1

Áp-xe tuyến Bartholin điều trị bằng cách nào?

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là đối tượng dễ bị u nang và áp-xe tuyến Bartholin nhất. Gần 2% phụ nữ bị áp-xe tuyến Bartholin ít nhất một lần trong đời.
Áp-xe tuyến Bartholin điều trị bằng cách nào? Áp-xe tuyến Bartholin điều trị bằng cách nào?

Áp-xe tuyến Bartholin là gì?

Áp-xe tuyến Bartholin xảy ra khi một trong các tuyến Bartholin bị nhiễm trùng. Tuyến Bartholin là những tuyến nằm ở hai bên cửa âm đạo và có chức năng sản xuất dịch bôi trơn. Tuyến này có các ống dẫn dịch ra bên ngoài. Khi những ống này bị tắc nghẽn, dịch sẽ ứ lại và hình thành nên u nang. Nếu u nang bị nhiễm trùng thì sẽ dẫn đến áp-xe tuyến Bartholin.

Ổ áp-xe tuyến Bartholin thường có đường kính khoảng 3cm và gây đau đớn. Hầu hết các trường hợp áp-xe tuyến Bartholin đều khỏi hoàn toàn nhưng cũng có nhiều trường hợp mà u nang tiếp tục hình thành và bị nhiễm trùng sau điều trị.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là đối tượng dễ bị u nang và áp-xe tuyến Bartholin nhất. Gần 2% phụ nữ bị áp-xe tuyến Bartholin ít nhất một lần trong đời.

Nguyên nhân

Mỗi phụ nữ có hai tuyến Bartholin, mỗi tuyến có kích thước bằng hạt đậu và nằm ở hai bên cửa âm đạo. Những tuyến này cung cấp dịch bôi trơn cho niêm mạc âm đạo.

Một số loại vi khuẩn, ví dụ như vi khuẩn E. coli và vi khuẩn gây các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD), chẳng hạn như chlamydia hoặc bệnh lậu, có thể gây nhiễm trùng u nang và dẫn đến áp-xe tuyến Bartholin. Nếu vi khuẩn xâm nhập vào tuyến Bartholin thì sẽ gây sưng, nhiễm trùng và tắc nghẽn.

Khi dịch tích tụ trong tuyến, áp lực sẽ tăng lên. Có thể phải qua nhiều năm thì lượng dịch tích tụ mới đủ hình thành u nang nhưng một khi đã có u nang thì sẽ rất dễ bị áp-xe.

Khi tình trạng nhiễm trùng và sưng trở nên nghiêm trọng thì tuyến Bartholin sẽ bị áp-xe và khiến da có vết thương hở. Ổ áp-xe tuyến Bartholin gây đau đớn dữ dội nhưng đa phần chỉ xảy ra ở một bên cửa âm đạo.

Các triệu chứng

Áp-xe tuyến Bartholin thường gây nổi cục bên dưới da ở một bên cửa âm đạo. Tình trạng này sẽ gây đau đớn mỗi khi vùng kín bị đụng chạm, ma sát trong những hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như đi bộ, ngồi hoặc có quan hệ tình dục.

Áp-xe còn gây sốt cùng với hiện tượng sưng đỏ và nóng ấm khi chạm.

Biện pháp chẩn đoán

Để xác định xem có phải bị áp-xe tuyến Bartholin hay không thì bác sĩ sẽ sờ nắn bằng tay để phát hiện u cục bất thường trong âm đạo và quan sát những dấu hiệu nhiễm trùng. Sau đó sẽ cần lấy mẫu dịch từ khu vực này để xem có mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay không. Nếu có thì những bệnh này cần được điều trị cùng với áp-xe.

Với những phụ nữ trên 40 tuổi hoặc đã mãn kinh thì sẽ còn phải sinh thiết khi phát hiện thấy bất cứ u cục nào trong âm đạo để loại trừ khả năng ung thư. Trong một số trường hợp hiếm gặp, áp-xe tuyến Bartholin có thể là dấu hiệu của ung thư.

Các lựa chọn điều trị

Tự điều trị

Trong giai đoạn đầu, có thể tự điều trị áp-xe tuyến Bartholin tại nhà bằng phương pháp ngâm nước ấm. Cách thực hiện rất đơn giản. Chỉ cần chuẩn bị một chậu nước ấm hoặc đổ nước ấm vào trong bồn tắm. Sau đó ngâm vùng kín vào trong. Mặc dù cách này không thể chữa khỏi áp-xe nhưng sẽ giúp làm giảm cảm giác đau đớn, khó chịu.

Nếu mới có u nang và không bị nhiễm trùng thì ngâm nước ấm sẽ giúp dịch lỏng trong u nang chảy ra ngoài và làm cho u nang tiêu đi. Để điều trị u nang tuyến Bartholin thì nên ngâm nước ấm ba hoặc bốn lần một ngày, mỗi lần ít nhất 10 đến 15 phút.

Có thể phải thực hiện đều đặn vài ngày thì u nang tuyến Bartholin mới biến mất vì lỗ mở của các ống dẫn trong tuyến Bartholin rất nhỏ và chúng có thể đóng lại trước khi dịch bên trong kịp thoát ra ngoài.

Ngoài ra còn các phương pháp tự điều trị tại nhà khác cũng có thể giúp u nang tuyến Bartholin tự tiêu và lành lại. Sử dụng hỗn hợp tinh dầu tràm trà (tea tree oil) và dầu thầu dầu (castor oil) bôi lên sẽ giúp thúc đẩy quá trình thoát dịch trong u nang. Tinh dầu tràm trà từ lâu đã được biết đến với đặc tính kháng khuẩn và có thể giúp điều trị nhiễm trùng. Dầu thầu dầu có tác dụng thúc đẩy lưu thông máu ở khu vực bị tổn thương và làm giảm viêm.

Có thể hòa lẫn dầu tràm trà và dầu thầu dầu rồi ngâm một miếng gạc sạch vào rồi sau đó đắp lên vị trí có u nang. Nếu có thể thì nên đắp thêm một miếng chườm nóng hoặc khăn ấm lên trên để tăng hiệu quả.

Thời gian khỏi bệnh

Nếu nghi ngờ mình bị áp-xe tuyến Bartholin thì nên đi khám càng sớm càng tốt. Cần đến bệnh viện ngay nếu bị sốt hoặc nếu cơn đau bắt đầu cản trở các hoạt động hàng ngày.

Một khi loại bỏ được hết dịch khỏi ổ áp-xe thì sẽ rất nhanh lành. Hầu hết bệnh nhân đều cảm thấy dễ chịu hơn hẳn chỉ trong vòng 24 giờ sau khi ổ áp-xe thoát hết dịch.

Nếu cần cắt bỏ áp-xe thì thời gian hồi phục sau phẫu thuật sẽ tùy thuộc vào các bước cụ thể của quy trình. Cần nghỉ ngơi nhiều trong vài ngày đầu sau phẫu thuật và làm đúng theo các hướng dẫn của bác sĩ. Không nên vận động mạnh và quan hệ tình dục cho đến khi đường rạch liền lại hoàn toàn và uống thuốc kháng sinh đủ liều, đủ thời gian.

Một khi được điều trị thành công thì áp-xe tuyến Bartholin sẽ không để lại bất cứ hậu quả nào về lâu dài ngoài việc có thể để lại sẹo trên da do các thủ thuật điều trị.

Khi nào cần đi khám?

Nếu có những dấu hiệu áp-xe tuyến Bartholin thì nên đi khám bác sĩ phụ khoa. Mặc dù có thể thử ngâm trong nước ấm và các biện pháp tự điều trị nhưng những cách này chỉ có thể xử lý được u nang chưa bị nhiễm trùng. Tình trạng áp-xe cần được can thiệp bằng các biện pháp y tế.

Thông thường, ổ áp-xe cần được dẫn lưu bằng cách phẫu thuật. Thủ thuật này được thực hiện sau khi gây tê tại chỗ nhưng đôi khi sẽ cần gây mê toàn thân.

Trong quá trình làm thủ thuật, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trong ổ áp-xe và đặt một ống thông vào bên trong để dẫn dịch ra ngoài. Ống thông có thể được giữ nguyên trong vài tuần. Khi ổ áp-xe lành lại thì ống thông sẽ được lấy ra hoặc để tự rơi ra ngoài.

Vì áp-xe thường là kết quả do bị nhiễm trùng nên bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, nếu đã loại bỏ được hết dịch trong ổ áp-xe thì có thể không cần dùng kháng sinh nữa.

Áp-xe tuyến Bartholin có thể tái phát sau điều trị. Trong những trường hợp mà vấn đề tái đi tái lại nhiều lần thì sẽ cần thực hiện một thủ thuật gọi là mở thông nang.

Mở thông nang cũng tương tự như các kỹ thuật dẫn lưu khác nhưng thay vì để đường rạch liền lại thì bác sĩ sẽ khâu mép đường rạch sang hai bên, tạo thành một lỗ mở để cho phép thoát dịch một cách tối đa. Có thể sử dụng ống thông hoặc đặt gạc vào trong ổ áp-xe rồi lấy ra vào ngày hôm sau. Quá trình này được thực hiện với phương pháp gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân. Bệnh nhân sẽ cần điều trị nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh trước khi làm thủ thuật.

Nếu đã thực hiện những phương pháp điều trị này mà vấn đề vẫn tái phát thì sẽ cần cắt bỏ tuyến Bartholin. Phương pháp phẫu thuật này rất hiếm khi được thực hiện và cần gây mê toàn thân.

Biện pháp phòng ngừa

Không có cách nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn u nang và áp-xe tuyến Bartholin. Tuy nhiên, những biện pháp như quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su và giữ vệ sinh tốt sẽ giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào u nang và gây nhiễm trùng. Một điều quan trọng nữa là cần xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nếu mắc thì cần điều trị dứt điểm.

Giữ cho đường tiết niệu khỏe mạnh cũng sẽ giúp ngăn ngừa hình thành u nang và áp-xe tuyến Bartholin. Nên uống nhiều nước và không được nhịn tiểu trong thời gian dài.

Các biến chứng và triệu chứng khẩn cấp

Nếu áp-xe tuyến Bartholin trở nên nghiêm trọng và không được điều trị thì tình trạng nhiễm trùng có thể lây lan sang các cơ quan khác trong cơ thể. Vi khuẩn gây nhiễm trùng có thể xâm nhập vào máu và dẫn đến nhiễm khuẩn huyết (hay nhiễm trùng máu). Tình trạng này rất nguy hiểm vì vi khuẩn có thể theo máu lan ra khắp cơ thể và dẫn đến sốc nhiễm trùng – một vấn đề có thể đe dọa đến tính mạng.

Khi bị sốt trên 39 độ C thì cần đến bệnh viện ngay. Cũng cần can thiệp khẩn cấp nếu ổ áp-xe đột ngột bị vỡ hoặc tình trạng đau đớn dữ dội kéo dài dai dẳng mà không đỡ.

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Sưng âm hộ là do đâu và điều trị bằng cách nào?
Sưng âm hộ là do đâu và điều trị bằng cách nào?

Sưng âm hộ có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.

Ung thư buồng trứng giai đoạn 1 điều trị bằng cách nào?
Ung thư buồng trứng giai đoạn 1 điều trị bằng cách nào?

Rất khó phát hiện ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu vì ở giai đoạn này, bệnh thường không có bất cứ dấu hiệu bất thường nào mà nếu có thì cũng giống với biểu hiện của nhiều vấn đề không phải ung thư.

Xoắn buồng trứng là gì? Điều trị bằng cách nào?
Xoắn buồng trứng là gì? Điều trị bằng cách nào?

Buồng trứng có thể bị xoắn khi không ổn định. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên điều này, ví dụ như u nang hoặc khối u ở buồng trứng.

Điều trị mụn cóc sinh dục bằng cách nào?
Điều trị mụn cóc sinh dục bằng cách nào?

Mụn cóc sinh dục là một vấn đề do nhiễm HPV gây ra. Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến và có thể điều trị được.

Điều trị mụn cóc ở hậu môn bằng cách nào?
Điều trị mụn cóc ở hậu môn bằng cách nào?

Mụn cóc có thể xuất hiện ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, trong đó có hậu môn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây