Phòng Ngừa Nhiễm Trùng Đường Tiết Niệu Do Quan Hệ Tình Dục
Nhiễm trùng đường tiết niệu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn xảy ra ở các cơ quan trong đường tiết niệu, gồm có niệu đạo, bàng quang, niệu quản và thận. Mặc dù nhiễm trùng đường có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong đường tiết niệu nhưng đa phần xảy ra ở bàng quang. Tình trạng này được gọi là nhiễm trùng bàng quang hay viêm bàng quang.
Mặc dù nước tiểu vốn không chứa vi khuẩn nhưng đôi khi vi khuẩn ở vùng sinh dục có thể xâm nhập vào đường tiết niệu. Điều này dẫn đến nhiễm trùng và viêm.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, trong đó có quan hệ tình dục.
Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2013, ít nhất 50 đến 60% phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu. (1)
Nam giới có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu thấp hơn phụ nữ nhưng vẫn có thể mắc bệnh.
Bài viết này sẽ đưa ra một số cách phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu do quan hệ tình dục gây ra.
Quan hệ tình dục có gây nhiễm trùng đường tiết niệu không?
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra do quan hệ tình dục, đặc biệt là ở phụ nữ.
Những chuyển động trong khi quan hệ tình dục có thể đưa vi khuẩn lên niệu đạo và vào bàng quang, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu do quan hệ tình dục hơn. Lý do là vì niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn của nam giới, điều này có nghĩa là vi khuẩn dễ xâm nhập vào bàng quang hơn.
Ngoài ra, niệu đạo của phụ nữ còn nằm gần hậu môn hơn. Điều này khiến cho vi khuẩn ở hậu môn, chẳng hạn như E. coli, dễ dàng xâm nhập vào niệu đạo hơn.
Không chỉ có quan hệ tình dục xâm nhập, nhiễm trùng đường tiết niệu còn có thể xảy ra do quan hệ tình dục bằng miệng. Khi quan hệ tình dục bằng miệng, vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào niệu đạo và dẫn đến nhiễm trùng.
Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu do quan hệ tình dục nhưng những phụ nữ có tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát hoặc bất thường về đường tiết niệu có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu do quan hệ tình dục
Mặc dù không có cách nào có thể ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu một các tuyệt đối nhưng có nhiều cách để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu sau khi quan hệ tình dục.
Một trong những cách hiệu quả nhất là đi tiểu sau khi quan hệ tình dục. Điều này giúp loại bỏ đi những vi khuẩn đã xâm nhập vào niệu đạo và vi khuẩn trong bàng quang, nhờ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Đi tiểu trước khi quan hệ tình dục cũng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Rửa vùng kín bằng nước ấm trước khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo, đặc biệt là ở phụ nữ.
Một số biện pháp tránh thai, chẳng hạn như màng ngăn âm đạo hoặc thuốc diệt tinh trùng, có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu bạn đang dùng một trong hai biện pháp tránh thai này và bị nhiễm trùng đường tiết niệu thì nên cân nhắc đổi sang biện pháp tránh thai khác.
Những phụ nữ thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu có thể cần dùng thuốc kháng sinh sau mỗi lần quan hệ tình dục.
Tuy nhiên, không nên tự mua thuốc và sử dụng mà phải đi khám để bác sĩ kê thuốc.
Các yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng đường tiết niệu
Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 8 lần so với nam giới. (2)
Nguy cơ càng tăng cao ở những phụ nữ mãn kinh bị khô hoặc teo âm đạo.
Các yếu tố khác làm nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:
- Thường xuyên quan hệ tình dục hoặc quan hệ tình dục mạnh bạo
- Quan hệ tình dục với một người mới
- Có tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu
- Mang đa thai
- Béo phì
- Mắc bệnh tiểu đường
- Hệ miễn dịch suy yếu
- Bất thường ở đường tiết niệu hoặc cơ quan sinh dục
Một yếu tố khác là tiền sử gia đình. Theo Harvard Health, những phụ nữ có mẹ hoặc chị gái thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu có nguy cơ bị bệnh cao hơn. (3)
Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Các triệu chứng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Một số triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:
- Buồn tiểu liên tục nhưng lượng nước tiểu ít
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Đau hoặc tức ở bụng hoặc vùng chậu
- Có máu trong nước tiểu
- Nước tiểu đục hoặc sậm màu, có mùi nồng
- Đau trực tràng (ở nam giới)
Tùy thuộc vào vị trí bị nhiễm trùng trong đường tiết niệu mà người bệnh có thể còn bị đau ở thắt lưng và vùng hạ sườn. Đây có thể là những dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng đã lan đến thận. Ngoài đau, nhiễm trùng thận còn có các triệu chứng khác như:
- Buồn nôn
- Nôn
- Ớn lạnh
- Sốt
Các nguyên nhân khác gây nhiễm trùng đường tiết niệu
Quan hệ tình dục không phải là nguyên nhân duy nhất gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Có nhiều yếu tố có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Một số nguyên nhân phổ biến nhất có thể kể đến như:
- Không thể làm trống bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu
- Tắc nghẽn đường tiết niệu, ví dụ như do sỏi thận hoặc phì đại tuyến tiền liệt
- Sử dụng ống thông tiểu
- Thường xuyên sử dụng kháng sinh, điều này có thể phá vỡ sự cân bằng vi khuẩn trong đường tiết niệu
Khi nào cần đi khám?
Hãy đi khám càng sớm càng tốt khi nhận thấy các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu. Bác sĩ sẽ thăm khám để tìm nguyên nhân và kê thuốc điều trị phù hợp.
Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu
Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu đều có thể điều trị thành công bằng thuốc kháng sinh. Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), đa số các loại thuốc kháng sinh được dùng trong điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu đều rất hiệu quả và quá trình điều trị thường chỉ kéo dài vài ngày.
Ngoài kháng sinh còn có các loại thuốc khác để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, ví dụ như thuốc giảm đau để giảm nhẹ triệu chứng đau bụng hoặc khó chịu khi đi tiểu.
Trong những trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu phức tạp hoặc đã tiến triển nặng, bác sĩ sẽ kê thêm các loại thuốc khác hoặc chỉ định nhập viện điều trị.
Đối với những trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát nhiều lần (từ 3 lần trở lên trong một năm), các phương pháp điều trị gồm có:
- Dùng thuốc kháng sinh liều thấp trong 6 tháng
- Uống một liều kháng sinh ngay sau khi quan hệ tình dục
- Liệu pháp estrogen âm đạo cho phụ nữ đã mãn kinh
Trong thời gian điều trị, người bệnh cần:
- uống nhiều nước
- tránh các loại đồ uống gây kích thích bàng quang như:
- cà phê
- nước ngọt có ga
- nước trái cây họ cam quýt
- rượu bia
- chườm ấm lên lưng hoặc bụng để giảm đau
Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu
Các cách giúp ngăn nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát:
- Uống nhiều nước, ít nhất 6 đến 8 cốc mỗi ngày
- Thường xuyên đi tiểu trong ngày và đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn
- Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục
- Phụ nữ nên lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh để tránh đưa vi khuẩn từ hậu môn vào niệu đạo.
- Giữ vùng kín sạch sẽ bằng cách rửa nhẹ nhàng bằng nước ấm hàng ngày và trước khi quan hệ tình dục.
- Không sử dụng các biện pháp tránh thai chứa chất diệt tinh trùng.
- Không thụt rửa âm đạo và sử dụng các sản phẩm có mùi thơm ở vùng kín như xịt khử mùi, băng vệ sinh, tampon…
- Không mặc quần chật
Bổ sung men vi sinh cũng là một cách để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Men vi sinh giúp tăng số lượng lợi khuẩn, nhờ đó khôi phục sự cân bằng vi khuẩn trong âm đạo và giữ cho hệ sinh dục cũng như tiết niệu khỏe mạnh.
Tóm tắt bài viết
Quan hệ tình dục có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng có thể thực hiện một số cách đơn giản để giảm nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục, giữ vệ sinh vùng kín và sử dụng biện pháp tránh thai không có chất diệt tinh trùng.
Hãy đi khám ngay khi có bất kỳ dấu hiệu nào của nhiễm trùng đường tiết niệu như nóng rát khi đi tiểu, có máu trong nước tiểu, đau bụng hoặc hai bên hạ sườn.
>>> Tham khảo thêm: Nhiễm Trùng Đường Tiết Niệu Ở Người Lớn: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Nghiên cứu cho thấy rằng một số loại thực phẩm và đồ uống, chẳng hạn như nước ngọt có ga, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên vẫn cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và nhiễm trùng đường tiết
Ngày càng có nhiều người tìm đến các phương pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Một trong những phương pháp đó là sử dụng tinh dầu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính là nhiễm trùng đường tiết niệu không đáp ứng với điều trị hoặc tiếp tục tái phát sau điều trị.
Sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh có thể dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh. Vì lý do này nên ngày càng có nhiều người muốn tìm các biện pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát và một trong những cách đó là sử dụng tinh dầu.
Dầu dừa là một trong những phương pháp tự nhiên được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Lý do là bởi dầu dừa có chứa các axit béo có đặc tính kháng khuẩn giúp chống lại nhiễm trùng.