Thuyên tắc và phình động mạch có gì giống và khác nhau

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin rõ hơn về hai tình trạng này, mối liên hệ và những gì cần lưu ý nếu gặp phải.
Thuyên tắc là gì?
Thuyên tắc là tình trạng cục máu đông bị tách ra khỏi thành mạch và di chuyển đến các vùng khác trong cơ thể. Cục này thường bao gồm các tế bào máu đông, mỡ hoặc cholesterol.
Khi cục máu đông còn bám vào thành mạch, nó được gọi là huyết khối (thrombus). Nếu nó vỡ ra và di chuyển, tình trạng này được gọi là thuyên tắc (embolus). Bác sĩ cũng có thể dùng thuật ngữ thuyên tắc huyết khối (thromboembolism) để chỉ cục máu đông đã tách ra và lưu thông trong cơ thể.
Khi cục máu đông di chuyển và gây tắc nghẽn ở các mạch máu khác nhau, nó có thể gây ra nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm:
- Thuyên tắc phổi (pulmonary embolism): Cục máu đông làm tắc động mạch phổi, gây suy hô hấp nghiêm trọng.
- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ (ischemic stroke): Xảy ra khi cục máu đông làm tắc mạch máu trong não.
- Nhồi máu cơ tim (myocardial infarction): Khi cục máu đông gây tắc động mạch nuôi tim, dẫn đến cơn đau tim.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu (deep vein thrombosis - DVT): Một cục máu đông lớn hình thành trong tĩnh mạch sâu, thường ở chân. Nếu vỡ ra, nó có thể di chuyển đến phổi, tim hoặc não và gây hậu quả nghiêm trọng.
Phình động mạch là gì?
Phình động mạch xảy ra khi thành động mạch bị yếu hoặc bị tổn thương, dẫn đến việc thành mạch phình to như một quả bóng. Nếu vỡ ra, nó có thể gây chảy máu nội tạng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Tình trạng này thường xảy ra do huyết áp cao và xơ vữa động mạch, khiến thành mạch suy yếu theo thời gian.
Phình động mạch có thể xảy ra ở nhiều vị trí trong cơ thể, bao gồm:
- Não
- Tim
- Lá lách
- Phổi
- Động mạch chủ
- Chân
Một số dạng phình động mạch phổ biến bao gồm:
- Phình động mạch chủ bụng: Xảy ra khi động mạch chủ trong bụng bị giãn hoặc vỡ. Nếu vỡ, nó có thể gây mất máu nghiêm trọng và tử vong nhanh chóng.
- Đột quỵ xuất huyết não: Xảy ra khi phình động mạch não bị vỡ, gây chảy máu trong não.
Cục máu đông có tác động như thế nào trong việc hình thành hai bệnh lý này?
Cả phình động mạch và thuyên tắc đều xảy ra do cục máu đông. Một số trường hợp phình động mạch có thể do huyết khối hình thành trên thành mạch, làm mạch yếu đi và dẫn đến bị vỡ ra. Trong khi đó, thuyên tắc là do cục máu đông rơi ra từ thành mạch, di chuyển trong cơ thể và gây tắc nghẽn.
Phình động mạch và thuyên tắc giống nhau ở điểm nào?
Cả hai tình trạng đều làm gián đoạn dòng máu đến các cơ quan quan trọng như não và tim, có thể gây tử vong.
Não và tim cần được cung cấp máu liên tục. Mô não có thể bắt đầu chết sau 5 phút nếu không được cấp máu và tổn thương này không thể phục hồi. Tim cũng tương tự—tế bào tim chết rất nhanh khi bị thiếu máu và mức độ tổn thương phụ thuộc vào thời gian tắc nghẽn trước khi máu được khôi phục.
Triệu chứng của phình động mạch và thuyên tắc
Các triệu chứng của phình động mạch và thuyên tắc sẽ phụ thuộc vào vị trí tổn thương, nhưng có thể bao gồm:
- Mất ý thức
- Chóng mặt
- Lú lẫn
- Nhịp tim nhanh
- Chảy máu
- Khó thở
- Ngừng tim
Phân biệt phình động mạch và thuyên tắc
Điểm khác biệt chính giữa hai tình trạng này là cơ chế gây gián đoạn dòng máu.
- Phình động mạch xảy ra khi thành mạch yếu đi và vỡ, dẫn đến chảy máu trong. Điều này dẫn đến hậu qủa là máu không thể đến được các cơ quan quan trọng.
- Thuyên tắc xảy ra khi một cục máu đông hoặc mảng xơ vữa bị kẹt trong lòng mạch, làm tắc dòng chảy của máu.
Phương pháp điều trị cũng khác nhau. Nếu bạn có nguy cơ cao bị hình thành cục máu đông, bác sĩ có thể kê thuốc chống đông máu để ngăn ngừa hình thành huyết khối. Trong trường hợp thuyên tắc nghiêm trọng, thuốc tiêu sợi huyết như tissue plasminogen activator (tPA) có thể được tiêm để làm tan nhanh cục máu đông.
Mối liên hệ giữa thuyên tắc và phình động mạch
Dù có nguyên nhân khác nhau nhưng cả hai tình trạng đều làm gián đoạn dòng máu và có chung một số yếu tố nguy cơ, bao gồm:
- Huyết áp cao
- Cholesterol cao
- Hút thuốc lá
- Béo phì
- Mang thai
- Tiền sử bệnh tim hoặc đột quỵ
Khi nào cần cấp cứu ngay?
Nếu một cơ quan quan trọng bị ảnh hưởng do thuyên tắc hoặc phình động mạch, bệnh nhân cần được cấp cứu kịp thời. Những triệu chứng cảnh báo bao gồm:
- Đau dữ dội ở vùng bị ảnh hưởng, chẳng hạn như đau ngực hoặc đau đầu
- Khó thở
- Chóng mặt
Nếu xuất hiện các triệu chứng trên, bạn không nên chần chừ mà phải xử lý ngay. Nếu người bệnh mất ý thức hoặc ngừng tim, những người xung quanh cần gọi cấp cứu ngay và thực hiện hồi sức tim phổi (CPR).
Kết luận
Cả phình động mạch và thuyên tắc đều có thể gây tắc nghẽn dòng máu, nhưng cơ chế lại khác nhau—phình động mạch là do chảy máu, còn thuyên tắc là do cục máu đông. Cả hai đều có thể đe dọa tính mạng nếu làm gián đoạn lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng. Do đó, nếu có triệu chứng nghi ngờ, bạn cần đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất trong cơ thể. Động mạch này đi ra từ tim, đi lên một đoạn ngắn rối uốn cong và đi xuống dưới. Phần bên dưới đoạn uốn cong được gọi là động mạch chủ xuống (descending aorta), nối với một mạng lưới các động mạch vận chuyển máu giàu oxy phần lớn cơ thể. Phần động mạch chủ đi ra từ tim đến đoạn uốn cong được gọi là động mạch chủ lên (ascending aorta).

Phẫu thuật điều trị phình động mạch chủ nói chung là an toàn nhưng đôi khi có thể xảy ra các biến chứng như cục máu đông, thiếu máu cục bộ và chảy máu. Bác sĩ sẽ trao đổi cụ thể về nguy cơ biến chứng trước khi phẫu thuật.

Phình động mạch chủ bụng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào bên dưới cơ hoành nhưng vùng bên dưới thận là khu vực có nguy cơ cao nhất. Tình trạng phình động mạch chủ ở khu vực này được gọi là phình động mạch chủ bụng dưới thận.

Phình động mạch chủ ngực (thoracic aortic aneurysm) là tình trạng một phần của động mạch chủ bị suy yếu và phồng lên. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm. Phình động mạch chủ ngực thường không có triệu chứng khi chưa vỡ. Phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Trong một số trường hợp, phình động mạch chủ có thể được điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật, chẳng hạn như dùng thuốc và thay đổi lối sống. Mục tiêu điều trị là giảm nguy cơ túi phình động mạch phát triển hoặc vỡ.