Dẫn lưu bàng quang trên xương mu là gì?
Dẫn lưu bàng quang trên xương mu là gì?
Dẫn lưu bàng quang trên xương mu hay đặt ống thông tiểu trên xương mu là thủ thuật đặt một ống dài, mềm dẻo vào bàng quang để dẫn nước tiểu ra ngoài trong những trường hợp không thể tự đi tiểu.
Thông thường, ống thông tiểu được đưa vào bàng quang qua niệu đạo nhưng trong thủ thuật dẫn lưu bàng quang trên xương mu, ống thông được đưa trực tiếp vào bàng quang qua da ở vị trí dưới rốn vài cm, ngay phía trên xương mu. Điều này cho phép dẫn nước tiểu ra ngoài mà không cần đặt ống dẫn qua vùng sinh dục.
Dẫn lưu bàng quang trên xương mu thường thoải mái hơn so với dẫn lưu bàng quang qua niệu đạo vì không cần luồn ống thông qua niệu đạo, một khu vực khá nhạy cảm. Thủ thuật dẫn lưu bàng quang trên xương mu thường được sử dụng trong những trường hợp niệu đạo không thể giữ ống thông tiểu một cách an toàn.
Khi nào cần dẫn lưu bàng quang trên xương mu?
Dẫn lưu bàng quang trên xương mu giúp dẫn nước tiểu trực tiếp ra khỏi bàng quang khi người bệnh không thể tự đi tiểu. Một số trường hợp cần dẫn lưu bàng quang gồm có:
- Bí tiểu (không thể tự đi tiểu)
- Tiểu không tự chủ (rò rỉ nước tiểu)
- Sa tạng vùng chậu
- Chấn thương hoặc tổn thương cột sống
- Liệt nửa thân dưới
- Bệnh đa xơ cứng (MS)
- Bệnh Parkinson
- Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt)
- Ung thư bàng quang
Có một số lý do mà phương pháp dẫn lưu bàng quang trên xương mu được sử dụng thay cho phương pháp dẫn lưu bàng quang qua niệu đạo thông thông thường:
- Giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Ít gây tổn thương đến mô xung quanh bộ phận sinh dục
- Niệu đạo bị tổn thương hoặc quá nhạy cảm và không giữ được ống thông tiểu
- Đặt thông tiểu trên xương mu không ảnh hưởng đến việc quan hệ tình dục.
- Vừa mới phẫu thuật bàng quang, niệu đạo, tử cung, dương vật hoặc các cơ quan khác gần niệu đạo.
- Người bệnh phải ngồi xe lăn. Trong những trường hợp này, ống thông tiểu trên xương mu sẽ dễ chăm sóc hơn.
Quy trình thực hiện
Trong thời gian đầu, nhân viên y tế sẽ đặt và thay ống thông tiểu cho người bệnh. Sau đó, người bệnh và người nhà sẽ được hướng dẫn cách đặt và chăm sóc ống thông tiểu tại nhà.
Trước khi đặt ống thông tiểu, người bệnh sẽ phải chụp X-quang hoặc siêu âm vùng chậu để kiểm tra xem có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xung quanh bàng quang không.
Bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị Stamey để đặt ống thông tiểu nếu bàng quang chứa đầy nước tiểu. Quá trình đặt ống thông tiểu gồm các bước chính sau đây:
- Làm sạch bàng quang bằng povidon iốt và dung dịch sát trùng.
- Xác định vị trí bàng quang bằng cách nhẹ nhàng ấn xung quanh khu vực.
- Tiêm thuốc gây tê tại chỗ.
- Đưa ống thông tiểu vào bằng thiết bị Stamey. Thiết bị này giúp hướng dẫn ống thông tiểu vào đúng vị trí.
- Tháo thiết bị Stamey khi ống thông đã vào trong bàng quang.
- Làm phồng bóng ở đầu ống thông bằng nước để giữ cho ống thông không tuột ra ngoài.
- Làm sạch khu vực luồn ống thông và khâu lỗ mở.
Đầu bên ngoài của ống thông tiểu gắn một chiếc túi đựng nước tiểu. Một số loại ống thông tiểu có van để người bệnh xả nước tiểu từ ống thông vào bồn cầu.
Rủi ro của dẫn lưu bàng quang trên xương mu
Dẫn lưu bàng quang trên xương mu là một thủ thuật nhanh chóng, an toàn và hầu như không có rủi ro. Trước khi đặt ống thống tiểu, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh nếu người bệnh đã thay van tim hoặc đang dùng các loại thuốc chống đông máu.
Một số vấn đề nhỏ có thể phát sinh khi dẫn lưu bàng quang trên xương mu gồm có:
- Nước tiểu không chảy ra ngoài
- Nước tiểu rò rỉ từ ống thông
- Có máu trong nước tiểu
Nếu nhận thấy các vấn đề sau đây khi sử dụng ống thông tiểu thì cần phải đến bệnh viện ngay:
- Sốt cao
- Đau bụng bất thường
- Nhiễm trùng
- Chảy dịch từ khu vực đặt ống thông tiểu hoặc niệu đạo
- Chảy máu trong
- Thủng ruột
- Sỏi hoặc mảnh mô trong nước tiểu
Hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt khi ống thông tiểu bị tuột ra ngoài vì cần phải nhanh chóng đặt lại ông thông để không bị bít lỗ thông.
Phải sử dụng ống thông tiểu trong bao lâu?
Ống thông tiểu trên xương mu thường được sử dụng trong 4 đến 8 tuần, sau đó sẽ được tháo ra hoặc thay ống thông mới. Thời gian phải sử dụng ống thông tiểu còn tùy thuộc vào tốc độ hồi phục của người bệnh. Nếu hồi phục nhanh và tự đi tiểu được thì có thể rút ống thông tiểu sớm hơn.
Quá trình rút ống thông tiểu trên xương mu:
- Che khu vực xung quanh bàng quang bằng các miếng lót thấm hút để nước tiểu không dính ra ngoài.
- Kiểm tra khu vực đặt ống thông tiểu xem có bị sưng hoặc kích ứng hay không.
- Làm xẹp bóng ở đầu ống thông.
- Kẹp ống thông ở ngay vị trí đi qua da và từ từ rút ra ngoài.
- Làm sạch và sát trùng khu vực luồn ống thông.
- Khâu lỗ mở.
Những điều cần lưu ý trong thời gian sử dụng ống thông tiểu
Nên
- Uống đủ nước mỗi ngày.
- Đổ nước tiểu trong túi đựng thường xuyên trong ngày.
- Rửa tay sạch sau mỗi lần xử lý túi đựng nước tiểu.
- Làm sạch khu vực đặt ống thông tiểu bằng nước ấm hai lần mỗi ngày.
- Xoay nhẹ ống thông khi làm sạch để ống thông không dính vào bàng quang.
- Để nguyên băng ở vị trí luồn ống thông cho đến khi vết thương lành lại.
- Che khu vực luồn ống thông tiểu bằng băng không thấm nước khi tắm
- Dán cố định ống thông bằng băng keo để ống không bị xê dịch.
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ như rau củ quả để không bị táo bón
- Có thể quan hệ tình dục bình thường nếu đủ sức khỏe.
Không nên
- Sử dụng bất kỳ sản phẩm bôi da nào xung quanh khu vực luồn ống thông tiểu.
- Ngâm khu vực luồn ống thông tiểu trong nước trong thời gian dài.
- Tự lắp lại ống thông khi bị tuột.
Tóm tắt bài viết
Dẫn lưu bàng quang trên xương mu là một giải pháp thay thế thoải mái hơn so với dẫn lưu bàng quang qua niệu đạo thông thường. Với phương pháp này, người bệnh vẫn có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách bình thường mà không cảm thấy khó chịu hay đau đớn. Người bệnh cũng có thể dễ dàng che ống thông bên trong quần áo.
Ống thông tiểu trên xương mu đa phần chỉ được sử dụng tạm thời sau phẫu thuật hoặc điều trị một số bệnh lý nhưng cũng có thể được sử dụng vĩnh viễn trong một số trường hợp. Nếu phải sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài thì người bệnh cần trao đổi kỹ với bác sĩ về cách chăm sóc và thay ống thông để tránh bị nhiễm trùng và các vấn đề không mong muốn khác.
Hai nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về bàng quang là bàng quang tăng hoạt (bàng quang hoạt động quá mức) và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt). Cùng tìm hiểu về điểm khác nhau giữa hai tình trạng này.
Treo cổ bàng quang là một giải pháp cho những trường hợp bị tiểu không tự chủ khi tăng áp lực nghiêm trọng, các triệu chứng gây cản trở cuộc sống hàng ngày và các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
Tìm hiểu về điểm khác biệt giữa bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng đường tiết niệu, gồm có nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Nhiễm trùng bàng quang là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu đều xảy ra bàng quang, vì thế nên người bệnh có các triệu chứng như nóng rát khi đi tiểu, tiểu khó và đau vùng chậu phía trên xương mu.
Bàng quang tăng hoạt (overactive bladder - bàng quang tăng hoạt) là một nhóm các triệu chứng về tiết niệu, trong đó nổi bật nhất là tiểu gấp – tình trạng đột ngột buồn tiểu dữ dội. Đây là một vấn đề phổ biến. Ước tính có khoảng 16% dân số thế giới bị bàng quang tăng hoạt, tỷ lệ mắc ở nam giới và nữ giới là tương đương nhau.