1

Cách giảm khó chịu sau khi đặt stent niệu quản

Stent niệu quản có tác dụng giữ cho niệu quả mở rộng, giúp nước tiểu chảy từ thận xuống bàng quang một cách dễ dàng. Stent niệu quả thường được sử dụng khi niệu quản bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, ví dụ như do sỏi thận. Tuy nhiên, người bệnh có thể sẽ cảm thấy khó chịu sau khi đặt stent niệu quản, đặc biệt là ở thời gian đầu. Điều này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày.
Cách giảm khó chịu sau khi đặt stent niệu quản Cách giảm khó chịu sau khi đặt stent niệu quản

Cách giảm khó chịu sau khi đặt stent niệu quản

Ngủ đủ giấc là điều rất quan trọng để nhanh chóng hồi phục sau khi đặt stent niệu quản. Cơ thể cần thời gian để hồi phục và lấy lại năng lượng. Và chỉ khi cảm thấy thoải mái thì mới có thể ngủ ngon giấc.

Dưới đây là các cách giúp làm giảm cảm giác khó chịu sau khi đặt stent niệu quản và cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Sử dụng thuốc

Thuốc chẹn alpha

Thuốc chẹn alpha là nhóm thuốc thường được sử dụng để giảm đau sau khi đặt stent niệu quản. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có tamsulosin và alfuzosin.

Thuốc chẹn alpha có tác dụng giảm co thắt cơ trong niệu quản, nhờ đó làm giảm các cơn đau và đồng thời giữ cho niệu quản mở rộng.

Nếu bị đau và khó chịu sau khi đặt stent, bạn có thể hỏi bác sĩ về việc sử dụng thuốc chẹn alpha.

Tuy nhiên, giống như nhiều loại thuốc khác, thuốc chẹn alpha cũng có tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ thường gặp gồm có:

  • Chóng mặt khi đứng dậy
  • Nghẹt mũi
  • Xuất tinh ngược (ở nam giới)

Thuốc kháng cholinergic

Thuốc kháng cholinergic là một lựa chọn thay thế cho thuốc chẹn alpha. Những loại thuốc này giúp làm giảm một số triệu chứng khó chịu sau khi đặt stent niệu quản, chẳng hạn như đi tiểu nhiều lần và tiểu gấp.

Nếu các triệu chứng khó chịu này gây gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm, bạn có thể hỏi bác sĩ về thuốc kháng cholinergic. Một loại thuốc trong nhóm này là solifenacin.

Thuốc kháng cholinergic thường được dùng cho các vấn đề khác như bàng quang tăng hoạt (OAB). Một số tác dụng phụ của thuốc kháng cholinergic là khô miệng và táo bón.

Kết quả của nghiên cứu mới đây làm dấy lên lo ngại về nguy cơ sa sút trí tuệ khi sử dụng thuốc kháng cholinergic, đặc biệt là ở người trên 65 tuổi. Bạn nên trao đổi kỹ với bác sĩ về những rủi ro khi sử dụng thuốc và dùng thuốc đúng liều.

Thuốc giảm đau không kê đơn

Uống thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc acetaminophen, trước khi đi ngủ có thể giúp giảm bớt cảm giác khó chịu do stent niệu quản, nhờ đó giúp ngủ sâu giấc hơn.

Nhờ tác dụng giảm đau và đồng thời chống viêm nên ibuprofen sẽ hiệu quả hơn so với các loại thuốc giảm đau không kê đơn khác đối với cơn đau do đặt stent niệu quản.

Tuy nhiên, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng aspirin. Aspirin là một loại thuốc làm loãng máu và có thể làm tăng nguy cơ chảy máu sau khi đặt stent.

Điều chỉnh thời gian uống nước

Nên uống nhiều nước sau khi đặt stent niệu quản nhưng không nên uống nước sát giờ đi ngủ.

Uống nước gần giờ đi ngủ sẽ gây tiểu nhiều vào ban đêm và làm gián đoạn giấc ngủ.

Để tránh xảy ra điều này, hãy uống nhiều nước vào ban ngày và giảm lượng nước sau bữa tối. Điều này sẽ giúp giảm hoặc tránh phải thức giấc nhiều lần vào ban đêm để đi tiểu.

Uống nhiều nước là điều cần thiết để giữ cho cơ thể có đủ nước và giúp thận hoạt động hiệu quả hơn. Nếu nước tiểu có màu vàng nhạt thì có nghĩa là bạn đang uống đủ nước. Còn nếu nước tiểu có màu cam đến nâu thì có nghĩa là cơ thể đang bị thiếu nước.

Không tập thể dục trong vài giờ trước khi đi ngủ

Hoạt động thể chất và tập thể dục có thể làm tăng cảm giác khó chịu. Tránh các hoạt động này trước khi đi ngủ sẽ giúp ngủ ngon giấc hơn.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phải tránh hoạt động thể chất hoàn toàn, chỉ là nên tránh hoạt động thể chất trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ.

Điều chỉnh tư thế ngủ

Một số khảo sát cho thấy mọi người cảm thấy dễ chịu hơn khi nằm nghiêng về phía đối diện vị trí đặt stent.

Tuy nhiên, điều này chưa được nghiên cứu chứng minh và mỗi người có tư thế ngủ thoải mái của riêng mình. Hãy thử các tư thế nằm khác nhau cho đến khi tìm được tư thế mà bạn cảm thấy thoải mái nhất.

Những hoạt động cần tránh sau khi đặt stent niệu quản

Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể những hoạt động cần tránh sau khi đặt stent niệu quản.

Thông thường, bạn có thể sinh hoạt, làm việc, vận động như bình thường và thậm chí vẫn có thể quan hệ tình dục sau khi đặt stent, miễn là không cảm thấy khó chịu.

Tuy nhiên, nếu sử dụng loại stent có dây thì cần phải thận trọng hơn. Đây là một loại stent đặc biệt được thiết kế để người bệnh có thể tự tháo stent sau một thời gian nhất định.

Stent có dây có nguy cơ lệch khỏi vị trí cao hơn một chút so với stent không dây. Không nên quan hệ tình dục trong khi đang đặt stent để tránh làm lệch stent.

Theo một nghiên cứu vào năm 2015, những người sử dụng stent có dây có tỷ lệ bị rối loạn giấc ngủ cao hơn một chút so với những người sử dụng stent không dây.

Khi đi ngủ, hãy đảm bảo sợi dây nằm ở vị trí mà bạn có thể dễ dàng tìm được. Đôi khi cần phải dán cố định dây vào chân hoặc bẹn để tránh dây bị tụt vào bên trong.

Các vấn đề không mong muốn sau khi đặt stent niệu quản

Stent niệu quản có thể gây kích thích và dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu như:

  • Tiểu ra máu
  • Đau ở vùng hạ sườn hoặc vùng chậu
  • Tiểu không tự chủ
  • Đau khi đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Tiểu gấp

Đa phần, các triệu chứng này sẽ giảm dần trong vòng vài ngày khi cơ thể đã quen với sự hiện diện của stent.

Mặc dù stent niệu quản có thể gây khó chịu nhưng đa phần không gây đau dữ dội. Nếu đã dùng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc thuốc kê đơn mà tình trạng đau vẫn không đỡ thì nên báo cho bác sĩ.

Đau dữ dội có thể là dấu hiệu cho thấy stent niệu quả đang không ở đúng vị trí. Một số người còn cho biết stent bị rơi ra khi họ cảm thấy đau dữ dội.

Khi nào cần đi khám?

Đặt stent niệu quản có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Hãy đi khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng nhiễm trùng dưới đây:

  • Nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc có cục máu đông
  • Nước tiểu đục, có mùi bất thường
  • Cảm giác đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Tiểu nhiều lần
  • Tiểu gấp
  • Sốt cao trên 38°C
  • Mệt mỏi, khó chịu hoặc cảm giác người không được khỏe
  • Cơn đau ngày càng dữ dội ở hạ sườn hoặc vùng chậu
  • Cảm giác tiểu không hết

Hãy đi khám ngay khi có các triệu chứng nhiễm trùng hoặc nghi ngờ stent đã lệch khỏi vị trí.

Tóm tắt bài viết

Stent niệu quản là một giải pháp cần thiết để giữ cho thận hoạt động tốt nhưng việc đặt stent có thể gây khó chịu, nhất là vào thời gian đầu. Nếu bạn cảm thấy khó chịu thì có thể thử dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn hoặc hỏi bác sĩ về thuốc chẹn alpha hay thuốc kháng cholinergic. Một số điều chỉnh về thói quen sống cũng có thể giúp làm giảm cảm giác khó chịu và cải thiện chất lượng giấc ngủ khi đặt stent niệu quản, ví dụ như không uống nước và vận động mạnh sát giờ đi ngủ, điều chỉnh tư thế ngủ.

Đa phần, các triệu chứng khó chịu sẽ tự hết trong vòng vài ngày và bạn có thể sinh hoạt bình thường khi đặt stent niệu quản.

Nếu bị đau dữ dội hoặc đau kéo dài dai dẳng thì nên đi khám vì rất có thể stent đã bị lệch khỏi vị trí.

Ngoài ra, nên đi khám khi có các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu như tiểu ra máu, sốt, mệt mỏi, đau khi đi tiểu và tiểu nhiều lần.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: khó chịu
Tin liên quan
Trào ngược bàng quang - niệu quản điều trị bằng cách nào?
Trào ngược bàng quang - niệu quản điều trị bằng cách nào?

Trào ngược bàng quang - niệu quản (vesicoureteral reflux) là tình trạng nước tiểu chảy ngược từ bàng quang vào một hoặc cả hai niệu quản (ống nối bàng quang với thận).

Sỏi niệu quản: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Sỏi niệu quản: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Sỏi niệu quản thực chất là sỏi thận. Viên sỏi có thể di chuyển từ thận đến các khu vực khác trong đường tiết niệu.

Cách tự nhiên để giảm mức PSA (kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt)
Cách tự nhiên để giảm mức PSA (kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt)

Nếu xét nghiệm PSA (kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) cho kết quả cao bất thường, bác sĩ sẽ đưa yêu cầu thực hiện thêm một vài bước kiểm tra để xác định nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị. Tuy nhiên ngoài ra còn có một số cách tự nhiên để làm giảm mức PSA.

Các cách giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt?
Các cách giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt?

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), đây cũng là bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao thứ hai sau ung thư phổi ở nam giới tại quốc gia này. Ung thư tuyến tiền liệt có thể xảy ra ở bất cứ nam giới nào.Mặc dù không có cách nào có thể ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt một cách tuyệt đối nhưng có một số cách để giảm nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như duy trì cân nặng vừa phải, tập thể dục thường xuyên và chú ý đến chế độ ăn uống.

Đa niệu: Nguyên nhân và cách điều trị
Đa niệu: Nguyên nhân và cách điều trị

Bài tiết quá nhiều nước tiểu là một tình trạng phổ biến. Điều này có thể xảy ra vào ban đêm và gây tiểu đêm. Đa niệu có thể chỉ xảy ra trong thời gian ngắn do uống quá nhiều nước hoặc do thuốc nhưng cũng có thể kéo dài nếu nguyên nhân do bệnh lý.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây