1

Tổng quan về vùng chậu ở phụ nữ

Cơ thể nam giới và nữ giới đều có vùng chậu nhưng vùng chậu của nam và của nữ có một số điểm khác biệt về cấu trúc.
Tổng quan về vùng chậu ở phụ nữ Tổng quan về vùng chậu ở phụ nữ

Vùng chậu là gì?

Vùng chậu là phần dưới cùng của nửa thân trên, nằm giữa bụng và đùi. Khu vực này tạo sự hỗ trợ cho ruột và là nơi chứa các cơ quan sinh dục cùng với bàng quang.

Cơ thể nam giới và nữ giới đều có vùng chậu nhưng vùng chậu của nam và của nữ có một số điểm khác biệt về cấu trúc. Hầu hết những khác biệt này đều có liên quan đến sự thay đổi trong thai kỳ để tạo không gian cho thai nhi phát triển và đi từ tử cung qua âm đạo ra ngoài. Do đó mà vùng chậu của phụ nữ rộng hơn so với vùng chậu của nam giới.

Hãy cùng tìm hiểu thêm về cấu trúc xương, cơ và các cơ quan trong vùng chậu của phụ nữ.

Giải phẫu và chức năng vùng chậu phụ nữ

Khung xương chậu

Xương hông

Có hai xương hông, một ở bên trái và một ở bên phải của cơ thể. Hai xương này tạo thành một phần của vùng chậu được gọi là đai chậu hay đai hông.

Các xương hông liên kết với phần trên của khung xương toàn thân qua điểm bám ở xương cùng. Mỗi xương hông được tạo nên bởi ba xương nhỏ hơn là xương chậu, củ mu và ụ ngồi. Ba xương này hợp nhất với nhau trong độ tuổi 11 – 15 ở nữ và 14 - 17 tuổi ở nam:

  • Xương chậu: là phần lớn nhất của xương hông, rộng và có hình quạt. Bạn có thể sờ thấy phần cong bên trên của những xương này (mào chậu) khi đặt tay lên hông.
  • Củ mu: củ mu ở hông bên này nối với củ mu ở hông bên kia tại một khớp có tên là khớp mu.
  • Ụ ngồi: khi ngồi xuống, phần lớn trọng lượng cơ thể dồn vào các xương này. Đó là lý do tại sao chúng được gọi là ụ ngồi.

Xương chậu, củ mu và ụ ngồi của mỗi xương hông kết hợp với nhau và tạo thành ổ cối (acetabulum), nơi mà phần đầu của xương đùi bám vào.

Xương cùng

Phần trên xương cùng nối với đốt sống lưng cuối (L5) và phần dưới nối với xương cụt. Cấu trúc xương này được tạo thành từ 5 đốt sống hợp nhất với nhau. Xương cùng khá dày và giúp nâng đỡ trọng lượng cơ thể.

Xương cụt

Xương cụt hay còn được gọi là xương đuôi, nối với phần dưới của xương cùng và được hỗ trợ bởi một số dây chằng.

Xương cụt được tạo thành từ 4 đốt sống hợp nhất thành hình tam giác.

Các cơ vùng chậu

Cơ nâng hậu môn

Cơ nâng hậu môn là nhóm cơ lớn nhất của vùng chậu. Chúng đảm nhận một số chức năng, ví dụ như hỗ trợ các cơ quan vùng chậu.

Các cơ nâng hậu môn gồm có ba cơ riêng biệt:

  • Cơ mu - trực tràng: cơ này có nhiệm vụ kiểm soát việc tiểu và đại tiện. Khi buồn tiểu hoặc đại tiện, cơ mu trực tràng giãn ra, cho phép nước tiểu và phân được đào thải ra ngoài cơ thể.
  • Cơ PC (hay cơ mu cụt): cơ này tạo nên phần lớn cơ nâng hậu môn. Nó bắt đầu từ xương mu và nối với xương cụt.
  • Cơ IC (hay cơ chậu cụt): cơ IC được tạo nên các sợi mỏng hơn và có chức năng nâng sàn chậu cũng như là ống hậu môn.

Cơ ngồi - cụt

Cơ sàn chậu nhỏ này bắt đầu từ ụ ngồi, nối với xương cùng và xương cụt.

Các cơ quan trong vùng chậu

Tử cung

Tử cung (hay còn gọi là dạ con) là một cơ quan rỗng có thành dày, có hình quả lê. Tử cung có chiều dài trung bình là khoảng 7.2 - 9.0cm, rộng 4.5 - 6.0cm và sâu 2.0 - 3.5cm. Đây là nơi mà thai nhi phát triển trong suốt thai kỳ.

Trong độ tuổi sinh sản, hàng tháng niêm mạc tử cung dày lên để chuẩn bị cho trứng sau thụ tinh bám vào làm tổ. Và khi trứng không được thụ tinh thì lớp niêm mạc này sẽ bong ra và tạo thành hiện tượng hành kinh.

Buồng trứng

Mỗi phụ nữ có hai buồng trứng nằm ở hai bên của tử cung. Buồng trứng là cơ quan sản xuất trứng và các hormone sinh dục, chẳng hạn như estrogen và progesterone.

Ống dẫn trứng

Hai ống dẫn trứng nối mỗi buồng trứng với tử cung. Trong ống dẫn trứng có các cấu trúc đặc biệt giống như lông được gọi là lông mao, có chức năng đưa trứng từ buồng trứng vào tử cung.

Cổ tử cung

Cổ tử cung là phần bên dưới của tử cung, nối tử cung với âm đạo. Bộ phận này có thể mở rộng, cho phép tinh trùng đi vào tử cung và máu kinh từ tử cung chảy ra ngoài.

Ngoài ra, dịch nhầy được tạo ra ở cổ tử cung giúp ngăn vi khuẩn xâm nhập vào bên trong tử cung.

Âm đạo

Âm đạo là ống cơ nối cổ tử cung với cơ quan sinh dục ngoài của phụ nữ. Âm đạo cũng có khả năng giãn rộng để thai nhi có thể chui qua.

Trực tràng

Trực tràng là phần thấp nhất của đại tràng (ruột già). Phân tập trung tại đây trước khi được đào thải ra ngoài qua hậu môn.

Bàng quang

Bàng quang là cơ quan tích trữ nước tiểu. Nước tiểu từ thận vào bàng quang thông qua các ống được gọi là niệu quản.

Niệu đạo

Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn nhiều so với niệu đạo của nam giới.

Các dây chằng ở vùng chậu

Dây chằng rộng

Dây chằng rộng có chức năng hỗ trợ tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. Nó kéo dài sang cả hai bên của thành chậu.

Dây chằng rộng được chia thành ba phần, mỗi phần lại nối với các bộ phận khác nhau của hệ sinh dục nữ:

  • Mạc treo tử cung: hỗ trợ tử cung
  • Mạc treo buồng trứng: hỗ trợ buồng trứng
  • Mạc treo ống dẫn trứng: hỗ trợ các ống dẫn trứng

Dây chằng tử cung

Các dây chằng tử cung tạo sự hỗ trợ thêm cho tử cung. Một số dây chằng tử cung chính gồm có:

  • Dây chằng tròn
  • Dây chằng ngang cổ tử cung
  • Dây chằng mu – cổ tử cung
  • Dây chằng tử cung - cùng

Dây chằng buồng trứng

Các dây chằng buồng trứng có nhiệm vụ hỗ trợ buồng trứng. Có hai dây chằng buồng trứng chính là:

  • Dây chằng tử cung - buồng trứng
  • Dây chằng treo buồng trứng

Các vấn đề ở vùng chậu nữ

Vùng chậu là khu vực có nhiều cơ quan, xương, cơ và dây chằng nên có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra với các bộ phận bên trong hoặc toàn bộ vùng chậu.

Một số vấn đề thường gặp ở vùng chậu của phụ nữ gồm có:

  • Bệnh viêm vùng chậu: Viêm vùng chậu là một bệnh nhiễm trùng xảy ra trong hệ sinh dục nữ. Mặc dù viêm vùng chậu chủ yếu là do các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) nhưng các bệnh nhiễm trùng khác cũng có thể là nguyên nhân. Viêm vùng chậu nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến các biến chứng, chẳng hạn như vô sinh hoặc mang thai ngoài tử cung.
  • Sa tạng chậu: Sa tạng chậu là tình trạng mà các cơ trong vùng chậu bị suy yếu và không còn khả năng hỗ trợ các cơ quan, chẳng hạn như bàng quang, tử cung hoặc trực tràng. Điều này khiến một hoặc nhiều cơ quan tụt khỏi vị trí bình thường và đè lên âm đạo. Trong một số trường hợp, các cơ quan này còn nhô hẳn ra bên ngoài âm đạo.
  • Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô vốn chỉ hình thành ở bề mặt bên trong của tử cung (niêm mạc tử cung) lại bắt đầu phát triển ở bên ngoài cơ quan này, ví dụ như buồng trứng, ống dẫn trứng và các bộ phận khác trong vùng chậu. Lạc nội mạc tử cung có thể dẫn đến các biến chứng, gồm có vô sinh hoặc ung thư buồng trứng.

Các dấu hiệu, triệu chứng

Một số dấu hiệu, triệu chứng phổ biến của những vấn đề ở vùng chậu gồm có:

  • Đau ở bụng dưới hoặc vùng chậu
  • Cảm giác tức nặng ở vùng chậu
  • Dịch tiết âm đạo (khí hư) có màu bất thường và có mùi khó chịu
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Chảy máu ngòai kỳ kinh nguyệt
  • Đau đớn trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt
  • Đau khi đi tiểu hoặc đại tiện
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu

Cách giữ cho vùng chậu khỏe mạnh

Vùng chậu của phụ nữ là một khu vực phức tạp và có vai trò vô cùng quan trọng đối với chức năng sinh sản cũng như là sức khỏe tổng thể. Do đó, cần phải chú ý giữ cho vùng chậu luôn khỏe mạnh bằng những biện pháp dưới đây:

Khám phụ khoa định kỳ

Nên đi khám phụ khoa định kỳ từ 3 đến 6 tháng một lần. Các phương pháp như khám lâm sàng và xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung) sẽ giúp xác định sớm các bệnh lý, vấn đề bất thường xảy ra ở vùng chậu.

Quan hệ tình dục an toàn

Sử dụng các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như bao cao su hoặc màng chắn miệng khi quan hệ tình dục, đặc biệt là khi quan hệ với một người mới, để tránh các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục và viêm vùng chậu.

Thử các bài tập cơ sàn chậu

Những bài tập này sẽ giúp tăng cường các cơ ở vùng chậu, gồm có cả những cơ xung quanh bàng quang và âm đạo.

Cơ sàn chậu khỏe sẽ giúp ngăn ngừa những vấn đề như tiểu không kiểm soát hoặc sa tạng.

Tham khảo bài tập cơ sàn chậu trong bài viết này.

Chú ý đến các biểu hiện bất thường

Nếu như gặp bất kỳ điều gì dấu hiệu bất thường nào ở vùng xương chậu, chẳng hạn như ra máu ngoài kỳ kinh hoặc đau vùng chậu không rõ nguyên nhân thì cần đi khám ngay lập tức. Nếu không được điều trị, một số bệnh lý ở vùng chậu có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nguyên nhân nào gây đau vùng chậu ở phụ nữ?
Nguyên nhân nào gây đau vùng chậu ở phụ nữ?

Đau vùng chậu là một vấn đề phổ biến ở phụ nữ và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Các cơn đau có thể là mãn tính hoặc cấp tính.

Khi nào cần chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng chậu?
Khi nào cần chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng chậu?

Chụp cộng hưởng từ vùng chậu là phương pháp nhằm quan sát cơ quan, mạch máu và các mô khác trong vùng chậu - khu vực nằm giữa hai bên hông, có chứa các cơ quan sinh dục và nhiều nhóm cơ quan trọng của cơ thể.

Cách Nhận Biết Dấu Hiệu Vùng Kín Khỏe Mạnh Như Thế Nào?
Cách Nhận Biết Dấu Hiệu Vùng Kín Khỏe Mạnh Như Thế Nào?

Dấu hiệu vùng kín khỏe mạnh được nhận biết như thế nào? Phụ nữ có thể tự kiểm tra vùng kín tại nhà để hiểu hơn về cơ thể của mình và phát hiện những thay đổi bất thường.

Nguyên Nhân Gây Mẩn Đỏ Vùng Kín Ở Phụ Nữ
Nguyên Nhân Gây Mẩn Đỏ Vùng Kín Ở Phụ Nữ

Nguyên nhân gây mẩn đỏ vùng kín ở chị em là gì? Ví dụ như viêm da tiếp xúc, nhiễm trùng hoặc các bệnh tự miễn. Đôi khi, tình trạng này tự hết sau một vài ngày. Nhưng nếu kéo dài dai dẳng thì phải đi khám bác sĩ.

Vùng mu bị ngứa là tại sao và khắc phục bằng cách nào?
Vùng mu bị ngứa là tại sao và khắc phục bằng cách nào?

Thỉnh thoảng bị ngứa ở các vị trí khác nhau trên cơ thể, ví dụ như vùng mu, là điều bình thường và không có gì đáng ngại cả. Tuy nhiên, nếu tình trạng ngứa kéo dài dai dẳng thì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề không bình thường, ví dụ như dị ứng, viêm nang lông hoặc nhiễm trùng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây