mẹ.
Nếu như lo lắng về việc caffeine sẽ ảnh hưởng xấu đến con thì cần nhớ rằng nồng độ caffeine trong sữa mẹ đạt mức cao nhất sau khoảng 1 đến 2 tiếng kể từ khi uống cà phê.
Để giảm khả năng caffeine đi vào cơ thể trẻ thì nên uống cà phê ngay trước khi cho con bú hoặc nếu các cữ bú cách nhau từ 2 tiếng trở lên thì uống cà phê ngay sau khi cho con bú xong.
Lượng caffeine trong cà phê
Lượng caffeine trong cà phê tùy thuộc vào các yếu tố như loại cà phê, phương pháp rang xay, pha chế...
Lượng caffeine trong một cốc cà phê 240 ml có thể dao động từ 30 đến 700 mg.
Sự khác biệt giữa cà phê rang nhạt, rang vừa và rang đậm
Trên thực tế, mức độ rang (rang đậm, rang vừa và rang nhạt) không tạo sự khác biệt đáng kể về hàm lượng caffeine trong hạt cà phê. Tuy nhiên, vì mỗi mức độ rang sẽ cho ra cà phê có mật độ hạt khác nhau nên lượng caffeine trong thành phẩm sẽ có sự chênh lệch. Cà phê rang nhạt (light roast) thường có mật độ hạt lớn hơn so với cà phê rang đậm (dark roast). Do đó, nếu so sánh hai cốc cà phê có cùng thể tích thì cốc cà phê rang nhạt sẽ chứa nhiều caffeine hơn đáng kể so với cốc cà phê rang đậm.
Các giải pháp thay thế để giảm mệt mỏi
Trong thời gian đầu làm mẹ, việc có giấc ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi đêm là điều “xa xỉ” và thiếu ngủ sẽ dẫn đến kết quả là tình trạng mệt mỏi, uể oải vào ngày hôm sau. Uống cà phê hoặc trà là biện pháp hữu hiệu để giảm mệt mỏi, buồn ngủ nhưng nếu lo ngại caffeine sẽ gây hại cho sức khỏe của con trong thời gian cho con bú thì mẹ có thể thử những cách dưới đây để lấy lại sự tỉnh táo và tăng mức năng lượng cho cơ thể.
Uống nhiều nước
Uống nhiều nước hàng ngày là điều cần thiết để cung cấp đủ nước cho cơ thể. Việc này còn giúp cho cơ thể tràn đầy năng lượng hơn. Một trong những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng mất nước là cảm giác mệt mỏi.
Phụ nữ cho con bú cần nạp vào cơ thể khoảng 3 lít nước mỗi ngày.
Vận động nhiều hơn
Khi đã mệt thì chẳng ai còn muốn tập thể dục nữa nhưng trên thực tế, việc vận động sẽ kích thích cơ thể sản sinh thêm endorphin – một hormone tạo sự phấn chấn, tỉnh táo và giảm mức độ căng thẳng. Tăng cường hoạt động thể chất còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Khi cơ thể đã hồi phục sau sinh thì nên cố gắng tập thể dục cường độ vừa phải 150 phút mỗi tuần.
Ăn uống đủ chất
Cung cấp năng lượng cho cơ thể bằng một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng là điều đặc biệt quan trọng trong thời gian cho con bú.
Trong thời gian cho con bú, người mẹ nên cố gắng nạp vào cơ thể tổng cộng từ 2.300 đến 2.500 calo mỗi ngày, có nghĩa là nhiều hơn khoảng 500 calo so với bình thường. Ăn uống đủ chất sẽ giúp tăng mức năng lượng và nguồn sữa mẹ.
Sắp xếp công việc hợp lý
Sau khi sinh, các mẹ nên lập một danh sách những việc cần làm mỗi ngày và ưu tiên những việc quan trọng trước. Nếu có thể thì hãy nhờ người thân hỗ trợ để giảm bớt áp lực cả về thể chất và tinh thần.
Trò chuyện cùng người khác
Trong thời gian đầu sau sinh, phụ nữ thường rất dễ tự cô lập mình do phải chăm con và làm nhiều công việc khác. Hãy cố gắng dành ra một chút thời gian ra ngoài gặp gỡ bạn bè hoặc chỉ đơn giản là trò chuyện nhiều hơn với các thành viên trong gia đình. Điều này sẽ giúp cho tinh thần thoải mái hơn và tiếp thêm năng lượng.
Tóm tắt bài viết
Không cần thiết phải bỏ cà phê trong thời gian cho con bú nhưng chỉ nên uống ở mức vừa phải, khoảng 200 đến 300 mg caffeine mỗi ngày.
Mức tiêu thụ này sẽ không gây hại đến sức khỏe của trẻ sơ sinh nhưng vẫn nên theo dõi các biểu hiện bất thường ở trẻ như hay quấy khóc, khó chịu hoặc khó ngủ. Nếu thấy trẻ có những hiện tượng này thì cần điều chỉnh lượng tiêu thụ cho phù hợp và nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn thêm.
Trong cuộc sống bạn rộn, cà phê hòa tan là sản phẩm được rất nhiều người lựa chọn vì thời gian pha chế nhanh chóng và giá cũng rẻ hơn so với cà phê pha phin. Cà phê hòa tan thậm chí còn chiếm hơn 50% tổng lượng cà phê tiêu thụ ở một số quốc gia.
Nhiều người có thói quen uống cà phê ngay khi vừa mới thức dậy vào buổi sáng nhưng có ý kiến cho rằng uống cà phê khi bụng đói sẽ gây hại cho sức khỏe.
Nhiều người thường có thói quen uống một tách cà phê vào buổi sáng và băn khoăn không biết có thể uống cà phê vào giai đoạn nhịn ăn hay không.
Cà phê là một thức uống có chứa caffeine phổ biến có tác dụng tăng mức năng lượng và kích thích thần kinh. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể uống cà phê. Phụ nữ mang thai nên giảm hoặc kiêng các loại đồ uống chứa caffeine để tránh các vấn đề không mong muốn.
Mặc dù uống cà phê ở mức độ vừa phải thường vô hại và thậm chí có lợi đối với người khỏe mạnh nhưng có thể sẽ phải hạn chế hoặc tạm thời ngừng uống khi bị bệnh.
- 0 trả lời
- 687 lượt xem
dạ chào bác sĩ . em bé hiện tại sa được 37 tuần . cdxd chi có 55 , 2kg1 vây có bị hội chứng người lùn k ạ