Ung thư bàng quang thường xảy ra ở độ tuổi nào?
Ung thư bàng quang là bệnh ung thư bắt đầu phát sinh từ các tế bào của bàng quang. Theo số liệu ước tính, vào năm 2020 trên toàn thế giới có khoảng trên 570.000 ca mắc mới ung thư bàng quang. Đây là loại ung thư có số ca mắc cao thứ 10 và số ca tử vong cao thứ 13 trên toàn thế giới. (1) Bất kỳ ai cũng có thể mắc ung thư bàng quang nhưng bệnh này phổ biến nhất ở nam giới và người trên 65 tuổi. (2)
Dưới đây là tỷ lệ mắc ung thư bàng quang ở mỗi nhóm tuổi cũng như tiên lượng tổng thể, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh và một số triệu chứng cần lưu ý.
Tỷ lệ mắc ung thư bàng quang theo độ tuổi
Mặc dù ung thư bàng quang có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute - NCI), độ tuổi trung bình tại thời điểm chẩn đoán ung thư bàng quang là 73 tuổi. (3)
Dưới đây là tỷ lệ mắc ung thư bàng quang ở các nhóm tuổi dựa trên dữ liệu từ NCI và các nhóm nghiên cứu khác.
Dưới 20 tuổi
Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể mắc ung thư bàng quang nhưng loại ung thư này cực kỳ hiếm gặp ở người dưới 20 tuổi. Trên thực tế, NCI báo cáo rằng nhóm tuổi này chiếm 0% tổng số ca mắc mới ung thư bàng quang từ năm 2015 đến năm 2019.
20 đến 34 tuổi
Mặc dù nguy cơ mắc bệnh vẫn ở mức thấp nhưng ung thư bàng quang có thể xảy ra ở độ tuổi này. Theo NCI, những người từ 20 đến 34 tuổi chiếm 0,5% số ca mắc mới ung thư bàng quang từ năm 2015 đến 2019.
35 đến 44 tuổi
Theo dữ liệu thống kê trong giai đoạn từ 2015 đến 2019 của NCI, nguy cơ mắc ung thư bàng quang tăng dần theo độ tuổi với 1,2% số ca mắc mới ung thư bàng quang thuộc nhóm tuổi này.
45 đến 54 tuổi
Khoảng 5,2% số ca mắc mới ung thư bàng quang từ 2015 đến 2019 là người từ 45 đến 54 tuổi.
55 đến 64 tuổi
Theo dữ liệu thống kê trong cùng khoảng thời gian được báo cáo bởi NCI, nguy cơ mắc ung thư bàng quang tăng đáng kể ở độ tuổi này. Ước tính 17,9% tổng số ca mắc mới ung thư bàng quang là người từ 55 đến 64 tuổi. Nguy cơ mắc bệnh ở nam giới càng tăng cao khi bước sang tuổi 60.
65 đến 75 tuổi
Tỷ lệ mắc ung thư bàng quang gần như tăng gấp đôi ở nhóm tuổi này. Theo dữ liệu thống kê từ năm 2015 đến 2019, 31,7% tổng số ca mắc mới ung thư bàng quang là người từ 65 đến 75 tuổi.
Tuy nhiên, tỷ lệ mắc ung thư bàng quang ở nam giới và phụ nữ có sự chênh lệch. Theo dữ liệu thống kê từ năm 2016 đến 2018 do Cancer Research UK báo cáo, ở độ tuổi 70 đến 74, nam giới có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao gấp 3,6 lần so với phụ nữ.
75 đến 84 tuổi
Mặc dù ung thư bàng quang vẫn phổ biến ở độ tuổi này nhưng NCI ghi nhận sự giảm nhẹ về số ca mắc mới được báo cáo. Cũng theo dữ liệu từ 2015 đến 2019, người từ 75 đến 84 tuổi chiếm 28,8% tổng số ca mắc mới. Ung thư bàng quang là loại ung thư phổ biến thứ 6 ở nam giới.
84 tuổi trở lên
Dữ liệu từ NCI cho thấy tỷ lệ mắc ung thư bàng quang ở độ tuổi này có sự giảm nhẹ. Người trên 84 tuổi chiếm 14,7% tổng số ca mắc mới ung thư bàng quang từ năm 2015 đến 2019.
Triệu chứng ung thư bàng quang
Không giống như nhiều bệnh ung thư khác, ung thư bàng quang có thể được phát hiện ở giai đoạn đầu do một số dấu hiệu xuất hiện sớm. Ung thư bàng quang có một số triệu chứng rất giống với các bệnh lý khác như nhiễm trùng đường tiết niệu. Hãy đi khám ngay khi nhận thấy những thay đổi bất thường để được chẩn đoán chính xác bệnh.
Một số triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư bàng quang gồm có:
- Nước tiểu có máu, chuyển màu màu cam, hồng hoặc đỏ (đây là dấu hiệu thường xuất hiện sớm nhất của bệnh ung thư bàng quang)
- Đi tiểu nhiều lần, xảy ra cả vào ban đêm
- Cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu
- Tiểu khó
Tiên lượng của người mắc ung thư bàng quang
Mặc dù bệnh ung thư bàng quang có tỷ lệ sống sót sau 5 năm tương đối cao nhưng tiên lượng thực tế còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, giai đoạn bệnh tại thời điểm chẩn đoán và sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Khoảng 50% tổng số ca ung thư bàng quang được phát hiện ở giai đoạn “tại chỗ”, có nghĩa là ung thư chưa lan ra ngoài thành bàng quang. Nếu ung thư được phát hiện và điều trị ở giai đoạn này thì khả năng sống sót là rất cao.
Theo NCI, độ tuổi tử vong trung bình do ung thư bàng quang là 79 tuổi và loại ung thư này thường không gây tử vong ở độ tuổi trẻ hơn. Trong giai đoạn từ 2016 - 2020, tỷ lệ tử vong do ung thư bàng quang tăng dần theo độ tuổi, cụ thể như sau:
- Dưới 20 tuổi: 0%
- 20 đến 34 tuổi: 0,1%
- 35 đến 44 tuổi: 0,4%
- 45 đến 54 tuổi: 2,5%
- 55 đến 64 tuổi: 10,7%
- 65 đến 74 tuổi: 22,5%
- 75 đến 84 tuổi: 31,6%
- Trên 84 tuổi: 32,1%
Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ước tính của những trường hợp ung thư bàng quang di căn là 6%.
Cách cải thiện tiên lượng khi mắc ung thư bàng quang
Điều quan trọng nhất là người bệnh phải tuân thủ các khuyến nghị điều trị của bác sĩ. Điều này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ ung thư xâm lấn vào thành bàng quang, lan đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác trong cơ thể, từ đó cải thiện tiên lượng tổng thể.
Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị dựa trên tuổi tác của người bệnh. Theo một nghiên cứu vào năm 2020, phẫu thuật xâm lấn và hóa trị không phải giải pháp điều trị phù hợp với những bệnh nhân lớn tuổi do nguy cơ cao xảy ra tác dụng phụ.
Câu hỏi thường gặp
Dưới đây là giải đáp một số câu hỏi thường gặp về độ tuổi mắc ung thư bàng quang.
20 tuổi có thể mắc ung thư bàng quang không?
Mặc dù ung thư bàng quang có thể xảy ra ở độ tuổi 20 nhưng điều này rất hiếm gặp. Kể từ thập niên 90, tỷ lệ mắc ung thư bàng quang ở nhóm tuổi từ 0 đến 24 đã giảm đáng kể do những tiến bộ trong công nghệ sàng lọc, chẩn đoán và giảm các yếu tố nguy cơ.
Tuy rằng ung thư bàng quang hiếm khi xảy ra ở nhóm tuổi này nhưng nếu gặp các triệu chứng bất thường thì vẫn nên đi khám càng sớm càng tốt.
Ung thư bàng quang có xảy ra ở người dưới 40 tuổi không?
Trong tổng số ca mắc mới được NCI báo cáo từ năm 2015 đến 2019, người từ 0 đến 44 tuổi chiếm khoảng 1,7%. Con số này cho thấy ung thư bàng quang hiếm khi xảy ra ở độ tuổi dưới 40.
Ung thư bàng quang tiến triển như thế nào?
Ung thư bàng quang bắt đầu ở các tế bào niêm mạc bàng quang. Theo thời gian, ung thư có thể phát triển vào các lớp bên trong của thành bàng quang, sau đó lan ra ngoài bàng quang đến các hạch bạch huyết gần đó và các cơ quan khác. Ung thư di căn xa (ung thư lan đến các khu vực ở xa trong cơ thể) chiếm khoảng 4% số ca ung thư bàng quang.
Tỷ lệ sống sót của người mắc ung thư bàng quang có cao không?
Nhìn chung, ung thư bàng quang là bệnh ung thư có số ca tử vong cao thứ 13 trên toàn thế giới. Theo NCI, tỷ lệ sống sót sau 5 năm tương đối của người mắc ung thư bàng quang trong khoảng thời gian từ 2012 đến 2018 là 77%. Tiên lượng của mỗi ca bệnh là khác nhau nhưng bệnh càng được phát hiện và điều trị sớm thì khả năng sống sót càng cao.
Tóm tắt bài viết
Ung thư bàng quang khá phổ biến, được xếp hạng là loại ung thư có số ca mắc cao thứ 10 trên thế giới. Mặc dù ung thư bàng quang có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở người từ 65 đến 74 tuổi. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với phụ nữ.
Ung thư bàng quang cũng là một trong những loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp cải thiện tiên lượng. Hãy đi khám ngay khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào.
Hai nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về bàng quang là bàng quang tăng hoạt (bàng quang hoạt động quá mức) và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt). Cùng tìm hiểu về điểm khác nhau giữa hai tình trạng này.
Dẫn lưu bàng quang trên xương mu giúp dẫn nước tiểu trực tiếp ra khỏi bàng quang khi người bệnh không thể tự đi tiểu. Một số trường hợp cần dẫn lưu bàng quang gồm có bí tiểu (không thể tự đi tiểu), tiểu không tự chủ (rò rỉ nước tiểu) và sa tạng vùng chậu.
Treo cổ bàng quang là một giải pháp cho những trường hợp bị tiểu không tự chủ khi tăng áp lực nghiêm trọng, các triệu chứng gây cản trở cuộc sống hàng ngày và các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
Tìm hiểu về điểm khác biệt giữa bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng đường tiết niệu, gồm có nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Nhiễm trùng bàng quang là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu đều xảy ra bàng quang, vì thế nên người bệnh có các triệu chứng như nóng rát khi đi tiểu, tiểu khó và đau vùng chậu phía trên xương mu.