Nguyên Nhân Gây Mẩn Đỏ Vùng Kín Ở Phụ Nữ
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây mẩn đỏ vùng kín mà sẽ cần điều trị bằng những phương pháp khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất cùng với biện pháp khắc phục.
Các dấu hiệu, triệu chứng đi kèm
Thông thường, khi bị mẩn đỏ thì vùng kín còn có cảm giác ngứa ngáy khó chịu và càng gãi càng ngứa. Ngoài ra còn đi kèm với các biểu hiện khác như:
- Nóng rát
- Nổi sẩn, mụn nước hoặc vết loét
- Da chuyển màu hồng đỏ, tía hoặc nâu
- Có những mảng da dày, cứng
- Bề mặt da đóng vảy
- Viêm
- Đau rát khi đi tiểu
- Đau trong và sau khi quan hệ tình dục
- Khí hư bất thường
- Vùng kín có mùi khó chịu
- Sốt
- Đau nhức ở vùng chậu
- Sưng hạch bạch huyết ở bẹn
Nguyên nhân và phương pháp điều trị
Hầu hết các nguyên nhân gây mẩn đỏ, ngứa ngáy ở vùng kín đều không đáng ngại và có thể chữa khỏi được. Nhưng đôi khi, đây lại là dấu hiệu một vấn đề nghiêm trọng hoặc thậm chí không thể chữa khỏi.
Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là nguyên nhân phổ biến nhất gây nổi mẩn ở xung quanh âm đạo. Theo một khảo sát vào năm 2014, đây là nguyên nhân của khoảng 50% trường hợp ngứa âm đạo ở phụ nữ trưởng thành. Viêm da tiếp xúc cũng có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em.
Thông thường, viêm da tiếp xúc ở vùng kín xảy ra do phản ứng với chất gây dị ứng da, ví dụ như xà phòng, băng vệ sinh hoặc bột giặt.
Các triệu chứng gồm có:
- Ngứa và rát từ nhẹ đến nặng
- Đỏ
- Sưng tấy
- Da trở nên nhạy cảm
- Đau
Có thể điều trị phản ứng viêm do dị ứng bằng các loại thuốc bôi steroid, ví dụ như hydrocortisone liều thấp hoặc triamcinolone acetonide liều cao. Tuy nhiên, không nên sử dụng lâu dài vì steroid sẽ làm mỏng da.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thuốc và kê dùng thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống co giật để giảm đau.
Viêm âm đạo
Viêm âm đạo còn được gọi là viêm âm hộ - âm đạo nếu tình trạng viêm còn lan rộng ra cả âm hộ. Âm hộ là phần bên ngoài của cơ quan sinh dục nữ, xung quanh cửa âm đạo.
Dưới đây là những nguyên nhân gây viêm âm đạo phổ biến nhất:
- Nhiễm khuẩn âm đạo: xảy ra khi một số vi khuẩn có hại sinh sôi, phát triển quá mức và làm thay đổi sự cân bằng giữa lợi khuẩn – hại khuẩn trong âm đạo.
- Nhiễm trùng nấm men (nhiễm nấm Candida): do nấm Candida albicans gây ra. Đây là một loại nấm vốn tồn tại bên trong vùng âm đạo. Bình thường, nấm này chỉ tồn tại với số lượng nhỏ và bị kiểm soát bởi vi khuẩn có lợi (Lactobacillus), nhưng một số nguyên nhân, ví dụ như dùng thuốc kháng sinh hay thụt rửa sẽ làm giảm số lượng vi khuẩn có lợi và tạo điều kiện cho nấm Candida phát triển quá mức.
- Nhiễm trichomonas (trich) do ký sinh trùng đơn bào Trichomonas vaginalis gây ra. Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Các biểu hiện của viêm âm đạo gồm có:
- Ngứa ngáy
- Khí hư thay đổi bất thường
- Đau rát khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục
- Chảy máu âm đạo ngoài kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi quan hệ
Ngoài ra, mỗi nguyên nhân gây viêm âm đạo sẽ còn có một số biểu hiện riêng như:
- Nhiễm khuẩn âm đạo: khí hư màu vàng xanh hoặc hơi xám, có mùi tanh.
- Nhiễm trùng nấm men: khí hư màu trắng đục và vón cục.
- Nhiễm trichomonas: khí hư màu vàng xanh và có mùi hôi. Tuy nhiên, khoảng 70% những người bị nhiễm trichomonas không có bất kỳ triệu chứng nào.
Nếu là do nhiễm trùng nấm men thì cần điều trị bằng thuốc trị nấm.
Nếu nguyên nhân gây viêm là do vi khuẩn thì điều trị bằng thuốc kháng sinh dạng uống hoặc dạng bôi.
Bệnh trichomonas cũng phải điều trị bằng thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ, chẳng hạn như metronidazole (Flagyl) hoặc tinidazole (Tindamax).
Bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến là một bệnh tự miễn ảnh hưởng đến da, bao gồm cả vùng da ở quanh bộ phận sinh dục (vảy nến sinh dục). Theo Tổ chức Bệnh vảy nến Quốc gia Hoa Kỳ, khoảng 1/3 đến 2/3 những người bị bệnh vảy nến ở các vị trí khác trên cơ thể cũng bị vảy nến ở bộ phận sinh dục.
Bệnh này có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Một trong những triệu chứng thường gặp là ngứa ngáy.
Ở phụ nữ, bệnh vảy nến sinh dục có biểu hiện là nổi những mảng đỏ đối xứng, nhẵn mịn, căng bóng, không đóng vảy ở âm hộ và cả ở quanh hậu môn.
Các mảng da tổn thương này chỉ xuất hiện ở xung quanh âm đạo, không lan vào bên trong.
Bệnh vảy nến thường được điều trị bằng thuốc bôi corticoid nồng độ thấp. Ngoài ra những trường hợp nặng có thể phải điều trị bằng phương pháp quang hóa trị liệu (điều trị bằng tia cực tím).
U mềm lây
U mềm lây là một bệnh do nhiễm virus và ảnh hưởng đến da. Bệnh này rất dễ lây và lây qua tiếp xúc trực tiếp, gồm có cả sự tiếp xúc khi quan hệ tình dục.
Triệu chứng chính là nổi các nốt nhỏ có đường kính từ 2 đến 5mm trên da với các đặc điểm:
- Tròn và chắc
- Có một vết lõm ở chính giữa
- Ban đầu có màu da, sau đó chuyển đỏ và viêm
- Ngứa ngáy
Virus gây bệnh u mềm lây (Molluscum contagiosum) chỉ sống trên bề mặt da. Ở hầu hết những người khỏe mạnh, các nốt sẽ tự biến mất sau một thời gian mà không cần điều trị. Khi triệu chứng biến mất thì bệnh không còn lây truyền nữa.
Nếu như các nốt không tự biến mất thì sẽ cần loại bỏ bằng các thủ thuật như áp lạnh, cạo, đốt bằng laser hay loại bỏ bằng axit.
Ghẻ
Ghẻ là bệnh do côn trùng ký sinh Sarcoptes scabiei gây ra. Chúng đào hang trong lớp thượng bì - lớp trên cùng của da để cư trú, hút máu người và đẻ trứng. Phản ứng của da với những côn trùng này gây nổi những mụn nước màu hồng đỏ và ngứa dữ dội.
Ghẻ rất dễ lây truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp, bao gồm cả khi quan hệ tình dục. Một người cũng có thể bị lây ghẻ khi dùng chung quần áo, khăn tắm hoặc giường với người bị bệnh.
Biểu hiện chính của bệnh ghẻ là ngứa ngáy dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm và nổi mụn nước cùng những đường gờ ngoằn ngoèo trên da (đường hầm do cái ghẻ đào). Việc gãi liên tục sẽ gây trầy xước da và dẫn đến nhiễm trùng.
Phương pháp điều trị bệnh ghẻ là dùng thuốc trị ghẻ.
Rận mu
Rận mu là một loài côn trùng nhỏ bé sống ký sinh ở vùng lông mu. Chúng cũng sống nhờ vào máu người.
Rận mu lây truyền qua đường tình dục và qua cả sự tiếp xúc với chăn đệm, khăn tắm hoặc quần áo của người bị bệnh.
Rận mu không xâm nhập vào âm đạo nhưng chúng sẽ khiến cho vùng kín ngứa ngáy dữ dội và nổi những nốt nhỏ màu hồng đỏ. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy những con côn trùng nhỏ li ti màu nâu đen cùng với trứng của chúng bám ở trên các sợi lông.
Rận mu được điều trị bằng các loại thuốc trị rận mu, chẳng hạn như permethrin (Nix).
Mụn rộp sinh dục
Mụn rộp sinh dục hay herpes sinh dục là bệnh do virus herpes simplex (HSV) gây ra, thường là loại 2 (HSV-2). Đây là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất.
Sau khi nhiễm virus, chúng sẽ xâm nhập vào trong các tế bào thần kinh của cơ thể và gây ra các đợt bùng phát triệu chứng. Triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện từ 4 đến 7 ngày sau khi nhiễm virus. Đợt bùng phát đầu tiên thường là nghiêm trọng nhất, các đợt sau sẽ nhẹ hơn và nhanh khỏi hơn.
Dấu hiệu, triệu chứng chính của mụn rộp sinh dục là nổi mụn nước. Sau đó mụn nước vỡ ra tạo thành vết loét, tấy đỏ xung quanh và đau đớn, nóng rát rồi dần đóng vảy và lành lại. Vị trí sắp nổi mụn nước thường có dấu hiệu là ngứa, châm chích và nóng đỏ. Mụn nước xuất hiện ở xung quanh âm đạo, mông và hậu môn.
Trong thời gian triệu chứng bùng phát, âm hộ sẽ bị tấy đỏ và đau.
Ngoài nổi mụn nước, mụn rộp sinh dục còn có những triệu chứng khác như:
- Sưng hạch bạch huyết
- Sốt
- Nhức đầu và đau nhức cơ thể
Hiện chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh mụn rộp nhưng các loại thuốc kháng virus như acyclovir (Zovirax), famciclovir hoặc valacyclavir (Valtrex) có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng, tần suất và rút ngắn thời gian của các đợt bùng phát.
Bệnh giang mai
Giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bệnh giang mai tiến triển qua 4 giai đoạn là giai đoạn đầu, giai đoạn 2, giai đoạn tiềm ẩn và giai đoạn 3. Bệnh này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến các cơ quan, bao gồm cả não bộ và thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Trong giai đoạn đầu của giang mai, bệnh có biểu hiện là hình thành vết loét nhỏ gọi là săng giang mai tại vị trí tiếp xúc với xoắn khuẩn. Vết loét thường xuất hiện sau từ 3 đến 4 tuần kể từ khi nhiễm xoắn khuẩn.
Săng giang mai không đau nhưng rất dễ lây truyền bệnh. Vì không đau nên nhiều khi người bệnh không chú ý đến. Săng giang mai sẽ tự khỏi sau khoảng 3 tuần nhưng vi khuẩn vẫn tiếp tục tồn tại, gây tổn hại bên trong cơ thể và lây sang người khác.
Ở giai đoạn 2, bệnh giang mai gây ra những vết phát ban màu đỏ nâu, có thể xuất hiện ở cả vùng bên trên âm đạo. Các dấu hiệu, triệu chứng khác còn có:
- Người mệt mỏi
- Sốt
- Sưng hạch bạch huyết
- Nhức đầu và đau nhức cơ thể
- Sụt cân
- Chán ăn
- Rụng tóc
Sau giai đoạn 2, các triệu chứng sẽ biến mất, có thể sẽ không bao giờ xuất hiện lại nữa hoặc chuyển sang giai đoạn 3. Ở giai đoạn 3, bệnh giang mai sẽ gây tổn hại đến não, dây thần kinh, mắt, tim, mạch máu, gan và xương khớp. Những vấn đề này có thể xảy ra sau nhiều năm kể từ khi nhiễm bệnh mà không được điều trị.
Bệnh giang mai phải điều trị bằng thuốc kháng sinh, thường là penicillin hoặc các loại thuốc kháng sinh khác đối với những người dị ứng với penicillin.
Mụn cóc sinh dục
Mụn cóc sinh dục cũng là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến và do một số chủng HPV (virus u nhú ở người) gây ra, chủ yếu là HPV 6 và 11.
Mụn cóc thường mọc thành cụm nhưng cũng có thể mọc đơn lẻ và ngoài bộ phận sinh dục, chúng còn có thể xuất hiện ở miệng, cổ họng hoặc vùng hậu môn. Mụn cóc sinh dục có một số đặc điểm như sau:
- Nhô cao trên bề mặt da và có bề mặt sần sùi, giống như súp lơ
- Màu da, hồng đỏ hoặc xám, nâu.
Mặc dù thường không đau nhưng mụn cóc có thể to lên và gây ngứa ngáy khó chịu.
Thông thường, mụn cóc sinh dục sẽ tự biến mất sau khoảng một năm hoặc cũng có thể xử lý bằng các phương pháp như:
- Thuốc imiquimod (Aldara)
- Thuốc podophyllin (Podocon-25) và podofilox (Condylox)
- Axit trichloroacetic hay TCA
- Áp lạnh mụn cóc bằng nitơ lỏng
- Đốt bằng điện hoặc laser
- Tiểu phẫu cắt bỏ
Tuy nhiên, cho dù có loại bỏ được mụn cóc thì virus vẫn tồn tại trong cơ thể và gây nổi mụn cóc trở lại bất cứ lúc nào.
Viêm da thần kinh
Viêm da thần kinh là một vấn đề về da không lây, còn được gọi là lichen đơn mạn tính. Bệnh này có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể, bao gồm cả bộ phận sinh dục.
Dấu hiệu và triệu chứng của viêm da thần kinh là có một hoặc nhiều mảng da khô, dày cứng, đóng vảy và ngứa ngáy.
Người bệnh càng gãi sẽ càng bị ngứa dữ dội hơn vì gãi gây kích thích các đầu dây thần kinh và sau đó, các dây thần kinh này lại tạo ra cảm giác ngứa.
Nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm da thần kinh hiện vẫn chưa được xác định rõ nhưng triệu chứng có thể bị kích hoạt bởi những yếu tố như côn trùng cắn hoặc căng thẳng. Viêm da thần kinh cũng có thể xảy ra thứ phát sau khi bị một vấn đề khác, chẳng hạn như viêm da tiếp xúc hoặc bệnh thần kinh đái tháo đường.
Khi liên tục gãi, vùng da bị bệnh sẽ trở nên dày và cứng lại (lichen hóa).
Hiện chưa có cách chữa khỏi viêm da thần kinh nhưng có thể khắc phục các triệu chứng bằng những phương pháp như thuốc bôi trị ngứa, tiêm corticosteroid, thuốc chống lo âu, liệu pháp điều trị bằng ánh sáng.
Loét sinh dục
Loét sinh dục ở phụ nữ là tình trạnh hình thành những vết loét đau hoặc không đau ở vùng âm hộ.
Nguyên nhân phổ biến nhất là các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm khuẩn hoặc nấm. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như:
- Bệnh vảy nến
- Phản ứng với thuốc
- Tổn thương khi quan hệ tình dục
Hội chứng Behçet (một bệnh tự miễn hiếm gặp)
Các vết loét ở âm hộ ban đầu thường có dạng các sẩn nhỏ, nổi mẩn hoặc trông giống như da bị kích ứng. Các biểu hiện khác đi kèm còn có:
- Đau đớn
- Ngứa
- Chảy dịch từ vết loét
- Tiểu khó hoặc đau rát khi đi tiểu
- Sưng hạch bạch huyết
- Sốt
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây loét.
U nang tuyến Bartholin
Tuyến Bartholin là hai tuyến có chức năng sản xuất dịch bôi trơn nằm ở hai bên cửa âm đạo. Khi các tuyến này bị tắc nghẽn, dịch bôi trơn sẽ ứ lại và dần dần hình thành u nang.
U nang có thể bị nhiễm trùng và chứa mủ, tạo thành ổ áp-xe.
U nang tuyến Bartholin thường không đau và phát triển chậm nhưng có thể gây tấy đỏ gần cửa âm đạo, khó chịu khi quan hệ tình dục hoặc các hoạt động khác hàng ngày.
Những trường hợp u nang nhỏ có thể tự tiêu. Nhưng nếu u nang lớn và gây đau thì sẽ cần tiến hành thủ thuật bóc nang tuyến Bartholin.
Lichen phẳng
Lichen phẳng xảy ra do hệ miễn dịch tấn công các tế bào da hoặc các tế bào niêm mạc, gồm có cả các tế bào ở âm đạo. Bệnh này không lây.
Các dấu hiệu, triệu chứng gồm có:
- Nổi nốt phẳng màu hồng đỏ hoặc đỏ tía, có bờ rõ rệt, bề mặt nhẵn, có thể hơi lõm
- Xuất hiện vết loét đau đớn ở quanh âm đạo
- Ngứa, rát
- Rụng tóc
Lichen phẳng được điều trị bằng thuốc bôi steroid. Các trường hợp lichen phẳng dạng trợt và loét sẽ cần điều trị lâu dài vì có thể tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào vảy.
Lichen xơ hóa
Lichen xơ hóa là một dạng lichen hiếm gặp, có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể nhưng thường là ở vùng da ở âm hộ. Bệnh này ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em gái trước tuổi dậy thì và phụ nữ sau mãn kinh.
Lichen xơ hóa có đặc điểm là:
- Mảng da trắng xung quanh âm hộ và hậu môn
- Ngứa ngáy âm đạo
- Ngứa hậu môn, chảy máu và đau
- Đau khi quan hệ tình dục
- Da bầm tím, xước rách và dễ chảy máu
- Nổi mụn nước
- Đau và chảy máu khi đi ngoài
- Khó tiểu và đau rát khi đi tiểu
Ở trẻ em, bệnh đôi khi tự khỏi nhưng ở người lớn thì hiện chưa có cách nào chữa khỏi hoàn toàn lichen xơ hóa. Tuy nhiên, có thể điều trị các triệu chứng bằng thuốc bôi corticoid hoặc thuốc điều hòa miễn dịch như pimecrolimus (Elidel).
Các nguyên nhân khác
- Thường xuyên mặc quần quá chật
- Kích ứng do cạo lông mu
- Viêm nang lông hay lông mọc ngược
- Hăm do béo phì (các nếp gấp da cọ xát với nhau và tích tụ hơi ẩm, dẫn đến kích ứng)
Các biện pháp tự khắc phục
Có thể tự khắc phục hiện tượng mẩn đỏ và ngứa ngáy ở vùng kín bằng những biện pháp dưới đây. Cố gắng không gãi vì gãi sẽ làm cho tình trạng thêm trầm trọng hơn.
- Tránh xa những tác nhân có thể gây kích ứng da, chẳng hạn như xà phòng, dung dịch thụt rửa hay băng vệ sinh có mùi thơm.
- Mặc quần rộng rãi và đồ lót bằng vải cotton. Tránh chất liệu tổng hợp.
- Không thụt rửa âm đạo (trừ khi được bác sĩ chỉ định).
- Sử dụng kem dưỡng ẩm không mùi để ngăn ngừa khô da.
- Dùng viên đặt axit boric - một chất có tác dụng trị viêm âm đạo do nấm và do vi khuẩn.
- Chườm mát để giảm ngứa. Cách này còn giúp corticoid thẩm thấu vào da tốt hơn.
- Ăn sữa chua có chứa lợi khuẩn để căn bằng hệ vi sinh vật trong âm đạo, ngăn ngừa nhiễm trùng nấm men.
- Uống bổ sung men vi sinh (probiotic) nếu đang dùng thuốc kháng sinh.
- Lau từ trước ra sau khi vệ sinh.
- Sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su khi quan hệ tình dục
Khi nào cần đi khám?
Nên đi khám nếu tình trạng mẩn đỏ và ngứa ngáy vùng kín kéo dài dai dẳng, đã thử những biện pháp tự khắc phục và thuốc không kê đơn mà không đỡ. Cần đến gặp bác sĩ ngay nếu còn có những dấu hiệu bất thường khác.
Sau khi xác định được nguyên nhân và điều trị thành công thì có thể tự mình khắc phục khi tình trạng tái phát trong tương lai.
Phương pháp chẩn đoán mẩn đỏ vùng kín
Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và lấy bệnh sử. Đôi khi, chỉ cần quan sát triệu chứng bên ngoài là có thể xác định được nguyên nhân.
Nếu chưa thể đưa ra chẩn đoán thì bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm soi tươi dịch âm đạo, soi tươi KOH hay sinh thiết da hoặc để phân tích dưới kính hiển vi nhằm tìm sự hiện diện của vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng (ví dụ như ghẻ) hoặc tế bào vảy nến.
Nếu có triệu chứng đáng ngờ thì còn phải làm xét nghiệm máu để xem có mắc các bệnh như mụn rộp hoặc giang mai hay không.
Biện pháp phòng ngừa
Vệ sinh vùng kín đúng cách mỗi ngày là điều rất quan trọng để tránh bị viêm nhiễm. Ngoài ra còn phải duy trì một chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh. Tình trạng sức khỏe tổng thể tốt sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng ở vùng kín.
Cuối cùng, cần phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục bằng cách:
- Sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục, chẳng hạn như bao cao su và màng chắn miệng
- Không dùng chung khăn tắm và quần áo với người khác
- Không quan hệ tình dục khi đối phương có dấu hiệu bất thường
Khi có biểu hiện nghi ngờ thì cần đi khám và điều trị theo phác đồ mà bác sĩ chỉ định để tránh phát sinh vấn đề nghiêm trọng hơn.
Tóm tắt bài viết
Mẩn đỏ, ngứa ngáy ở vùng kín có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Đôi khi, hiện tượng này sẽ tự hết hoặc điều trị được bằng những biện pháp đơn giản. Kể cả khi nguyên nhân là do những vấn đề không thể chữa khỏi được (chẳng hạn như mụn rộp hay bệnh vảy nến) thì cũng có thể làm giảm và kiểm soát các triệu chứng bằng thuốc.
Điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ khi tình trạng tiếp diễn mà không đỡ hoặc đi kèm các triệu chứng khác để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Việc điều trị kịp thời nhiễm trùng lây qua đường tình dục có thể ngăn ngừa bệnh viêm vùng chậu.
Đau vùng chậu là một vấn đề phổ biến ở phụ nữ và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Các cơn đau có thể là mãn tính hoặc cấp tính.
Dấu hiệu vùng kín khỏe mạnh được nhận biết như thế nào? Phụ nữ có thể tự kiểm tra vùng kín tại nhà để hiểu hơn về cơ thể của mình và phát hiện những thay đổi bất thường.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây đau âm hộ. Mỗi một nguyên nhân sẽ cần khắc phục bằng những biện pháp khác nhau. Không có phương pháp đơn lẻ nào có thể điều trị cho tất cả các trường hợp bị đau.
Thỉnh thoảng bị ngứa ở âm vật là hiện tượng hoàn toàn bình thường và không phải điều đáng lo ngại.