1

Điều trị mụn cóc ở hậu môn bằng cách nào?

Mụn cóc có thể xuất hiện ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, trong đó có hậu môn.
Điều trị mụn cóc ở hậu môn bằng cách nào? Điều trị mụn cóc ở hậu môn bằng cách nào?

Mụn cóc hậu môn

Mụn cóc hậu môn là những mụn cóc nhỏ xuất hiện bên trong hoặc xung quanh lỗ hậu môn. Tình trạng này còn được gọi là sùi mào gà. Mụn cóc hậu môn là một dạng mụn cóc sinh dục.

Trong hầu hết các trường hợp, mụn cóc chỉ gây ngứa chứ không gây khó chịu hay đau đớn. Nhiều người thậm chí còn không biết mình bị mụn cóc hậu môn. Tuy nhiên, chúng sẽ trở nên khó chịu nếu phát triển đủ lớn và còn có thể bị chảy máu.

Mụn cóc ở hậu môn có thể chỉ xuất hiện ở một vị trí hoặc cũng có thể dần dần lây lan sang các khu vực khác của bộ phận sinh dục và hậu môn theo thời gian.

Dấu hiệu nhận biết

Mụn cóc hậu môn hình thành ở bên trong và xung quanh lỗ hậu môn. Ban đầu, chúng trông giống như những nốt sần và có kích thước rất nhỏ, có thể chỉ tương đương với đầu kim nên không được chú ý đến. Dần dần mụn cóc sẽ to lên hoặc mọc thành từng đám, sần sùi giống như súp lơ. Mụn cóc có nhiều màu khác nhau, từ màu đỏ hồng, màu da, nâu nhạt hoặc nâu đậm.

Mụn cóc ở hậu môn thường xuất hiện mà không hề gây đau đớn hay khó chịu. Nhưng đôi khi, những mụn cóc này gây ngứa ngáy, chảy máu hoặc tiết dịch từ hậu môn. Nhiều người bị mụn cóc hậu môn còn cảm thấy cộm vướng ở khu vực này.

Mụn cóc có thể xuất hiện đồng thời trên các bộ phận khác của cơ thể như âm hộ, âm đạo hoặc cổ tử cung ở phụ nữ và dương vật, bìu, đùi hoặc bẹn ở nam giới.

Không chỉ lây qua quan hệ đường âm đạo hay hậu môn mà quan hệ tình dục bằng miệng với người bị mụn cóc sinh dục hoặc hôn người bị mụn cóc miệng cũng có thể dẫn đến lây nhiễm. Mụn cóc cũng có thể mọc trên miệng hoặc cổ họng của người nhiễm HPV.

Nguyên nhân gây mụn cóc hậu môn

Mụn cóc sinh dục, bao gồm cả mụn cóc hậu môn, là do virus u nhú ở người (HPV) gây ra. Nhiễm HPV là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Ở những người trẻ tuổi và có hệ miễn dịch khỏe mạnh, HPV sẽ biến mất sau một thời gian và không gây ra bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào. Tuy nhiên, ở một số người, virus vẫn tồn tại trong cơ thể và gây ra mụn cóc sinh dục. Một số chủng HPV gây ra mụn cóc sinh dục trong khi một số chủng khác lại gây các bệnh ung thư, ví dụ như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư dương vật hay ung thư hậu môn. Các chủng HPV gây mụn cóc ở hậu môn và bộ phận sinh dục không gây ung thư.

HPV lây từ người này sang người khác qua sự tiếp xúc trực tiếp với miệng, hậu môn, dương vật hoặc âm đạo. Không phải chỉ quan hệ thâm nhập mới lây nhiễm mà virus có thể lây kể cả khi chỉ tiếp xúc da. Sự lây truyền HPV có thể xảy ra ngay cả khi không nhìn thấy mụn cóc.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), mụn cóc sinh dục thường chủ yếu lây lan qua quan hệ tình dục đường hậu môn và âm đạo. Gần như tất cả nam giới và phụ nữ có quan hệ tình dục đều bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời.

Ai có nguy cơ bị mụn cóc hậu môn?

Nguy cơ mắc và lây truyền mụn cóc hậu môn sẽ tăng cao nếu như:

  • Quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su hay màng chắn miệng)
  • Quan hệ với nhiều người
  • Quan hệ qua đường hậu môn
  • Quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc thân mật với người bị nhiễm HPV
  • Bắt đầu quan hệ tình dục từ quá sớm
  • Hệ miễn dịch bị suy giảm do mắc bệnh hoặc dùng thuốc

Tuy nhiên, kể cả khi chỉ quan hệ tình dục với một người và đeo bao cao su thì vẫn có thể bị mụn cóc hậu môn vì virus có thể lây truyền qua sự tiếp xúc da giữa những vùng không được bao cao su bảo vệ.

Chẩn đoán mụn cóc hậu môn bằng cách nào?

Bác sĩ chẩn đoán mụn cóc hậu môn bằng cách kiểm tra trực quan. Đôi khi cần bôi axit axetic (dung dịch giấm) lên vùng nghi ngờ có mụn cóc trong quá trình thăm khám. Điều này khiến da chuyển sang màu trắng và phát hiện được dễ hơn. Tuy nhiên, điều này thường không cần thiết để chẩn đoán mụn cóc ở hậu môn.

Quá trình kiểm tra thường gồm có cả bước nội soi trực tràng hậu môn để phát hiện mụn cóc bên trong ống hậu môn. Ngoài ra, cần kiểm tra toàn bộ vùng chậu để tìm các loại mụn cóc sinh dục khác. Ở phụ nữ thì có thể còn phải làm xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung).

Đôi khi cần sinh thiết mụn cóc, trong đó bác sĩ cắt mụn cóc và đem đi phân tích. Thủ thuật này có thể được sử dụng để xác nhận chẩn đoán trong trường hợp mụn cóc không đáp ứng với phương pháp điều trị ban đầu.

Điều trị mụn cóc ở hậu môn

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào số lượng và vị trí của mụn cóc.

Thuốc bôi ngoài da

Phương pháp điều trị bằng thuốc bôi phù hợp đối với những mụn cóc cỡ nhỏ và chỉ giới hạn ở khu vực bên ngoài của hậu môn. Trong những trường hợp này, phải dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Các loại thuốc tẩy mụn cóc không kê đơn thông thường chỉ dùng được cho những bộ phận khác của cơ thể chứ không thể dùng cho vùng hậu môn hay bộ phận sinh dục vì sẽ gây kích ứng, bỏng rát và tổn thương vùng da nhạy cảm ở khu vực này.

Một số loại thuốc trị mụn cóc sinh dục phải được bác sĩ bôi tại bệnh viện nhưng cũng có những loại tự bôi được tại nhà. Quá trình điều trị thường kéo dài trong vài tuần hoặc lâu hơn.

Các loại thuốc bôi dùng để điều trị mụn cóc ở bộ phận sinh dục hoặc hậu môn gồm có:

  • imiquimod (Aldara, Zyclara)
  • podofilox (Condylox)
  • podophyllin (Podocon)
  • axit trichloroacetic (TCA)
  • axit bichloroacetic (BCA)

Các phương pháp điều trị khác

Ngoài dùng thuốc thì còn có các phương pháp khác để trị mụn cóc hậu môn và được lựa chọn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vị trí của mụn cóc. Các phương pháp này gồm có:

  • Liệu pháp áp lạnh (phẫu thuật lạnh): sử dụng nitơ lỏng để làm đông lạnh và phá hủy mô mụn cóc. Sau khi đông lạnh, mụn cóc sẽ bong ra.
  • Đốt điện: sử dụng dòng điện để đốt mụn cóc.
  • Đốt bằng laser: sử dụng năng lượng ánh sáng cường độ cao để phá hủy mô mụn cóc. Thủ thuật này thường chỉ được sử dụng cho những trường hợp có mụn cóc lớn hoặc ở vị trí khó tiếp cận.

Nếu mụn cóc lan rộng thì sẽ phải điều trị làm nhiều lần. Và một số trường hợp sẽ cần phẫu thuật để cắt bỏ mụn cóc trực tiếp.

Phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật thường dành cho những trường hợp có mụn cóc cỡ lớn và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc có mụn cóc ở bên trong ống hậu môn. Quy trình phẫu thuật loại bỏ mụn cóc thường rất đơn giản, nhanh chóng và người bệnh có thể về nhà ngay sau khi hoàn tất.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ dùng dụng cụ chuyên dụng để cắt mụn cóc. Có thể gây tê tại chỗ nếu chỉ có ít mụn cóc hoặc phải gây mê toàn thân, gây tê tủy sống nếu có nhiều và mụn cóc lan rộng.

Sau khi đốt điện, áp lạnh hoặc phẫu thuật cắt mụn cóc hậu môn, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu trong vài ngày nhưng có thể làm dịu bằng thuốc giảm đau. Thời gian có thể đi làm lại và sinh hoạt bình thường sẽ phụ thuộc vào mức độ mụn cóc và phương pháp điều trị được thực hiện.

Có thể chữa khỏi không?

Mụn cóc ở hậu môn hay bộ phận sinh dục không phải vấn đề nguy hiểm và đa phần không phát triển thành ung thư. Tuy nhiên, HPV - virus gây mụn cóc có thể không biến mất mà vẫn tồn tại trong cơ thể, khiến mụn cóc tái phát trong tương lai.

Do đó, cần đi tái khám theo lịch để theo dõi, đặc biệt là trong vòng 3 tháng đầu sau điều trị.

Ngăn ngừa mụn cóc hậu môn

Các chuyên gia không khuyến khích làm xét nghiệm HPV định kỳ. Tuy nhiên, có thể ngăn ngừa mụn cóc do HPV gây ra bằng cách tiêm vắc-xin. CDC khuyến cáo nên tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV ở tuổi 11 hoặc 12 để cơ thể tạo miễn dịch chống lại virus trước khi tiếp xúc nhưng có thể tiêm trong độ tuổi từ 9 đến 26. Mới đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA đã tăng độ tuổi có thể tiêm vắc-xin HPV lên 45.

Các biện pháp khác để ngăn ngừa lây nhiễm HPV và mụn cóc hậu môn còn có:

  • Sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su hoặc màng chắn miệng khi quan hệ tình dục
  • Không quan hệ tình dục với nhiều người
  • Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ không thể bảo vệ hoàn toàn khỏi HPV và vẫn có thể bị nhiễm virus này dù chỉ quan hệ với một người.

Tóm tắt bài viết

Mụn cóc ở hậu môn có thể gây khó chịu và đau đớn nhưng hoàn toàn có thể điều trị được. Nếu nghi ngờ mình bị mụn cóc ở hậu môn thì cần đi khám bác sĩ để xác nhận và có phương pháp điều trị thích hợp. Sau điều trị, mụn cóc vẫn có thể tái phát.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: hậu môn
Tin liên quan
Mụn cóc phẳng: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Mụn cóc phẳng: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Trong hầu hết các trường hợp, mụn cóc phẳng tự biến mất mà không để lại biến chứng nào. Tuy nhiên, dù tự biến mất hay được điều trị thì mụn cóc cũng đều có thể quay trở lại.

Các loại mụn cóc và cách điều trị
Các loại mụn cóc và cách điều trị

Có 5 loại mụn cóc chính. Mỗi loại xuất hiện trên những bộ phận khác nhau của cơ thể và có những đặc điểm nhận dạng riêng.

Trị mụn cóc trên lưỡi bằng cách nào?
Trị mụn cóc trên lưỡi bằng cách nào?

Mụn cóc trên lưỡi thường không cần phải điều trị mà tự khỏi nhưng có thể phải mất nhiều năm.

Các phương pháp điều trị nhiễm HPV
Các phương pháp điều trị nhiễm HPV

Đến nay vẫn chưa có cách chữa trị dứt điểm khi nhiễm HPV nhưng có nhiều biện pháp để điều trị các triệu chứng do vi-rút này gây ra.

Những điều phụ nữ cần biết về HPV
Những điều phụ nữ cần biết về HPV

Mặc dù HPV thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nhưng một số chủng gây ra mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) trong khi một số chủng khác lại có thể dẫn đến một số bệnh ung thư ví dụ như ung thư cổ tử cung.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây