1

Tổng quan về niệu đạo nữ

Niệu đạo là một phần của hệ tiết niệu. Các cơ quan khác trong hệ tiết niệu gồm có thận, niệu quản và bàng quang. Hệ tiết niệu có chức năng tạo ra, chứa và bài tiết nước tiểu. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể. Niệu đạo có mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan sinh dục nên giải phẫu niệu đạo ở nam giới và phụ nữ có sự khác biệt.
Tổng quan về niệu đạo nữ Tổng quan về niệu đạo nữ

Giải phẫu và chức năng của niệu đạo ở phụ nữ

Niệu đạo của nữ giới bắt đầu từ cổ bàng quang, kéo dài xuống dưới qua cơ sàn chậu.

Niệu đạo có cấu trúc cơ hình vòng tròn gọi là cơ thắt niệu đạo, có chức năng ngăn nước tiểu rò rỉ ra ngoài. Khi đi tiểu, cơ thắt niệu đạo giãn ra và cho phép nước tiểu chảy qua.

Ở phụ nữ, niệu đạo mở vào tiền đình âm đạo, khu vực giữa hai môi bé. Lỗ niệu đạo nằm ngay bên trên cửa âm đạo.

Bề mặt bên trong của niệu đạo có môt lớp tế bào gọi là biểu mô. Niệu đạo có các tuyến sản xuất chất nhầy giúp bảo vệ biểu mô không bị tổn thương khi tiếp xúc với nước tiểu.

Niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn đáng kể so với niệu đạo của nam giới. Điều này khiến cho phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn do vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bàng quang hơn.

Các bệnh về niệu đạo ở phụ nữ

Viêm niệu đạo

Viêm niệu đạo là một trong những vấn đề về niệu đạo phổ biến nhất.

Các triệu chứng của viêm niệu đạo gồm có:

  • Buồn tiểu liên tục
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Buồn tiểu nhưng lượng nước tiểu mỗi lần chỉ rất ít
  • Nước tiểu đục và/hoặc có mùi hôi
  • Máu trong nước tiểu
  • Đau vùng chậu

Viêm niệu đạo đôi khi là do đặt ống thông tiểu hoặc các thủ thuật y tế ở đường tiết niệu nhưng cũng có thể là do nhiễm trùng. Nhiễm trùng chủ yếu xảy ra do vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào niệu đạo. Một nguyên nhân phổ biến là do thói quen lau từ sau ra trước khi đi vệ sinh, điều này đưa vi khuẩn từ hậu môn vào niệu đạo.

Ngoài ra, các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) cũng có thể gây viêm niệu đạo, ví dụ như:

  • Bệnh lậu
  • Chlamydia
  • Bệnh herpes

Nếu nguyên nhân do thủ thuật y tế hoặc đặt ống thông tiểu thì viêm niệu đạo thường tự khỏi theo thời gian. Viêm niệu đạo do nhiễm trùng cần điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus.

Hẹp niệu đạo

Nam giới có nguy cơ bị hẹp niệu đạo cao hơn phụ nữ do niệu đạo của nam giới dài hơn nhưng phụ nữ cũng có thể gặp phải vấn đề này.

Các triệu chứng của hẹp niệu đạo gồm có:

  • Tiểu khó, đau khi đi tiểu
  • Dòng tiểu yếu, ngắt quãng
  • Máu trong nước tiểu
  • Đau bụng

Các nguyên nhân gây hẹp niệu đạo gồm có chấn thương do tai nạn hoặc tổn thương do phẫu thuật. Nhiễm trùng, bao gồm cả các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục cũng có thể gây hẹp niệu đạo.

Hầu hết các trường hợp hẹp niệu đạo đều có thể điều trị được bằng cách phẫu thuật mở rộng niệu đạo hoặc cắt bỏ mô sẹo gây tắc nghẽn.

Ung thư niệu đạo

Ung thư niệu đạo là một loại ung thư hiếm gặp nhưng có thể nhanh chóng lan đến các cơ quan xung quanh như bàng quang và âm đạo.

Ung thư niệu đạo thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Khi tiến sang sang các giai đoạn sau, ung thư niệu đạo gây ra các triệu chứng như:

  • Tiểu ra máu
  • Chảy máu hoặc dịch tiết bất thường từ niệu đạo
  • Tiểu nhiều lần
  • Dòng tiểu yếu

Nguyên nhân chính xác gây bệnh ung thư niệu đạo vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư niệu đạo, gồm có:

  • Tuổi cao
  • Tiền sử ung thư bàng quang
  • Viêm niệu đạo mạn tính, thường là do nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục nhiều lần

Các phương pháp điều trị ung thư niệu đạo gồm có phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp cả ba.

Hội chứng niệu đạo

Hội chứng niệu đạo là tình trạng gây ra các triệu chứng tương tự như nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, hội chứng niệu đạo không phải do nhiễm vi khuẩn hay virus.

Triệu chứng chính của hội chứng niệu đạo là đau mạn tính ở vùng chậu và đường tiết niệu. Cơn đau có thể kéo dài dai dẳng hoặc xảy ra khi có các tác nhân kích hoạt như tập thể dục, dị ứng, tiếp xúc với chất gây kích ứng hay ăn một số loại thực phẩm gây kích thích.

Các triệu chứng khác của hội chứng niệu đạo còn có tiểu nhiều lần và đau khi đi tiểu.

Vật lý trị liệu là một giải pháp điều trị hội chứng niệu đạo. Tránh các chất gây kích ứng như xà phòng thơm, xịt khử mùi hay dung dịch thụt rửa cũng có thể giúp ngăn ngừa triệu chứng bùng phát.

Người bệnh cũng nên tránh các loại thực phẩm có thể gây kích thích niệu đạo như:

  • Thức ăn cay
  • Thực phẩm có tính axit
  • Rượu bia
  • Caffeine

Bướu núm niệu đạo

Bướu núm niệu đạo là một dạng bướu lành tính hình thành ở niệu đạo, thường xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh. Bướu núm niệu đạo đa phần không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, đôi khi bướu núm niệu đạo gây đau khi đi tiểu hoặc chảy máu niệu đạo.

Các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này nhưng có thể là do sự sụt giảm nồng độ estrogen vào thời kỳ mãn kinh.

Nếu không có triệu chứng thì bướu núm niệu đạo không cần điều trị. Nếu có triệu chứng, người bệnh có thể điều trị bằng thuốc chống viêm hoặc estrogen tại chỗ. Bướu núm niệu đạo lớn có thể cần phẫu thuật cắt bỏ

Triệu chứng của các bệnh về niệu đạo

Triệu chứng phổ biến nhất của các vấn đề về niệu đạo gồm có:

  • Tiểu nhiều lần
  • Tiểu gấp
  • Đau khi đi tiểu
  • Dòng tiểu yếu
  • Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi
  • Nước tiểu có máu
  • Đau vùng chậu hoặc bụng

Nên đi khám khi gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này, đặc biệt là khi các triệu chứng kéo dài nhiều ngày không đỡ.

Phòng ngừa bệnh về niệu đạo

Uống đủ nước

Uống nhiều nước sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn và các mầm bệnh khác khỏi đường tiết niệu, nhờ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Ăn việt quất và nam việt quất

Quả việt quất và nam việt quất có chứa một số hợp chất giúp ngăn vi khuẩn bám vào niêm mạc đường tiết niệu. Hai loại quả này còn giàu vitamin C, giúp giữ cho nước tiểu có tính axit. Điều này giúp ngăn vi khuẩn tồn tại và phát triển trong đường tiết niệu.

Lau từ trước ra sau

Không lau ngược từ sau ra trước khi đi vệ sinh. Làm như vậy sẽ đưa vi khuẩn từ hậu môn vào niệu đạo.

Khám sức khỏe định kỳ

Phụ nữ nên khám phụ khoa và làm xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung) định kỳ. Nếu có quan hệ tình dục thì nên làm xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Điều này sẽ giúp phát hiện sớm hơn các bệnh lây truyền qua đường tình dục và một số bệnh ung thư. Bệnh càng được phát hiện sớm thì sẽ càng dễ điều trị.

Quan hệ tình dục an toàn

Sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục.

Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục

Điều này giúp loại bỏ vi khuẩn đã xâm nhập vào bên trong hoặc xung quanh niệu đạo.

Tránh các chất gây kích ứng

Không sử dụng các sản phẩm có mùi thơm ở vùng kín như xịt khử mùi và dung dịch thụt rửa. Những sản phẩm này có thể gây kích ứng niệu đạo.

Mặc quần rộng rãi và đồ lót bằng cotton

Vi khuẩn phát triển mạnh trong môi trường ấm áp và ẩm ướt. Mặc quần rộng rãi và đồ lót bằng chất liệu cotton thoáng khí sẽ giúp tránh tích tụ hơi ẩm ở vùng kín và nhờ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bị Nhiễm Trùng Đường Tiết Niệu Có Thể Quan Hệ Tình Dục Không?
Bị Nhiễm Trùng Đường Tiết Niệu Có Thể Quan Hệ Tình Dục Không?

Nếu đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn nên đợi cho đến khi hết triệu chứng và hoàn thành toàn bộ quá trình điều trị mới quan hệ tình dục trở lại.

Phòng Ngừa Nhiễm Trùng Đường Tiết Niệu Do Quan Hệ Tình Dục

Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu do quan hệ tình dục như thế nào? Có một số cách để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu như sau. Hãy cùng tham khảo bài viết nhé

Cách giảm khó chịu sau khi đặt stent niệu quản
Cách giảm khó chịu sau khi đặt stent niệu quản

Stent niệu quản có tác dụng giữ cho niệu quả mở rộng, giúp nước tiểu chảy từ thận xuống bàng quang một cách dễ dàng. Stent niệu quả thường được sử dụng khi niệu quản bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, ví dụ như do sỏi thận. Tuy nhiên, người bệnh có thể sẽ cảm thấy khó chịu sau khi đặt stent niệu quản, đặc biệt là ở thời gian đầu. Điều này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày.

Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (ung thư bể thận và niệu quản)
Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (ung thư bể thận và niệu quản)

Ung thư bắt đầu trong các tế bào chuyển tiếp là loại ung thư phổ biến nhất xảy ra ở bể thận và niệu quản.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây