Ung thư bàng quang tế bào nhỏ là gì?
Ung thư bàng quang được chia thành nhiều loại, trong đó phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp. Loại này chiếm hơn 90% số ca ung thư bàng quang. (1)
Ngoài ra còn có các loại ung thư bàng quang hiếm gặp hơn, một trong số đó là ung thư bàng quang tế bào nhỏ. Các nhà nghiên cứu ước tính ung thư bàng quang tế bào nhỏ chỉ chiếm 0,5 đến 0,7% tổng số ca ung thư bàng quang. (2)
Ung thư bàng quang tế bào nhỏ là gì?
Ung thư bàng quang tế bào nhỏ là một loại ung thư bàng quang hiếm gặp, hình thành ở các tế bào thần kinh nội tiết - những tế bào giống dây thần kinh có chức năng giải phóng hormone khi có tín hiệu từ hệ thần kinh.
So với các loại ung thư bàng quang khác, ung thư bàng quang tế bào nhỏ nguy hiểm hơn nhiều. Điều này có nghĩa là ung thư bàng quang tế bào nhỏ phát triển và lan nhanh hơn.
Một nghiên cứu vào năm 2021 chỉ ra rằng 60% số ca bệnh ung thư bàng quang tế bào nhỏ đã di căn đến các vị trí ở xa tại thời điểm chẩn đoán. Các vị trí di căn phổ biến nhất là:
- Gan
- Xương
- Não
- Phổi
Các loại ung thư bàng quang khác
Ngoài ra còn có các loại ung thư bàng quang khác gồm có:
- Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp: loại phổ biến nhất, chiếm hơn 90% số ca ung thư bàng quang. Loại này bắt đầu từ tế bào chuyển tiếp, các tế bào bao phủ bề mặt bên trong bàng quang và các bộ phận khác trong đường tiết niệu (gồm thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo).
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: chiếm 1 - 2% số ca ung thư bàng quang, bắt đầu từ các tế bào mỏng, dẹt trong niêm mạc bàng quang. Loại này thường xảy ra do kích thích hoặc viêm bàng quang trong thời gian dài.
- Ung thư biểu mô tuyến: chiếm khoảng 1% số ca ung thư bàng quang, bắt đầu trong các tế bào sản xuất dịch nhầy.
- Sarcoma: bắt đầu trong các tế bào cơ bàng quang. Loại ung thư bàng quang này rất hiếm gặp.
Triệu chứng của ung thư bàng quang tế bào nhỏ
Triệu chứng chính của ung thư bàng quang, bao gồm cả ung thư bàng quang tế bào nhỏ là tiểu ra máu (đái máu). Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như:
- Buồn tiểu liên tục nhưng lượng nước tiểu rất ít
- Đau khi đi tiểu
- Tiểu đêm
- Đau lưng
Mặc dù các bệnh lý phổ biến và ít nghiêm trọng hơn, ví dụ như nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có những triệu chứng tương tự nhưng nên đi khám khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào, đặc biệt là khi triệu chứng kéo dài dai dẳng hoặc xảy ra thường xuyên.
Khi ung thư bàng quang tế bào nhỏ lan đến các khu vực bên ngòai bàng quang (di căn), người bệnh sẽ gặp các triệu chứng khác như:
- Các triệu chứng về tiểu tiện, chẳng hạn như không thể đi tiểu, tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng
- Đau bụng hoặc đau thắt lưng
- Cảm giác mệt mỏi, không có sức lực
- Chán ăn
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Hụt hơi
- Đau đầu
- Đau xương
Nguyên nhân gây ung thư bàng quang tế bào nhỏ
Ung thư bắt đầu do sự biến đổi trong DNA khiến tế bào phát triển và phân chia một cách mất kiểm soát. Những đột biến này có thể được di truyền từ cha mẹ hoặc phát sinh do sự tác động của các yếu tố lối sống và môi trường.
Nguyên nhân chính xác gây ra ung thư bàng quang tế bào nhỏ vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, loại ung thư bàng quang này xảy ra phổ biến hơn ở người cao tuổi và người hút thuốc.
Giống như các loại ung thư bàng quang khác, nam giới có tỷ lệ mắc ung thư bàng quang tế bào nhỏ cao hơn phụ nữ. Lý do của điều này vẫn chưa được xác định.
Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang còn có:
- Tiền sử gia đình bị ung thư bàng quang
- Mang một số đột biến gen liên quan đến ung thư bàng quang
- Uống nước nhiễm asen
- Thường xuyên tiếp xúc với một số loại hóa chất, ví dụ như benzidine và beta-naphthylamine
- Sử dụng mộc phòng kỷ (aristolochia fangchi) – một loại thảo dược
- Mắc các bệnh gây kích thích bàng quang mạn tính, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận hoặc sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài
- Từng xạ trị hoặc sử dụng thuốc hóa trị cyclophosphamide
Chẩn đoán ung thư bàng quang tế bào nhỏ
Trước tiên, bác sĩ sẽ lấy bệnh sử và khám lâm sàng. Sau đó, người bệnh sẽ cần làm một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh sau đây:
- Tổng phân tích nước tiểu
- Xét nghiệm tế bào học nước tiểu, giúp phát hiện tế bào ung thư trong nước tiểu
- Xét nghiệm cấy nước tiểu, giúp phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu
- Nội soi bàng quang, sử dụng một ống dài, hẹp có camera và đèn chiếu sáng đưa qua niệu đạo vào bàng quang để kiểm tra bên trong bàng quang
- Các công cụ chẩn đoán hình ảnh, gồm có:
- Siêu âm
- Chụp CT đường tiết niệu
- Chụp thận tĩnh mạch
- Sinh thiết, giúp xác nhận chẩn đoán ung thư bàng quang tế bào nhỏ và xác định các đặc điểm của bệnh ung thư
Sau khi xác nhận chẩn đoán ung thư bàng quang tế bào nhỏ, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để xác định mức độ lan rộng (giai đoạn) của ung thư:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)
- Chụp X-quang lồng ngực
- Xạ hình xương
Điều trị ung thư bàng quang tế bào nhỏ
Phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang là phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư bàng quang tế bào nhỏ. Sau khi cắt bỏ bàng quang, bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật chuyển lưu dòng tiểu để tạo ra con đường mới đưa nước tiểu ra khỏi cơ thể.
Ngoài ra, ung thư bàng quang tế bào nhỏ còn có thể được điều trị bằng hóa trị liệu, thường là bằng các loại thuốc hóa trị chứa bạch kim (cisplatin, carboplatin) cũng như etoposide. Hóa trị liệu có thể được thực hiện trước phẫu thuật (hóa trị tân bổ trợ) hoặc sau phẫu thuật (hóa trị bổ trợ).
- Hóa trị tân bổ trợ: hóa trị trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u.
- Hóa trị bổ trợ: thực hiện sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại.
Trong những trường hợp ung thư bàng quang tế bào nhỏ không thể điều trị bằng phẫu thuật, phương pháp điều trị thay thế là hóa trị, xạ trị hoặc hóa xạ trị đồng thời. Ngoài ra cũng có thể điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, chẳng hạn như atezolizumab (Tecentriq).
Tiên lượng của người bị ung thư bàng quang tế bào nhỏ
Ung thư bàng quang tế bào nhỏ là một loại ung thư bàng quang phát triển và lan rộng nhanh chóng. Trong nhiều trường hợp, ung thư đã di căn tại thời điểm chẩn đoán. Vì lý do này nên những người mắc ung thư bàng quang tế bào nhỏ thường có tiên lượng kém hơn so với người mắc các loại ung thư bàng quang khác.
Một nghiên cứu vào năm 2017 được thực hiện ở 38 người bị ung thư bàng quang tế bào nhỏ cho thấy thời gian sống thêm trung bình là 11,8 tháng và tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 14%. (3)
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về ảnh hưởng của các yếu tố như tuổi tác, giai đoạn ung thư và cấp độ khối u đến khả năng sống sót và phát hiện ra rằng yếu tố quan trọng duy nhất giúp cải thiện khả năng sống sót là ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết và các vị trí khác trong cơ thể.
Một nghiên cứu vào năm 2019 đã so sánh giai đoạn đầu với giai đoạn cuối của ung thư bàng quang tế bào nhỏ. Tiên lượng của những người mắc ung thư giai đoạn cuối ở mức kém, với thời gian sống thêm trung bình là 9 tháng. Tiên lượng của những người mắc ung thư giai đoạn đầu được cải thiện khi bệnh được phát hiện sớm và điều trị tích cực.
Tóm tắt bài viết
Ung thư bàng quang tế bào nhỏ là một loại ung thư bàng quang rất hiếm gặp nhưng nguy hiểm. Các triệu chứng của ung thư bàng quang tế bào nhỏ cũng tương tự như các loại ung thư bàng quang khác, gồm có tiểu ra máu, đi tiểu nhiều lần và đau khi đi tiểu.
Ung thư bàng quang tế bào nhỏ phát triển và lan rộng nhanh chóng, do đó người mắc loại ung thư này thường có tiên lượng xấu. Tuy nhiên, tiên lượng có thể được cải thiện nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị tích cực. Phương pháp điều trị chính là phẫu thuật nhưng ngoài ra còn có hóa trị, xạ trị và liệu pháp miễn dịch.
Nhiều bệnh lý ít nghiêm trọng hơn, ví dụ như nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có triệu chứng giống với ung thư bàng quang tế bào nhỏ. Tuy nhiên, nên đi khám khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào để xác định đúng bệnh và có biện pháp điều trị thích hợp.
Hai nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về bàng quang là bàng quang tăng hoạt (bàng quang hoạt động quá mức) và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt). Cùng tìm hiểu về điểm khác nhau giữa hai tình trạng này.
Dẫn lưu bàng quang trên xương mu giúp dẫn nước tiểu trực tiếp ra khỏi bàng quang khi người bệnh không thể tự đi tiểu. Một số trường hợp cần dẫn lưu bàng quang gồm có bí tiểu (không thể tự đi tiểu), tiểu không tự chủ (rò rỉ nước tiểu) và sa tạng vùng chậu.
Treo cổ bàng quang là một giải pháp cho những trường hợp bị tiểu không tự chủ khi tăng áp lực nghiêm trọng, các triệu chứng gây cản trở cuộc sống hàng ngày và các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
Tìm hiểu về điểm khác biệt giữa bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng đường tiết niệu, gồm có nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Nhiễm trùng bàng quang là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu đều xảy ra bàng quang, vì thế nên người bệnh có các triệu chứng như nóng rát khi đi tiểu, tiểu khó và đau vùng chậu phía trên xương mu.